Khi người thành đạt vẫn cảm thấy bất an

Thứ Tư, 05 Tháng Sáu 20197:00 CH(Xem: 3928)
Khi người thành đạt vẫn cảm thấy bất an

Khi người thành đạt vẫn cảm thấy bất an


"Cảm giác là luôn phải chứng tỏ rằng mình xứng đáng ở vị trí hiện tại, và liên tục lo lắng trước bất kỳ cuộc họp mà tôi tham dự… lo rằng liệu tôi có phải đồ ngớ ngẩn khi xuất hiện ở đây và liệu mọi người có thể nhìn xuyên qua lớp vỏ bọc và nghĩ rằng bên trong tôi chẳng có tố chất gì thật hay không?"

Đó là Jeremy Newman. Mãi đến gần đây, Jeremy vẫn còn là giám đốc điều hành toàn cầu của tập đoàn BDO, một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới. Hiện ông giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan chính phủ và một loạt các tổ chức khác.

Dù ở góc độ nào thì ông vẫn cực kỳ thành công trong sự nghiệp, vậy mà ông đang ngồi đây, kể cho tôi nghe rằng ông thường xuyên lo lắng rằng bản thân chưa đủ giỏi.


Ông không phải người duy nhất như vậy. Trong 25 năm làm nghiên cứu về giới lãnh đạo và các tập đoàn dịch vụ chuyên môn (như công ty kiểm toán, các hãng luật, các ngân hàng đầu tư và công ty tư vấn), tôi đã nghe rất nhiều người xuất sắc, thành công và dường như rất tự tin, nhưng lại mô tả bản thân là kẻ bất an.

Họ là những người "tham vọng đầy bất an": tức là cực kỳ có khả năng và tham vọng dữ dội, nhưng lại luôn tin tưởng sâu sắc rằng bản thân chưa đủ giỏi.

Khi tôi viết về những người tham vọng đầy bất an trong quyển sách gần đây của mình có tên "Chuyên gia hàng đầu: Quyền lực, chính trị và Người lĩnh xướng" [Leading Professionals: Power, Politics, and Prima Donnas], tôi nhận được nhiều phản hồi rất đáng chú ý từ mọi người khắp thế giới, trong hàng loạt lĩnh vực, cho biết họ chính là người giống như cụm từ đó miêu tả.

Tham vọng quá mức đồng thời luôn cảm thấy bất an là thứ tính cách dần được hình thành chứ không phải do bẩm sinh, và thường bắt nguồn từ thời thơ ấu, qua trải nghiệm bất an về thể chất, tài chính hoặc tinh thần.

Chẳng hạn, những đứa trẻ từng trải qua hoàn cảnh nghèo khó bất ngờ ập tới có thể thấy ra rằng khi lớn lên, họ không bao giờ kiếm đủ tiền để vượt qua lo sợ rằng tình cảnh nghèo khó đó sẽ trở lại.

Một số trẻ em lớn lên với niềm tin rằng chúng sẽ chỉ được cha mẹ chú ý và công nhận nếu chúng cực kỳ xuất sắc. Thái độ này sẽ vẫn còn đeo bám rất lâu dù sau đó những đứa con đó đã ra ở riêng vì sự bất an đã ăn sâu và trở thành một phần nhân cách chúng.


Cũng không có gì ngạc nhiên khi những người này có truyền thống nộp đơn xin vào những tập đoàn chuyên ngành cao cấp - đó là loại công ty có thể đem lại việc làm được mọi người săn đón với nhân viên là thạc sĩ tốt nghiệp Quản trị Kinh doanh khắp thế giới.

Những công ty này nói với nhân viên mới, "chúng tôi là giỏi nhất trong ngành, và vì bạn làm việc với chúng tôi, điều này cũng sẽ khiến bạn trở nên giỏi nhất."

Với những người luôn nghi ngờ giá trị bản thân, cảm giác này rất tuyệt - cho đến khi họ bắt đầu lo lắng mình sẽ bị đuổi việc khi không thể đáp ứng được kỳ vọng.

Hệ thống đánh giá và khen thưởng trong các công ty này khiến nỗi sợ trở nên rất thật. Bạn phải cạnh tranh quyết liệt để thăng tiến.

Tiến sĩ Alexandra Michel tại Đại học Pennsylvania đã nghiên cứu cuộc sống và sự nghiệp của giới nhân viên ngân hàng đầu tư.

Bà giải thích: "Khen thưởng cuối năm phụ thuộc vào đánh giá của bạn trong mối liên hệ với những người khác. Và bạn không biết họ đang làm ra những gì. Bạn chỉ biết họ cực kỳ thông minh và họ làm việc cực kỳ chăm chỉ."

Mọi người biết rằng họ bị đánh giá trực tiếp trong mối quan hệ cạnh tranh với đồng nghiệp. Nhưng vì họ không thực sự biết đồng nghiệp đang làm gì, cho nên để cho chắc ăn thì họ tự đặt ra tiêu chuẩn cực kỳ cao cho bản thân.

Và vì mọi người trong hệ thống đều làm vậy, nên chuẩn mực cứ thế ngày càng tăng cao hơn và cao hơn nữa, buộc mọi người phải làm việc vất vả hơn.

Với những người tham vọng bất an, mô thức này sẽ tồn tại mãi. Trong suốt nghiên cứu của tôi, một giám đốc cao cấp trong công ty tư vấn đã mô tả hai đồng nghiệp, là những người "cảm thấy rằng tôi sẽ nói với họ là 'Xin lỗi. Anh chẳng làm việc gì cả. Anh phải nghỉ việc'… Vì vậy tôi nói, 'Các anh điên à? Tại sao không về nhà sớm và nghĩ về gia đình mình đi?' Và họ đáp, 'Không, không, không, không, Tôi phải làm việc.'" Ngày càng có nhiều nhân viên trẻ thấy lãnh đạo hành động như vậy và cho rằng đó là cách sẽ giúp họ bứt lên dẫn đầu. Và vì vậy, mô thức này sẽ tiếp tục lặp lại và liên tục gây áp lực trở lại.

Tuy vậy, điều này cũng có mặt tích cực.

David Morley, người cho tới gần đây vẫn là thành viên cao cấp của hãng luật hàng đầu thế giới Allen and Overy, so sánh rằng các luật sư cao cấp trong thời gian nghiên cứu tư vấn cho khách hàng thì giống như ông chủ gánh xiếc trong rạp xiếc khổng lồ.

"Nếu bạn giỏi và yêu nghề, thì công việc này rất kích thích," ông nói. "Bạn sẽ tính tiền với mức rất cao, mà khách hàng thì trả phí dịch vụ một cách vui vẻ, đầy lòng biết ơn, và vì vậy bạn sẽ có con số rất rõ ràng trên giấy minh họa cho giá trị mà bạn vừa tăng thêm. Khi điện thoại reo và bạn tiếp tục theo đuổi vụ tiếp theo… việc này như chất gây nghiện… quy trình đầy hứng khởi này… và nếu bạn làm giỏi, sẽ có rất nhiều phần thưởng tích cực từ đó."

Tuy nhiên, đến mức độ cực đoan, làm việc thời gian kéo dài và liên tục phải nỗ lực để đạt kết quả xuất sắc có thể gây ra những vấn đề sức khỏe tâm thần và thể chất nghiêm trọng, từ đơn giản là kiệt sức tới những cơn đau kinh niên, nghiện chất kích thích, rối loạn ăn uống, trầm cảm và tệ hơn thế nữa.

Vậy nếu bạn là người tham vọng luôn thấy bất an, bạn có thể làm gì?

Như tôi giải thích, những yếu tố gây ra sự bất an thường bắt nguồn từ thời thơ ấu nên bạn có thể tác động rất ít vào quá khứ đó. Tuy nhiên, bạn có thể tác động đến cách bản thân mình phản ứng với sự bất an đó.

Đầu tiên là cần nhận biết điều gì sẽ kích thích bạn. Hãy chú ý phương thức mà công ty đang cố thao túng hành vi của bạn và cách bạn phản ứng với điều đó. Hãy chú ý xem đồng nghiệp nào là người đặc biệt khiến bạn có vẻ lo lắng hơn trước bình luận và hành động của họ - hãy sẵn sàng phòng vệ về mặt tâm lý nếu cần thiết.

Thứ hai, hãy định nghĩa lại sự thành công theo cách của riêng bạn, không phải theo cách của người khác.

Nếu bạn sẽ hi sinh bản thân, cơ thể và tâm hồn cho công việc, hãy chọn một công việc mà bạn có cơ hội thành công cao nhất và yêu thích công việc bạn làm. Đừng bấu víu lấy công việc không phù hợp với bản thân - nghỉ việc mà bạn "không thể thích nghi" không phải là dấu hiệu của thất bại mà là dấu hiệu của trực giác tốt và sự trưởng thành về cảm xúc.

Và thứ ba, hãy coi trọng các bằng chứng tôn vinh thành công của bạn. Khi người tham vọng bất an đã đạt được thành tựu, họ có xu hướng nhanh chóng coi nhẹ thành công và tiếp tục đặt ra mục tiêu cao hơn nữa. Vì vậy khi bạn đã đạt được thành tựu gì đó, hãy nhớ bạn đã lo lắng ra sao nếu không thành công, bạn đã thành công nhiều lần thế nào dù đầy lo lắng, và hãy thử thách bản thân dám tin tưởng vào những bằng chứng cho thấy khả năng thành công lặp đi lặp lại của chính mình.

Laura Empson là giáo sư trong ngành quản trị những công ty dịch vụ chuyên ngành tại Trường Kinh doanh Cass từ London, và là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm của Trường Luật Havard về Chuyên ngành Luật. Tác phẩm mới nhất của bà là: "Chuyên gia hàng đầu: Quyền lực, chính trị và Người lĩnh xướng" [Leading Professionals: Power, Politics, and Prima Donnas].

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn