Hội chứng ‘cáu gắt đường phố’ và một xã hội ‘đấu’ không ngừng

Thứ Năm, 17 Tháng Mười 20199:00 CH(Xem: 4336)
Hội chứng ‘cáu gắt đường phố’ và một xã hội ‘đấu’ không ngừng

Người ta nói tham gia giao thông ở Việt Nam giống như một cuộc chiến. Đã là cuộc chiến thì sẽ có mất mát, đau buồn và những di chứng lâu dài. Và một di chứng âm thầm gây tác dụng khủng khiếp nhất chính là cảm giác hạnh phúc của chúng ta sẽ ngày càng ít đi.

Có người làm phép so sánh thú vị rằng, ngày nay trên đường phố xe cộ đi lại tấp nập, nhưng đạo đức của con người không tăng kịp với tốc độ phát triển của giao thông, dẫn đến rất nhiều người mắc phải hội chứng “cáu gắt đường phố”. Đi trên đường, sẽ không khó để phát hiện ra những người vừa đi vừa nhắn tin, nghe điện thoại, người thì lao từ trong ngõ ra chẳng thèm nhìn đường, kẻ lại hối thúc người đứng trên đi nhanh khi đèn đỏ vẫn còn vài giây, người thì bấm còi inh ỏi đòi nhường đường…

Thế nên xung đột cứ xảy ra vì người này ảnh hưởng tới lợi ích của người kia. Người đi bộ mắng người lái xe không biết dừng lại chờ người qua đường, người đi xe lại mắng người đi bộ không đi trên vỉa hè. Cứ thế, người ta chửi bới nhau “có mắt như mù”, “đường của nhà ông à?”, “đầu để trồng hoa à?”… Tóm lại là giờ đây chúng ta khó có thể cảm nhận được bầu không khí hòa ái khi đi trên đường.

tran_duy_hung_zing_2
Ảnh minh họa: Zing.

Tính nóng giận của con người rất dễ gây ra tranh đấu. Người xưa có câu: “Lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một lúc sóng yên gió lặng”. Dừng lại một chút khi có xung đột, nhẹ nhàng chấp nhận thiệt thòi khi có bất công thì hoàn cảnh sẽ quang đãng, yên bình. Nhưng ngày nay, người ta đa phần là không thể nhẫn được, không thể nhường nhịn được. Từ đó thứ văn hóa tranh đấu hình thành và vươn vòi bạch tuộc vào từng ngóc ngách của cuộc sống.

Người ta đấu tranh trong thảo luận: nói năng hùng hổ, dọa dẫm, thái độ phủ nhận quan điểm của người khác, không nói lý lẽ mà chỉ bày tỏ cảm xúc để lấn lướt. Đấu tranh trong tư tưởng: thường có cách nhìn xem thường, kỳ thị, thành kiến đối với những ý tưởng khác với mình. Đấu tranh trong hành vi: hô hào khẩu hiệu chinh phục tự nhiên, cải tạo tự nhiên, không ngại phá hoại môi trường sinh thái dẫn đến ô nhiễm trầm trọng. Đấu tranh với người: đẩy mâu thuẫn xã hội gia tăng, đâu đâu cũng biến thành chiến trường. Đấu tranh về tình cảm: có lý hay không đều không nhân nhượng người khác, thường nghĩ cách phải “trị” được người xung quanh thì mới thỏa mãn, cuối cùng đấu tranh cả với người thân, gây tổn thương về tình cảm, gia đình mất hòa khí.

Vợ chồng chỉ vì chút việc nhỏ mà cãi nhau rồi bỏ nhau, thậm chí thù hận suốt đời. Đồng nghiệp chỉ vì chút lợi nhỏ mà tranh giành đến mức kẻ sống người chết. Con người qua lại với nhau chỉ một câu không hợp là bắt đầu xảy ra mâu thuẫn. Người ta chẳng qua cũng chỉ để bảo vệ cho cái “danh” của bản thân mà thôi, cảm thấy bản thân mình oan uổng hoặc mất mặt, cảm thấy nhục nhã không chịu nổi, phải nói ra cho thỏa cơn tức này, phải có kẻ thắng người thua.

Có người cho rằng nhẫn nhịn là thể hiện của sự nhu nhược, cho nên phải vùng lên tranh đấu. Nhưng chẳng phải tranh đấu mới là không vượt qua được chính bản thân mình, để cảm xúc, hành động của mình cho người khác chi phối đó sao?

1_54442
Ảnh minh họa: Laodong.

Người có thể nhẫn nhịn không phải là nhu nhược, mà là thể hiện của ý chí mạnh mẽ và phẩm chất cao thượng.

Lão Từ từng nói rằng: “Vì không tranh đấu cho nên thiên hạ không ai có thể tranh giành với mình” (Phù duy bất tranh, thiên hạ mạc năng dữ chi tương tranh) – (Trích: Đạo Đức Kinh).

Ta đã không tranh thì ai lấy được gì từ ta, ta chẳng mất thì hà cớ gì phải tức giận, uất hận, đau buồn?

Tôi có biết một người, bà ấy thực sự có thể nhẫn nhịn trong mọi hoàn cảnh, suy nghĩ khoáng đạt nên dù gặp chuyện không vừa ý vẫn luôn vui vẻ. Bà ấy có thể đối mặt với mâu thuẫn trong cuộc sống bằng tâm thái lạc quan, nên hóa giải được mâu thuẫn theo chiều hướng tốt lên. Có lần, con rể vay tiền bà làm ăn thất bại, mất trắng số tiền, còn mang một khoản nợ lớn trên thân. Con gái bà cũng vì thế tức giận, trách cứ chồng dẫn đến hai vợ chồng cãi nhau, không khí gia đình rất căng thẳng. 

Bản thân mất một số tiền lớn và theo lẽ thông thường mẹ cũng sẽ bênh con ruột của mình, nhưng bà không làm vậy mà khuyên con gái phải là điểm tựa của chồng trong cơn hoạn nạn. Bà đi chạy vạy lo tiền cho con rể trả nợ, còn thường xuyên răn dạy con gái, khiến con rể rất cảm động và biết ơn. Nhờ vậy sau đó anh con rể rất chí thú làm ăn, gia đình con gái bà cũng đã tránh được một cuộc ly hôn không đáng có. 

Có thể có người cho rằng những người nhẫn nhục thật quá ngốc. Nhưng khi đem so với những tin tức phổ biến trên truyền thông ngày nay, như anh chém cả nhà em vì mâu thuẫn thừa kế, chồng ném ghế vào đầu vợ sắp cưới đến tử vong chỉ vì vài câu hỏi trong bữa cơm, người đi đường sát hại nhau chỉ vì va chạm trong giao thông… thì chẳng phải một sự “ngốc” của người đại nhẫn sẽ thay đổi 180 độ cái kết cục bi đát hay sao? 

Con người ai cũng phải đối mặt với những phiền phức trong cuộc sống, nóng giận, tranh đấu chỉ khiến bản thân càng thêm đau khổ chứ chẳng thể thay đổi được gì. Người có tấm lòng quảng đại, không tính toán được mất, hơn thua mới có thể khéo léo thoát khỏi mâu thuẫn, gặp dữ hóa lành. Xã hội ai cũng vậy thì sẽ yên bình, hòa ái, có thế các thành viên mới có môi trường tốt để phát triển, cùng tạo ra những giá trị tốt và cùng được hưởng lợi từ đó.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn