Du lịch vũ trụ, điều con người trước đây không dám tưởng tượng, sẽ sớm trở thành sự thật sau những thử nghiệm thành công mới đây. Nhiều công ty hàng không, vũ trụ lớn của Mỹ đang chạy đua để tranh giành “miếng bánh” hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển này. 

Hai công ty tư nhân khổng lồ của Mỹ đang dẫn đầu trong cuộc đua đưa người lên vũ trụ là hãng vận tải vũ trụ Virgin Galactic của tỷ phú người Anh Richard Branson và Blue Origin của nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos. Hiện hai công ty này đang đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các công đoạn cuối cùng để có thể đưa người lên tham quan vũ trụ trong năm sau.

Du lịch vũ trụ: Sự cạnh tranh quyết liệt của các ông lớn công nghệ
Phi thuyền chở khách ngoài không gian SpaceShipTwo của Virgin Galactic. (Ảnh: SpaceNews)

Tuy nhiên, cả hai công ty này đều không có dịch vụ đưa du khách lên quỹ đạo Trái đất. Tên lửa sẽ chỉ hỗ trợ phóng họ lên độ cao 100km so với mặt đất để thưởng ngoạn trong vài phút. Đích đến của hành trình chính là đường ranh giới của khí quyển trái đất. Tại độ cao này, trời tối hơn và du khách sẽ có cơ hội độc nhất vô nhị để ngắm nhìn đường cong của Trái đất. Đây sẽ là một trải nghiệm diệu kỳ khi du khách được ngắm trái đất ở độ cao như vậy. 

Theo kế hoạch, phi thuyền của Virgin Galactic sẽ mang theo 6 hành khách, được gắn với máy bay chở hàng. Theo hãng tin Reuters, trong chuyến bay thử nghiệm có người lái lên vũ trụ thực hiện thành công vào tháng 12 năm ngoái của Virgin Galactic, chiếc máy bay hai thân gắn động cơ tên lửa WhiteKnightTwo mang theo phi thuyền chở khách SpaceShipTwo cùng hai phi công điều khiển và một hình nộm hành khách tên Annie.

Du lịch vũ trụ: Sự cạnh tranh quyết liệt của các ông lớn công nghệ
Chiếc tên lửa của Blue Origin rời bệ phóng. (Ảnh: blueorigin.com)

Khi tới độ cao 13.700m, WhiteKnightTwo sẽ đẩy phi thuyền SpaceShipTwo lên tới rìa không gian, đủ cao để hai phi công và hành khách được trải nghiệm cảm giác không trọng lượng và nhìn thấy đường cong của Trái đất trong vài giây.

Sau đó, họ hạ cánh xuống sa mạc California an toàn. Chuyến bay này của Virgin Galactic có thể xem là bước ngoặt lớn, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử một chuyến bay thương mại của Anh đưa người thành công lên vũ trụ, và cũng là chuyến bay có người lái đầu tiên kể từ khi NASA đóng cửa chương trình tàu con thoi năm 2011.

Du lịch vũ trụ: Sự cạnh tranh quyết liệt của các ông lớn công nghệ
Chiếc máy bay hai thân gắn động cơ tên lửa WhiteKnightTwo mang theo phi thuyền chở khách SpaceShipTwo. (Ảnh: New Scientist)

Một tấm vé cho chuyến du lịch đặc biệt trong 90 phút này được Virgin Galactic định giá 250.000 USD. Hơn 600 người đã trả tiền hoặc đặt cọc cho các chuyến bay vào không gian của Virgin Galactic, bao gồm tài tử Leonardo DiCaprio và ngôi sao nhạc pop Justin Bieber. 

Còn hãng Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos phát triển tên lửa New Shepard, đẩy khoang vũ trụ chứa được 6 người. Khoang vũ trụ sau đó sẽ tách ra tiếp tục hành trình trong khi tên lửa quay lại mặt đất. Hành khách có thể chiêm ngưỡng cảnh tượng ngoạn mục của Trái đất qua những ô cửa kính lớn trước khi tàu vũ trụ trở lại mặt đất. Vé cho một chuyến du ngoạn như thế được Blue Origin định giá từ 200 – 300.000 USD và sẽ được bán trước khi chuyến bay thương mại đầu tiên được thực hiện. 

Du lịch vũ trụ: Sự cạnh tranh quyết liệt của các ông lớn công nghệ
Công ty Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos đang cạnh tranh quyết liệt với Virgin Galactic để đưa người lên du lịch vũ trụ. (Ảnh: idg.bg)

Ngoài hai hãng vũ trụ hàng đầu trên, hiện nay, một số hãng khác của Mỹ cũng đang đặt chân vào cuộc đua hứa hẹn sẽ khốc liệt trong tương lai gần này. Đó là Boeing, SpaceX của tỷ phú Elon Musk và Stratolaunch của nhà sáng lập Microsoft (đã quá cố) Paul Allen.

Theo thông tin từ AFP, SpaceX, Boeing đang độc lập phát triển khoang vũ trụ để chở phi hành gia của NASA từ năm 2020. Nhiều khả năng họ sẽ cung cấp các chuyến bay tư nhân trong dài hạn. Còn công ty khởi nghiệp Orin Span của Mỹ đang ấp ủ giấc mộng xây và đưa một khách sạn sang trọng lên trên quỹ đạo vũ trụ. Khách sạn có khả năng đón được 6 khách mỗi lần với 2 nhân viên trên trạm, kỳ vọng sẽ bắt đầu đón khách vào năm 2022. 

Mỗi kỳ nghỉ kéo dài 12 ngày trên trạm Aurora dự kiến có giá 9,5 triệu USD/người. Ngoài việc chiêm ngưỡng những cảnh tượng kỳ bí của vũ trụ, du khách còn được trải nghiệm trồng thực phẩm sử dụng công nghệ thực tế ảo. Tuy vậy, điều kiện để tham gia kỳ nghỉ này không hề đơn giản, ngoài việc phải bỏ ra một số tiền khổng lồ, du khách còn phải trải qua một khóa huấn luyện kéo dài 3 tháng.

Du lịch vũ trụ: Sự cạnh tranh quyết liệt của các ông lớn công nghệ
Dự án trạm Aurora của Orion Span. (Ảnh: Orion Span)

Trong khi đó, NASA cũng lên kế hoạch cho du khách tham quan trạm vũ trụ quốc tế ISS từ năm 2020. Trạm vũ trụ này là nơi làm việc của các phi hành gia quốc tế và chưa từng cho khách lên tham quan. Theo kế hoạch được NASA thông báo, các công ty tư nhân có thể đưa hành khách lên trạm trong 30 ngày. “NASA có thể sắp xếp hai chuyến bay ngắn ngày đến trạm ISS cho khách hàng cá nhân mỗi năm. Đây sẽ là những chuyến du hành vũ trụ thương mại và do khách hàng cá nhân trả phí”, cơ quan này giải thích.

Dịch vụ vận chuyển hành khách sẽ do Boeing và SpaceX cung cấp. Hai hãng này đang phát triển tàu chở người lên trạm ISS. Mỗi chuyến bay cho một người ước tính có giá khoảng 50 triệu USD hoặc cao hơn.