Lịch sử tiến hoá: Tôn giáo và nhu cầu sống thành nhóm ở loài người

Thứ Sáu, 09 Tháng Tám 20191:00 SA(Xem: 5283)
Lịch sử tiến hoá: Tôn giáo và nhu cầu sống thành nhóm ở loài người
bbc.com

Tôn giáo và nhu cầu sống thành nhóm ở loài người

Brandon Ambrosino BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Không có lịch sử tôn giáo của một sinh vật đơn lẻ. Câu chuyện của chúng ta là nói về chúng ta.

Cho nên, để hiểu về tôn giáo, trước hết ta cần nhìn lại lịch sử sâu xa để hiểu được tổ tiên con người đã tiến hoá ra sao để sống thành từng nhóm.

Tôn giáo đã tiến hoá như thế nào, và vì sao

Sau rốt, chúng ta là hậu duệ của một chuỗi dài các thế hệ linh trưởng tiền nhân với "các mối quan hệ xã hội lỏng lẻo và không có cấu trúc nhóm ổn định", Jonathan Turner, tác giả của cuốn Sự Xuất hiện và Phát triển của Tôn giáo (The Emergence and Evolution of Religion), nói.

Điều này đưa Turner đến với câu hỏi trị giá triệu đô la: "Tại sao thuyết lựa chọn của Darwin về giải phẫu thần kinh ở tông người lại khiến con người ưa giao tiếp xã hội hơn, dẫn đến việc con người có thể tạo ra những gắn bó xã hội để hình thành nên những nhóm quần thể nguyên thuỷ đầu tiên?" ông hỏi tôi qua điện thoại. "Đó không phải là điều tự nhiên đối với các loài linh trưởng."

Nhu cầu giao tiếp xã hội

Gốc gác chung cuối cùng, nơi tổ tiên loài người có chung tổ tiên với linh trưởng, là cách đây 19 triệu năm về trước.

Đười ươi orangutan tách ra vào khoảng 13-16 triệu năm trước, còn khỉ đột gorilla, khoảng 8-9 triệu năm trước.

Rồi tông người tách ra thành hai nhánh vào khoảng 5-7 triệu năm trướcc, với một nhánh tiến hoá thành tinh tinh (chimpanzee) và vượn bonobos, còn một nhánh trở thành chúng ta.

Con người hiện đại chúng ta có chung 99% các bộ gene với tinh tinh, và điều đó có nghĩa hai loài này là họ hàng gần gũi nhất với nhau trong toàn bộ họ linh trưởng.

Những nét tương đồng giữa con người và tinh tinh đã được biết đến, nhưng có một điểm khác biệt quan trọng giữa hai loài, đó là quy mô nhóm sinh sống cùng nhau.

Tinh tinh trung bình duy trì khoảng 45 cá thể mỗi nhóm, nhà tâm lý học tiến hóa Robin Dunbar nói. "Đây có vẻ như là quy mô nhóm lớn nhất," ông nói. Thế nhưng ở con người thì con số này trung bình là 150, được gọi là Số của Dunbar.

Lý do, theo Dunbar, là bởi con người có khả năng đạt được các mối liên hệ xã hội lớn gấp ba lần so với tinh tinh nếu bỏ ra cùng mức độ nỗ lực trong giao tiếp xã hội. Tôn giáo khiến con người tăng khả năng giao tiếp xã hội.

Sao có thể thế?

Khi tổ tiên linh trưởng của chúng ta chuyển từ việc sống trong rừng sang các môi trường mở như thảo nguyên savannah ở đông và nam Phi, áp lực của sự lựa chọn tự nhiên theo học thuyết Darwin đã khiến họ phải tăng cường giao tiếp xã hội để tăng cơ hội được bảo vệ khỏi những loài mãnh thú ăn thịt và để có được nguồn thực phẩm dự trữ tốt hơn.


Còn một chuyện nữa, là việc này cũng giúp cho việc tìm kiếm bạn tình thuận lợi hơn.

Nếu như không thể duy trì các cơ cấu mới, như tạo thành các nhóm nhỏ gồm khoảng năm, sáu gia đình nhỏ, Turner nói, thì các loài linh trưởng sẽ không có khả năng sinh tồn.

Vậy thế giới tự nhiên đạt được tiến trình xã hội hóa này như thế nào?

Tiến hóa về cảm xúc

Turner nói điểm then chốt không phải là điều chúng ta vẫn thường nghĩ tới, trí thông minh, mà là cảm xúc. Đây là thứ gắn liền với một số những thay đổi quan trọng trong cấu trúc não của chúng ta.

Cho dù tân vỏ não (neocortex), tức là phần não chịu trách nhiệm về ngôn ngữ và ý thức, đóng vai trò chủ đạo trong nhiều giả thuyết về sự tiến hóa của tôn giáo, nhưng Turner nói rằng các phần quan trọng hơn là các phần ở dưới vỏ não, là các bộ phận khiến tông người có được năng lực trải nghiệm một loạt các cảm xúc phong phú hơn.

Những cảm xúc này giúp làm tăng mức độ gắn bó giữa các cá thể với nhau, điều rất quan trọng để tôn giáo phát triển.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Những cảm xúc tôn giáo phức tạp thường là sự tổng hợp của nhiều loại cảm xúc khác nhau. Chẳng hạn, nỗi kinh sợ là kết quả của sự pha trộn giữa nỗi sợ hãi và niềm hạnh phúc

Tiến trình cải thiện phần dưới vỏ não, theo Turner, diễn ra từ khoảng 4,5 triệu năm trước, khi vượn người phương nam (còn gọi là 'vượn người Australopithecine') đầu tiên xuất hiện.

Lúc ban đầu, Turner nói, là sự lựa chọn tăng kích thước não lên, lớn hơn chừng 100 phân khối so với não tinh tinh, đạt khoảng 450 phân khối ở vượn người Australopithecine.


So sánh cho dễ hình dung, thì kích thước này nhỏ hơn não của tông người - xuất hiện sau đó - xảo nhân, hay còn gọi là người khéo léo (Homo habilis) có kích thước sọ là 775 phân khối, trong lúc người đứng thẳng (Homo erectus) thì có não lớn hơn một chút, 800-850 phân khối.

Con người hiện đại thì có não với kích cỡ to hơn hẳn, tới 1.400 phân khối.

Nhưng việc có kích thước não nhỏ hơn đáng kể không có nghĩa là không có chuyện gì xảy ra trong não ở tông người.

Kích thước não được đo bằng phần hốc xương sọ, nhưng Turner nói rằng những thứ này không thể hiện được sự cải thiện của phần dưới vỏ não, vốn xuất hiện trong thời kỳ từ lúc bắt đầu có vượn người phương nam (Australopiths), khoảng bốn triệu năm trước, và người đứng thẳng (Homo erectus), 1,8 triệu năm trước.

"Việc đó nằm trong câu chuyện các cơ chế phần dưới vỏ não này tiến hóa ra sao, để cuối cùng dẫn đến sự ra đời của tôn giáo."

Cho dù tân vỏ não ở người lớn gấp ba lần so với bộ phận tương đương ở các loài linh trưởng, nhưng phần dưới vỏ não thì chỉ lớn gấp đôi, và điều này khiến cho Turner tin rằng việc cải thiện cảm xúc ở tông người đã diễn ra từ trước khi tân vỏ não bắt đầu phát triển cho tới kích thước ở người hiện nay.

Đây chính là chỗ mà thế giới tự nhiên đã thành công.

Có lẽ bạn đã từng nghe những thảo luận về cái gọi là các cảm xúc căn bản: hung hăng, sợ hãi, buồn rầu, và hạnh phúc.

Bạn có nhận ra bất kỳ điều gì từ danh sách liệt kê trên không?

Ba trong số các cảm xúc đó là mang tính tiêu cực. Nhưng việc thúc đẩy tinh thần đoàn kết thì đòi hỏi phải có các cảm xúc tích cực - cho nên tiến trình lựa chọn tự nhiên phải tìm cách tắt đi các cảm xúc tiêu cực và tăng các cảm giác tích cực, Turner nói.

Khả năng có cảm xúc ở các loài linh trưởng lớn (đặc biệt là ở tinh tinh) đã đạt mức tinh tế hơn nhiều so với các loài động vật có vú khác, cho nên sự lựa chọn tự nhiên cần phải có cách phát triển tiếp.

Tại điểm này trong lập luận của mình, Turner đưa ra khái niệm những sự kết hợp nhân tố bậc một và nhân tố bậc hai, theo đó cho rằng các cảm xúc là kết quả của sự kết hợp giữa hai cảm xúc căn bản trở lên.

Chẳng hạn như hạnh phúc kết hợp với tức giận sẽ tạo nên cảm xúc báo thù, trong khi sự ghen tuông là kết quả của việc kết hợp giữa tức giận và sợ hãi.

Nỗi kinh sợ, vốn đóng vai trò quan trọng trong tôn giáo, là sự kết hợp giữa nỗi sợ hãi và niềm hạnh phúc.

Các kết hợp theo nhân tố bậc hai thậm chí còn phức tạp hơn, và chúng xuất hiện trong quá trình tiến hoá từ người đứng thẳng (Homo erectus), 1,8 triệu năm trước, lên người thông minh (Homo sapiens), khoảng 200 ngàn năm trước.

Chẳng hạn như cảm giác tội lỗi và hổ thẹn, là hai cảm xúc rất quan trọng cho sự phát triển tôn giáo, là sự kết hợp giữa đau buồn, sợ hãi và tức giận.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Người Hồi giáo Kashmir đón mừng lễ Eid-e-Milad-un-Nabi, là dịp kỷ niệm ngày sinh của Đấng Tiên tri

Khó để mà tưởng tượng ra tôn giáo không có năng lực trải qua những kết hợp cảm xúc này, với cùng lý do của việc khó mà tưởng tượng ra những nhóm xã hội khép kín không có năng lực đó: một bảng cảm xúc như vậy ràng buộc chúng ta với những người khác ở tầm mức nội tâm bên trong.


"Những tính đoàn kết ở con người chỉ có thể hình thành nhờ có những cảm xúc được phát triển lên từ những cảm xúc tích cực - yêu thương, hạnh phúc, thoả mãn, chăm sóc, trung thành - và sự làm dịu bớt sức mạnh của các cảm xúc tiêu cực, hoặc ít nhất cũng là của một số cảm xúc tiêu cực," Turner nói.

"Và một khi những hoá trị mới về cảm xúc tích cực này trở thành chịu điều khiển của hệ thần kinh, chúng sẽ kết hợp với các nghi lễ và các hành vi ứng xử khơi gợi cảm xúc khác để tăng đặc tính thống nhất, và cuối cùng tạo ra những khái niệm về các vị thần quyền lực và các thế lực siêu nhiên."

Điều quan trọng ở đây là chúng ta cần hiểu được cảm giác xoay trục là thế nào trong sự phát triển của tôn giáo.

Như Darwin cảm thấy bị thuyết phục, thì không có khác biệt nào giữa cảm xúc tôn giáo với bất kỳ loại cảm xúc nào khác.

Nếu như điều này là đúng, thì điều đó có nghĩa là các nguyên nhân gây ra cảm xúc tôn giáo cũng có thể được xác định và được nghiên cứu giống như bất kỳ cảm xúc nào khác.

Brandon Ambrosino viết bài cho New York Times, Boston Globe, The Atlantic, Politico, Economist và các báo khác. Ông sống tại Delaware. Đây là phần haicủa loạt bài đặc biệt, tìm hiểu về cội rễ tiến hoá của tôn giáo.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn