Ngụy thần tượng

Chủ Nhật, 31 Tháng Mười Hai 20171:00 CH(Xem: 5794)
Ngụy thần tượng

Dr. Nikonian

Sáng nay vô quán thấy một chú teen đang cắm cúi đọc cuốn sách dày cui có hình Steve Jobs chống cằm tư lự. Chú đọc say mê lắm, hồi lâu không ngẩng đầu lên.

Rõ ràng chú là một fan của Steve Jobs! Dễ hiểu thôi, bằng tuổi chú, say mê vọc Mac Book, chọt chọt iPad, nhoay nhoáy bấm iPhone, sốt ruột chờ từng firmware update cho máy mình…, chắc tôi cũng ngưỡng mộ Jobs như chú, thậm chí hơn!

Tuy nhiên, vì tôi không bằng tuổi chú, lại hơi bị già, nên phải kể cho chú và các fan trẻ của Jobs nghe chuyện này:

Chiếc iPhone đình đám là iPhone 4. Ngay từ đầu, thiết kế tối giản, gọn ghẽ trên màn hình retina của nó đã gây sốt trên toàn thế giới. Nó thật sự là một cuộc cách mạng trong thế giới điện thoại hồi ấy, kể cả điểm: rất nhiều chiếc iPhone 4 bị… mất sóng, không nghe gọi được.

Về sau khi biết đó là lỗi thiết kế anten, người ta gọi đó là vụ bê bối antennagate.

Nhưng đó là chuyện về sau. Phản ứng đầu tiên là Jobs là… chối, và đổ thừa cho người tiêu dùng cầm ĐT không đúng cách (?) (Nguyên văn: “You’re holding it wrong”)

antennagate_thumb800
“You’re holding it wrong”

Và Jobs tổ chức họp báo, cũng với phong cách “diễn như không diễn” rất nhà nghề, Jobs chứng minh là những ĐT của các hãng khác cũng bị tương tự, không chỉ iPhone 4.

Phải nói ngay đây là một xảo biện rất phổ biến mà các chính trị gia bất lương hay sử dụng: “vì nước Mỹ nó có tham nhũng, nên việc tham nhũng ở nước tôi là chuyện bình thường!” (nghe rất quen)

Dìm hàng đối thử cạnh tranh, dân marketing rất kỵ vụ này.

Đó là một cách lấp liếm bất lương, từ Jobs!

Cuối cùng, những người dùng bị đổ lỗi không biết cách cầm ĐT được bù đắp bằng một cái bumper viền ĐT, có khả năng hạn chế sự mất sóng (?)

Đến hôm nay, iPhone X, chiếc iPhone thứ 10 ra đời, người ta lại phanh phui là hệ điều hành của iOS đã được viết sao cho iphone chậm lại khi pin đã cũ. Mà Apple không cung cấp dịch vụ thay pin. Nên người tiêu dùng bị đặt trước một tình huống rất cám dỗ: vứt đi chiếc iphone đã bị làm chậm, chạy ì ạch để móc hầu bao ra mua một chiếc iphone khác mới hơn, nhanh hơn, và cũng được lập trình để bị làm chậm lại, cho đến khi một chiếc iPhone khác ra đời.

Đây là gian lận! Mặc dù đã có lời chống chế: không chừng các hãng khác cũng làm vậy, cứ gì iPhone? (bổn cũ soạn lại)

Nên bạn trẻ kia ơi, cứ cắm cúi nghiền ngẫm đời Steve Jobs, cứ tha hồ vọc iPhone và các sản phẩm khác của Apple, như tôi đã và đang thích nó.

Tuy nhiên, đừng thần tượng Jobs, một kẻ cực kỳ thông minh nhưng ma mãnh. Cũng đừng biết ơn Jobs vì ảnh đã chế ra cái iPhone cho mình xài. Tiền chú chú mua, không miễn phí từ Apple, tại sao phải biết ơn?

Cũng như đóng thuế giao thông thì phải có đường đẹp để đi, không phải cảm tạ ai hết. Tuy nhiên, khi đường hẹp, nguy hiểm, thiết kế thi công cẩu thả, thì chú có quyền lên án, thậm chí phế truất những người đã phung phí tiền thuế của chú, chú nhỏ ạ.

Jobs cũng vậy! Một nhà sáng chế thiên tài và một nhân cách xoàng xĩnh.

Mà ngẫm lại, cái câu “Stay Hungry. Stay Foolish” có gì ghê gớm mà thiên hạ trích dẫn ầm ầm. Đó là một trò chơi tuyên truyền không hơn không kém, để biến câu hỏi “tôi nói … nghe rõ không?” trở thành hay ho như… Kinh Thánh.

“Can you hear me, boy?”

Dịch nôm ra là: “tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, nghe cũng… hay hay, ha?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn