'Mắt quỷ': Bí ẩn ngàn năm quyền lực

Thứ Bảy, 09 Tháng Mười Một 20199:00 CH(Xem: 5125)
'Mắt quỷ': Bí ẩn ngàn năm quyền lực
bbc.com

'Mắt quỷ': Bí ẩn ngàn năm quyền lực

Quinn Hargitai BBC Culture

Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy

Khi nhắc đến các cách tránh khỏi thế lực hắc ám thần bí trên thế giới, có lẽ không có biểu tượng nào nổi tiếng và dễ nhận thấy như "mắt quỷ".

Được vẽ ở khắp nơi, hình ảnh con mắt màu xanh da trời cobalt ấn tượng không chỉ xuất hiện trong những khu chợ ở Istanbul mà còn có mặt ở mọi nơi khác, từ hình trang trí trên thân máy bay cho đến những cảnh minh họa trong truyện tranh.


Trong khoảng 10 năm qua, biểu tượng mắt quỷ xuất hiện nhiều nhất trong ngành thời trang.

Kim Kardashian từng xuất hiện trong nhiều sự kiện với vòng đeo tay và phụ kiện trang sức trên đầu mang biểu tượng mắt quỷ, còn người mẫu thời trang Gigi Hadid bước vào xu hướng này cuối năm 2017, với việc công bố sẽ tung ra dòng sản phẩm giày có tên EyeLove.

Sự yêu thích của những ngôi sao nổi tiếng hạng A dẫn đến việc xuất hiện hàng loạt các khóa học trên mạng chỉ dẫn người ta cách tự làm vòng tay, dây chuyền và móc chìa khóa với biểu tượng mắt quỷ.

Những điều trên làm mắt quỷ bất thần trở nên nổi tiếng trong thời nay, nhưng thực ra trong hàng ngàn năm qua, biểu tượng này đã luôn có chỗ đứng vững chắc trong trí tưởng tượng của loài người.

Metropolitan Museum of Art Bản quyền hình ảnh Metropolitan Museum of Art
Image caption Tượng thần mắt tạc từ đá vôi khai quật được ở Tell Brak, Syria và được cho là có niên đại trước năm 3.500 trước Công Nguyên

Để hiểu xuất xứ của biểu tượng mắt quỷ, trước tiên ta phải phân biệt sự khác biệt giữa bùa và mắt quỷ.

Thường nổi tiếng với tên "mắt quỷ", nhưng loại bùa mắt quỷ thực ra được dùng để chống lại mắt quỷ thật.


Nó được dùng nhằm hóa giải lời nguyền được truyền qua ánh nhìn thù địch, vốn thường xuất phát từ lòng ghen tị.

Loại bùa này - được gọi là nazar - đã tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau trong hàng ngàn năm qua. Thế nhưng lời nguyền mà loại bùa này muốn hóa giải còn có từ lâu đời hơn và rất khó truy tìm gốc tích.

Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy
Image caption Thời Ai Cập cổ đại, Con mắt Horus, còn nổi tiếng với tên mặt dây chuyền Thần Wadjet, được chôn theo các Pharaoh để bảo vệ họ trong kiếp sau

Người ta tin rằng lời nguyền mắt quỷ bắt nguồn từ việc những ai đạt được thành công rực rỡ hoặc được kính trọng sẽ thường bị người khác tị hiềm. Sự ghen tức biến thành lời nguyền nhằm hủy hoại sự may mắn, thành đạt của người đó.


Điều này được tác giả Heliodorus vùng Emesa miêu tả rất rõ trong truyện cổ lãng mạn Hy Lạp Aethiopica. Ông viết: "Bất cứ ai nhìn vào sự xuất chúng với ánh mắt tị hiềm, hắn sẽ bao phủ không gian xung quanh bằng sự độc hại, và lan truyền hơi thở độc địa vào bất cứ thứ gì gần kẻ ấy nhất."

Niềm tin vào lời nguyền tồn tại trong nhiều nền văn hóa khác nhau, và được truyền qua nhiều thế hệ.

Cho tới nay, một trong những biên khảo đầy đủ nhất về huyền thoại mắt quỷ là tác phẩm của Frederick Thomas Elworthy' có tên "Mắt Quỷ: Biểu tượng kinh điển của Mê tín thời Cổ đại" (The Evil Eye: The Classic Account of an Ancient Superstition).

Trong cuốn sách này, Elworthy tìm hiểu về biểu tượng mắt quỷ trong một số nền văn hóa, từ ánh mắt khiến vạn vật hóa đá trong thần thoại Hy Lạp đến truyện cổ Ireland về những người bỏ bùa đàn ngựa chỉ bằng ánh nhìn lướt qua... Gần như mỗi nền văn hóa đều có truyền thuyết liên quan đến mắt quỷ.

Biểu tượng con mắt ăn sâu vào văn hóa đến mức bất chấp việc nó có thể mang ý nghĩa tà giáo, con mắt vẫn luôn có chỗ đứng trong văn bản tôn giáo, cả trong Kinh Thánh và Kinh Quran.

Mắt đổi mắt

Niềm tin về sức mạnh của mắt quỷ đã vượt qua giới hạn của sự mê tín thuần túy, và thậm chí còn được một số nhà triết học nổi tiếng chứng thực.

Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất là nhà triết học Hy Lạp Plutarch, trong tác phẩm "Symposiacs" đã đưa ra kiến giải khoa học: mắt người có sức mạnh tỏa ra tia năng lượng vô hình mà trong một số trường hợp ánh nhìn đó mạnh tới mức có thể giết chết trẻ em hoặc các con thú nhỏ.

Còn nữa, Plutarch cho rằng một số người thậm chí còn có khả năng thôi miên, dẫn dụ từng nhóm người đến vùng nam Biển Đen, và đó là những kẻ cực kỳ thành thạo trong việc áp lời nguyền.

Thường thì những người được coi là 'tay tổ' trong trò tung lời nguyền hay có cặp mắt màu xanh, mà nhiều khả năng là bởi gene mắt màu xanh khá hiếm ở vùng Địa Trung Hải.

Mặc dù về mặt lý thuyết thì đa phần các truyền thuyết về mắt quỷ nói rằng những người có ánh mắt quyền năng có thể hãm hại người khác, nhưng không phải tất cả những người có quyền năng này đều bị coi là xấu xa.

Một số nền văn hóa nhìn nhận khả năng nguyền rủa người khác là gánh nặng không may, tự thân nó là lời nguyền lên khổ chủ.

Chẳng hạn, Elworthy dẫn chứng từ truyện cổ Ba Lan kể về người đàn ông với ánh nhìn mang sức mạnh nguyền rủa và ông thà cắt bỏ đôi mắt mình còn hơn tiếp tục lan truyền điều không may đến người thân.

Nhiều người có niềm tin mãnh liệt rằng ánh nhìn có quyền năng gây ra tai họa thảm khốc, cho nên cũng không phải là chuyện lạ khi khi con người từ thời văn minh cổ đại đã luôn tìm cách chống lại nó.

Điều này dẫn đến sự xuất hiện của bùa chống mắt quỷ nazar từ rất xa xưa như ta biết ngày nay.

Nhưng những thứ này đã có từ bao giờ? "Bùa chú hình con mắt lâu đời nhất xuất hiện từ năm 3.300 trước Công Nguyên," Tiến sĩ Nese Yildiran, giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Đại học Bahçeşehir ở Thổ Nhĩ Kỳ trả lời BBC Culture.

"Những lá bùa đó đã được khai quật ở vùng Tell Brak, một trong những thành phố cổ nhất của Mesopotamia - nơi hiện nay là Syria. Chúng có hình dạng tượng thần trừu tượng bằng đá vôi với đôi mắt được chạm nổi."

Tượng đá vôi ở Tell Brak có vẻ là loại bùa mắt cổ đại nhất từng được con người tìm ra, tuy nhiên trông chúng khác xa so với biểu tượng con mắt xanh điển hình mà ta biết ngày nay, với những hình ảnh cổ nhất xuất hiện ở Địa Trung Hải vào khoảng năm 1.500 trước Công Nguyên.

Vậy bằng cách nào hình mẫu của con mắt từ Tell Brak lại quay trở lại thời hiện đại trong dáng vẻ mới?

"Những hạt cườm thủy tinh từ Quần đảo Aegean và từ các cộng đồng thiểu số Châu Á phụ thuộc trực tiếp vào sự phát triển của ngành sản xuất thủy tinh," Yildiran giải thích. "Với thủy tinh màu xanh, chắc chắn nó xuất hiện đầu tiên từ men bùn của người Ai Cập, có lượng oxide rất cao, với đồng và cobalt tạo ra màu xanh biếc khi nung trong lửa."

Yildiran dẫn chứng rất nhiều mặt dây chuyền hình Con mắt Horus màu xanh biếc khai quật từ Ai Cập, khẳng định đây có thể là một trong những tiền thân ảnh hưởng nhất của bùa nazar thời hiện đại.

Theo Yildiran, những tộc người Thổ luôn đam mê mạnh mẽ với sắc màu xanh này vì nó có liên hệ với vị thần bầu trời của họ tên gọi Tengri, và có vẻ như vì vậy mà họ du nhập cách sử dụng cobalt và đồng.

Những hạt cườm mắt quỷ màu xanh được lưu hành khắp nơi trong khu vực, được người Phoenician, người Assyrian, người Hy Lạp, người La Mã và có lẽ nổi tiếng nhất là được Đế chế Ottoman sử dụng.

Dù được dùng chủ yếu ở vùng Địa Trung Hải và Tây Á (Levant), nhưng qua hoạt động giao thương và bành trướng lãnh thổ của các đế chế, hạt cườm hình mắt xanh bắt đầu được đem đến khắp các xó xỉnh khác nhau trên Trái Đất.

Không hiểu ý nghĩa ẩn giấu?

Điều thú vị nhất về mắt quỷ không chỉ nằm ở sự tồn tại bền vững của nó, mà còn ở chỗ trong thực tế hầu như con người ta không thay đổi cách sử dụng biểu tượng này trong suốt cả ngàn năm qua.

Chúng ta vẫn gắn biểu tượng mắt quỷ trên thân máy bay theo cùng cách mà người Ai Cập và người Etruscan sơn hình con mắt lên mũi thuyền để mong đem lại an toàn cho chuyến đi. Người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ truyền thống đem biểu tượng mắt quỷ đến cho em bé mới sinh, thể hiện niềm tin rằng trẻ em luôn cực kỳ nhạy cảm với lời nguyền.

Nhưng người ta không thể nào ngưng tự hỏi liệu khi hình ảnh con mắt biển đổi qua những phương tiện truyền thông thời hiện đại, thì ý nghĩa và lịch sử của nó cuối cùng có phai nhạt đi không.

Một số diễn giải thời nay đã gây ra nhiều lo ngại về sự chiếm đoạt văn hóa, đặc biệt trong cách làng thời trang sử dụng hình ảnh mắt quỷ ở Hamsa, vốn có ý nghĩa thiêng liêng trong cả Do Thái giáo và Hồi giáo.

Mắt quỷ có một lịch sử bắt nguồn từ xa xưa, được giao thoa giữa nhiều dân tộc.

Bởi vậy, ngày nay, có nhiều người đã duy trì mối liên hệ với nó, coi nó là di sản. Chẳng hạn như trường hợp Kim Kardashian và Gigi Hadid nêu trên; cả hai đều xuất thân từ những nền văn hóa coi trọng hình ảnh mắt quỷ.

Yildiran cho rằng đây không phải là vấn đề. "Mắt quỷ vượt ra ngoài nỗi lo lắng này vì nó đã trở thành một phần trong ngành địa lý học rộng lớn, và bỏ ngỏ cho tất cả các hình thức sử dụng khác nhau. Cũng không khó tưởng tượng ra việc chúng ta sẽ được thấy các mô-týp khác nhau trong việc sử dụng mắt quỷ."

Mặc dù biểu tượng này vượt qua những giới hạn văn hóa, địa lý hay tôn giáo, chúng ta có lẽ nên nhìn nhận ý nghĩa của nó ở tầm mức cao hơn so với một món trang sức hay hàng thời trang thuần túy.

Mắt quỷ là di sản từ thuở hồng hoang của nền văn minh, gợi nhắc về niềm tin bền bỉ và sâu sắc nhất của con người.

Khi đeo một chiếc bùa mà không hiểu rõ về nó, có lẽ ta đã không chỉ vô hiệu hóa công năng bảo vệ của lá bùa, mà còn có thể khiến bản thân trở thành đối tượng của một lời nguyền dữ dội hơn - tất nhiên nếu như bạn tin rằng lời nguyền và lá bùa giải nguyền là điều có thật.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn