Cuộc sống, cái chết và vẻ đẹp trong mất mát

Thứ Bảy, 20 Tháng Bảy 20197:00 SA(Xem: 3731)
Cuộc sống, cái chết và vẻ đẹp trong mất mát
bbc.com

Cuộc sống, cái chết và vẻ đẹp trong mất mát


Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy

"Em xin lỗi," Hiroko nói, giọng mệt mỏi.

"Sao vậy?" Chật vật nghe điện thoại, tôi nhìn vào những chữ số màu đỏ trên bàn, cạnh giường ngủ trong khách sạn. Ở Florida, lúc này là 1 giờ 23 sáng.

"Cha em hiện đang ở bệnh viện," vợ tôi nói từ nơi cách xa cả chục múi giờ, ở Nhật Bản. "Em xin lỗi."


Tôi cố gắng giữ đầu tỉnh táo. "Xảy ra chuyện gì vậy?"

"Em không biết."

Tôi chưa bao giờ thấy vợ mình ngập ngừng đến thế.

"Toàn bạch cầu," cô ấy nói bằng thứ tiếng Anh chia ở thì hiện tại, như thể cách người ta vẫn nói trong tiếng Nhật. "Bác sĩ nói máu của cha toàn là bạch cầu."

"Anh sẽ sớm trở về," tôi nói, dẫu biết rằng trước nỗi sợ thì nói như vậy cũng chẳng giúp ích được gì. Tôi cảm thấy oán cái công việc đã khiến tôi phải ở nơi xa thế này.

Trong tâm trí tôi hiện lên hình ảnh vợ mình ăn mặc vô cùng trang nhã đi trên chiếc xe máy, nhưng trong thực tế, tôi biết rằng nàng đang cô đơn trong căn phòng với những chiếc giường trống.

"Rất khó," cô ấy lại nói.

"Nhưng cha đã cùng em tới đền thờ hồi tuần trước phải không? Đi một chuyến đến làm lễ?"

"Em biết," cô ấy nói. Lại một khoảng dừng rất lâu nữa. "Họ nói, 91 tuổi rồi, không giúp gì được. Họ hầu như không muốn làm gì, cha quá già rồi."

"Anh rất tiếc," tôi lại nói những lời vô dụng. "Anh sẽ có mặt vào hôm thứ Ba."

Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy
Image caption Sau khi nhận được tin cha vợ phải nhập viện, tác giả Pico Iyer suy ngẫm về một truyền thống của Nhật Bản: đi tìm vẻ đẹp trong sự mất mát

"Không sao," cô ấy nói. "Rất khó."

* * *

Hai ngày sau, điện thoại lại vang lên - một buổi sáng ở Key West, chim hót vang và ánh mặt trời chiếu sáng.


"Cha đi rồi," Hiroko nói, nàng đã trở lại nhanh nhẹn, hoạt bát như ngày thường.

"Anh rất tiếc."

"Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Em đã nắm tay cha suốt đêm. Em luôn ở bên cạnh cha."

"Mẹ em?"

"Không thể hiểu được."

"Có lẽ như thế thì tốt hơn?"

"Có lẽ." Từ nhiều năm nay, cha của Hiroko, người luôn tự hào là có sức khoẻ tốt, đã luôn chăm sóc người vợ yêu thương ngay cả khi tâm trí và trí nhớ của bà đang dần tàn lụi. Họ đã gắn bó bên nhau suốt 60 năm.

Đạp xe đi mua thực phẩm. Đun nóng ly trà xanh. Ông chọn chăm sóc bà khi họ ngồi trên tấm nệm sàn tatami quanh chiếc bàn nhỏ xíu trong căn nhà gỗ ba phòng ngủ của họ ở Kyoto. Rất nhiều lần ông không nhận ra, hoặc chọn cách không nhận ra, là bà bắt đầu lặp đi lặp lại cùng những câu hỏi.

"Anh trai em thì sao?" tôi hỏi.

"Em không rõ. Em nói chuyện với vợ anh ấy."

Chúng tôi không ai nói một lời. Chẳng có gì để nói.

Trong suốt 23 năm, không ai trong gia đình nghe được tin gì về Masahiro. Chúng tôi biết là anh ấy sống ở một khu ngoại ô Kyoto, cách nhà cha mẹ chừng 15 phút đi lại.

Văn phòng của anh ấy thì nằm ở cùng khu vực có trung tâm chăm sóc hàng ngày đối với người cao tuổi, nơi cha mẹ anh tới đó ba ngày một tuần trong suốt ba năm qua.

Nhưng người anh duy nhất của Hiroko, một nhà tâm lý học theo thuyết Jung, hơn cô hai tuổi, đã quyết định cắt đứt toàn bộ quan hệ với gia đình ngay sau khi làm xong bằng tiến sỹ từ châu Âu trở về. Anh ấy vùi đầu quyết tâm theo đuổi một mục tiêu gì đó của riêng mình, bất chấp mọi bệnh tật, khó khăn.

"Em ổn không?" tôi hỏi Hiroko. "Anh xin lỗi, anh không thể rời đi cho đến tận thứ Hai."

"Ổn," Hiroko nói. "Cần phải bắt đầu cuộc sống mới."

* * *

Chuyện về Masahiro vấn vương trong tâm trí tôi. Anh ấy ám ảnh ý nghĩ kể từ lúc tôi thức dậy, rời khỏi giường rồi lại trở lại nằm, rồi lại trở dậy như thế mấy lần.

Tôi vẫn trong trạng thái lệch múi giờ 16 tiếng sau chuyến bay đêm hôm trước. Vén tấm rèm cửa sổ dày màu xám, tôi thấy những vệt sáng mỏng manh hiện trên nền trời xanh. Hiroko vẫn đang ngủ lơ mơ trong căn phòng còn lại của căn hộ nhỏ xíu mà chúng tôi thuê, nằm cách Kyoto một giờ đồng hồ - từ ngày sinh con đến nay, giấc ngủ của cô ấy luôn là những giấc ngủ nông. Tôi đi ra cửa.

Ở lối cửa vào, vợ tôi đặt lọ muối để trừ tà cho cả nhà, tôi nhớ là cô ấy nói thế.

Tôi nhảy mấy bước xuống cầu thang trong khu nhà ba tầng màu vàng mà chúng tôi sống ở trong, nơi có tên là Làng Chanh.

Quanh tôi, những con phố nhỏ, thẳng tắp hoàn toàn không bóng người. Hầu hết các ngôi nhà trong khu vực này, Đồi Hươu (Deer's Slope), là nhà kiểu dành cho gia đình, hai tầng, thiết kế kiểu phương Tây, với những khu vườn nhỏ xíu phía trước, những lối đi sạch bóng nối các ngôi nhà với nhau thì hẹp tới mức không có vỉa hè.

Ở đây, bạn có thể đi bộ dưới lòng phố như thể đó là đường của riêng bạn. Bên dưới giỏ chơi bóng rổ dành cho trẻ con là một chiếc xe Mercedes màu bạc. Bên kia đường, một chiếc Audi xanh đen đỗ cạnh tấm biển quảng cáo dạy tiếng Anh.

Tôi đi nhanh qua ngôi nhà to lớn chiếm nguyên một khoảng, nơi có những máng xối và những mái gờ màu bạc.

Khi tới rìa khu nhà, sau đó chừng bảy, tám phút, tôi có thể nhìn sang bên thung lũng các ngôi nhà lợp mái xám, một ngôi làng có chín gia đình, và hướng tầm mắt tới những ngọn đồi xa hơn.

Đi xuống những bậc thang ẩn kín đáo nằm giữa khu rừng mini, tôi chìm vào một thế kỷ khác.

Một ngôi nhà gỗ hai tầng nhìn xuống cây hồng và những cánh đồng. Vườn rau mà ông Makihara từ câu lạc bộ bóng bàn chăm chút vào mùa thu đang xanh tốt các cây củ cải trắng và xà lách. Một ruộng lúa xanh ngọc rộng lớn ở ngay trước hồ nước lấp lánh, sinh động.

Con ngõ nhỏ tới mức tôi phải ép mình vào tường nếu như có chiếc xe hơi nào chạy qua. Tốc độ chạy xe ở đây, một biển báo ghi, là không được quá 12 dặm một giờ.

Tôi đi tới một triền dốc dựng đứng và tới một cổng đá torii, chỉ cao quá đầu tôi vài bộ, đi qua lớp giấy trắng bay phất phơ phía trên cổng. Nơi thờ cúng gần chỗ chúng tôi nhất - khu vực hiện đại nơi chúng tôi ở không có bất kỳ đền thờ hay chùa chiền nào - được đặt tên theo Susanoo, vị thần bão tố ngỗ ngược, người đã bị đuổi đi vì tội đập thủng một cái hố trên thiên đường của chị gái mình, nữ thần mặt trời.

Tôi chưa bao giờ là người thành tâm tin tưởng vào tôn giáo hay những từ ngữ vượt quá sự hiểu biết của mình.

Vậy nhưng, bất kỳ khi nào tôi đứng ở bưu điện của Deer's Slope, tôi đều cảm ơn người phụ nữ chu đáo đi tìm những con tem đẹp đẽ dán lên từng tấm bưu thiếp gửi cho ai đó chẳng hề biết đến bà, ở một vùng đất nào đó xa xôi, để họ có thể cảm nhận được chút gì Nhật Bản. Tôi thường nói với người phụ nữ choàng khăn trùm đầu vui vẻ ở tiệm bánh ngọt Deer's Kitchen về việc 'bánh mỳ cứng' của bà thơm ngon tới đâu.

Không có gì sai quấy khi tỏ lòng tôn kính những vị thần địa phương, những người mà, như Hiroko nói với tôi, đảm bảo cho chúng ta có sức khoẻ, sống lâu.

Một tia sáng chiếu xuống đúng vào lúc tôi bước qua cái sân còn tối đen. Tôi dùng chân dẫm vào cái nút bên cạnh bể đá cũ kỹ ở một góc, dòng nước lạnh chảy ra từ miệng vòi hình đầu rồng.

Tôi lấy một chiếc muôi có cán gỗ kê trên hai khối đá xù xì trong chậu và rửa tay phải, rồi tay trái. Rồi súc miệng.


Bản thân ngôi đền, nằm cách đó vài bước chân, chỉ là một khối kết cấu làm bằng gỗ ọp ẹp, phía trước mở ra, nằm phía sau một tấm biển ghi rằng nó được dựng lên từ 1575.

Dọc theo phần rui mái có những hình vẽ đã nứt nẻ, vẽ những hoạt cảnh từ trong các vở kịch kinh điển, một bức vẽ màu vàng bé trai với gương mặt tươi tỉnh, cảm miêu tả sân điện mờ mờ. Đằng sau rào chắn là những bức tượng về hai con sư khuyển thần bí đứng gác chiếc hộp gỗ và 10 cây đuốc bằng đá - một số cây có quấn giấy bên trên, một số thì không - bảo hộ cho khuôn viên sân nhỏ bé.

Tôi kéo chiếc dây chão to, vỗ tay hai lần để gọi các vị thần về, và nhắm mắt, hai tay chắp vào nhau. "Cảm ơn," tôi nghĩ, "vì đã coi sóc nhà tôi, gia đình tôi và cộng đồng này vào lúc tôi đi vắng. Cảm ơn các ngài đã bảo hộ cho mẹ tôi và tôi ở California. Cảm ơn các ngài đã bảo hộ cho Hiroko an toàn. Và cho anh trai cô."

Khi mặt trời lên tới trên lưng đồi, tôi quay trở lại, bắt đầu đi về qua ngôi làng yên tĩnh, trở lại với những lối đi bậc bậc thang dẫn tới những khu nhà vuông vắn, sáng sủa với đầy những máy bán lẻ và những tiệm hớt tóc. Một người đàn ông lớn tuổi đi bộ dọc trên những con phố đang ngủ yên. "Chào buổi sáng," ông cất tiếng.

Trong công viên trung tâm, một khu vực vuông vắn chạy từ căn hộ chúng tôi sang phố bên kia, những chú chó đang chạy đùa trong giờ chơi 6 giờ sáng hàng ngày của chúng. Những nhân viên cao cấp mặc đồ vest lặng lẽ xếp hàng trên phố chờ xe buýt.

Và tôi biết rằng Hiroko sẽ sớm dậy ngồi yên lặng trong vòng 20 phút trước đền thờ tại gia trước khi mặc chiếc áo khoác da màu đen lên người và đi làm, tới nơi cô làm công việc của một người bán những thứ đồ áo quần kỳ quái kiểu Anh với giá cao ngất ngưởng ở một thị trấn có chùa chiền nằm cách nhà hai bến tàu.

Khi người thân mất đi, cuộc sống của chúng ta vẫn tiếp diễn, và cuộc đời vẫn cần chúng ta yêu thương.

Mùa thu là mùa để mọi thứ chơi vơi.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn