Hỏi: Tôi là đàn ông hay đàn bà? Trả lời: Không biết nữa.

Thứ Tư, 11 Tháng Chín 20198:00 CH(Xem: 5532)
Hỏi: Tôi là đàn ông hay đàn bà? Trả lời: Không biết nữa.

Khi một em bé lọt lòng mẹ, chắc là cô mụ phải nhìn vào ‘chỗ đó’ rồi phán ‘con gái’ / ‘con trai’. Vin vào ‘chỗ đó’ lối xóm cứ thế mà mua thiệp, mua quà chúc mừng. Con trai thì màu xanh. Con gái thì màu hồng.

Sinh con được vài ngày, cha mẹ liền làm giấy khai sanh. Trong miếng giấy này lại ghi rõ ‘Female, con gái’ / ‘Male / con trai’. Rồi cứ thế, cha mẹ mua quần sọt, áo thun hay đồ chơi Barbie, Elsie cho em bé lớn lên làm… con trai / con gái.

Con gái hay con trai đều là `con người’ cả. Nhưng vẫn có những chỗ dành riêng cho con gái như trường Grammar Girls chẳng hạn. Lại có chỗ chỉ có Gentlemen mới bước vào. Đó là cầu tiêu đề chữ ‘Gents’. Thật vậy, không chỗ nào phân biệt nam nữ bằng ở cầu tiêu. Một đám bạn bè nam nữ khoác tay, bá vai nô đùa với nhau cả ngày không sao cả. Tới khi ‘thiên nhiên réo gọi’, cả đám kéo vào cầu tiêu. Đây là lúc phân biệt rành rọt nam nữ à nghe. Sao kỳ vậy?

Ai ai thiết tha kêu gào nam nữ bình đẳng tới đâu thì cũng chào thua ở trước cửa vào… cầu tiêu. Đàn bà đi lộn vô ‘Nam’ sẽ đỏ mặt tới già. Đàn ông đi lộn qua ‘Nữ’ coi chừng ở tù như không. Nhưng chuyện phân biệt này rồi ra cũng phải xóa bỏ trong một xã hội bình đẳng.

Tuần qua, ai đó trong văn phòng thủ tướng và nội các Úc (Department of Prime Minister and Cabinet) ở Canberra dán một cái bảng ở cửa vào cầu tiêu ‘Please use the bathroom that best fits your gender identity, xin cứ tự nhiên dùng cầu tiêu nào thích hợp nhất với phái tính của mình’. Ý nói: nhân viên và khách khứa ghé thăm thủ tướng Úc nghĩ bụng mình là ‘đực rựa’ thì cứ tự nhiên bước vào cầu tiêu ‘Nam’ dù mặt mình thoa môi đánh phấn và mặc cái mini-jupe thật sếch-xi. Ngược lại, xin cứ tự nhiên vào phòng vệ sinh ‘Nữ’ dù râu ria xồm xoàm miễn là bụng mình nghĩ mình là ‘bóng hồng’.

Đến thế này, rủi ai hỏi ‘tôi là đàn bà hay đàn ông?’ thì chính tôi cũng không biết trả lời sao.

 Ngày trước, con gái / con trai phân biệt rạch ròi. Ngày nay – ít là ở Úc — chúng ta khó biết. Hay đúng hơn: biết là con gái / con trai cũng chẳng để làm gì. Có khi biết chính mình (hay ai đó) là đàn bà / đàn ông còn là không phải phép nữa.

Trong tháng Tám vừa qua, hội đồng lập pháp tiểu bang Victoria bỏ phiếu thuận cho người đổi giống hay có giống khác (trans and gender-diverse people) được đổi chữ ‘Male / Female’ đã lỡ ghi trên giấy khai sanh. Thật ra, Victoria chỉ theo chưn bốn nơi Tasmania, Bắc Úc, Nam Úc, Lãnh Thổ Thủ Đô ACT. Nay mai chúng ta sẽ thấy ‘thằng cu’ cầm tờ giấy khai sanh ghi chữ ‘Female’. Còn ‘cái hĩm’ thì rành rành trên giấy tờ ‘Male’. Thật ra, Victoria muốn tiến tới chỗ ‘chính phủ không có quyền định người này là ông, người kia là bà và cũng không được đụng tới cái gì nằm ở trong quần lót’, như lời một cụ Thượng đồng viện với cụ Thượng Tiến Kiều nhà ta, đã lên tiếng. Đây là điều Tasmania đang muốn: bỏ bén khoản mục ‘Gender, Phái tính: ’ trong giấy khai sinh. Thiệt là tiện việc sổ sách! Con người sinh ra chỉ là… người thôi. Biết thêm ‘trai’ hay ‘gái’ chỉ tổ phiền phức.

Mới đây liên đoàn Criket Úc tuyên bố sẽ tiến tới không còn phân biệt nam / nữ trong các cuộc tranh tài. Rồi sẽ có ngày cầu thủ cầm chầy ra sân chơi Criket thì không phân biệt nam / nữ, đổi giống hay thuộc về các giống khác. Ngay đến môn thể thao va chạm mạnh trên sân cỏ như Rugby cũng xóa lằn ranh phân biệt nam / nữ. Sau năm 2021 không còn gọi là Women’s Rugby World Cup và Men’s Rugby World Cup nữa. Chỉ còn lại Rugby World Cups mà thôi.

Dẹp bỏ Nam / Nữ khỏi cái tên các trận tranh tài thể thao thế giới đã khó mà còn khó hơn dân quèn khi phải xưng hô với người ‘không phải ông, không phải bà’. Tiếng Anh có He / She. Tiếng Pháp có Il / Elle. Tiếng Việt có ‘Ông / Bà’. Khi người ta không còn rạch ròi ông / bà nữa thì tiếng nói cũng phải… ấm ớ giữa ông / bà. Năm 2015, Thụy Điển cổ xuý bình đẳng nam nữ nên chế chữ ‘hen’ để gọi nhau. ‘Hen’ lơ lớ giữa ‘hon’ (bà) và ‘han’ (ông). Anh văn có hai chữ ‘He’ ‘She’ chỉ giống đực và giống cái. Gần đây, người ta không dám dùng chữ nặng mùi phân biệt nam nữ nên dù là chỉ có một người vẫn dùng đại từ ‘they’. Rủi có lỡ dùng ‘he / she’ thì cũng lo lớ thành ‘ze / zir’ hay ‘hir’.

Còn người nói tiếng Việt thì sao? Tình thiệt, Việt Luận chưa biết thưa thốt thế nào khi gặp bạn đọc ‘không phải ông mà cũng không phải bà’. Dường như phải trở lại lối nói trỏng của cha ông mình:

 Nước non một gánh chung tình

Nhớ ai, ai có nhớ mình chăng ai?

Cứ cái đà này, sẽ tới lúc chúng ta gặp nhau chỉ dám hỏi:

Ai đi đâu đấy hỡi ai

Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?

Ông bà mình vậy mà đi trước thời đại, à nghe.

Việt Luận

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn