Cách 'bán' câu chuyện cuộc đời mình để thành công

Thứ Hai, 24 Tháng Sáu 20193:00 CH(Xem: 4344)
Cách 'bán' câu chuyện cuộc đời mình để thành công
bbc.com

Cách 'bán' câu chuyện cuộc đời mình để thành công

Christian Jarrett BBC Future

BBC / Getty Images Bản quyền hình ảnh BBC / Getty Images

Hãy tưởng tượng, khi bạn 12 tuổi, gia đình bạn chuyển đến sống ở phần bên kia của đất nước. Ở trường học mới, lần đầu tiên bạn bị bắt nạt.

Giờ đây khi bạn nhớ lại khoảng thời gian đó trong đời, bạn có coi đó là một trong những giai đoạn mọi việc đang cực kỳ tốt đẹp, và bất ngờ trở nên tồi tệ? Hoặc bạn coi đó chỉ là một ví dụ khác về trải nghiệm khó khăn nhưng cuối cùng có kết cục tốt đẹp - có lẽ chuyện bị bắt nạt khiến bạn mạnh mẽ hơn, hay dẫn đến tình huống bạn gặp được người bạn thân thiết cả đời sau này?


Trông thì không có vẻ gì là cách bạn kể câu chuyện này, thậm chí chỉ là tự kể cho mình nghe, sẽ định hình bạn sẽ trở thành người thế nào. Nhưng hóa ra cách bạn diễn dịch và hiểu cuộc đời, và kể câu chuyện đó, có tác động quan trọng đến việc bạn trở thành người thế nào.

BBC / Getty Images Bản quyền hình ảnh BBC / Getty Images
Image caption Cách bạn kể lại những sự kiện quan trọng trong đời có tác động đáng kể đến việc bạn trở thành người thế nào

Vào giữa Thế kỷ 20, "Đây là Cuộc đời Bạn" (This Is Your Life) là chương trình nổi tiếng trên truyền hình ở Anh và Mỹ. Trong chương trình, những người nổi tiếng và người bình thường được giới thiệu với một quyển sách đỏ, miêu tả sự kiện quan trọng, những bước ngoặt then chốt và ký ức trong đời họ.


Trong chương trình, những câu chuyện đời này do những người nghiên cứu của show tìm hiểu và tập hợp lại. Nhưng trong thực tế, mỗi chúng ta đều sống trong đời với một phiên bản "sách đỏ" - một quyển sách tự bản thân viết về mình, mà ta thường không nhận ra điều đó trong tâm trí.

Những câu chuyện kể này tồn tại dù ta có quyết định chú ý đến chúng nhiều hay không. Chúng cho ta vay mượn ý nghĩa về sự tồn tại của bản thân và cung cấp nền tảng nhận thức về danh tính bản thân. Bạn chính là câu chuyện của bạn.

Theo nhóm nghiên cứu do Kate McLean từ Đại học Western Washington mô tả trong công trình mới nhất của họ, được đăng trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội, thì "câu chuyện ta tự kể về bản thân tiết lộ chính bản thân ta, xây dựng lên chính ta và duy trì chính ta theo thời gian."

Nghiên cứu từ nhóm của McLean là một trong những nghiên cứu mới nhất khám phá ý tưởng hấp dẫn là, mặc dù ta liên tục xem xét và cập nhật nhưng những câu chuyện đời chứa đựng nhiều yếu tố ổn định có thể tiết lộ điều gì đó cơ bản về ta. Chúng thể hiện một khía cạnh chủ đạo trong nhân cách của ta.

Một trong những người hợp tác với McLean, chuyên gia về nhân cách và là nhà tiên phong nghiên cứu lĩnh vực này, Dan P McAdams từ Đại học Northwestern giải thích trong nghiên cứu tiên phong "Tâm lý từ Chuyện đời": "Trong các câu chuyện cuộc đời mà mỗi người tự nghĩ về mình, không có ai giống ai hết, giống như việc mỗi người đều có tâm lý, tính cách khác nhau."

BBC / Getty Images Bản quyền hình ảnh BBC / Getty Images
Image caption Tương tự như việc mỗi người đều có những tính cách, cá tính riêng, chúng ta kể câu chuyện cuộc đời mình theo các cách khác nhau

Trong gần hai thập niên kể từ khi McAdams đưa ra kết luận này, nhiều bằng chứng đã củng cố cho ý tưởng rằng, cùng với các mục tiêu, giá trị và xu hướng tính cách, thì cách ta kể câu chuyện bản thân cũng phản ánh xu hướng ổn định trong nhân cách của ta. (McAdams định danh ba xu hướng tính cách trong tác phẩm "Nhân cách Ba ngôi").

Các công trình khác cũng cho thấy tầm quan trọng của câu chuyện đời mình đối với tính cách, vì cách mà ta kể ra chuyện đời mình hóa ra có ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sự lành mạnh đời sống nói chung.

Chẳng hạn, nếu bạn là người nhớ những tác động tích cực có được từ (giả dụ) quãng thời gian mà ta bị bắt nạt ở trường mới, thì điều đó có thể là bạn có được cuộc sống hạnh phúc và viên mãn hơn.

Hơn thế nữa, điều này gợi ra khả năng hấp dẫn là ta có thể thay đổi cách tự diễn đạt bản thân và việc tập trung vào điều này có thể có ích. Thật vậy, việc giúp mọi người diễn giải lại câu chuyện cuộc đời họ theo cách thức khác đi, với góc nhìn mang tính xây dựng hơn, chính là cơ sở cho "liệu pháp kể chuyện".

Cuốn sách đỏ trong đầu bạn không phải là bản cuối cùng. Hãy thêm thắt vào câu chuyện khi bạn kể chuyện, và bằng cách này có lẽ bạn có thể thay đổi chính kiểu người bạn.

Nhưng những phong cách kể chuyện đời khác nhau là gì?

Khi nói đến việc mô tả xu hướng tính cách con người, tức là cách hiểu quy ước về nhân cách, lý thuyết được ủng hộ rộng rãi và nghiên cứu nhiều nhất trong lĩnh vực này cho rằng, từ hàng ngàn cụm từ chỉ xu hướng tính cách trong tiếng Anh, người ta có thể phân loại ra thành "Năm Nhóm Tính cách Lớn" (trong đó có tính hướng ngoại, tận tâm, tâm lý bất ổn và nhiều tính cách khác) có thể thể hiện tính chất cơ bản của từng cá nhân.

Và có vẻ như tương tự như vậy, câu chuyện cuộc đời chúng ta cũng có những đặc tính từ đó định danh ta.

Các nghiên cứu đã tính toán một loạt khía cạnh khác biệt gây "choáng váng" về chuyện đời mỗi người, (và chúng lần đầu tiên được cộng sự của McLean là Jonathan Adler tổng hợp), bao gồm: "hành động, trao đổi, xúc cảm, bù đắp, ô nhiễm, kín tiếng, hợp lý (ít nhất là ba loại), xử lý thăm dò, mục tiêu tăng trưởng, ký ức tích hợp và nội tại, tạo ý nghĩa tích cực và tiêu cực, xây dựng, tinh tế, xử lý phù hợp, xử lý khác biệt, kết thúc cảm xúc, xử lý tình cảm, thân mật, điềm báo, phức tạp".

Để bóc tách những điều có ý nghĩa nhất qua chuyện đời trong danh sách này, McLean và nhóm nghiên cứu của bà đã tiến hành ba nghiên cứu với gần 1.000 tình nguyện viên tham dự.

Mỗi người kể lại chuyện từ những giai đoạn đặc biệt trong đời họ hoặc kể tóm tắt lại toàn bộ đời họ. Dựa trên phân tích thấu đáo và mã hóa câu chuyện mọi người kể, McLean và cộng sự của bà tin rằng có "Ba Đặc tính Chính" thể hiện tính cách từ cách ta kể chuyện đời mình.

Đặc tính đầu tiên là "Có động lực và Có tình cảm", là đặc tính xem xét mức độ tự chủ và kết nối với những người khác mà người kể chuyện thể hiện ra, cũng như mức độ tích cực hay tiêu cực nói chung của câu chuyện, và liệu họ có bị chi phối, khống chế hay không, khi tình huống đang tốt trở nên tồi tệ (là khi ta coi phần bị bắt nạt là điều gây tổn thương) hoặc tình huống đang tồi hóa ra lại có kết cục tốt (như khi bị bắt nạt dẫn đến kết quả tích cực).

Đặc tính thứ hai là "Lý luận về chuyện của bản thân", là mức độ ta suy ngẫm về những trải nghiệm trong câu chuyện của mình, tìm kiếm ý nghĩa của những điều đã xảy ra, và phân biệt mối liên hệ giữa những sự kiện quan trọng và các cách ta đã thay đổi hoặc không thay đổi.

Cuối cùng, đó là "Cấu trúc", tức là mức độ đáng tin cậy của câu chuyện của ta, về mặt thời gian, thông tin và bối cảnh.

Cách kể chuyện đời ta giống với một khía cạnh trong nhân cách ta, chúng cho thấy mức độ ổn định có ý nghĩa qua thời gian (tương tự với sự ổn định trong xu hướng tính cách của ta).

Nghiên cứu gần đây cho thấy điều này thực sự đúng.

Chẳng hạn, Robyn Fivush từ Đại học Emory và đồng nghiệp của bà đã yêu cầu gần 100 tình nguyện viên là người trưởng thành kể lại chuyện đời của họ trong một phỏng vấn. Họ gặp lại những người này bốn năm sau đó, và khi ấy những nhà nghiên cứu đề nghị họ kể lại chuyện đời lần nữa.

Điều quan trọng là, các nhà nghiên cứu phát hiện ra sự "mạch lạc" trong câu chuyện các tình nguyện viên kể cho thấy sự ổn định trong thời gian diễn ra nghiên cứu (tính chất này tương tự như tính chất "có cấu trúc" mà nhóm nghiên cứu của McLean xác định). "Cách mà ta kể tự truyện phản ánh thấy khía cạnh ổn định trong sự khác biệt cá nhân," Fivush và nhóm của bà kết luận.

Kết quả mới nhất này bổ sung thêm cho các kết quả tương tự được tìm ra trong thời gian gần đây.

Chẳng hạn, nội dung một sự kiện xảy ra trong cuộc đời ta có thêm yếu tố ổn định kể từ khi ta bước vào độ tuổi mới lớn, và ngày càng được kể một cách hợp lý hơn khi ta lớn tuổi hơn; tần suất ăn năn và hối lỗi trong các câu chuyện của người trẻ tuổi cho thấy có mức độ ổn định nhất định qua năm tháng (tức là trong lúc các câu chuyện của họ được kể ra với những thay đổi nhất định theo thời gian, thì những người tham gia nếu nói ra những cảm xúc ăn năn hối lỗi này trong lần kể đầu tiên thì cũng có xu hướng nói ra ở lần kể thứ hai, được thực hiện ba năm sau đó).

Quan niệm cho rằng câu chuyện cuộc đời chúng ta phản ánh khía cạnh ổn định và quan trọng trong nhân cách con người có thể có hệ quả quan trọng.

Vài năm trước, Jonathan Adler từ Đại học Franklin W Olin và đồng sự, trong đó có Iliane Houle từ Đại học Quebe ở Montreal, đã xem xét nội dung 30 cuộc điều tra trước đó về câu chuyện cuộc đời, và nhận thấy nhiều khía cạnh có liên quan đến sự lành mạnh trong đời sống.

Những người kể chuyện tích cực và câu chuyện có nhiều yếu tố bù đắp hơn (ví dụ, thời điểm đó bạn mất việc, nhưng cuối cùng nhờ vậy mà chuyển hướng sự nghiệp sang việc làm mà bạn yêu thích hơn) có xu hướng có đời sống tốt đẹp hơn, ít nhất là dựa trên nghiên cứu với các mẫu người đến từ phương Tây; họ đạt cảm xúc viên mãn trong đời sống và có sức khỏe tâm thần tốt hơn.

Điều tương tự cũng xảy ra với những người kể chuyện có xu hướng coi mình là nhân vật chính trong sự kiện trong đời họ, và có nhiều tương tác ý nghĩa hơn với người khác.

Chẳng hạn, ở những phần mà họ nhớ đến thường liên quan tới những người thân yêu và bạn bè thân thiết, như trong buổi tiệc vui nhộn ở Brighton để chia tay đời độc thân trước khi đi lấy chồng, hay những lúc cùng nhau cùng chia sẻ sở thích, như khi cùng người em họ đi học nấu ăn với nhau. Những người kể chuyện đời với nhiều lý luận và cấu trúc tốt hơn cũng có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngược lại, những người kể chuyện với nhiều yếu tố "độc hại" hơn, ít tự chủ, ít giao tiếp hơn thì dường như có cuộc sống ít viên mãn hơn.

Vậy điều này liệu có nghĩa là nếu bạn điều chỉnh lại cách kể câu chuyện cuộc đời mình, ví dụ như xem xét những yếu tố tích cực mà mình có được sau khi phải đi qua một trải nghiệm khó chịu, bạn sẽ phát triển được một nhân cách lành mạnh và mạnh mẽ hơn?

Đây không phải là một ý tưởng quá xa xôi gì.

Hãy xem xét một nghiên cứu gần đây, trong đó tình nguyện viên là các sinh viên được yêu cầu viết lại chuyện kể trong đó cho thấy nhiều yếu tố bù đắp hơn (như nhận định rằng "đó là khi sai lầm đã thay đổi khiến bạn trở nên tốt hơn").

So với những người tham gia có kiểm soát, là những người không được hướng dẫn làm theo cách trên, thì những người được khuyến khích thể hiện nhiều yếu tố được bù đắp sau đó cho thấy họ kiên định hơn với mục tiêu, thậm chí nhiều tuần sau đó, họ vẫn nói họ có xu hướng vẫn muốn hoàn thành việc họ bắt đầu.

"Những kết quả này không chỉ cho thấy rằng cách kể chuyện đời tư có thể làm thay đổi tính cách cá nhân," các nhà nghiên cứu kết luận. "Chúng cũng cho thấy là việc thay đổi cách mọi người suy nghĩ và trò chuyện về những sự kiện quan trọng trong đời họ có thể giúp cuộc sống của họ hướng tới tương lai một cách tốt cdepj hơn."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn