Tại sao Đức Giáo hoàng lại đến thăm Đất Thánh?

Thứ Ba, 02 Tháng Giêng 201811:59 SA(Xem: 5792)
Tại sao Đức Giáo hoàng lại đến thăm Đất Thánh?

Pope

Nguồn:Why the Pope is going to the Holy Land“, The Economist, 20/05/2014

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Đức Giáo hoàng Francis sắp phải trải qua bài kiểm tra lớn nhất đối với các kỹ năng ngoại giao và giao tiếp của mình kể từ khi đảm nhận chức vụ cao nhất trong thế giới Thiên chúa giáo chỉ hơn một năm trước đây. Ngày 24/05/2014, Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm vùng Đất Thánh trong một chuyến đi kéo dài ba ngày, từ Jordan đến các vùng lãnh thổ Palestine và sau đó đến Israel. Đức Giáo Hoàng Francis sẽ theo bước những người tiền nhiệm của ông để đến thăm Bức tường phía Tây thành Jerusalem cũng như Đài tưởng niệm nạn diệt chủng Holocaust tại Yad Vashem. Khi Đức Giáo Hoàng Benedict thực hiện chuyến đi như vậy vào năm 2009, theo một cách nào đó Ngài đã khiến những người chủ nhà của mình thất vọng bằng cách đề cập chung chung đến “hàng triệu” người đã chết trong vụ thảm sát Holocaust (chứ không phải là con số chính xác 6 triệu người), và gọi nó là “bi kịch” chứ không phải là một tội ác. Điều đó cho thấy sự soi xét kỹ lưỡng đối với mỗi lời nói và cử chỉ của Đức Giáo Hoàng. Vậy tại sao Ngài lại đến thăm Đất Thánh?

Nói một cách chính thức, hành trình của Giáo hoàng Francis đến Đất Thánh là một cuộc hành hương với mục đích chính liên quan đến sự chia rẽ nội bộ của Thiên chúa giáo. Vào tối Chủ nhật và một lần nữa vào ngày hôm sau, Ngài sẽ gặp Bartholomew I, Thượng phụ Đại kết Istanbul, người được coi là “người đầu tiên trong số những người ngang hàng” trong hệ thống giáo hội Chính thống giáo. Họ sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày diễn ra cuộc gặp lần đầu tiên giữa một Đức Giáo hoàng và một Thượng phụ Chính thống giáo, điều được coi là một bước đột phá trong mối quan hệ giữa hai giáo hội. Ngay cả cuộc gặp đó cũng sẽ có những khó khăn của riêng nó. Những người Kitô hữu Chính thống giáo bảo thủ sẽ soi xét xem vị Thượng phụ, từ quan điểm của họ, có thỏa hiệp bất kỳ nguyên tắc thần học nào vốn đã chia rẽ Thiên chúa giáo Tây phương và Thiên chúa giáo Đông phương kể từ năm 1054 hay không.

Mặc dù chắc chắn rằng chuyến đi bận rộn của Đức Giáo hoàng sẽ có tác động rộng lớn hơn nhiều bởi các tín hiệu mà nó sẽ gửi tới các bên xung đột ở Trung Đông, và tới các dòng tín ngưỡng xuất phát từ Abraham (Do Thái giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo – NBT). Quan hệ giữa Israel và Tòa Thánh chất đầy những gánh nặng lịch sử. Vatican đã phản ứng một cách hoài nghi đối với sự thành lập Israel vào năm 1948 và hai bên mới chỉ trao đổi Đại sứ kể từ năm 1994; ngay cả bây giờ, một số chi tiết liên quan đến các tính chất Kitô giáo và các dòng tu tại Đất Thánh vẫn chưa được giải quyết.

Xu hướng chung trong quan hệ Vatican-Israel đã có chiều cải thiện, mặc dù đã bị lung lay khi Giáo hoàng Benedict phục hồi một giám mục đã phủ nhận nạn diệt chủng holocaust, và khi Vatican chỉ trích gay gắt phản ứng của Israel đối với phong trào intifada[1] của người Palestine. Trong khi đó, người Palestine sẽ hoan nghênh cơ hội để làm nổi bật những thực tế của cuộc sống trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Đức Giáo hoàng sẽ đi từ Amman đến Bethlehem, địa danh truyền thống gắn liền với sự giáng sinh của Chúa Jesus, đồng thời là một thành trì của các Kitô hữu Palestine, dù là dòng Chính thống, Công giáo hay Tin lành. Bên cạnh việc cử hành Thánh Lễ, Ngài cũng sẽ đến thăm một trại tị nạn của người Palestine, và chắc chắn sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của Vatican đối với một giải pháp hai nhà nước trong khu vực.

Dù Ngài nói và làm gì, Đức Giáo hoàng Francis cũng sẽ không thể hài lòng tất cả mọi người. Và sẽ có một số người sẽ không hoan nghênh sự hiện diện của Ngài tại Jerusalem. Trong một dấu hiệu khó chịu của tình trạng thù địch tôn giáo kéo dài chưa từng thấy trong những lần viếng thăm của các Giáo hoàng trước đây, một số địa điểm Kitô giáo đã bị tô vẽ với những khẩu hiệu như “Jesus là rác rưởi” và “Các Kitô hữu hãy chết đi”. Đây rõ ràng là tác phẩm của những kẻ cực đoan Do Thái vốn bị Amos Oz, tác gia người Israel, gọi là những kẻ “Do thái Phát xít mới”. Dù có tất cả sức hấp dẫn và uy tín của mình, Đức Giáo hoàng người Argentina vẫn sẽ khó có thể giành được cảm tình của một số người.

————–

[1] Một phong trào nổi dậy của người Palestine chống lại Israel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn