Đối phó nạn tin giả

Thứ Bảy, 29 Tháng Sáu 20199:00 SA(Xem: 2994)
Đối phó nạn tin giả
bbc.co.uk

Đối phó nạn tin giả - BBC Academy


Từ cách tuyên truyền cho tới những hoang tin, “tin giả” đã trở thành thuật ngữ được dùng để chỉ những tin sai hoặc gây hiểu lầm lan truyền trên mạng, thường nhằm mục đích thủ lợi chính trị hoặc thương mại.

Việc chính phủ các nước tuyên truyền hạ thấp đối thủ không phải là chuyện mới – BBC Monitoring đã lần ra dấu vết những thông tin bị bóp méo trên báo chí thế giới kể từ thời thập niên 1930. Nhưng sự khác biệt là ngày nay, mạng xã hội khiến cho nạn truyền bá tin giả trở nên dễ dàng hơn, tin giả nhanh chóng lan rộng ra ở tầm quốc tế, và việc thủ lợi cũng dễ đạt được hơn.

Thuật ngữ “tin giả” rất dễ gây tranh cãi. Một số chính trị gia dùng từ này để chỉ trích truyền thông chính thống khi báo chí hợp pháp tường thuật các câu chuyện tuy chính xác nhưng họ lại không đồng ý.

Các học giả nghiên cứu về vấn đề này thì muốn dùng các thuật ngữ khác, chẳng hạn như “rối loạn thông tin”, để mô tả nạn thông tin sai lệch trong thế giới kỹ thuật số ngày nay. Định nghĩa này bao gồm hàng loạt các vấn đề, không chỉ là chuyện về mánh lới chính trị mà cả các chuyện không đúng về y tế, các đồn đoán về việc người nổi tiếng nào đó chết, hay các cáo buộc sai về hành vi tội phạm, là những hành vi có thể tạo cớ châm ngòi cho tình trạng căng thẳng sắc tộc và thậm chí gây xung đột bạo lực giữa các cộng đồng.

Các cáo buộc sai trái theo đó cho rằng Đức Giáo hoàng đã hậu thuẫn cho việc ông Trump tranh cử đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Bất kể chúng ta gọi nó là gì thì vấn nạn tin sai vẫn đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Không bị giới hạn bởi tình hình thực tế, các câu chuyện giả thường đánh vào cảm xúc của chúng ta và lan ra nhanh hơn so với tin thật. Nghiên cứu do MIT thực hiện cho thấy tin giả loang ra trên Twitter nhanh hơn rất nhiều, và đi rất xa so với sự thực, bất kể đó là tin giả trong lĩnh vực gì. Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng chính người dùng mới là đối tượng đăng lại các tin tweet thiếu chính xác chứ không phải do các phần mềm tự động auto bots.

Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo cũng đóng vai trò đáng kể. Sự phát triển trong công nghệ ráp khớp hình và tiếng khiến ngày nay các nhân vật nổi tiếng, người của công chúng có thể bị làm giả video như thể họ đã nói, đã làm điều mà thực ra họ không hề làm. Những video như thế trong tiếng Anh gọi là “deepfakes”, một từ được kết hợp từ ‘deep learning’ và ‘fake’, tức là học hỏi thật kỹ càng về ai đó, vấn đề nào đó, sau đó làm giả để đạt được kết quả như thật.

Việc công nghệ mới này làm méo mó truyền thông là một nguy cơ không thể xem thường. Chúng không chỉ là công cụ để tạo ra những câu chuyện sai, mà còn bào mòn niềm tin đối với những nội dung đúng, những nội dung mà trước kia không ai nghi ngờ. Sự tin tưởng của khán thính giả, độc giả đối với cách tiếp cận của BBC trong việc xác minh câu chuyện sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và cũng là điều mà chúng ta khó bảo vệ.

Vậy phóng viên cần có phản ứng thế nào? Có bốn lĩnh vực các phóng viên có thể tạo ra sự khác biệt: xác minh nội dung, lật tẩy tin giả, minh bạch và nâng cao văn hóa truyền thông.

Xác minh

Để giữ được niềm tin của công chúng đối với BBC, một hãng truyền thông danh tiếng, phóng viên cần tiến hành các bước cần thiết để đảm bảo rằng họ không bị sa vào các câu chuyện giả. Phóng viên phải kiểm chứng bất kỳ nội dung nào tìm được trên mạng mà họ cân nhắc sử dụng hoặc tham khảo.

Bộ phận UGC (chuyên kiểm tra, xác minh nội dung tư liệu, thông tin do người dùng trên mạng xã hội gửi tới) sử dụng một loạt các biện pháp khác nhau để xác định những nội dung mạo danh, hoặc để xác định xem một bức ảnh được gửi tới có phải là ảnh nguyên bản, có nội dung chân thực hay không.

Việc tìm ra gốc gác của câu chuyện, đoạn video hay một hình ảnh và nói chuyện với người tạo ra câu chuyện, đoạn video hay hình ảnh đó, hoặc người đăng các nội dung đó lên mạng, là bước đi quan trọng đầu tiên.

Ngoài việc kiểm tra nguồn gốc, có hàng loạt các công cụ giúp ta kiểm tra tính xác thực của nội dung tư liệu đó. Cần phải dùng công cụ 'search' để tìm kiếm xem hình ảnh đó đã từng xuất hiện ở đâu chưa, và dùng các công cụ khác để xác định vị trí địa l‎ý nơi đoạn băng, tấm hình đó được ghi lại, bên cạnh các kỹ thuật điều tra truyền thống khác; chúng ta cần áp dụng mọi biện pháp thích hợp.

Dữ liệu metadata trong một video hay một tấm ảnh có thể giúp tiết lộ các thông tin chi tiết về việc nó được tạo ra vào khi nào, tuy nhiên bạn cần phải cẩn thận vì các thông tin đó cũng có thể bị làm giả. Kiểm tra chéo các hình ảnh với về góc chiếu của ánh sáng mặt trời hoặc thời tiết trong ngày mà đoạn băng, tấm ảnh đó được ghi hình, chụp ảnh, cũng có thể giúp xác minh được tính xác thực của đoạn băng, bức ảnh đó.

Bức ảnh này được một số người sử dụng và nói rằng đó là cảnh ngập lụt tại sân bay Houston vào năm 2017, nhưng thật ra nó đã được chỉnh sửa bằng phần mềm photoshop từ cảnh một sân bay tại New York hồi 2013

Các kỹ năng kiểm tra tính xác thực đang ngày càng phát triển thêm, với các cộng đồng như Bellingcat và #DigitalSherlocks đang khiến cho việc kiểm tra tính xác thực và kiểm tra vị trí tạo ra đoạn video hay tấm ảnh đó trở thành một môn thể thao nhóm. Việc phối hợp với các phóng viên khác và các tình nguyện viên trong việc thẩm định, kiểm tra tính xác thực của tư liệu bạn có và chia sẻ kết quả với người khác là điều nên làm trong cuộc chiến chống tin sai, tin giả ở quy mô lớn.

Có một ví dụ về kiểu phối hợp nguồn mở như thế này: Africa Eye tiến hành điều tra về cáo buộc theo đó nói quân đội Cameroon đã giết dân làng. Vị trí của các vụ sát hại được xác định nhờ vào sự giúp đỡ của một cuộc điều tra ‘crowdsourced’, tức là cuộc điều tra do cộng đồng chung sức thực hiện, đối với một đoạn video được đăng trên mạng.

Một rặng núi được nhìn thấy trong đoạn video giống với vùng Bắc Cameroon nếu dùng Google Earth để so. Các bước đi tiếp theo được tiến hành để xác định những vũ khí, đơn vị và các cá nhân trong đoạn video, trong lúc hình ảnh vệ tinh được dùng để thu hẹp khoảng thời gian mà đoạn video đó có thể đã được ghi. Toàn bộ những việc này giúp nhóm điều tra thách thức tuyên bố của chính phủ Cameroon vốn nói rằng đoạn video đó là “tin giả”.

Lật tẩy tin giả

Một vấn đề mà các phóng viên cần cân nhắc, đó là việc khuếch trương câu chuyện sai. Liệu việc lật tẩy tin giả và công bố các kết quả tìm thấy có giống như việc đổ dầu vào lửa, khiến tin đó càng lan ra xa hơn không?

Một số người lập luận rằng BBC không nên đụng vào một câu chuyện nếu đó là chuyện giả, tuy nhiên, nếu các tuyên bố dựa trên chuyện giả lan ra rộng khắp, hoặc khi thông tin bị bóp méo khiến làm ảnh hưởng tới chất lượng tranh luận chính trị thì cần có một cơ quan công ích mở cuộc chiến chống lại việc lan truyền tin giả đó.

Cần tiến hành thảo luận về đường lối biên tập để đánh giá xem liệu việc lật tẩy tin giả đối với một câu chuyện đơn lẻ có phải là điều đáng làm hay không, hoặc làm vậy có phải là vì lợi ích công chúng không, và liệu có thể thu thập đủ bằng chứng để lật tẩy tin giả đó được không.

Bộ phận chuyên kiểm chứng thông tin của BBC, Reality Check, tiến hành điều tra đối với những tuyên bố đáng ngờ và kiểm tra tính xác thực của các vấn đề mà khán thính giả, độc giả đặt câu hỏi. Các nghiên cứu của bộ phần này chủ yếu tập trung vào tình trạng sử dụng sai các số liệu hoặc các "lời khuyên của chuyên gia". BBC Thế giới vụ và chương trình More or Less của kênh phát thanh Radio 4 đã thực hiện một postcard lớn về việc phát hiện ra các số liệu sai. Trong số những kỹ năng hàng đầu được đưa ra trong postcard này gồm:

  • hãy để ý tới những cảm giác của chính mình
  • tìm ra câu chuyện phía sau
  • hiểu rõ những tuyên bố được đưa ra
  • đặt mọi thứ vào trong bối cảnh câu chuyện
  • hãy nhìn câu chuyện bằng con mắt tò mò, tỉ mỉ

Và với bất kỳ tuyên bố trên mạng nào, việc lần ra nguồn gốc của thông tin, dữ liệu đó là điều hết sức cần thiết.

Còn có các cơ quan khác nữa chuyên kiểm tra độ chính xác của thông tin và lật tẩy các câu chuyện giả, như Full Fact ở Anh và Africa Check ở châu Phi, và việc kiểm chứng hình ảnh, chia sẻ các kết quả kiểm tra với các phóng viên khác là điều tối quan trọng trong việc đối phó với tin giả.

Minh bạch

Chúng ta cần phải làm việc một cách chủ động để xây dựng và duy trì niềm tin của khán thính giả, độc giả trong các thị trường ồn ào và thiên vị, nơi các đối thủ cạnh tranh muốn làm suy giảm độ tín nhiệm của chúng ta và nơi các câu chuyện giả đang được dán nhãn BBC.

Tất cả chúng ta đều mắc lỗi, và trong lúc nước sôi lửa bỏng thì ta sẽ rất dễ đưa ra kết luận hoặc trích dẫn một nhân vật nào đó khi chưa kiểm chứng cẩn thận đủ mức. Minh bạch là điều then chốt: hãy báo cáo người chủ biên hoặc biên tập viên cao cấp phụ trách bạn nếu cần và hãy công khai chỉnh sửa câu chuyện để phản ánh các thông tin mới.

Việc sửa sai và xin lỗi công chúng khi chúng ta có sơ suất sẽ giúp giữ vững được lòng tin, sự tin cậy của công chúng đối với BBC.

Thể hiện minh bạch các nguồn cung cấp thông tin cho chúng ta và những bằng chứng chúng ta sử dụng để hỗ trợ cho câu chuyện cũng là điều quan trọng, bởi như vậy sẽ khiến khán thính giả, độc giả hiểu rõ hơn về việc tin tức họ biết là tới từ đâu, và giúp họ hiểu được làm báo với chất lượng cao là như thế nào.

Văn hoá truyền thông

Một trong những cách tốt nhất để ngưng việc lan truyền tin sai là đào tạo khán thính giả, độc giả để họ biết cách phân biệt thật - giả trong các câu chuyện đến với họ thông qua những chia sẻ trên mạng xã hội.

BBC School Report [link: School Report http://www.bbc.co.uk/schoolreport] làm việc với các thanh thiếu niên ở Anh để trang bị cho họ những công cụ cần thiết nhằm giúp họ hiểu rõ về nghề báo. Nhân viên BBC tình nguyện tới các trường học và trao cho các em một số tư liệu hay, như một trò chơi có tính tương tác, iReporter, giúp các em thử đặt mình vào vị trí của một phóng viên BBC. BBC School Report giới thiệu các kế hoạch học tập nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn cách xác định tin nàp là thật, tin nào không. Hiện BBC School Report đang phát triển ra toàn cầu, và nhân viên BBC Thế giới vụ đang được đào tạo để đem đến cho thanh thiếu niên những thứ tương tự tại các sự kiện được tổ chức ngắn gọn trên thế giới, bắt đầu với Ấn Độ và Kenya.

Bộ phận UGC của BBC tiến hành xác minh, kiểm chứng thông tin một cách thận trọng, thực hiện từng bước riêng rẽ sẽ giúp khán thính giả, độc giả phân định được sự đúng-sai trong các tuyên bố dễ gây nhầm lẫn cũng như những lời phản tố lan truyền trên mạng.

Việc chúng ta giải thích tiến trình lật tẩy một câu chuyện giả được thực hiện như thế nào sẽ giúp nâng nhận thức của khán thính giả, độc giả về những nguy cơ liên quan tới tin sai, và các khó khăn, thách thức trong việc tìm được tin thật.

Links:

BBC Monitoring:https://monitoring.bbc.co.uk/

MIT research:http://news.mit.edu/2018/study-twitter-false-news-travels-faster-true-stories-0308

Africa Eye Cameroon:https://www.bbc.co.uk/news/world-africa-45681690  https://twitter.com/BBCAfrica/status/1044186344153583616

More or Less Postcard:https://www.bbc.co.uk/programmes/w3csvq3v

BBC School report’s iReporter game:  https://www.bbc.co.uk/news/resources/idt-8760dd58-84f9-4c98-ade2-590562670096

First Draft News:https://firstdraftnews.org/ provide access to verification materials in English, Spanish and Portuguese with more languages to come.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn