Vì sao trải nghiệm thất bại có thể là động cơ để dẫn tới thành công

Thứ Tư, 07 Tháng Tám 20197:00 SA(Xem: 4196)
Vì sao trải nghiệm thất bại có thể là động cơ để dẫn tới thành công
bbc.com

Nếm thất bại là động cơ để thành công

Ian Leslie BBC Capital

Federer giành nhiều Gland Slams nhưng cũng chịu nhiều thất bại tại các cuộc tranh tài chung kết. Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Federer giành nhiều Gland Slams nhưng cũng chịu nhiều thất bại tại các cuộc tranh tài chung kết.

Sự tổn thương tâm lý vì thất bại thực tế có thể làm tốt cho chúng ta hơn là làm hại.

Năm 2008, Annie Vernon chèo thuyền trong tốp 4 người của Anh trong Thế Vận Hội Bắc Kinh. Ở tuổi 25, cô là thành viên trẻ nhất của một nhóm chèo thuyền đầy kinh nghiệm được dự kiến sẽ dành huy chương vàng Olympic. Họ cán đích chậm tý chút và mất vị trí số một với đội Trung Quốc. Vernon đau khổ cực độ và bị chấn thương tâm lý vì thất bại này. Trong một cuộc phỏng vấn quảng bá cuốn sách của cô 'Trò Hơi Cân Não' về tâm lý học của thể thao đỉnh cao, cô đã gọi cuốn sách này là "nét đặc trưng quyết định của sự nghiệp của tôi".

Đối với những người trong chúng ta không phải là vận động viên ưu tú thì khó để hiểu được hoàn toàn trải nghiệm khi chỉ 'thua sát nút' nó đau khổ nhường nào. Việc đạt đến tột đỉnh của thành tích đòi hỏi một nỗ lực tinh thần vô cùng lớn, và khi đã tâm niệm nhiều cho chiến thắng, thì thất bại được cảm nhận như một hình phạt ác nghiệt.

Nhưng các vận động viên hàng đầu - và, hóa ra cả nhiều người khác nữa- có một cách biến nỗi đau thành nhiên liệu tên lửa. Thất bại trở thành một lý do để thúc đẩy bản thân hơn nữa vào lần sắp tới.

Vernon đã hồi phục sau thất vọng để giành được huy chương vàng Giải Vô Địch Chèo Thuyền Thế Giới 2010.


'UK Sport', cơ quan của chính phủ Anh chịu trách nhiệm đầu tư vào thể thao đỉnh cao, đã công bố kết quả điều tra về nguồn gốc của thành công trong thể thao. Trong quá trình phỏng vấn chuyên sâu 85 vận động viên và huấn luyện viên đỉnh cao, cơ quan này cố tìm ra điểm chung của những người có thành tích đặc biệt. Các nhà nghiên cứu thấy rằng hầu hết họ đã phải chịu một thất bại đáng kể ngay từ đầu sự nghiệp, nhưng một số người phản ứng khác đi so với những người khác. Đối với các vận động viên thực sự đặc biệt, những người sau này giành huy chương Olympic, thì sự thất bại đã tăng cường động lực cho họ; còn đối với người chỉ là 'tốt' thì việc 'thua sát nút' là sự thất vọng.

Có thể có một cái gì đó tràn đầy năng lượng về trải nghiệm phải xếp thứ nhì thay vì nhất. Adam Leive, một nhà kinh tế tại Đại học Virginia, đã tập hợp một cơ sở dữ liệu về những người giành được huy chương tại các sự kiện điền kinh Olympic từ năm 1846 đến 1948, và xem xét điều gì đã xảy ra với cuộc sống của họ sau khi giành huy chương.

Leive phát hiện ra rằng những vận động viên bỏ lỡ vị trí vinh danh số một đã tiếp tục sống lâu hơn và thành công hơn so với những người chiến thắng. Người huy chương bạc có nhiều tham vọng hơn trong sự nghiệp sau khi rời thể thao, kiếm được việc làm nhiều tiền hơn. Khoảng 1/2 trong số họ vẫn còn sống đến 80 tuổi, so với khoảng 1/3 người huy chương vàng.

Tổn thương do thất bại có vẻ như đã thúc đẩy họ trong suốt đời.

Đó là một hiện tượng vượt ra ngoài lĩnh vực thể thao. Một bài báo xuất bản gần đây trên tạp chí Vật lý và Xã hội cho thấy bằng chứng là các nhà khoa học bị thất bại sớm trong sự nghiệp thì làm việc tốt hơn so với những người khác.

Ba tác giả, Yang Wang, Benjamin Jones và Dashun Wang, đã nghiên cứu kỹ dữ liệu về các đề xuất cấp tài trợ của các nhà khoa học trẻ xin kinh phí của Viện Y Tế Quốc Gia. Họ xác định được hai nhóm: những cá nhân "bị loại sát nút", là những người mà đề xuất tài trợ của họ nằm dưới ngưỡng được tài trợ, và những cá nhân "thắng sát nút", là người có đề xuất nằm trên ngưỡng đó.

Giống như cơ quan UK Sport đã tìm thấy với các vận động viên, sự thất bại hoạt động như một cơ chế chọn lọc tự nhiên. Khoảng 1/10 những người thua sát nút biến mất hoàn toàn khỏi hệ thống, nhưng những người kiên trì vẫn tiếp tục đăng tải các đề xuất gây tác động lớn ở những thập kỷ tiếp theo, hơn là những người thắng sát nút.

Thất bại thời thơ ấu có thể có một tác động tương tự trong diễn biến cuộc đời. Nhà tâm lý học Marvin Eisenstadt, trong một nghiên cứu mang tên 'Mất Cha Mẹ Và Thành Tựu', đã phát hiện từ nghiên cứu 573 mẫu ngẫu nhiên của những người nổi tiếng được nói tới trong bách khoa toàn thư, thì gần 1/2 số họ có cha hoặc mẹ mất trước khi họ 20 tuổi. Không ai muốn cho bất kỳ trẻ em nào bị mất bố/mẹ. Có nghĩa là bị một rủi ro lớn hơn về sức khỏe tinh thần sau này trong cuộc sống. Nhưng cũng là sự thật rằng một số lượng đáng ngạc nhiên những người đạt thành tựu đạt lớn đã phải chịu sự mất mát người thân hoặc sự tổn thương nào đó khi còn nhỏ tuổi.

Ba trong số những ví dụ nổi tiếng nhất là những người trong cùng một ban nhạc. Mẹ Paul McCartney mất vì ung thư khi ông 14 tuổi; mẹ John Lennon, mất vì tai nạn giao thông khi ông 17 tuổi. Richard Starkey, không bị mất người thân sớm, nhưng chắc chắn phải chịu khổ nhiều. Starkey khi mới chập chững biết đi thì cha mẹ li dị; ông được mẹ nuôi dưỡng trong nghèo khó. Ông bị bệnh nặng khi lên sáu, phải nằm viện một năm. Hiện 79 tuổi, ông vẫn còn biểu diễn trên sân khấu cùng ban nhạc All-Starr của mình.

Đó là những ví dụ cực đoan, theo mọi nghĩa, nhưng nhìn chung, chúng ta có xu hướng đánh giá thấp mức độ mà một số loại bất lợi hoặc thất bại có thể, nghịch lý thay, lại thúc đẩy con người tới thành tích cao hơn. Một số người có thể biến tổn thương và sự tức giận vì một thất bại thành ý chí mãnh liệt để thành công. Bằng sự đấu tranh chống lại một sức mạnh nào đó dìm họ xuống, họ phát triển sức mạnh chống lại trọng lực để nâng họ lên cao hơn sau này.

Nguyên tắc này giống như nguyên tắc sinh học. Những người tập tạ biết rằng để một cơ bắp phát triển thì trước tiên nó phải bị hành hạ. Bài tập tạ phải đủ nặng nhọc để hàng ngàn chỗ li ti bị rách ra, để rồi cơ thể có thể sửa lại và làm tăng cơ bắp trong khi sửa. Trong cuộc sống cũng như tại phòng tập thể dục, điều mà bạn làm khi bị tổn thương là điều quyết định liệu nó có mang lại lợi ích tiềm ẩn hay không.

Những người thành công lớn có vẻ như tìm ra kiểu bí quyết tinh thần để chuyển đổi thất bại và thất vọng thành động lực. Ngược lại với điều nói trên là một số người lớn lên với đầy đủ điều kiện vật chất thì đôi khi lại thiếu động lực và phương hướng khi trưởng thành. Đó là lý do tại sao một số chuyên gia về phát triển tài năng lại lo lắng rằng trẻ em thậm chí không có được cơ hội để trải nghiệm thất bại.

Trong một bài báo năm 2012 có tựa đề 'Con Đường Gập Ghềnh Lên Đỉnh: Vì Sao Tài Năng Cần Đến Tổn Thương' các nhà khoa học thể thao Dave Collins và Aine MacNamara chỉ trích quan điểm của hầu hết các hệ thống phát triển tài năng thể thao, trong đó nhấn mạnh vào việc hỗ trợ tối đa cho các vận động viên trẻ và giảm dộ căng thẳng. Các tác giả này lập luận rằng các hệ thống huấn luyện công nghệ cao và được tài trợ tốt này đang khiến cuộc sống trở nên quá dễ dàng đối với các vận động viên trẻ, mà họ phải cần đến những khoảnh khắc thử thách hoặc tổn thương để phát triển khả năng chống trả. Chính con đường gập nghềnh, chứ không phải đường bằng phẳng, là con đường dẫn đến sự vĩ đại.

Tất nhiên, ngay cả với tất cả những suy nghĩ như trên, chúng ta không nên lãng mạn hóa thái quá sự tụt hậu và thất bại. Chúng là đau đớn và buồn bã lắm, và đôi khi, một trải nghiệm tồi tệ chỉ là thuần túy tồi tệ, chẳng còn gì ngoài sự tồi tệ. Chắc chắn, đó là cảm giác của bạn khi bị trải nghiệm. Nhưng khi bạn đang ở một trong những khoảnh khắc đen tối vì thất bại đó, bạn nên tự hỏi liệu một ngày nào đó, bạn có thể biến nó thành điều gì đó tốt đẹp không.

Có lẽ Friedrich Nietzsche nói đúng: những gì không giết được chúng ta, sẽ làm chúng ta mạnh hơn.

Bài tiếng Anh trên BBC Capital

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn