Giọt nước mắt của chủ chăn ( Khi Vẹm muốn, Chuá cũng phải chiụ )

Thứ Bảy, 18 Tháng Năm 20196:00 CH(Xem: 3611)
Giọt nước mắt của chủ chăn ( Khi Vẹm muốn, Chuá cũng phải chiụ )
rfa.org

Giọt nước mắt của chủ chăn

Cánh Cò

Người Công giáo xem một linh mục là chủ chăn mà đàn chiên là người theo cây gậy của linh mục để hướng về một mục tiêu chung là Thiên Chúa.

Có rất nhiều câu chuyện về người chủ chăn vì lạc mất một con chiên đã phải lo lắng tìm kiếm cho bằng được để đem nó về chuồng. Câu chuyện ẩn dụ về con chiên trót mang tội lỗi bỏ Chúa mà đi theo tiếng gọi của ma quỷ và vị chủ chăn phải tranh đấu với nó để giành lấy con chiên này về lại với gia đình chung là giáo hội.

Giáo hội Công giáo Việt Nam hôm nay vừa chứng kiến một linh mục khóc vì bị bứt ra khỏi đàn chiên của mình để tới một nơi không có giáo dân, tức là không có con chiên nào cần sự chăn dắt. Đó là linh mục Giuse Nguyễn Duy Tân vâng lệnh bề trên rời giáo xứ Thọ Hòa nơi ông gắn bó bao năm qua để về Núi Cúi, một vùng đất rộng lớn nhưng không có giáo dân vì nơi đây đang xây dựng một khu hành hương lớn nhất Việt Nam và mục tiêu chính là đón đức Giáo Hoàng về thăm khi thuận tiện.

Linh mục Nguyễn Duy Tân trong ngày từ giã đã chịu một kịch bản khá đau lòng đối với một linh mục khi ông không được dâng thánh lễ cũng như đọc bài giảng trong buổi chia tay với những người tiễn đưa ông, một số là dân oan Vườn rau Lộc Hưng, những người từng được an ủi vỗ về và chia sẻ bởi linh mục Duy Tân trong những ngày họ bị nhà cầm quyền khiến cho nhà tan cửa nát. Người linh mục ấy đối với họ không những là một chủ chăn đúng nghĩa mà ông còn là một người thân trong từng hộ gia đình của vườn rau Lộc Hưng bởi ông từng chung vai sát cánh với họ đòi nhà nước trả lại công bằng cho họ.

Linh mục Nguyễn Duy Tân khóc trong ngày chia tay Giáo xứ Thọ Hoà

Linh mục Nguyễn Duy Tân khóc trong ngày chia tay Giáo xứ Thọ Hoà Courtesy of FB Phạm Thanh Nghiên

icon-zoom

Câu chuyện của linh mục Tân tiếp nối tin đồn râm ran về việc Văn phòng Công lý và Hòa Bình phải đóng cửa đồng nghĩa với chương trình “Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa” được coi như biến mất vì không ai trông nom, gánh vác.

Nói đến Văn phòng Công Lý và Hòa Bình người tứng biết về nó không khỏi khâm phục vì công cuộc truyền giáo bằng hành động bác ái và chia sẻ của những linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế cũng như sự trợ giúp của hàng trăm giáo dân và những người hoạt động dân chủ nhân quyền tại Việt Nam. Các linh mục như Phạm Trung Thành, nguyên Giám tỉnh DCCT, linh mục Đinh Hữu Thoại người phụ trách chính chương trình tri ân, Linh mục Lê Ngọc Thanh người Điều hành Ban Truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế, là một trong ba người Việt Nam nằm trong danh sách 100 anh hùng thông tin thế giới được Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vinh danh năm 2014. Tất cà những linh mục sống đời tận hiến ấy đều bị luân chuyển đi nơi khác khi thành quả của họ đe dọa sự thống trị của chính quyền sở tại.

Đó là DCCT trong Nam, riêng tại miền Bắc thì nhà thờ Thái Hà là nơi lên tiếng mạnh mẽ nhất bảo vệ không những tài sản của Giáo hội mà còn cho những người dân oan mất đất, những hoàn cảnh cơ nhỡ cần cứu giúp. Những câu chuyện về bất công trong đời sống được chia sẻ trong các bài giảng Chúa Nhật đã khiến cho Hà Nội một thời rúng động. Hệ quả là linh mục Nguyễn Văn Khải từng được xem là tiếng nói mạnh mẽ nhất giáo xứ Thái Hà sau khi được sang Rome để theo lớp thần học lại không được phép trở lại quê nhà. Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, người không kém gì linh mục Nguyễn Văn Khải được luân chuyển vào DCCT Kỳ Đồng cũng như những linh mục khác không thể ở lại nơi mình đã gây dựng được đàn chiên yêu mến mình.

Các vị chủ chăn lớn như Giám mục Ngô Quang Kiệt hết mình bảo vệ tài sản Giáo hội đến nỗi bị chính quyền làm áp lực phải bỏ Giáo phận Hà Nội để trở thành một giám mục không có con chiên. Giám mục Nguyễn Thái Hợp chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, từng nổi tiếng vì đồng hành cùng giáo dân đòi công lý trong vụ Formosa khi còn là giám mục Giáo phận Vinh. Ông ra thư chung nói về tình trạng cá chết bất thường tại miền Trung gây tranh cãi và theo nhận định của VTV, Thư Chung của Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã kêu gọi người dân và chính phủ tìm ra nguyên nhân cá chết, đồng thời cũng phân tích rõ những tác hại của việc cá chết với môi trường biển và đất, cũng như những tác hại nếu con người ăn phải những cá chết có nhiễm độc cuối cùng VTV cho rằng ông kích động giáo dân chống chính quyền.

Kết quả là Giám mục Nguyễn Thái Hợp không thể ở lại Giáo phận Vinh mà phải kết thúc sứ vụ mục tử ở đây để về cai quản giáo phận Hà Tĩnh là giáo phận mới thành lập và Giám mục Nguyễn Thái Hợp là Giám mục tiên khởi.

Nếu giáo phận Vinh có giám mục Nguyễn Thái Hợp hết lòng vì mục tử thì trong Nam, Tổng Giáo phận Sài Gòn nơi có nhà thờ Đức Bà nổi tiếng khắp nước lại vừa chứng kiến một vị chủ chăn làm đau lòng giáo hội.

Những câu chữ của Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng ghi trong sổ tang của tang lễ Lê Đức Anh đã dấy lên phản ứng bất lợi cho người Công giáo tại Sái gòn khi ông viết: “Cùng với đồng bào cả nước, thay mặt các hồng y, các giám mục, linh mục, tu sĩ và toàn thể giáo dân Công giáo của Tổng giáo phận TP.HCM, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám quản tông tòa Tổng giáo phận TP.HCM, chia buồn sâu sắc cùng toàn thể gia quyến.

Vĩnh biệt ngài Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Vĩnh biệt nhà lãnh đạo tài ba đã góp phần to lớn cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam".

Chưa bao giờ một vị chủ chăn lại có những câu chữ mang dấu ấn tuyên giáo đậm đặc như thế. Tổng Giáo phận Sái Gòn cũng chưa bao giờ đổi tên thành Tổng Giáo phận TP.HCM và sự thay đổi danh xưng này làm đau lòng không ít cho những giáo dân tha thiết với niềm tin vào Chúa.

Và dĩ nhiên vì đức vâng lời họ không thể công khai chống đối hay phản biện. Người giáo dân chí thành nhất với niểm tin vào chủ chăn cũng không thể chịu nỗi ngôn ngữ mà một vị giám mục hạ mình đối với nhà cầm quyền rõ ràng như thế.

Linh mục Nguyễn Duy Tân có khóc thì cũng đúng vì ông đứt ruột xa rời đàn chiên mà ông yêu mến, thế còn những con chiên lạc của ông có khóc được không khi bề trên của họ phải thần phục nhà nước để nhà thờ vang vang tiếng chuông đầu thánh lễ?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn