Thói Phán Xét

Thứ Sáu, 27 Tháng Chín 20193:00 CH(Xem: 4159)
Thói Phán Xét

Phán xét là gì?

  • Được dùng trong luật pháp: Quyết định cuối cùng của thẩm phán.
  • Được dùng trong kinh thánh: Ngày phán xét hay ngày tận thế, ngày mà ai cũng phải trả giá cho tội lỗi của mình.
  • Được dùng trong quan hệ, cuộc sống, thường hàm ý chê bai, chỉ trích.

ADVERTISEMENT

Từ bé lớn lên, mỗi người đều tiếp nhận kiến thức thông qua tiếp xúc nên đã và đang mang trong đầu một lượng kiến thức nền, một khối những kinh nghiệm nhất định và một hệ giá trị riêng, độc nhất. Chúng nằm đằng sau đôi mắt của ta khi nhìn, sau đôi tai khi ta nghe, trong bộ não khi ta suy nghĩ. Những thứ đó tự sắp xếp và hình thành một bộ tiêu chí, giống như công thức nấu ăn, của riêng ta.

Khi tiếp xúc với anh A, tôi thường nhìn vào mắt. Nếu ở đó tôi thấy sự chân thật thì tôi nhận xét anh A tốt. Người muốn làm việc cùng với anh A thì sẽ tìm hiểu ở những điểm: trình độ, kiến thức, khả năng làm việc nhóm… nếu hội đủ, họ nhận xét anh A tốt. Nhưng nếu ngược lại tôi không nhìn thấy sự chân thật ở anh A thì tôi sẽ nghĩ “A không chân thật, mình tốt nhất là không tiếp xúc nữa.” A có kiến thức mà không có kinh nghiệm, liệu mình có nên làm việc với anh ta không?” Đó là quá trình phán xét, hữu thức hay vô thức chúng ta đều luôn luôn làm việc đó đối với người, sự việc. Và như đã trình bày ở đoạn trên, chúng ta đưa ra phán xét dựa trên kinh nghiệm, kiến thức của riêng ta, nó không bao quát và thường rất chủ quan, nhiều sai lệch bởi sự hiểu biết của con người là hữu hạn.

Do đó việc phán xét là điều không nên, nhất là khi nói ra, viết ra nơi công cộng một cách vội vã. Vì nếu mình sai, sẽ gây tổn thương cho người bị phán xét, gây hại cho sự việc.

Phán xét ẩu là gì?

Phán xét ẩu là khi chưa biết, chưa rõ gì cả, kiến thức bản thân hời hợt, kinh nghiệm không đủ, khả năng lắng nghe, đọc, hiểu có vấn đề mà đã vội vàng phán xét thì thành phán xét ẩu.

Phán xét thường gây tổn thương, phán xét ẩu sẽ là sự xúc phạm. Tôi ví dụ:

Khi gặp A, tôi không nhìn thấy sự chân thật trong mắt A nên tôi dựa vào kinh nghiệm cá nhân mình mà cho rằng A là người sống giả dối. Tôi nói với B, B nói với C, hoặc tôi nói với nhóm người nào đó mà tôi không hề biết rằng nhận định của mình sai lạc. Thực ra A là người thật thà. Tôi xúc phạm A, gây hại cho A, tôi tạo ra sự nghi kỵ, mâu thuẫn và thậm chí tôi gây hại cho chính mình chỉ vì phán xét ẩu. Vì người biết rõ A là người chân thật sẽ quay lại phán xét tôi là người phán xét ẩu, sai lệch, đầy định kiến, họ không muốn tiếp xúc với tôi nữa.

Một ví dụ khác:

Một anh bạn nói với tôi, “Em phải viết như vầy như vầy, chứ viết như hiện nay thì không ổn, không thu hút được người đọc.” Đó là một phán xét ẩu dựa trên sự hiểu biết của anh về tôi trong một thời gian không dài và anh không hề biết tôi đã từng viết như anh nói trước đây mà không thu hút nên tôi phải thử nghiệm cách viết mới. Khi tôi nói anh phán xét ẩu thì anh bảo đó chỉ là góp ý. Ở đây, ta thấy cách hiểu về phán xét khác nhau trong khi định nghĩa chỉ có một. Có vẻ anh không hiểu định nghĩa của việc phán xét và thực hiện nó một cách rất vô thức.

Một ví dụ đơn giản và thường gặp hơn:

Tôi bị một người chạy ẩu tông xe. Ngã, trầy xước. Chị nói, “Sao Voi chạy xe không cẩn thận vậy? Đổ máu hết rồi…” Nó là sự xót xa, thương yêu nhưng vẫn là sự phán xét ẩu vì không phải tôi không cẩn thận mà là tôi bị người ta chạy ẩu tông vào. Câu nói quan tâm thương yêu trên sẽ gây cho tôi một tâm lý khó chịu vì đã bị đau còn bị mắng oan.

Một ví dụ hay gặp trên mạng xã hội mà tôi chắc bạn nào cũng bị rồi:

Khi đọc một bài viết của bạn, thường có người nhảy vô phán xét ẩu nếu bạn nói, bạn làm không đúng ý người ta muốn. Trong đầu của anh C, chị B bò kho phải ăn với bánh mì, nếu bạn chụp hình đăng lên mà không có cái bánh mì hoặc giả bạn không thích ăn bánh mì nên không mua thì anh C, chị B sẽ bảo, “Thiếu bánh mì. Không biết cách ăn.” Bạn không thiếu và không phải không biết, mà là bạn không thèm hoặc không chụp. Anh C, chị B đâu biết điều đó, vậy thì phán xét bạn “thiếu” hoặc “không biết” là không đúng. Nhiều người cho đó là bình thường, tôi gọi đó là vô duyên, phán xét ẩu, thô thiển.

Nhiều người cho rằng tôi quá khó tính và nguyên tắc đến nỗi khắt khe. Tại sao tôi lại khắt khe đến vậy với việc phán xét, phán xét ẩu? Vì tôi không muốn cái hữu thức hay vô thức đó gây tổn thương cho mình, cho bạn, cho mọi người. Từ vô thức sẽ hình thành thói quen và cứ mở mồm hoặc đặt tay vào phím là câu phán xét sẽ nhảy ra đầu tiên. Nếu bạn dễ dãi với sự phán xét, bạn hãy thử nghĩ đến trường hợp sau:

Bạn hoạt động xã hội, bạn làm nhiều việc tốt, bạn nhiệt tình, bạn bền bỉ cố gắng đấu tranh cho công bằng, lẽ phải, một hôm, bạn viết hoặc làm điều trái với ý của người đọc, nhưng không phải bạn sai vì việc đó phải qua thời gian kiểm chứng hoặc tùy thuộc vào nhân sinh quan sống của mỗi người. Nhưng người ta sẽ ngay lập tức quên hết quá trình trước đó của bạn, con người của bạn mà lập tức phán xét bạn là người có tư tưởng lập trường thế nọ thế kia, rằng cỡ bạn mà đấu tranh cái gì, v.v.. Bạn có tức giận hay không thì tổn thương đã xảy ra, mâu thuẫn đã hình thành và xung đột đã bắt đầu.

Văn hóa, nếp sống, cách nghĩ… hình thành nên lối ứng xử. Cẩn trọng trong lời nói sẽ không gây ra bất hòa, nghi kỵ, mâu thuẫn không đáng có. Khi ta để cho mình dễ dàng phán xét, phán xét ẩu một người, một việc thì ta đang tự đánh mất đi những điều quý giá quanh mình một cách vô thức.

Theo facebook Nguyen Thi Bich Nga
Đăng dưới sự cho phép của tác giả

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn