Sắc đẹp, sắc dục, tà dâm… ở thời đại nào cũng có sức dụ hoặc ma mỵ và vô cùng lớn. Nó là viên đạn bọc đường, khiến người ta cam tâm tình nguyện đi vào chỗ chết. Vậy chúng ta có thể học từ người xưa những gì trong việc chế ngự ham muốn sắc dục?

Người xưa nói: “Vạn ác dâm vi thủ”, trong mọi điều ác thì tà dâm là đứng đầu. Quan hệ giới tính với người không phải vợ hoặc chồng của mình thì đều quy về tà dâm. Người phạm tội tà dâm không chỉ huỷ hoại phẩm tiết của bản thân, mà còn liên lụy tới cả gia đình, dòng tộc. Người ở địa vị cao mà tâm tà, dâm loạn có thể khiến cơ đồ bại vong. Nhiều người vì phạm giới sắc dục mà mắc bệnh, khí huyết suy kiệt, thậm chí dẫn đến cái chết. Ấy là chưa kể báo ứng sau khi chết, chịu cực hình dưới địa ngục hoặc chuyển kiếp súc sinh, đầu thai trả nợ, v.v… không biết ngày nào xong. 

Tà dâm nguy hiểm như vậy, nhưng nó vẫn thường ngụy biện, ngụy trang, lừa dối người ta bằng những mỹ từ hào nhoáng. Nào là “trai anh hùng, gái thuyền quyên”, nào là “vượt ra khỏi vòng cương toả của xã hội phong kiến”, nào là “đi theo tiếng gọi của trái tim”… Có khác gì con yêu quái Bạch Cốt Tinh giả dạng cô thôn nữ hiền lành, lừa gạt và suýt ăn thịt Đường Tăng?

Xưa nay có câu: “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”. Trong lịch sử có rất nhiều bậc anh hùng hào kiệt, từ hoàng đế, tướng quân, cho đến văn nhân, cự phú… đã không thể chống lại sự cám dỗ từ nữ sắc và dục vọng. Nhưng cũng có những người đã bằng ý chí mạnh mẽ, khắc cốt ghi tâm lời dạy của Thần Phật, Thánh hiền, mà vượt qua cửa ải sắc dục. Dưới đây là một vài câu chuyện như thế:

Tống Nhân Tông gạt nước mắt từ chối mỹ nhân

Triệu Trinh, còn gọi là Nhân Tông, là vị hoàng đế thứ tư của triều Tống. Ông tại vị 42 năm, lâu hơn bất kỳ một vị hoàng đế nhà Tống nào. Nhân Tông nổi tiếng bởi nhân từ và khiêm tốn. Một ngày nọ, gián quan Vương Tố, một vị quan ngay thẳng, đã đề nghị rằng nhà vua không nên thân cận với nữ sắc.

Nhân Tông nói: “Gần đây, Vương Đức Dụng đã tiến một số mỹ nữ cho ta. Họ đang ở trong cung điện. Ta thực sự thích họ. Khanh không muốn ta giữ họ lại ư?”.

Vương Tố đáp: “Lời can gián của thần hôm nay đích thị là chủ đề này. Thần lo rằng bệ hạ sẽ bị nữ sắc mê hoặc”.

Nhân Tông biết lời khuyên này là đúng, và đã miễn cưỡng ra lệnh cho một thái giám: “Hãy cho mỗi mỹ nữ mà Vương Đức Dụng mang đến một ít tiền và gửi họ trở về nhà”.

Nói xong, ông nước mắt đầm đìa. Vương Tố nói: “Giờ bệ hạ đã đồng ý với lời khuyên của thần, không cần phải vội vàng, dù sao họ cũng đã vào cung rồi, hãy để qua một đoạn thời gian sau đó để họ đi cũng ổn rồi”.

Nhân Tông nói: “Dù là hoàng đế nhưng ta không thể thoát khỏi tình cảm con người. Nếu họ ở đây lâu hơn, ta sẽ có tình cảm với họ và không thể để họ đi”.

Có một bài thơ ca ngợi Nhân Tông: “Nhân giả nhân dã, nhân nghĩa hữu đạo, nhân giả nhẫn dã, nhẫn khổ nhẫn lao, Nhân Tông nhẫn dục, thượng hành hạ hiệu, thái bình thịnh thế, dĩ nhân vi hào”. Nghĩa là:

Làm người thì phải có lòng nhân, theo con đường nhân nghĩa. Làm người cũng phải nhẫn, nhẫn khổ và khó nhọc. Nhân Tông nhẫn được dục, bề trên làm được thì hiệu lệnh được kẻ dưới, được thái bình thịnh thế, [bởi vậy] mới lấy Nhân làm danh hiệu.

250px-renzong
Tranh vẽ Tống Nhân Tông. (Ảnh: wikipedia.org)

Sự tích chiếc quạt lông của Khổng Minh

Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, là vị quân sư tài ba lỗi lạc của nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Có nhiều truyền thuyết thú vị về Khổng Minh, và câu chuyện về chiếc quạt lông của ông là một trong số đó.

Khi còn nhỏ, Khổng Minh được một cao nhân chỉ dạy về binh thư chiến pháp và biến hoá của trời đất. Khi đi tham quan trên những ngọn núi, ông thấy một túp lều. Đột nhiên, một cô gái vô cùng xinh đẹp bước ra cửa. Cô ta vẫy gọi Khổng Minh rồi mời ông dùng trà và chơi cờ.

Cô ta nói: “Từ giờ khi nào nhàn không bận gì, tiện qua chỗ tôi và cùng chơi cờ nhé!”. Khổng Minh đã đến túp lều đó mỗi ngày và thấy rất thoải mái vui vẻ. Tuy nhiên, ông không còn để tâm học hành và không thể nhớ những điều trong sách, thậm chí sau khi đọc một đoạn văn nhiều lần. Sư phụ của ông đã nhận ra điều này.

Sư phụ nói: “Phá cây thì dễ, nhưng trồng cây thì khó! Sắc đẹp của nó làm con mê muội và con đã bị cám dỗ. Con có biết rằng nó vốn là một con hạc tiên trên trời? Và nó thường hay đến thế gian để dụ dỗ con người?”.

Khổng Minh rất hối hận và xấu hổ, liền hỏi sư phụ biện pháp. Sư phụ trao cho ông một cây gậy chống và nói: “Mỗi ngày nó đều đi tắm trong hồ trên núi. Đây là cơ hội để giấu quần áo của nó. Nó sẽ tìm con để lấy lại khi không tìm thấy quần áo. Sau đó, hãy dùng cây gậy này để đánh nó!”.

Khổng Minh liền làm theo lời sư phụ. Khi con hạc không thể tìm thấy quần áo, nó hiện nguyên hình và mổ vào mắt Khổng Minh. Ông tránh né, nắm lấy đuôi của nó và đánh mạnh bằng cây gậy.

Khi con hạc thấy tình hình bất lợi, nó đã vùng vẫy và bay đi. Nhưng Khổng Minh vẫn giữ lông đuôi của nó trong tay mình, nên nó không thể quay về trời. Để cảnh tỉnh về sự dại dột thời trẻ của mình, ông đã làm một chiếc quạt bằng lông đuôi chim hạc như một lời nhắc nhở thường hằng.

Người đời ngợi khen Khổng Minh là: “Người mệnh danh trí tuyệt, lại càng đủ phẩm đức, tĩnh lặng đến thâm sâu, đạm bạc chí sáng suốt, lấy vợ tuyển người xấu, thật ra chọn vợ hiền, người đời sau kính ngưỡng, truyền thuyết có rất nhiều”.

khong-minh-tran-xich-bich
Tranh thủy mặc Khổng Minh cầu gió Đông. (Ảnh: muare)

Địch Nhân Kiệt cự tuyệt tà dâm, từ bi khuyến thiện

Địch Nhân Kiệt là tể tướng nhà Đường, sử sách chép rằng Nữ hoàng Võ Tắc Thiên đặc biệt tôn kính ông, chỉ gọi ông là “quốc lão” mà không nhắc trực tiếp bằng tên. Khi còn trẻ, ông có khuôn mặt như quan ngọc, mi thanh mục tú, tướng mạo cao lớn.

Trên đường đến kinh đô dự thi, Địch Nhân Kiệt lưu lại một quán trọ. Đêm hôm đó yên tĩnh, trong khi đang đọc sách, một thiếu phụ xinh đẹp đã vào phòng ông. Đó là người con dâu của chủ quán trọ, kết hôn không lâu thì chồng qua đời.

Lúc ban ngày thấy Địch Nhân Kiệt anh tuấn phi phàm, ý xuân nổi lên không thể kiềm chế được, đến tối nàng lấy cớ mượn lửa, gợi tình Địch Nhân Kiệt. Không ngờ Địch Nhân Kiệt vốn biết rõ ý tứ của nàng nhưng không mảy may động tâm, lại thiện ý nói: “Thấy nàng diễm lệ hấp dẫn người khác như thế này, ta nhớ lại lời của một hoà thượng già”. Thiếu phụ hiếu kỳ hỏi: “Ông ấy đã nói gì?”.

Địch Nhân Kiệt bèn mượn cơ hội để thức tỉnh nàng, nói: “Trước khi đi kinh đô, ta ở tại một ngôi chùa để chuẩn bị cho kỳ thi. Một hoà thượng già thấy tướng mạo của ta đã khuyên ta vài lời: ‘Con tướng mạo đường đường, tương lai nhất định con sẽ đạt được địa vị cao. Nhưng thế nào cũng không được tham sắc phạm dâm, hủy hoại tương lai của mình’. Lời giáo huấn của hoà thượng già, ta vẫn cẩn thận ghi nhớ trong tâm”.

Ông tiếp tục: “Nàng có thể gắng chí thủ tiết, đây là điều đáng quý. Đừng vì nhất thời xung động mà hủy hoại danh tiết của mình. Hơn nữa, nàng còn phải chăm sóc cha mẹ chồng và con nhỏ. Phụ nữ thời xưa được ca ngợi vì sự thủ tiết của họ”.

Thiếu phụ nghe những lời này cảm động đến rơi lệ, cảm tạ và nói: “Cảm tạ đại đức của ân công, từ giờ trở đi, nhất định kiên trì thủ tiết, để báo đáp sự dạy bảo hôm nay của ân công”. Cuối cùng sau khi bái Địch Nhân Kiệt ba lần, nàng đã nhẹ nhàng quay gót.

Có lời khen rằng: “Vào lúc thiếu niên, phải giới sắc dục, chớ huỷ tương lai, hãy xem Nhân Kiệt, lại còn khuyến thiện, trung trinh thủ tiết, lợi mình lợi người, truyền mãi muôn đời”.

***

Từ Tống Nhân Tông biết tiếp thu lời can gián, miễn cưỡng từ bỏ nữ sắc mà lòng đau như cắt, nước mắt tuôn rơi đã là khởi đầu của ý chí hướng thiện. Đến Khổng Minh giật mình tỉnh ngộ, biết xấu hổ hối lỗi, có thể cầm gậy nhằm con hạc tiên mà đánh, là biểu hiện của tâm kiên định cự tuyệt dâm tà. Cuối cùng, đạt tới cảnh giới của Địch Nhân Kiệt, trước sự mê hoặc của nữ sắc có thể giữ tâm bất động, giữ thân ngay chính, lại còn từ bi coi trọng thể diện của mỹ nhân mà chọn dùng ngôn từ cung kính, khuyến thiện động viên giáo huấn, đó là những tấm gương để mỗi bậc nam nhi cần noi theo vậy.

Khiêm Từ