Giọng nói báo hiệu bạn sắp chia tay người yêu?

Thứ Hai, 24 Tháng Sáu 201911:00 SA(Xem: 5732)
Giọng nói báo hiệu bạn sắp chia tay người yêu?
bbc.com

Giọng nói báo hiệu bạn sắp chia tay người yêu?

Martha Henriques BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Giả sử tình yêu của bạn đang trong giai đoạn nhiều khó khăn. Bạn đang cố gắng xử lý mọi thứ bằng cách nhờ đến tư vấn dành cho cặp đôi, nhưng cuối cùng, bạn muốn biết liệu việc này có đáng bỏ công sức không.

Liệu mọi thứ có tốt lên không, hay đã đến lúc mối tình chịu số phận tan vỡ?

Có lẽ điều này đáng để bạn ngừng lại một chút và lắng nghe người yêu của bạn. Thực sự lắng nghe.


Khi bạn nói chuyện với nhau, giọng nói mang đủ thông tin có thể tiết lộ câu trả lời. Những chuyển biến rất nhỏ trong giọng điệu, sự ngắt quãng giữa từng cụm từ, độ ồn mà bạn nói chuyện - tất cả tiết lộ những tín hiệu ẩn giấu về cảm xúc của bạn.

Rất nhiều phần trong đó ta nhận diện được nhờ trực giác. Ta sử dụng nó để điều chỉnh ý nghĩa ngôn từ của mình. Hãy thử nghĩ về sự khác biệt giữa các câu hỏi sau:

"Tại sao em ở đây?"

"Tại sao em [nhấn mạnh] ở đây?"

"Tại sao em ở đây [nhấn mạnh]?"

Thay đổi vị trí nhấn giọng là một trong những cách rõ ràng mà ta gài vào đó ý nghĩa. Nhưng còn rất nhiều lớp nghĩa khác mà ta thêm vào nhưng không hề nhận ra.

Nhưng có một cách để chiết tách lớp thông tin ẩn đó từ cách ta nói chuyện. Các nhà nghiên cứu thậm chí đã phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sử dụng thông tin này và dự đoán về tương lai tình cảm của các cặp đôi. Trí tuệ nhân tạo AI giờ đây đã chính xác hơn những chuyên viên trị liệu được đào tạo chuyên môn.

Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học theo dõi 134 cặp đôi đã kết hôn và đang gặp khó khăn về tình cảm.

Trong suốt hơn hai năm, mỗi cặp đôi được thu âm trong một buổi xử lý tình huống kéo dài 10 phút. Mỗi người chọn một đề tài về tình yêu quan trọng với họ và thảo luận cùng người kia. Các nhà nghiên cứu cũng có dữ liệu về việc liệu tình cảm của các cặp đôi này có tốt lên hay xấu đi và liệu họ còn bên nhau hai năm sau đó không.


Các chuyên viên trị liệu được đào tạo xem video và phần ghi âm này. Bằng cách xem xét cách các cặp đôi trò chuyện cùng nhau, nội dung họ nói gì và họ có biểu hiện ra sao khi trò chuyện, chuyên viên trị liệu đưa ra đánh giá tâm lý dự đoán kết quả mối quan hệ của họ.

Các nhà nghiên cứu cũng huấn luyện một thuật toán cách phân tích giọng nói của cặp đôi. Nghiên cứu trước đó đã giúp nhóm nghiên cứu có thêm hiểu biết về một số tính chất có vẻ như liên đới trong giao tiếp của con người, ví dụ như ngữ điệu, thời lượng trò chuyện và lượt trò chuyện của từng người ra sao.

Công việc của thuật toán là tính toán chính xác xem liệu những tính chất này có liên hệ với tình trạng mối quan hệ ra sao.

Thuật toán thuần túy dựa vào các tập tin ghi âm mà không xem xét thông tin hình ảnh từ video. Thuật toán cũng bỏ qua nội dung cuộc trò chuyện - là phần lời nói. Thay vào đó, thuật toán nhặt nhạnh những tính chất như nhịp độ, độ cao giọng nói và mỗi người nói trong bao lâu.

Đáng kinh ngạc là, thuật toán cũng thu thập những tính chất của giọng nói nằm ngoài nhận thức của con người. Những tính chất này gần như không thể mô tả vì đơn giản là con người chúng ta không nhận ra chúng - như độ nghiêng quang phổ - một thuật toán phức tạp trong giọng nói.

"Sử dụng rất nhiều dữ liệu, ta có thể tìm được các mô thức mà mắt và tai con người khó nắm bắt được," Shri Narayanan, kỹ sư tại Đại học Nam California, chủ trì đề tài nghiên cứu cho biết.

Sau khi được huấn luyện qua bản thu âm về các cặp đôi, thuật toán trở nên giỏi hơn chuyên viên trị liệu một chút trong việc dự đoán liệu các cặp đôi có còn bên nhau không.

Thuật toán đạt mức 79,3% độ chính xác. Các chuyên viên trị liệu - vốn có ưu thế hiểu được nội dung trò chuyện của các cặp đôi và quan sát ngôn ngữ cơ thể của họ - dự đoán chính xác 75,6%.

"Con người giỏi việc giải mã rất nhiều mảnh thông tin," Narayanan cho biết. "Nhưng ta không thể xử lý tất cả khía cạnh của thông tin mà ta có."

Ý tưởng là chúng ta đang "để rò rỉ" nhiều thông tin về suy nghĩ và cảm xúc hơn mức mà chính chúng ta, con người, có thể hiểu được. Nhưng thuật toán không bị giới hạn trong việc giải mã tính chất giọng nói mà mọi người thường sử dụng để truyền tải thông tin.

Nói cách khác, đó là những chiều kích "bị ẩn giấu" trong giọng nói của ta mà AI có thể giải mã.

"Một trong những ưu thế của máy tính là khả năng phát hiện ra mô thức và xu hướng trong khối lượng dữ liệu lớn," Fjola Helgadottir, một nhà tâm lý học y sinh tại Đại học Oxford cho biết. "Hành vi con người có thể cho ta thấy quy trình tâm lý ẩn bên dưới," bà cho biết.

"Tuy nhiên, thuật toán máy tính học có thể làm công việc nặng nhọc như xem xét qua tất cả, tìm đúng thông tin, và đưa ra dự đoán về tương lai."

Can thiệp vì tình yêu tốt đẹp hơn?

Một thuật toán dự đoán liệu quan hệ của bạn sắp kết thúc có thể không phải là ý tưởng hấp dẫn lắm. Đặc biệt là hiện nay nó mới chỉ chính xác 3/4.

Dự đoán như vậy có thể tạo ra thay đổi mà ta có thể tưởng tượng vềmối quan hệ của bạn và cách mà bạn cảm thấy về người yêu, người bạn đời.

Nhưng xử lý thông tin ẩn dưới cách ta trò chuyện - và trong cách cơ thể ta vận hành - có thể được sử dụng để khiến mối quan hệ của ta tốt hơn.

Theodora Chaspari, kỹ sư tin học tại Trường đại học Texas A&M đã phát triển một chương trình AI có thể dự đoán khi nào xung đột có vẻ như sắp bùng phát trong mối quan hệ. Chaspari và đồng nghiệp của bà sử dụng dữ liệu từ các cảm biến giấu kín - như một thiết bị đo tập luyện thể thao đeo tay - mà 34 cặp đôi đeo trong một ngày.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Cảm biến đo lượng mồ hôi, nhịp tim và dữ liệu giọng nói gồm nhịp điệu giọng, và phân tích cả nội dung mà các cặp đôi trò chuyện - như họ sử dụng các từ ngữ tiêu cực hay tích cực. Tổng số 19 cặp đôi trải qua một số xung đột trong ngày họ đeo thiết bị đo.

Chaspari và đồng nghiệp của bà huấn luyện một thuật toán hiểu mô thức liên hệ với những tranh cãi xảy ra giữa các cặp đôi như dữ liệu. Sau khi được huấn luyện dựa trên dữ liệu này, thuật toán có thể tìm kiếm xung đột giữa các cặp đôi khác bằng cách chỉ sử dụng dữ liệu từ cảm biến, với độ chính xác đến 79,3%.

Biết trước thời điểm có thể cãi nhau

Giờ đây, nhóm nghiên cứu đang phát triển các thuật toán dự đoán mà họ hi vọng có thể sử dụng để giúp các cặp đôi được cảnh báo trước khi xung đột xảy ra, bằng cách tìm kiếm các dấu hiệu cảnh báo có thể gây ra xung đột.

Cách các tác giả dự đoán hoạt động như sau: Bạn có một ngày làm việc bận rộn, có lẽ là có một cuộc họp căng thẳng, và bạn đang trên đường về nhà. Bạn đời của bạn cũng có một ngày vất vả. Bằng cách theo dõi mức độ đổ mồ hôi của cả hai người, cùng với nhịp tim và cách hai bạn trò chuyện trong vài giờ qua, thuật toán có thể tính toán mức độ bạn có thể gây xích mích với người bạn đời cũng đang bực bội y hệt bạn khi về đến nhà.

"Ở thời điểm này, ta có thể can thiệp để giải quyết mâu thuẫn theo cách tích cực hơn," Chaspari cho biết.

Điều này có thể thực hiện đơn giản bằng cách gửi một tin nhắn cho cặp đôi đó trước khi căng thẳng xảy ra, Adela Timmons, nhà tâm lý học làm việc trong dự án tại Trung tâm Tâm lý Định lượng và Y tế cho Trẻ em và Gia đình tại Đại học Quốc tế Florida, nói.

"Chúng tôi nghĩ rằng ta có thể điều trị hiệu quả hơn nếu ta có thể quản lý những điều đó trong đời sống thực của mọi người ở thời điểm mà họ cần nhất," bà cho biết.

Mô hình truyền thống trong trị liệu không thể làm được điều này. Thường thì một buổi trị liệu kéo dài một giờ mỗi tuần, và đó là lúc bệnh nhân nhớ lại những gì xảy ra từ buổi trị liệu trước đó, rồi nói về những vấn đề phát sinh.

"Chuyên viên trị liệu không thể ở đó trong khoảnh khắc mà một người thực sự cần sự hỗ trợ," Timmons cho biết. "Có rất nhiều bước trong quy trình truyền thống mà quá trình can thiệp có thể thất bại và kém hiệu quả hơn."

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Nhưng lời nhắc nhở tự động dựa trên quá trình theo dõi liên tục sinh lý học và giọng nói của mọi người có thể thực hiện giấc mơ điều trị can thiệp theo thời gian thực. Nó cũng có thể cho phép hình thành cách điều trị chuẩn mực hơn, Helgadottir cho biết.

"Không ai thực sự biết điều gì xảy ra trong phòng trị liệu kín," Helgadottir cho biết, ông là người đã phát triển nền tảng phương pháp thực chứng sử dụng Ai để điều trị căng thẳng xã hội. "Đôi khi những kỹ thuật hiệu quả nhất lại không được sử dụng vì chúng đòi hỏi nhiều nỗ lực của chuyên viên trị liệu hơn. Mặt khác, những thành phần lâm sàng của hệ thống trị liệu bằng AI có thể hoàn toàn mở và minh bạch."

"Chúng có thể được thiết kế và kiểm nghiệm bởi các nhà nghiên cứu hàng đầu và các bác sĩ trong lĩnh vực. Hơn nữa, máy tính không có ngày nghỉ, và không có gì khác biệt nếu 1, 100 hay 1.000 người sử dụng có lợi cùng lúc."

Dù vậy, vẫn có một số nguy cơ. Không có gì đảm bảo rằng một tin nhắn trên điện thoại của bạn cảnh báo một tranh cãi sắp xảy ra sẽ không gây tác dụng ngược và khiến bạn giận càng nhanh hơn. Thời điểm can thiệp là cực kỳ quan trọng.

"Có lẽ chúng ta không thự sự muốn có can thiệp trong lúc xảy ra mâu thuẫn, Timmons cho biết. "Nếu người ta thực sự nổi nóng, họ sẽ không đón nhận những cảnh báo trên điện thoại nhắc họ nên bình tĩnh lại. Nhưng nếu ta có thể biết được tâm trạng của một người trong một thời gian khi mâu thuẫn bắt đầu leo thang nhưng họ vẫn chưa mất khả năng điều chỉnh hành vi, thì đó chính là thời điểm thích hợp để can thiệp."

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Vẫn còn rất nhiều khó khăn về mặt công nghệ mà người ta phải xử lý trước khi một ứng dụng như vậy có thể được công bố. Nhóm làm việc cần phải điều chỉnh thuật toán và thử nghiệm tính hiệu quả trên số lượng người lớn hơn. Và vẫn còn nhiều câu hỏi lớn về bảo mật quyền riêng tư.

Sự xâm nhập dữ liệu vào thiết bị có lưu trữ dữ liệu về quan hệ của bạn với người yêu hay bạn đời có thể khiến rất nhiều thông tin nhạy cảm gặp nguy cơ. Người ta cũng có thể đặt câu hỏi điều gì có thể xảy ra với dữ liệu nếu xảy ra cáo buộc về tội phạm, như vấn đề bạo hành gia đình.

"Chúng ta phải nghĩ về cách ta sẽ xử lý những tình huống như vậy và cách để mọi người được an toàn và đồng thời bảo mật quyền riêng tư của họ," Timmons cho biết. "Có nhiều vấn đề xã hội rộng lớn hơn mà chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận."

Nếu mô hình trị liệu này thực sự thành công, nó sẽ mở ra cánh cửa đến những phương pháp tương tự nhằm cải thiện những mối quan hệ khác như quan hệ trong gia đình, công việc, hay quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Hệ thống cơ thể của ta càng được theo dõi kỹ càng hơn, từ cử động mắt đến căng thẳng ở cơ bắp, thì càng có nhiều điều được tiết lộ về những gì ẩn chứa trong quan hệ của ta. Điều này có thể minh chứng rằng còn rất nhiều tầng nghĩa, ngoài cách trò chuyện và phản ứng sinh lý cơ bản, mà máy tính có thể giải mã tốt nhất.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn