‘Mua sắm qua mạng nên được công nhận là chứng rối loạn tâm thần’

Thứ Hai, 02 Tháng Mười Hai 20195:00 CH(Xem: 3643)
‘Mua sắm qua mạng nên được công nhận là chứng rối loạn tâm thần’

Các nhà trị liệu tâm lý đang tranh luận rằng, nghiện mua sắm trực tuyến nên được công nhận là một chứng rối loạn tâm thần thực tế.

Dân Trí đăng tải, “nghiện mua sắm” đã từng được công nhận là một hội chứng rối loạn tâm thần cách đây nhiều thập kỷ, mà những người mắc phải hội chứng này sẽ cảm thấy mất kiểm soát khi mua sắm cũng như thường xuyên cảm thấy háo hức, thỏa mãn khi thực hiện các giao dịch mua mới những thứ cần thiết hoặc thậm chí không hề cần dùng đến.

Cùng với sự phát triển của Internet và các trang thương mại điện tử, người dùng giờ đây không còn cần phải đến tận các cửa hàng để mua sắm mà có thể lựa chọn và mua sắm những thứ cần thiết qua mạng Internet. 

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Kiến thức Tâm thần của các bác sĩ thuộc trường đại học Y Hannover (Đức) cho biết, nghiện mua sắm trực tuyến là một chứng rối loạn tâm thần và kêu gọi cần phải chính thức công nhận hội chứng này vì khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người mắc phải.

Các bác sĩ đã kiểm tra và phân tích 122 người thường xuyên mua sắm trực tuyến trên Internet và phát hiện ra rằng, những người này có nguy cơ mắc một số vấn đề về tâm thần như: khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ, tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm và mức độ lo lắng cao hơn bình thường…

pon-2-600x375
Theo nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đức, chứng nghiện mua sắm trực tuyến có thể dẫn đến tỷ lệ lo lắng và trầm cảm cao hơn (ảnh minh họa).

Các nhà khoa học cho biết, khoảng 5% dân số thế giới đang mắc hội chứng nghiện mua sắm, 1/3 trong số đó mắc hội chứng nghiện mua sắm trực tuyến. Những người trẻ tuổi có tỷ lệ mắc chứng nghiện mua sắm trực tuyến nhiều hơn vì đây là đối tượng sử dụng các thiết bị công nghệ và Internet nhiều nhất.

Theo Vietnamnet, những nguyên nhân khiến cho nhiều người nghiện mua sắm trực tuyến là vì các cửa hàng trực tuyến làm việc 24 giờ một ngày, mọi người có thể mua đồ mà không phải tiếp xúc với chủ cửa hàng hoặc phải xách nặng. Mọi người có thể mua hầu hết mọi thứ trực tuyến từ các trang web như Amazon hay Boohoo, thậm chí được giảm giá hơn cả mua hàng ngoại tuyến.

“Đã đến lúc nhận ra rối loạn mua sắm là tình trạng sức khỏe tâm thần riêng biệt và tích lũy thêm kiến ​​thức về rối loạn mua sắm trên Internet”, Tiến sĩ Astrid Müller một nhà trị liệu tâm lý tại Trường Y khoa Hannover ở Đức và các đồng nghiệp của cô cho biết tình trạng này đã không được công nhận trong thời gian quá lâu.

Tiến sĩ Müller nói thêm: “Chúng tôi hy vọng rằng kết quả này sẽ cho thấy rằng tỷ lệ mua sắm trực tuyến gây nghiện ở những bệnh nhân tìm kiếm điều trị rối loạn mua sắm sẽ khuyến khích các nghiên cứu trong tương lai giải quyết những đặc điểm hiện tượng khác biệt, các đặc điểm cơ bản, bệnh đi kèm và khái niệm điều trị cụ thể”.

pon-4
Mua sắm online đang là xu thế nhưng cũng để lại nhiều hệ luỵ không tốt cho người mua (ảnh minh hoạ).

Các cách hạn chế, phòng ngừa “rối loạn mua sắm”:

1. Luôn nghĩ về lý do tại sao bạn cần mua sắm.

2. Không nên mua sắm một mình, tập thói quen hỏi ý kiến người khác trước khi mua một thứ gì.

3. Có kế hoạch mua sắm rõ ràng, gạch bỏ những thứ không cần thiết.

4. Hạn chế theo dõi các trang, cửa hàng bán đồ online.

5. Mỗi tháng chỉ nên mua sắm 1-2 lần, mua trong khoản tiền đề ra, không tiêu quá.

6. Nên mua những hàng chất lượng cao, bền lâu để tránh phải mua sắm nhiều lần nếu đồ hỏng.

7. Nghĩ đến những hậu quả khi bạn sa đà vào mua sắm trực tuyến như mệt mỏi, mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc cũng như các mối quan hệ và quan trọng là bạn sẽ phải nợ nần nếu tiêu quá, ảnh hưởng đến tài chính cho những việc chi tiêu gia đình khác.

8. Nên xoá các ứng dụng, app, trình duyệt mua sắm trên điện thoại cũng như trên máy tính.

9. Thời gian rảnh nên đọc sách, tập thể thao, giao lưu cùng bạn bè, người thân… Tránh cầm vào điện thoại quá nhiều.

10. Cuối cùng là luôn nghiêm khắc với bản thân, có thể nhờ người khác nhắc nhở, sát sao (hoặc giữ hộ ví tiền) trong quá trình bỏ thói quen mua sắm online.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn