“Tôi đã học được gì từ Blaise Pascal về sức mạnh của sự tĩnh lặng”

Thứ Ba, 24 Tháng Chín 20195:00 CH(Xem: 4150)
“Tôi đã học được gì từ Blaise Pascal về sức mạnh của sự tĩnh lặng”

“Mọi vấn đề của loài người đều xuất phát từ việc họ không thể ngồi im một mình trong phòng.” — Blaise Pascal

Bạn có thể ngồi một mình trong một khoảng thời gian, lặng lẽ, không bị phân tâm? Hành động đơn giản đó đã khiến tôi mất nhiều năm để làm chủ và tôi vẫn còn một chặng đường nữa phải đi. Việc tìm kiếm sự tĩnh lặng đã đưa tôi đến một câu nói của nhà toán học và cũng là nhà thần học người Pháp Blaise Pascal.

ADVERTISEMENT

Pascal có ý gì với câu nói nổi tiếng trên?

Ý nghĩ trên được trích trong Pensees 139, một trong nhiều suy nghĩ Pascal đã viết xuyên suốt đời mình vào giữa những năm 1600 và sau này được chia sẻ mọi nơi sau khi ông qua đời. Nhiều nhà phê bình sau đó đã xem xét và dịch lại các câu từ của Pascal có nghĩa là con người chúng ta né tránh sự tĩnh lặng và tịch mịch bởi chúng ta sợ sự thật mà thế giới không có sự xao lãng sẽ khiến chúng ta phải đối mặt.

"Tôi đã học được gì từ Blaise Pascal về sức mạnh của sự tĩnh lặng"
(Ảnh: ET)

Tại sao chúng ta không thể ngồi một mình? Chúng ta đang chạy trốn khỏi sự thật nào?

Có vẻ như trong ý nghĩ 139, Pascal nói rằng nếu không có những thú tiêu khiển, sự mất tập trung, con người sẽ bị buộc phải ở một mình với “sự thật” không thể tránh khỏi về sự tồn tại của mình. Điều được coi là sự thật ấy là: Cuộc sống là khó khăn và con người phải chịu đựng. Con người nhất định bị khổ sở. (Pascal’s Pensees, n.d.)

Điều này có đúng không hay đơn thuần chỉ là một niềm tin mà nhân loại đã theo bám trong suốt nhiều thế kỷ? Chúng ta đang chạy trốn sự thật hay một ảo tưởng?

Điều tôi tin là đúng là nếu con người bị buộc phải ngồi một mình tĩnh tâm trong phòng, không bị phân tâm, họ sẽ phải đối phó với một tâm trí không thể chịu nổi, những lo lắng, đe dọa, tin đồn và sợ hãi đang lấp đầy nó. Họ sẽ bị buộc phải lắng nghe những lời thủ thỉ không ngừng nghỉ của bản ngã về sự tồn tại khổ sở này.

Có thể hiểu được tại sao nhiều người trong chúng ta tránh né ở trong một nơi yên tĩnh và tĩnh lặng. Có ai muốn tĩnh lặng khi sự tĩnh lặng mang lại nỗi bất hạnh khủng khiếp như vậy?

"Tôi đã học được gì từ Blaise Pascal về sức mạnh của sự tĩnh lặng"
(Ảnh: Internet)

Giải pháp

Nếu vấn đề là con người không thể ngồi tĩnh tâm một mình, thì giải pháp được đề ra sẽ là gì? Không phải nó quá rõ ràng sao? Chúng ta phải học cách ngồi yên một mình trong phòng.

Có khả năng nào điều Pascal muốn nói không chỉ là các vấn đề đều xuất phát từ việc con người không có khả năng ngồi yên lặng và chấp nhận khổ đau, mà giải pháp duy nhất là ngồi tĩnh tâm để có thể học cách vượt qua khổ?

Có thể Pensees 139 là một lời yêu cầu chấm dứt những hoạt động vô nghĩa và gợi ý rằng chúng ta thực sự có thể giải quyết các vấn đề của nhân loại nếu chúng ta đơn giản là, như mỗi cá nhân, hướng tâm vào trong (hướng nội)? Đây không phải là câu thần chú của hầu hết các giáo viên và bậc thầy tâm linh trong thời đại của chúng ta sao?

Liệu có thể Pascal đang cho rằng sự phân tâm, sự săn đuổi theo những mục tiêu trong tương lai và những nhu cầu không ngừng nghỉ của chúng ta sẽ không cứu được chúng ta nhưng dành thời gian yên tĩnh cầu nguyện, thiền định và tìm kiếm sự thật có thể sẽ làm được điều đó?

Liệu chúng ta có thể gác bỏ các thiết bị điện tử, điện thoại của chúng ta, dẹp đi những hoạt động làm tê liệt não bộ của chúng ta trong vài phút và cố gắng ngồi yên lặng một mình ở đâu đó không?

Hãy bắt đầu ngày mới bằng buổi tối với 7 thói quen lành mạnh
(Ảnh: Shutterstock)

Ngồi tĩnh tâm một mình đòi hỏi điều gì?

Tôi tin rằng việc ngồi tĩnh tâm là một quá trình gồm hai giai đoạn. Đầu tiên, chúng ta phải đối mặt với những cảm xúc nảy sinh khi chúng ta quán chiếu niềm tin tập thể rằng cuộc sống là khổ và rằng chúng ta không làm gì khác ngoài việc chịu đựng. Chúng ta cần đặt câu hỏi liệu niềm tin ấy, điều khiến chúng ta không hạnh phúc đó, có đúng không? Chúng ta cần hỏi bản ngã.

Cái nhìn khiếm khuyết về bản thân và cuộc sống này là do bản ngã. Bản ngã không muốn chúng ta tĩnh lặng. Nó làm mọi thứ có thể để giữ cho cơ thể ta luôn hoạt động và tâm trí ta chứa đầy những ý nghĩ vô dụng để nó lấp đầy chúng ta với nỗi sợ hãi của không gian yên tĩnh. Ngay cả Pascal trong một Pensees sau này đã viết:

“Sự im lặng vĩnh cửu của không gian vô hạn này làm tôi sợ hãi.” (Pensees 206)

Chính bản ngã tạo ra sợ hãi, và bản ngã khiến chúng ta xa rời Bản thân, điều chúng ta tìm thấy trong sự tĩnh lặng. Bản ngã biết nếu chúng ta tìm thấy chân Ngã, câu trả lời cho câu hỏi muôn thuở “tôi là ai”, chúng ta sẽ không còn cuốn theo những lời nói dối và lời hứa trống rỗng của nó nữa. Nó sẽ không thể tồn tại. Tìm thấy sự bình an trong sự tĩnh lặng và yên lặng có nghĩa là sự kết thúc của bản ngã. Vì vậy, bản ngã cố gắng thuyết phục chúng ta rằng sự yên tĩnh là một nơi nguy hiểm mà chúng ta không nên đi vào.

Chúng ta cần ngừng nghe theo bản ngã.

Thứ hai, khi chúng ta đối mặt với nỗi sợ hãi do niềm tin sai lệch gây ra, chúng ta sẽ có cơ hội vượt lên trên bản ngã để đến với chân Ngã, con người đích thực của bạn, để ghi nhớ chúng ta là ai, là gì, và từ Ai chúng ta đã đến. Chúng ta đã quên đi Sự Thật này và sự tĩnh lặng là nơi duy nhất nó có thể được tìm thấy. Nhớ ra được chúng ta thực sự là ai sẽ mang lại sự bình yên và hạnh phúc mà không một niềm vui tạm thời nào xuất phát từ sự phân tán của bản ngã có thể sánh được.

Chúng ta không phải là bản ngã. Chúng ta còn nhiều hơn thế. Cuộc sống cũng không phải do bản ngã hoạ ra. Nó cũng còn rất nhiều điều hơn thế nữa. Đây là Sự Thật tĩnh lặng mang lại cho chúng ta. Đây là sự thật chúng ta đã xa rời khi chúng ta nghe theo bản ngã và bị cám dỗ bởi những náo loạn và sự đa dạng của thế gian.

thien-dinh
(Ảnh: Internet)

Tìm kiếm Hạnh phúc trong Tĩnh lặng

Nếu chúng ta mong muốn niềm hạnh phúc thực sự đời đời, chúng ta sẽ chỉ tìm thấy nó trong im lặng, trong sự tĩnh lặng và trong hiện tại. Đó là nơi mọi thứ có ý nghĩa. Đó không phải là nơi để sợ hãi mà là một nơi để nâng niu, một nơi để chữa lành, và một nơi để nhớ lại.

Tôi thích dòng này từ bài học 291 trong sách A Course in Miracles (tạm dịch: Một khóa học về những phép lạ)

“Thế giới thực phản chiếu một cách khác qua đôi mắt yên tĩnh và với tâm trí yên bình. Không có gì ngoài việc nghỉ ngơi ở đó. Không có tiếng kêu đau đớn và nỗi buồn nào được nghe thấy…”

Tại sao chúng ta không bỏ qua những thú tiêu khiển và tìm một căn phòng yên tĩnh để ngồi? Ở đó, chúng ta có thể quán chiếu về những suy nghĩ đầy sợ hãi của mình. Chúng ta có thể học cách nhìn thấu qua những ảo tưởng của bản ngã và thấy được vẻ đẹp của sự phản chiếu chân thật. Không có khổ đau trong căn phòng chúng ta học cách ngồi tĩnh lặng, chỉ có bình yên. Và chẳng phải bình yên là thứ mà nhân loại cần?

Cứ ngồi đi!

"Tôi đã học được gì từ Blaise Pascal về sức mạnh của sự tĩnh lặng"
Một người phương Tây đang tập bài thiền định của Pháp Luân Công. (Ảnh: Internet)

Tác giả: Nancy Daley
Biên dịch: Mai Nguyen
Hiệu đính: Prana
Theo triethocduongpho.net

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn