Có nên yêu người mới ngay sau khi chia tay tình cũ?

Thứ Tư, 23 Tháng Mười 20199:00 SA(Xem: 4771)
Có nên yêu người mới ngay sau khi chia tay tình cũ?
bbc.com

Có nên yêu người mới ngay sau khi chia tay tình cũ?

William Park BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Chia tay là chuyện căng thẳng. Nên không ngạc nhiên gì khi chuyện chia tay khiến sự an ổn tâm lý của ta bị sụt giảm. Và những bạn bè có ý tốt - hy vọng bảo vệ bạn tránh khỏi những suy sụp sau này - sẽ cảnh báo bạn không nên vội vàng có tình yêu mới, đặc biệt là nếu người mới hơi giống người yêu cũ của bạn.

Và nếu bạn nhanh chóng có người yêu mới, đó cũng có thể coi như điều đáng xấu hổ.


Nhưng có bằng chứng lại cho thấy có lẽ đó là điều tốt nhất đến với ta.

Vậy tại sao định kiến đó vẫn tồn tại? Bằng cách nào ta có thể điều chỉnh tác động của mối quan hệ cũ? Và rủi ro của việc tìm người yêu mới tương tự người yêu cũ là gì?

"Những người bắt đầu mối quan hệ mới nhanh chóng thường có cảm xúc với tình yêu tốt hơn," Claudia Brumbaugh, nhà tâm lý nghiên cứu sự gắn bó cặp đôi tại Đại học City University of New York cho biết, khi mô tả một nghiên cứu mà bà tìm hiểu tình trạng tâm lý của những người vừa chia tay.

"Họ cảm thấy tự tin hơn, khiến mọi người khao khát hơn, và đáng yêu hơn. Có lẽ vì họ đã chứng minh điều đó với bản thân. Họ có cảm giác về sự độc lập và phát triển bản thân nhiều hơn. Họ đã vượt qua cái bóng người yêu cũ, họ cảm thấy an tâm hơn. Không có trường hợp nào sau khi chia tay tiếp tục độc thân lại tốt hơn họ."

Brumbaugh nói rằng mọi người nghĩ bạn nên đợi trung bình khoảng 5 tháng trước khi bước vào tình yêu mới và kiểu tình yêu đối phó sẽ không tồn tại lâu - nhưng đó chỉ là do mọi người nghĩ vậy chứ không phải những gì dữ liệu chứng minh.

Trong một khảo sát dành cho những người vừa chia tay người yêu, những ai tìm thấy người yêu mới cho thấy họ tự tin, lành mạnh hơn, và cảm thấy ít lo lâu hơn. Tình trạng yêu đương gần như không bị ngắt quãng cho phép cuộc sống của họ diễn ra trôi chảy vì họ chuyển từ người yêu này sang người yêu khác.

Tuy nhiên, những người nhanh chóng có tình yêu mới cũng thường là người gặp vấn đề bất an với quan hệ cũ.


Điều này nghe có vẻ ngược đời khi những người thấy bất an lại cảm thấy tự tin hơn. Nhưng đó có thể là kết quả từ việc đo lường cảm giác bất an trong tình yêu đã gần đến hồi kết (điều này cũng hợp lý nếu bạn cảm thấy mọi việc đang diễn ra không ổn) và sau đó đo lường sự phát triển của phần tự tin sau khi tìm thấy người yêu mới.

Trưởng thành hơn sau chia tay

Một lý do mà người ta cho rằng nên dành thời gian trước khi có tình yêu mới đó là ta cần phải chữa lành vết thương và trưởng thành hơn trước khi gặp người mới.

Điều này nghe cũng có lý. Sau khi chia tay, trung bình mọi người cho biết có năm cách khiến họ trưởng thành hơn. Đó là những lý do phổ biến như "tôi cảm thấy tự tin hơn" hay "tôi cảm thấy độc lập hơn".

Nhưng những thử nghiệm như thế này dựa vào việc tự đánh giá sự trưởng thành, nghĩa là có điều gì đó phức tạp hơn một chút có thể đã xảy ra.

Tôi có thể nói tôi thấy mình tự tin hơn, nhưng liệu khách quan là tôi có thực sự tự tin hơn không?

Nhiều nghiên cứu tìm hiểu cách mọi người bày tỏ về sự trưởng thành sau một sự kiện đau lòng thường cho thấy trong thực tế chẳng có thay đổi gì hết. Ta tự nói với bản thân mình rằng ta đã trưởng thành hơn vì một định kiến nhận thức có tên là ảo tưởng tích cực.

"Mọi người đôi khi thổi phồng những đánh giá đó để nâng cao sự tự tin của họ," Ty Tashiro, nhà tâm lý học và tác giả quyển "Khoa học của việc Hạnh phúc Mãi mãi" (Theo Science of Happily Ever After) nói.

"Một cuộc chia tay có thể làm tổn thương sự tự tin của bạn. Nhưng nếu bạn nói với bản thân là bạn đã độc lập hơn, nó sẽ giúp bạn cân bằng lại. Bạn có thể không hẳn là độc lập hơn nhưng bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn trước thực tế là bạn đã bị bồ đá."

Nghiên cứu của Tashiro khi làm việc tại Đại học Maryland cho thấy việc tìm người yêu mới và thời gian từ khi chia tay không ảnh hưởng gì đến mức độ trưởng thành.

Vì vậy, dành thời gian nghỉ ngắt quãng trước quay lại chuyện hẹn hò không hẳn là sẽ khiến bạn tốt hơn về mặt phát triển cá nhân - và bạn có thể đang tự lừa bản thân khi nghĩ là đằng nào thì bạn cũng trưởng thành hơn.

Tuy nhiên, cách bạn đổ lỗi cho cuộc chia tay thực sự có ảnh hưởng đến sự phát triển bản thân bạn.

Đó có phải là do lỗi của bạn không? Hay lỗi của người kia? Hay do tác động bên ngoài?

Những người thường đổ lỗi cho môi trường bên ngoài, như vì lý do công việc hay không hòa hợp được với gia đình hai bên, cho thấy là họ có phát triển hơn về bản thân sau khi chia tay. Những người ít thấy có sự trưởng thành nhất là người tự đổ lỗi cho bản thân sau khi chia tay.

Việc một người có thể trưởng thành đầy đủ hơn từ cuộc chia tay hay không phụ thuộc vào bài học họ học được.

Những người có ý niệm rõ ràng về những gì họ học được sau khi chia tay thường có khả năng bước vào tình yêu mới với sự khôn ngoan hơn. Tashiro cho biết phản ứng của mà ông thích nhất là từ một người đàn ông đã học được cách nói "Tôi xin lỗi".

"Tôi thích câu chuyện đó vì có sự chi tiết trong đó," ông cho biết. "Câu chuyện nghe rất thật. Tôi có thể tưởng tượng câu nói đó đến từ hoàn cảnh nào. Biết nói xin lỗi sẽ giúp anh chàng đó trong mọi mối quan hệ sau này."

Cảm giác gắn bó

Việc ta dựa vào sự ủng hộ tinh thần của người khác ra sao thì có thể một phần được mô tả qua cách ta gắn bó về tình cảm. Nhìn chung, cách ta tìm kiếm chỗ dựa từ người khác thường chịu ảnh hưởng vì cảm giác bất an, lo âu hay né tránh.

Những người cảm thấy an tâm thường gắn bó với tình yêu có lẽ là vì họ được nuôi dưỡng với sự chăm sóc đầy đủ từ cha mẹ. Họ có xu hướng tin tưởng người khác và tìm đến bạn bè thân thiết hay gia đình để có chỗ dựa tinh thần.

Lý thuyết về sự gắn bó trở nên phức tạp hơn khi ta tìm hiểu những người có tình yêu bất an.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Việc bạn nhìn nhận ra sai lầm ở đâu trong đổ vỡ quan hệ với người yêu sẽ ảnh hưởng tới sự trưởng thành của chính bán

Những người bất an gắn bó với tình yêu cũ thường bắt đầu mối quan hệ mới nhanh hơn là những người có tâm thế an tâm, nhưng vì các lý do khác nhau.

Sự lo âu vì những gắn bó trong tình yêu thường có liên hệ với việc bị người yêu cũ bỏ rơi và phản ứng lại với cảm xúc đau đớn bằng thái độ thù địch. Những người này thường trải qua cảm giác khổ sở tinh thần và thể chất hơn và có thể đi đến bước cực đoan như tìm cách bắt đầu lại mối quan hệ cũ.

Mặt khác, người có hiện tượng né tránh sự gắn bó thì thường tin vào bản thân nhiều hơn, và vì vậy có thể sẽ không nghĩ về người yêu cũ quá nhiều khi họ tiếp tục bước vào tình yêu mới.

"Những người lo âu luôn lo lắng và ghen tuông hoặc đòi hỏi sự chú ý nhưng lại không đáp lại tình cảm đó," Brumbaugh cho biết. "Những người né tránh thường cách ly bản thân họ khỏi sự gần gũi và không tin tưởng ai. Họ không thích sự gần gũi nhưng họ vẫn có mối quan hệ nào đó."

Cách cha mẹ đối xử với con cái trong thời thơ ấu có thể có ảnh hưởng đến cách mỗi người gắn bó với người yêu khi thành người lớn, nhưng điều này có thể thay đổi được.

Cha mẹ không quá nồng ấm không hẳn nghĩa là bạn sẽ trở thành người né tránh mãi mãi. Một người yêu ấm áp tình cảm có thể thay đổi cách bạn gắn bó với tình yêu và khiến bạn an tâm hơn. Tuy nhiên, cũng có một số bằng chứng cho thấy những cách yêu thương này là di truyền, vì vậy cách người khác ảnh hưởng lên họ có thể cũng chỉ có giới hạn.

Nhìn thấy người yêu cũ trong người yêu mới

Nói chung, người ta chuyển sự gắn bó yêu thương từ người yêu này sang người yêu kế tiếp, nhưng họ chỉ làm vậy nếu người yêu mới hơi giống người cũ. Sau đó họ sẽ chuyển một số niềm tin của họ về người cũ sang người yêu mới.

"Con người thích sự nhất quán," Brumbaugh nói. "Tìm người yêu mới giống người yêu cũ sẽ giúp bạn có được sự nhất quán. Những người nhanh chóng có tình yêu mới thực sự cảm thấy một số điểm tương đồng giữa người cũ và tình yêu mới. Ta không thể nói khách quan là những điểm tương đồng đó có tồn tại hay không, bởi vì chúng thường do mọi người tự kể lại, nhưng họ thấy có sự tương đồng."

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Những cặp đôi thì có "khái niệm về bản thân" gần giống nhau, nghĩa là họ thấy bản thân họ là một phần của người kia. Họ chia sẻ tình bạn và sở thích. Hai cái tôi lẫn lộn vào nhau có thể khiến họ thấy dễ tổn thương hơn sau khi chia tay. Thình lình, họ đánh mất một phần danh tính bản thân, hay mất người mà họ thường chia sẻ sở thích cùng. Tìm ra ai đó có thể thay thế vị trí với những nhu cầu trên khiến việc tiếp tục bước vào tình yêu mới dễ dàng hơn.

Tìm thấy sự tương đồng trong khi điều đó có thể không tồn tại cũng gây ra mặt tốt và mặt xấu. "Nếu người cũ của tôi là Sam và khi tôi gặp Bob, ở Bob có cái gì đó gợi nhắc cho tôi về Sam và vì vậy tôi lầm tưởng nhiều thứ về Bob hơn," Brumbaugh nói.

"Có lẽ nếu Sam là đầu bếp giỏi và rất lãng mạn và tôi cũng tưởng Bob như thế. Điều này có thể gây ra vấn đề vì lầm tưởng. Tôi muốn anh ấy cũng lãng mạn như Sam, mà mỗi khi anh ấy không thể thách thức sự mong đợi của tôi, điều đó có thể gây thất vọng, mặc dù Bob có thể cũng lãng mạn."

Rõ ràng, có tình mới ngay sau chia tay sẽ không hẳn là liều thuốc hoàn hảo cho trái tim tan vỡ.

Nhưng nó cũng không phải là thảm họa như bạn bè vẫn khiến bạn tưởng như vậy, mà tình yêu mới có thể đem đến một số lợi ích tâm lý.

Chia tay thường đau đớn, và có lẽ không bao giờ quá sớm để đem chút tình yêu quay lại với đời bạn.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn