Năm 2002, khi đến tuổi thanh niên, Yaw Ngoha đã cùng anh trai Peter rời khỏi vùng quê nghèo nhất Ghana để đến Bawdie tìm vàng. Vài năm sau anh đã kiếm đủ tiền để kết hôn với người yêu Mary và xây một ngôi nhà có mái hiên, sau đó anh  mua thêm một chiếc TV màn hình phẳng.

Ngày càng nhiều người đi khai thác vàng như anh đã giúp Ghana phát triển thành nhà sản xuất vàng lớn nhất châu Phi.

Bi kịch đời phu vàng - Ảnh 1.

Khai thác vàng thủ công ở Nsuaem Top, Ghana

Bi kịch đời phu vàng - Ảnh 2.
Bi kịch đời phu vàng - Ảnh 3.
Bi kịch đời phu vàng - Ảnh 4.

Song rất ít người được cảnh giác những rủi ro bệnh tật trong quá trình khai thác vàng. Đến khi bạn bè và các thành viên gia đình của Ngoha bắt đầu đau đớn vì những cái chết thì anh vẫn tự nhủ rằng điều này không liên quan gì đến lượng bụi mà họ đã hít vào hoặc các chất độc - bao gồm cả thủy ngân và axit nitric - họ đã sử dụng để chiết xuất vàng.

Một buổi sáng năm 2016, Ngoha bắt đầu ho ra máu. Cảm giác như đường thở của anh đang bị tắc nghẽn. Bác sĩ điều trị cho biết anh bị bệnh lao.

Bi kịch đời phu vàng - Ảnh 5.

Những lời mời gọi đào vàng hào nhoáng...

Ngoha đang sống ở thị trấn Bawdie ở Ghana. Đây là vùng  sản xuất chính của ca cao, cao su và dầu cọ. Ca cao Ghana được các nhà sản xuất chocolate trên toàn thế giới sử dụng. Nhưng trồng hoa màu dễ mất mùa, khi bán lại bị trả chậm. Trong khi đó, những tảng đá ở đây được tẩm rất nhiều vàng, chúng lấp lánh.

Kể từ năm 2008, giá vàng tăng lên, thiết bị đào quặng từ Trung Quốc trở nên rẻ, dễ kiếm và việc khai thác không chính thức đã mọc lên như nấm.

Năm 2016 Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế ước tính một triệu người ở Ghana kiếm sống bằng khai thác vàng thủ công và 4,5 triệu người phụ thuộc vào nó. Vùng hạ Sahara ở châu Phi là nơi có gần 10 triệu người khai thác.Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, ít nhất 60 triệu người nữa phụ thuộc vào lĩnh vực này.

Bi kịch đời phu vàng - Ảnh 6.

Để có được miếng vàng nho nhỏ, những phu vàng phải đánh đổi rất nhiều, lắm lúc là mạng sống

Những người khai thác vàng đã đầu độc những dòng sông, đất nông nghiệp - và chính họ. Những người khai thác hít khói từ chất nổ dùng để phá đá và bụi phát ra từ các máy nghiền, có chứa kim loại nặng như chì. Điều này làm suy yếu phổi. Họ sử dụng thủy ngân và axit nitric để loại bỏ quặng quý ra khỏi trầm tích cũng gây ra các vấn đề: Thủy ngân đầu độc mọi mô nó chạm vào. Bên cạnh tổn thương phổi, nó có thể dẫn đến mất trí nhớ, khó chịu hoặc trầm cảm, suy thận, run hoặc tê và da bị đổi màu, bong tróc hoặc bong vảy. Ngộ độc thủy ngân cực độ có thể gây tê liệt, hôn mê hoặc điên loạn. Ngay cả những người không tiếp xúc trực tiếp cũng hấp thụ nó qua nước hoặc, đối với những người ở gần bờ biển, hải sản.

Một đêm năm 2009, Peter, anh trai của Ngoha, 40 tuổi, bắt đầu ho không kiểm soát. Máu chảy ra từ mũi anh, gia đình vội đưa anh đến bệnh viện. Vài giờ sau, Ngoha nhận được một cuộc gọi: Peter đã chết.

Trở lại Bawdie vào tháng 4-2019, 16 tháng dùng thuốc trị lao đã không thể chữa lành cho Ngoha. Anh ngừng khai thác. Mary đang vật lộn để nuôi gia đình và chăm sóc anh ta.

Đầu tháng 5, Bawdie chôn cất một người - tên anh ấy là Yaw Ngoha.

Gia Minh (theo REUTERS