Mua sắm ở Paris : 3 tỷ euro nhờ du khách

Thứ Năm, 14 Tháng Mười Một 20197:00 SA(Xem: 4634)
Mua sắm ở Paris : 3 tỷ euro nhờ du khách
vi.rfi.fr
Tuấn Thảo

mediaCác cửa hàng lớn Galeries Lafayette và Printemps, Paris, Pháp, mở cửa Chủ Nhật từ mùa hè năm 2015 để đón thêm khách mua sắmREUTERS/Charles Platiau

Du khách đến thăm Paris không chỉ để xem danh lam thắng cảnh, thưởng thức ẩm thực Pháp, tham quan Bảo tàng Louvre nhân cuộc triển lãm về lớn về thiên tài Leonardo Da Vinci. Họ đến thủ đô Pháp cũng vì họ rất thích đi mua sắp (shopping). Du khách càng đến từ xa thì càng chi nhiều tiền cho chuyện này.

Theo bản báo cáo gần đây nhất của Phòng Thương mại vùng Île de France và Sở Du lịch Paris, tính tổng cộng, chi phí mua sắm của du khách nước ngoài lên tới 3 tỷ euro hàng năm. Trong năm qua, thủ đô Paris đã lập kỷ lục mới với hơn 50 triệu lượt khách, trong đó có tới hơn một nửa đến Paris với mục đích chủ yếu là mua sắm, bên cạnh chuyện đi xem thắng cảnh hay thăm các viện bảo tàng.

Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với các của hàng buôn bán nằm trong các khu vực có nhiều du khách nước ngoài lui tới (Zone Touristique Internationale gọi tắt là ZTI). Kể từ tháng 8 năm 2015, các cửa hàng nằm trong những khu vực này được phép mở cửa vào những ngày chủ nhật, do chuyện buôn bán lệ thuộc nhiều vào đối tượng khách hàng mua sắm đến từ nước ngoài. Điều đó cũng đã đặt ra nhiều tranh luận xã hội xung quanh vấn đề "đi làm Chủ Nhật".

Phụ nữ thích mua hàng hiệu và mỹ phẩm của Paris

Đa số du khách đến Paris mua sắm chủ yếu là phái nữ, tuổi trung bình của họ là 41 và cứ trên 4 phụ nữ là có ba người đến thủ đô Pháp với mục đích du lịch cá nhân, chứ không phải là để thăm gia đình. Thành phần này đặc biệt yêu chuộng các hàng hiệu của Pháp, từ các ‘‘phụ kiện’’ thời trang như túi xách, ví cầm tay, khăn quàng cho đến các sản phẩm như trang sức, đồng hồ, giầy da, các loại mỹ phẩm như nước hoa kem dưỡng da thoa mặt, các món quà lưu niệm hay các món lỉnh kỉnh hơn dành để biếu tặng.

So với các đối tượng khác (du lịch ẩm thực hay du lịch văn hóa), thành phần đi ‘‘du lịch shopping’’ (63%) ở lại thủ đô Paris nhiều ngày hơn : 4 hoặc 5 ngày thay vì 2 hay 3 ngày đối với đa số các du khách khác. Chỉ có lượng du khách đi theo đoàn vì lý do tiết kiệm, mới ngủ lại qua đêm ở các khách sạn vùng phụ cận (18% ở vùng ngoại ô Seine et Marne và Hauts de Seine).

Chi phí mua sắm của du khách nước ngoài đem về cho Paris hơn 3 tỷ euro hàng năm, tức tương đương với 15% doanh thu của ngành du lịch Pháp nói chung. Phải chăng do tâm lý ‘‘sính hàng hiệu của Pháp’’ hay cũng vì một lần đi xa, chưa biết chừng nào mới được dịp trở lại, du khách khi họ đến từ những châu lục khác, chi nhiều tiền hơn so với du khách láng giềng gần, đến từ châu Âu. Về điểm này, du khách Trung Quốc (353€) và Hoa Kỳ (340€) luôn đứng đầu danh sách, du khách Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng mua sắm khá nhiều (250€), du khách vùng Trung Đông, Nga hay Brazil cũng dành một khoảng tiền đáng kể cho chuyện ‘‘mua quà’’ mang về nhà (tính trung bình 165€ mỗi đầu người).

Nhìn chung, các dịch vụ buôn bán chủ yếu tập trung vào thủ đô Paris, cho dù việc mở cửa các trung tâm thương mại theo kiểu ‘‘outlet’’ ở các vùng phụ cận (Val d’Europe) cũng bắt đầu thu hút du khách mua sắm đến từ nước ngoài. Riêng trong khu vực nội thành, các cửa hàng nằm trong vùng ‘‘tam giác vàng’’ giữa các đại lộ Champs Élysées, Montaigne và George V có tới 80% doanh thu là nhờ vào túi tiền của du khách hạng sang. Trong khi ở những khu vực ZTI khác (Zone Touristique Internationale) chi phí mua sắm dao động từ 21% đến 50%. Hiện giờ, Paris có 10 khu vực như vậy trong nội vi thành phố và có hai vùng nằm ở ngoại ô.

Đa số du khách phần lớn đến Pháp lần đầu tiên, chủ yếu đi mua sắm tại các cửa hàng lớn như Printemps, Galeries Lafayette hay Le Bon Marché, các đại lộ hàng hiệu như Champs-Élysées, Montaigne, tuy nhiên nhiều dãy phố khác như Marais, Saint-Germain, Les Halles, Beaugrenelle cũng nỗ lực thu hút các thành phần du khách trở lại Paris (và nhất là không đi theo đoàn) kết hợp cả hai vế shopping và sightseeing : vừa mua sắm, vừa dạo phố.

Khách nước ngoài có phần bớt mua sắm

Tuy Paris có một sức quyến rũ khá mạnh trong mắt du khách nước ngoài, thế nhưng bản báo cáo của Phòng Thương mại vùng Île de France và Sở Du lịch Paris cho biết tuy lượng khách ngoại quốc đến Paris gia tăng, nhưng chi phí mua sắm của họ lại có phần giảm sút so với cách đây 5 năm (2014). Thủ đô Paris đang bị nhiều thành phố lớn khác cạnh tranh trực tiếp, trong đó có Luân Đôn, Milano hay Tokyo trên lãnh vực mỹ phẩm và hàng hiệu.

Thủ đô Pháp nên chăng cần xét lại chính sách giá cả, hầu đưa ra những giá mềm và hấp dẫn hơn đối với du khách. Việc đào tạo một đội ngũ nhân viên bán hàng có trình độ chuẩn về ngoại ngữ cũng như khả năng giao tiếp cũng rất cần thiết. Dường như Paris chưa khai thác được hết sức hút của mình, vì theo tâm lý người tiêu dùng, nếu muốn mua hàng hiệu của Pháp, thì không có gì bằng mua sắm ngay tại thủ đô Paris.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn