Có được 6 điều này, bạn là người có phúc

Thứ Năm, 04 Tháng Bảy 20191:00 CH(Xem: 3549)
Có được 6 điều này, bạn là người có phúc

Trong cuộc sống, có rất nhiều thời điểm người ta luôn cảm thấy không thỏa mãn, công danh, sự nghiệp không được như ý, cảm thấy mình bất hạnh… Vì thế, họ oán trách trời bất công, oán giận cha mẹ không cho họ một hoàn cảnh sống sung túc, oán trách con cái không được giỏi giang như mong muốn. Nhưng kỳ thực, họ lại quên mất mình cũng là người có phúc.

Có được 6 điều này, bạn là người có phúc
(Ảnh minh họa: Seoul Vision)

1. Có sức khỏe là phúc

Tục ngữ có câu: “Làm Hoàng đế mắc bệnh không bằng làm kẻ ăn mày mà khỏe mạnh”. Sức khỏe chính là phương tiện tải thể của trí huệ, là tiền đề của sự nghiệp. Một người nếu như mất đi sức khỏe, vậy xem như là mất tất cả. Cho nên, có được một thân thể khỏe mạnh là một loại phúc.

Một người muốn có được sự khỏe mạnh cả về thân và tâm thì phải dưỡng tâm dưỡng thân, ăn uống có chừng mực, thường xuyên vận động, tránh rượu chè, tửu sắc vô độ. Không những vậy còn phải đề cao việc tu tâm dưỡng tính, tránh xa oán giận, ít tranh chấp với người khác, bảo trì tâm thái điềm tĩnh, hòa ái một cách tối đa.

Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Ngũ sắc lệnh nhân mục manh, ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung, ngũ vị lệnh nhân khẩu sảng”, ý nói, ngũ sắc làm người ta mờ mắt, ngũ âm làm người ta điếc tai, ngũ vị làm người ta tê miệng lưỡi. Bởi vậy, điều bậc thánh nhân hướng đến chính là “thanh tâm quả dục” giảm ham muốn, giữ tâm thanh tịnh. Đây cũng là đạo dưỡng tâm, dưỡng sinh cao minh của cổ nhân.

2. Gia hòa là phúc

Cổ nhân thường nói: “Gia hòa vạn sự hưng”, hay “Gia hòa phúc tự đến”. Nếu chúng ta có một gia đình hòa hợp, tương thân tương ái, trên dưới đồng thuận thì chính là có được một nền tảng vững chắc để tự tin bước ra ngoài mà gây dựng cơ nghiệp, cũng chính là có được dũng khí để đương đầu với tất cả chông gai của cuộc sống. Vậy nên có được một gia đình hòa thuận chính là có: “Phúc trong phúc”.

Mấu chốt thực sự là ở chỗ làm sao mới có thể khiến “gia hòa”? “Hòa” rốt cuộc là có ý nghĩa gì? Chúng ta đều biết, trong quá khứ phổ biến nhất là đại gia đình, tứ đại đồng đường hay ngũ đại đồng đường cũng là điều mà chúng ta dễ bắt gặp. Vậy mười mấy người, thậm chí nhiều người hơn nữa sinh sống ở cùng một chỗ thì việc “va chạm, sứt mẻ”, người chịu thiệt, người được lợi là những điều không thể tránh khỏi. Nếu ai ai cũng tính toán chi li, suy nghĩ điều hơn thiệt… thì đảm bảo gia đình không thể “hòa” nổi. Ở đây, “hòa” chính là bao hàm ý nghĩa có tôn ti trật tự, an thủ bổn phận, bao dung, nhường nhịn, ai cũng có tâm muốn giữ gìn đại gia đình mà mình đang sinh sống.

3. Chịu thiệt là phúc

Trong cuộc đời, dẫu cho một người có tranh giành được thứ gì thì cũng chẳng thể vì nó mà có được sự bình an. Tranh được lợi lộc thì mất đi lương thiện. Tranh được danh tiếng thì mất lòng người. Tranh được tình thì mất tỉnh táo. Tranh đoạt được thứ của người khác thì tâm sẽ bất an, không lúc nào nguôi. Phàm là những thứ khiến người ta phải vắt óc nghĩ kế giành giật thì đều không mang đến bình an trong tâm mình, thay vào đó chỉ là phiền não, thống khổ và thù hận mà thôi.

Ngày nay, phần lớn người ta thường sợ nhất là bị thua thiệt, thà rằng để người khác phải thiệt chứ bản thân không thể bị thiệt. Nhưng, những người già xưa lại thường hay khuyên bảo con cháu rằng: “Chịu thiệt là phúc”, “Chịu thiệt là hành vi của người quân tử”

4. Sống thanh đạm là phúc

Cuộc sống ngày nay với bộn bề những lo toan, áp lực lớn như núi, làm người có thể sống cuộc đời thanh đạm ấy cũng là phúc: đói thì ăn, mệt thì nghỉ, việc đến thì làm, cần cù chịu khó, sống với hiện tại, ấy cũng chính là phúc.

Thứ mà một người thực sự cần thường không nhiều. Bởi vậy, một người có thể chọn cách sống thanh đạm thì chính là người có phúc.

5. Biết đủ là phúc

Nhân sinh tại thế, lòng tham của con người xưa nay vốn không hề có đáy. Nhưng cổ nhân giảng: Thóc đầy kho, lụa đầy nhà, nhà trăm gian đất nghìn mẫu thì cũng cơm ngày ba bữa, áo quần vài bộ, tối ngủ giường ba thước.

Tham lam tài vật thái quá đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng chẳng mang được thứ gì. Vậy nên làm người mà biết ung dung tự tại, không tham không sân, biết đủ là phúc. Đó cũng chính là đạo lý mà chúng ta thường nghe thấy: “Biết đủ thường vui”.

6. Sống thuận theo tự nhiên là phúc

Nhân sinh vạn nẻo, kiếp người chìm nổi tựa phù vân, đa phần con người sống trên đời thì có đến bảy, tám phần không được như ý, giờ phút vui vẻ chẳng được đáng là bao, thời gian như nước chảy qua cầu. Vậy nên biết sống tùy duyên, thuận theo tự nhiên ấy là hạnh phúc.

Người sống thuận theo tự nhiên, điều đến thì đón nhận, điều đi thì buông bỏ, vạn vật tùy cảnh, vạn sự tùy thời, đó cũng chính là cảnh giới của bậc trí giả. Sướng khổ buồn vui ấy đều do quan niệm của bản thân mình chi phối, làm người mà có thể coi nhẹ được mất thì ắt không gì có thể khiến cho chúng ta buồn khổ được.

An Hòa

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn