Tín đồ Hồi giáo đảo lộn ở nơi không có Mặt Trời

Thứ Sáu, 29 Tháng Mười Một 20195:00 SA(Xem: 3478)
Tín đồ Hồi giáo đảo lộn ở nơi không có Mặt Trời
bbc.com

Tín đồ Hồi giáo đảo lộn ở nơi không có Mặt Trời

Fortunato Salazar BBC Travel

Fortunato Salazar Bản quyền hình ảnh Fortunato Salazar

Gần nửa đêm ngày 27/7, rất đông du khách tới thăm thành phố Tromsø của Na Uy - thành phố lớn nhất ở phía bắc Vòng Bắc Cực mà không thuộc Nga - đổ về Núi Storsteinen, hay 'ngọn núi', như cách gọi của người dân địa phương.

Một số người leo núi đêm gan dạ đã băng lên một con đường mòn dốc xuyên qua khu rừng dọc theo sườn núi; những người tham vọng nhất thì leo gần như theo chiều thẳng đứng để lên đến đỉnh. (Tôi đã thử sức, nhưng tôi mang sai giày) Những người khác được đưa cái vèo lên bằng Fjellheisen, hệ thống xe điện trên không nổi tiếng ở ngọn núi này.

Dựa vào Mặt Trời

Trên đỉnh núi, đám đông tụ tập nhiệt thành đang chờ đợi Mặt Trời biến mất. Vầng thái dương đã không hề vắng mặt trên bầu trời ở Tromsø trong suốt hai tháng tròn.

Ngay trước mắt chúng tôi, Mặt Trời biến mất, để lại vệt sáng huy hoàng với màu hồng, tím và cam Bắc Cực rực rỡ. Và một giờ sau đó, nó xuất hiện trở lại, bắt đầu chu kỳ ban ngày bị rút ngắn dần dần ở Tromsø cho đến khi bắt đầu khoảng thời gian hoàn toàn không có ánh sáng mặt trời vào giữa mùa đông.

Thật kỳ lạ, cộng đồng Hồi giáo đông đáng kể ở Tromsø không mấy chú ý đến cảnh tượng này. Bất cứ khi nào tôi đề cập đến việc Mặt Trời sắp lặn với một cư dân Hồi giáo, câu trả lời là một cái nhún vai.

Đằng sau sự thờ ơ này là một câu chuyện thú vị về sự dịch chuyển văn hóa, sự hoài niệm, sự điều chỉnh và tranh luận bất tận về những điều tỉ mỉ của thiên văn học mặt trời.

Không có tôn giáo lớn nào có nghi thức hàng ngày gắn chặt với sự chuyển động của Mặt Trời như Hồi giáo.

"Khi còn nhỏ, tôi đã đợi ngắm bình minh và hoàng hôn," Hussein Abdi Yusuf nói với vẻ hoài niệm, "và tôi lắng nghe năm lần một ngày tiếng hô kêu gọi cầu nguyện từ các thánh đường".

Yusuf là imam (giáo sỹ chính) của Al Rahma, thánh đường nhỏ hơn trong số hai thánh đường ở Tromsø tọa lạc trong một ngôi nhà xanh đơn điệu mà các tín đồ đã thuê từ năm 1991.

Nói năng nhỏ nhẹ và ân cần, Yusuf lớn lên trong một gia đình sùng đạo ở Somalia mà, như ông nói, mọi thứ xoay xung quanh thời gian cầu nguyện vốn được xác định bởi bình minh và hoàng hôn.


Trong hoàn cảnh bình thường, buổi cầu nguyện đầu tiên trong số năm lần cầu nguyện mỗi ngày (Fajr) phải diễn ra trước khi mặt trời mọc; và buổi cầu nguyện cuối cùng (Isha) diễn ra không lâu sau Maghrib, buổi cầu nguyện hoàng hôn.

Những người khác trong cộng đồng Hồi giáo ở Tromsø đã kể cho tôi nghe những câu chuyện tương tự về sự chuyển đổi ra khỏi trật tự bình minh và hoàng hôn thời thơ ấu.

Mansoor Waizy, vốn nằm trong hội đồng quản trị Alnor Senter, là thánh đường lớn hơn trong số hai thánh đường, đã kể cho tôi nghe về câu chuyện ông thoát ly Kabul đến Đức và ở Kabul 'người ta đã chia ngày theo thời gian cầu nguyện như thế nào' trong khi ở Đức, nhịp điệu của ngày làm việc được ưu tiên.

"Ở Đức, sự thay đổi thật nản," Waizy nói, "nhưng ít nhất Mặt Trời vẫn mọc và lặn."

Đông đúc Hồi giáo

Năm 2007, ông chuyển đến Tromsø và nhớ lại ông đã mất phương hướng như thế nào khi cầu nguyện cho thời Maghrib khi Mặt trời vẫn còn cao. "Tôi đã cầu nguyện một cách thực sự bối rối," ông nói.

Giải pháp để khắc phục, hoặc ít nhất là giảm bớt sự nhầm lẫn này, có lẽ là thách thức về tôn giáo hàng đầu đối với các cộng đồng Hồi giáo Bắc Cực của Na Uy.

(Ngoài hai thánh đường Hồi giáo ở Tromsø, còn có một thánh đường nhỏ ở thành phố Alta về phía đông và xa một chút về phía bắc, và một cái nữa ở Hammerfest, thậm chí xa hơn về phía bắc.)

Đâu là thỏa hiệp có thể chấp nhận được khi Mặt Trời hoạt động theo cách không tương thích với những nguyên tắc cơ bản của lịch cầu nguyện Hồi giáo?

"Chúng tôi vẫn đang cố gắng nghĩ ra cách," Ole Martin Risan, người sinh ra ở Tromsø đã cải theo đạo Hồi, trả lời khi chúng tôi trò chuyện ở nhà bếp của Alnor Senter, nằm cách Al Rahma hai dãy nhà về phía nam gần trung tâm du lịch của Tromsø.

Alnor Senter chiếm một phòng tập nhảy cũ không bắt mắt nhưng rộng rãi trên một con đường dốc đứng thoai thoải về phía bờ sông của Tromsø.

Mặc dù rộng rãi là vậy, thánh đường này vẫn có thể có cảm giác nhỏ hẹp vào giờ cầu nguyện: vào các buổi cầu nguyện chiều và tối thứ Sáu mà tôi tham dự, phòng cầu nguyện tràn ra tới ngoài rìa.

Vào ngày cầu nguyện đông đúc nhất trong năm, Eid al-Fitr, ngày lễ đánh dấu kết thúc tháng Ramadan, hội chúng tập hợp rất đông - lên đến gần ba chữ số - đến nỗi Alnor Senter và Al Rahma cùng hợp lực và cùng nhau cầu nguyện ở một nhà thi đấu của thành phố vốn là sân nhà của đội bóng rổ Tromsø Storm.

Vấn đề của việc đáp ứng nhu cầu của các tín đồ được thúc đẩy bởi hai yếu tố: du lịch và nhập cư, cả hai yếu tố này đều đang mở rộng cộng đồng Hồi giáo ở Tromsø cả cố định và tạm thời.

Bùng nổ du lịch

"Trong vài năm gần đây, du lịch đã bùng nổ," Nadia Hakmi, vốn sinh ra trong một gia đình Hồi giáo ở Tromsø và làm việc trong lĩnh vực du thuyền nhộn nhịp của ngành du lịch ở Tromsø, nói.

Tromsø được tiếp thị mạnh mẽ ở Đông Nam Á như một tiền đồn thiên nhiên hoang dã với bầu trời sáng rực cực quang trong khi gấu Bắc Cực đi khắp các đường phố.

Khách du lịch Hồi giáo thường ghé vào Alnor Senter để giữ đúng thói quen cầu nguyện hàng ngày.

"Đôi khi, phòng cầu nguyện trở nên quá đông đúc [du khách] đến nỗi hội chúng tràn ra các phòng học lân cận," Siv Samira Kofoed, người cầu nguyện ở Alnor Senter lâu năm, nói.

Du lịch là trung tâm của nền kinh tế địa phương, đến nỗi Tromsø nằm trong số những nơi có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất ở Na Uy, theo Yusuf.

Một phần do chính sự thịnh vượng này đã thu hút những người nhập cư từ các quốc gia như Somalia và Ethiopia vốn tìm cách chạy trốn chiến tranh và nghèo đói và tìm thấy sự ổn định và cơ hội ở phía bắc châu Âu.

Sau lễ cầu nguyện ở Alnor Senter, tôi trò chuyện với một vài chàng trai trẻ theo học tại Đại học Tromsø. Ở đó, họ có rất nhiều cơ hội xây dựng sự nghiệp để tận dụng.

Một số người cho biết họ dự kiến sẽ chuyển đến phía nam tới Oslo hoặc Stockholm sau khi lấy bằng; còn những người khác hình dung họ sẽ cầu nguyện với con cái trong phòng cầu nguyện ở Alnor Senter.

Những người ở lại sẽ tiếp tục truyền thống tìm cách dung hòa các buổi lễ cầu nguyện Hồi giáo truyền thống hàng ngày với những đặc thù của thiên văn Bắc Cực.

Tại Alnor Senter, nỗ lực này bắt đầu từ thời thành lập thánh đường vào năm 2006 nhờ công của một người cải đạo khác sinh ra ở Tromsø là Sandra (Maryam) Moe.

Moe và các lãnh đạo khác của thánh đường đã liên lạc với các học giả Hồi giáo ở Ả Rập Saudi, Ai Cập và Kuwait, đặt ra câu hỏi về vấn đề Mặt Trời mọc lúc nửa đêm và ảnh hưởng của nó đối với lịch trình cầu nguyện hàng ngày.

Bản quyền hình ảnh Fortunato Salazar

Các học giả đã đưa ra một fatwa (ý luật), theo đó có ba lựa chọn: phối hợp thời gian cầu nguyện với quốc gia gần nhất nơi Mặt Trời mọc và lặn thường xuyên trong suốt cả năm; cho phép mỗi tín đồ đến thánh đường phối hợp với thời gian cầu nguyện ở nước xuất xứ của họ; hoặc đồng bộ hóa thời gian ở Tromsø với bình minh và hoàng hôn ở thành phố thánh địa Mecca, nơi sinh của nhà tiên tri Muhammad.

Giải pháp bước ngoặt

Cả hai thánh đường ở Tromsø đều đồng ý với lựa chọn cuối cùng, ít nhất là tạm thời. "Cho đến khi chúng tôi có lựa chọn gì đó tốt hơn," Wai Waizy nói.

Ông và những người khác tin rằng những cách sắp xếp được đề xuất này không giải quyết đầy đủ bản sắc mới của họ là người Hồi giáo Na Uy. Nó chỉ đơn giản là áp đặt lịch trình của một nơi xa xôi.

Việc tìm kiếm một giải pháp tốt hơn đã có một bước ngoặt vào tháng Tư năm nay khi các imam của hai thánh đường đến Thụy Điển để tranh luận về vấn đề thời gian cầu nguyện, và vấn đề riêng biệt nhưng cũng có liên quan về việc nhịn ăn trong tháng Ramadan, với các học giả Hồi giáo đến từ Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan, cũng như các đại diện từ các cộng đồng ở Alta và Hammerfest.

Sau nhiều lần cân nhắc, các học giả đã đưa ra một gợi ý, về cơ bản là đề xuất địa phương hóa hai buổi cầu nguyện vào buổi chiều - Zuhr Asr - bằng cách xác định vị trí cao nhất của Mặt Trời hàng ngày theo quan sát từ mỗi thánh đường riêng lẻ. (Vào mùa đông, sẽ phải quan sát gián tiếp, thông qua tính toán, nhưng nó vẫn sẽ gắn chặt với từng địa điểm riêng lẻ.)

Đối với những buổi cầu nguyện sớm hơn và muộn hơn trong ngày, lịch trình sẽ có điều chỉnh để gắn bình minh và hoàng hôn ở Mecca để làm tròn một lịch trình cầu nguyện hàng ngày cân bằng.

Kể từ tháng Tư, sự tổng hợp thời gian địa phương và Mecca đã là hệ thống chính thức của lễ cầu nguyện ở Tromsø. Tuy nhiên, đây là công việc đang tiến triển.

Như Hakmi giải thích, "người ta đã luôn đồng ý rằng sẽ không có quyết định nào là cuối cùng. Quá trình này đang diễn ra."

Thật vậy, vào giữa tháng 12/2019, thánh đường Tromsø sẽ tổ chức một hội nghị tiếp theo nhằm để xem xét lại lịch trình được xây dựng thử nghiệm hồi tháng Tư.

Không phải ai cũng tuân thủ lịch trình mới: một vài tín đồ tiếp tục tuân theo thời gian của Mecca, trong khi những người khác vẫn gắn bó với đất nước của họ - Yusuf chỉ ra hai tín đồ ở Al Rahma, những người canh giờ cầu nguyện của họ theo bình minh và hoàng hôn ở Paris, quê hương của họ.

Chúng tôi bước trên bậc thềm sau của Al Rahma ngay sau khi buổi cầu nguyện tối, khi các tín đồ còn nấn ná trò chuyện trong khu đất nhỏ phía sau nhà kính.

Tôi hỏi Yusuf rằng viễn cảnh mùa đông không có Mặt Trời sắp tới có làm ông nhụt chí hay không.

Ông trả lời rằng ông đã quen với nó. Ông đã có một hành trình dài. Sau khi chạy trốn bạo lực ở Somalia, ông sống bốn năm ở Harstad - một thị trấn nhỏ khác ở phía bắc Na Uy, phía nam Tromsø nhưng vẫn ở phía bắc Bắc Cực - trước khi đến ở tại Al Rahma với tư cách là imam.

Chỉ vài tháng nữa, một cuộc chia tay ảo não với Mặt Trời sẽ diễn ra trên đỉnh núi Storsteinen và Mặt Trời sẽ không mọc trở lại ở Tromsø cho đến năm sau.

Yusuf nhìn lên bầu trời, vốn đã đem đến cảm giác tinh tế của chạng vạng sớm. "Đất nước này cho chúng ta điều gì đó khác biệt," ông nói. "Chúng tôi có hòa bình ở đất nước này. Điều đó có ý nghĩa rất nhiều."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn