Người phương Đông và phương Tây suy nghĩ rất khác nhau?

Thứ Hai, 08 Tháng Bảy 20195:00 SA(Xem: 3371)
Người phương Đông và phương Tây suy nghĩ rất khác nhau?
bbc.com

Người phương Đông và phương Tây suy nghĩ rất khác nhau?

David Robson BBC Future

Khuynh hướng tự thổi phồng mình gần như không thấy có ở các một loạt các nghiên cứu khắp Đông Á Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Khuynh hướng tự thổi phồng mình gần như không thấy có ở các một loạt các nghiên cứu khắp Đông Á

Năm 1871 khi Horace Capron tới đảo Hokkaido, ông tìm bóng dáng sự sống ở nơi rừng núi và cánh đồng rộng lớn. "Đó là sự tĩnh lặng của cái chết," ông viết. "không một lá cây lay động, không tiếng chim, không sự sống." Đó là nơi phi thời gian, nơi của thời tiền sử, ông nghĩ.

"Thật lạ lùng là vùng đất giàu và đẹp này, tài sản của một trong những quốc gia cổ xưa và đông dân nhất thế giới… lại không có ai ở trong một thời gian dài và gần như không được biết đến như sa mạc ở châu Phi," ông nói thêm.

Đó là vùng biên giới của Nhật, giống như Miền Tây Hoang dã" của Mỹ. Các đảo Hokkaido phía cực Bắc của Nhật là nơi xa xôi tách khỏi Honshu bởi biển sóng dữ. Ai vượt qua biển này sẽ phải chịu cái rét dữ dội, địa hình núi lửa lởm chởm và muông thú hoang dã. Do vậy chính phủ Nhật để nó cho người bản xứ Ainu, họ sống nhờ vào săn bắn và đánh bắt cá.

Giữa thế kỷ 19, sợ Nga xâm chiếm, chính phủ Nhật quyết định lấy lại đảo Hokkaido này và đưa các Samurai đến đó ở. Rồi những người khác tiếp nối, các trang trại, cảng, đường và đường sắt mọc lên khắp đảo. Các nhà nông học Mỹ như Capron được mời tới hướng dẫn những người tới định cư để khai khẩn, và trong vòng 70 năm dân từ vài nghìn đã phát triển thành hơn 2 triệu. Vào thiên niên kỷ mới, con số lên gần 6 triệu người.

Ngày nay, ít người sống ở Hokkaido phải tự họ chinh phục sự hoang dã. Thế nhưng các nhà tâm lý thấy rằng tinh thần khai khẩn vẫn có ở cách họ nghĩ, cảm thụ và lập luận, so với những người sống ở Honshu chỉ cách đó 54 km. Họ có tính cá nhân hơn, tự hào hơn ở thành công, tham vọng phát triển con người hơn, và ít liên kết hơn với người xung quanh. Thực tế, nếu so với các nước khác, tính cách họ giống người Mỹ hơn những người Nhật khác.

Câu chuyện về Hokkaido chỉ là một trong những trường hợp cho thấy là môi trường xã hội đã hun đúc nên tâm trí con người. Từ những khác biệt lớn giữa Đông và Tây cho tới những biến động nho nhỏ giữa các bang ở Mỹ, ta ngày càng thấy rõ là lịch sử, địa dư và văn hoá có thể làm thay đổi suy nghĩ của tất cả chúng ta một cách tinh vi và đáng ngạc nhiên, cho tới cả cách quan sát của ta nữa. Suy nghĩ của chúng ta có thể được hình thành bởi loại cây mà tổ tiên ta trồng, và một con sông có thể phân ranh giới giữa hai vùng có tính cách con người khác nhau.

Dù ta sống ở đâu, nếu biết được sức mạnh này thì ta hiểu được tâm trí của ta hơn một chút.

Tâm trí 'kỳ quặc'

Cho tới gần đây, các nhà khoa học không để ý đến sự khác biệt về suy nghĩ trên toàn cầu. Năm 2010, một bài báo trên tờ 'Khoa học về Não và Hành vi' đã cho hay phần lớn các đối tượng thử nghiệm tâm lý là "người phương Tây, có học, công nghiệp hóa, giàu và dân chủ", tóm lại là 'lạ lẫm'. Gần 70% là người Mỹ, và hầu hết là sinh viên hy vọng kiếm được tiền tiêu vặt hoặc có được tín chỉ lớp học bằng cách dành thời gian để tham gia vào các thử nghiệm này.

Người ta giả thuyết là nhóm người được chọn này có thể đại diện cho bản chất con người nói chung, rằng con người cơ bản là giống nhau. Nếu điều này đúng thì sự thiên vị cho phương Tây là không quan trọng. Tuy nhiên một số ít nghiên cứu đã làm với những con người có nền văn hoá khác cho thấy hoàn toàn không phải như vậy. "Người phương Tây, đặc biệt là Mỹ, là người có khác biệt rất xa," Joseph Henrich, ở Đại học British Columbia, là một trong những tác giả của nghiên cứu này, nói.

Một số khác biệt rõ rệt nhất xoay quanh quan niệm về 'tính cá nhân' và 'tính tập thể'; nghĩa là bạn có cho rằng bạn là độc lập và tự lập, hay là bạn coi mình ràng buộc và kết nối với những người khác quanh bạn và coi trọng tập thể hơn là cá nhân. Có nhiều ngoại lệ nhưng nhìn chung người phương Tây có khuynh hướng có tính cá nhân hơn, và người các nước châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản hoặc Trung Quốc có tính tập thể hơn.

Trong nhiều trường hợp, kết quả là khác biệt lớn. Khi được hỏi về quan điểm và cách cư xử thì những người tính cá nhân ở phương Tây có xu hướng đánh giá cao thành công của cá nhân hơn là của tập thể, và kéo theo nhu cầu nhiều hơn về tự trọng và mưu cầu về hạnh phúc riêng tư. Nhưng sự khát khao giá trị bản thân cũng thể hiện trong sự quá tự tin và trong nhiều thử nghiệm cho thấy những người tình nguyện viên dễ đánh giá khả năng mình vượt mức. Thí dụ khi được hỏi về năng lực thì 94% các giáo sư Mỹ cho rằng mình "cao hơn mức trung bình".

Khuynh hướng tự thổi phồng mình gần như không thấy có ở các một loạt các nghiên cứu khắp Đông Á; thực tế, trong một số trường hợp những người tình nguyện tham gia dễ đánh giá khả năng mình thấp hơn. Những người trong xã hội mang tính cá nhân cũng có thể chú trọng hơn đến sự lựa chọn và tự do cá nhân.

Điều quan trọng là "thiên hướng xã hội" ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh cơ bản của sự suy nghĩ. Người trong xã hội tập thể có 'tính toàn diện' hơn trong cách nghĩ, tập trung nhiều hơn vào quan hệ và bối cảnh của tình huống, trong khi người trong xã hội cá nhân tập trung vào các yếu tố rời rạc, và coi tình huống là cố định và không đổi.

Để lấy làm ví dụ, hãy tưởng tượng bạn thấy ảnh một người cao lớn đang dọa một người nhỏ nhắn. Nếu không có thông tin gì nữa thì người phương Tây dễ nghĩ điều cơ bản và cố định là người to lớn này hẳn là người không tốt. "Trong khi nếu nghĩ một cách toàn diện thì bạn sẽ nghĩ giữa hai người này đang có vấn đề gì, có thể người to lớn là thủ trưởng hay là bố," Henrich giải thích.

Và kiểu suy nghĩ này cũng ảnh hưởng đến cách bạn phân loại vật thể. Bạn sẽ nói gì nếu người ta hỏi bạn nêu tên hai vật thể có liên quan đến nhau trong một danh sách, thí dụ như "tàu hỏa, xe buýt, đường ray" (thử nghiệm 3 thứ). Người phương Tây chọn "xe buýt" và "tàu hỏa" bởi vì đây đều là xe cộ. Ngược lại, người suy nghĩ toàn diện chọn "tàu hỏa" và "đường ray" vì họ tập trung vào quan hệ chức năng, một thứ là cần thiết cho thứ kia.

Thậm chí nó có thể thay đổi cách nhìn của bạn. Khi nghiên cứu sự theo dõi của mắt, Richard Nisbett, ở Đại học Michigan, thấy rằng những tình nguyện viên ở Đông Á có khuynh hướng quan sát hậu cảnh của một hình ảnh, trong khi người ở Mỹ có khuynh hướng tập trung vào hình ảnh chính. Điều hấp dẫn là sự khác biệt này cũng được thấy ở các tranh vẽ của trẻ em của Nhật và Canada, nghĩa là cách nhìn khác biệt xuất hiện từ khi còn tuổi thơ. Và cách tập trung chú ý, hẹp hay bao quát, quyết định điều mà bạn sẽ nhớ sau này.

"Nếu điều trông thấy xác định con người, và chúng ta đang nhìn những thứ khác nhau, vậy chúng ta đang sống trong các thế giới khác nhau," Henrich nói.

Mặc dù một số người cho rằng khuynh hướng xã hội là do di truyền nhưng những bằng chứng cho tới nay cho thấy nó là do ta học được. Alex Mesoudi ở Đại học Exeter có nghiên cứu cách suy nghĩ của các gia đình người Bangladesh ở Đông London. Ông thấy trong phạm vi một thế hệ, trẻ em người nhập cư đã bắt đầu có một số yếu tố của quan điểm cá nhân. Đặc biệt, việc sử dụng phương tiện truyền thông ảnh hưởng lớn nhất đến việc chuyển đổi, hơn cả việc học hành ở trường.

Nhưng tại sao cách suy nghĩ khác nhau lại xuất hiện trước tiên? Đó là vì nó phản ánh những triết lý sống được thịnh hành ở từng vùng qua thời gian. Những nhà triết học phương Tây nhấn mạnh vào tự do và độc lập, trong khi truyền thống phương Đông như Lão giáo lại tập trung vào đoàn kết. Thí dụ Khổng tử nhấn mạnh vào "quan hệ nghĩa vụ giữa bầy tôi và hoàng đế, cha mẹ và con cái, vợ và chồng, anh chị và các em, giữa bạn bè với nhau". Cách nhìn nhận thế giới như vậy đã ngấm sâu vào văn học, giáo dục và thể chế chính trị, nên có lẽ không ngạc nhiên gì là những tư tưởng này trở thành bản chất nội tại và ảnh hưởng đến một số quá trình cơ bản về tâm lý.

Ngay cả như vậy, những biến hóa tinh tế giữa từng nước cho thấy nhiều yếu tố khác đáng ngạc nhiên cũng có tác động.

Ở tuyến đầu

Hãy xem xét nước Mỹ, nước mà tính cá nhân nhiều nhất trong các nước phương Tây. Các sử gia như Frederick Turner vẫn cho rằng việc khám phá miền Tây đã nuôi dưỡng tinh thần độc lập bởi vì từng người tiên phong phải chống trả với sự hoang dã và chống trả với nhau để sinh tồn. Cùng với thuyết này, những nghiên cứu tâm lý gần đây cho thấy những bang cực Tây, như Montana, có tính cá nhân cao nhất. Tuy nhiên để chứng thực "thuyết định cư viễn Tây", các nhà tâm lý cũng muốn xem xét một trường hợp điển hình độc lập để nêu sự tương phản.

Vì lý do đó, đảo Hokkaido là nơi rất hấp dẫn. Cũng như hầu hết các nước Đông Á, nước Nhật có nếp nghĩ tập thể và toàn diện. Thế nhưng việc di cư ào ạt lên vùng đất phía Bắc là giống việc định cư đến viễn Tây ở Mỹ; Chính phủ của Hoàng đế Meij thậm chí còn thuê các nhà canh nông như Horace Capron để giúp việc canh tác. Nếu lý thuyết định cư tự nguyện là đúng thì những người tiên phong ở Hokkaido này sẽ phải hình thành quan điểm độc lập hơn so với phần còn lại của nước Nhật.

Shinobu Kitayama của Đại học Michigan thấy dân ở Hokkaido đánh giá cao tính độc lập và thành tích cá nhân, và các cảm xúc như sự tự hào, hơn là người Nhật ở các đảo khác, và họ ít quan tâm đến quan điểm của những người khác. Các tình nguyện viên cũng tham gia thử nghiệm vào lập luận xã hội, họ được hỏi là họ nghĩ gì khi cầu thủ bóng chày dùng thuốc kích thích. Người Nhật ở các đảo khác dễ xem xét đến bối cảnh như sức ép phải chiến thắng, người ở Hokkaido lại dễ chê trách cầu thủ này hoặc coi là kém đạo đức. Phải nói lại là xu hướng chê trách này là đặc trưng của xã hội mang tính cá nhân. Những câu trả lời của người Mỹ cũng gần như vậy.

Thuyết bệnh là từ vi sinh

Một ý tưởng khác là các nếp nghĩ tương phản này là do vi sinh. Năm 2008, Corey Fincher, ở đại học Warwick, cùng đồng nghiệp có phân tích số liệu dịch bệnh toàn cầu để chứng minh số lượng người chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể ở một vùng hóa ra có tương liên đến sự lan truyền bệnh: bạn càng dễ mắc bệnh thì bạn càng có tính tập thể, càng ít mắc càng cá nhân. Khái quát là, chủ nghĩa tập thể, có đặc trưng là tuân thủ và tôn trọng người khác, làm cho con người có ý thức tránh cho bệnh khỏi lây lan.

Nhưng có lẽ lý thuyết đáng ngạc nhiên nhất lại là từ cánh đồng. Thomas Talhelm ở đại học Chicago mới đây có nghiên cứu 28 tỉnh của Trung Quốc, thấy rằng xu hướng suy nghĩ hóa ra là phản ánh nông nghiệp của địa phương trong vùng.

Talhelm nói ông lấy cảm hứng từ trải nghiệm của mình ở nước này. Khi đến phía Bắc của Bắc Kinh ông thấy người lạ dễ gần gũi hơn, "Nếu tôi đang ăn một mình thì người ta sẽ tới và nói chuyện với tôi", trong khi người ở Quảng Châu thì ít nói hơn và sợ làm mất lòng.

Sự tôn trọng người khác có vẻ là một dấu hiệu tinh tế của nếp nghĩ tập thể, và do vậy Talhelm bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân của hai quan điểm này. Sự khác quan điểm có vẻ không liên quan đến những số liệu về sự giàu có hoặc hiện đại, nhưng ông nhận thấy sự khác biệt có thể là do cây trồng chính ở vùng này: lúa gạo ở phía Nam, và lúa mì ở phía Bắc. Sông Hoàng Hà phân ranh giới hai khu vực này.

Việc trồng lúa gạo cần sự nhiều sự hợp tác: cần nhiều lao động và yêu cầu hệ thống tưới qua nhiều cánh đồng khác nhau. Ngược lại, việc trồng lúa mì chỉ cần một nửa công sức và phụ thuộc nước mưa hơn là nước tưới, nghĩa là người nông dân không cần phải cộng tác với người lân cận và chỉ chăm sóc ruộng của mình.

Những khác biệt này có thể biến thành nếp nghĩ tập thể hay cá nhân không? Cộng tác với các nhà khoa học Trung Quốc, Talhelm đã làm thử nghiệm trên 1.000 học sinh ở những cánh đồng khác nhau, sử dụng các số đo như việc áp dụng phép thử 3 món cho việc suy nghĩ tập thể. Họ được yêu cầu vẽ biểu đồ quan hệ với những người hợp tác: người ở xã hội cá nhân có xu thế vẽ mình to hơn trong khi người của xã hội tập thể vẽ mọi người to bằng nhau. "Người Mỹ có chiều hướng vẽ mình rất to," Talhelm nói.

Người ở vùng trồng lúa mì có điểm đo tính cá nhân lớn hơn, trong khi người ở vùng lúa gạo thể hiện suy nghĩ tập thể và toàn diện hơn. Việc này đúng ngay cả ở ranh giới của 2 vùng khác nhau. "Đây là những người ở 2 tỉnh cạnh nhau (nhưng một trồng lúa gạo một trồng mì) nhưng ta vẫn thấy sự khác biệt văn hoá."

Sau đó ông có kiểm nghiệm giả thuyết của mình ở Ấn Độ với các vùng khác biệt, trồng gạo hoặc mì, kết quả cũng tương tự. Tất nhiên gần hết những người ông hỏi là không trực tiếp làm nghề nông, nhưng truyền thống lịch sử của vùng vẫn tạo hình cho những suy nghĩ của họ. "Văn hoá có quán tính của nó".

Sự nhận thức muôn màu

Cũng phải nhấn mạnh rằng điều nói trên chỉ là những xu thế chính với số lượng người rất lớn; còn trong từng dân tộc ta sẽ thấy một dãy khác biệt nhỏ. "Sự phân biệt rành mạch trắng đen kiểu nhân loại học là không có," Delwar Hussain, nhà nhân loại học ở đại học Edinburgh, nói. Ông chỉ ra rằng hiện có nhiều sự kết nối lịch sử giữa các nước Đông và Tây, nghĩa là một số người có cả hai cách suy nghĩ, và những yếu tố như tuổi tác và tầng lớp cũng sẽ có tác động.

Từ khi Henrich đăng bài nghiên cứu trên mạng phác thảo sự thiên vị 'lạ lẫm' đến nay đã được 7 năm, và ý kiến đáp lại là tốt. Ông đặc biệt hài lòng là các nhà nghiên cứu như Talhelm đã bắt đầu làm những dự án lớn để tìm hiểu sự muôn màu của cách suy nghĩ khác nhau. "Bạn muốn có một lý thuyết giải thích tại sao những dân tộc khác nhau có tâm lý khác nhau."

Nhưng mặc dù mục đích tốt, sự tăng tiến vẫn chậm chạp. Do có thời gian và có tiền nong để khảo sát trí óc con người trên khắp thế giới, phần lớn nghiên cứu vẫn còn xem xét các người tham gia của 'Những người kỳ quoặc'mà bỏ qua dự đa dạng lớn hơn. "Chúng tôi đồng ý về căn bệnh. Câu hỏi là sẽ phải dùng giải pháp gì."

Bài tiếng Anh đăng trên BBC Future

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn