Những người giả chết để biến mất khỏi công ty

Thứ Bảy, 25 Tháng Năm 20193:00 CH(Xem: 5038)
Những người giả chết để biến mất khỏi công ty
bbc.com

Những người giả chết để biến mất khỏi công ty

Ed Butler và Elizabeth Hotson BBC Thế giới vụ

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Bài báo này được viết lại từ chương trình "Biến mất khỏi văn phòng" trong chương trình Business Daily của BBC Thế Giới Vụ do Ed Butler và Elizabeth Hotson thực hiện.

Yuichiro Okazaki và Toshiyuni Niino rất giỏi nghỉ việc. Trong 18 tháng vừa qua, họ đã xin nghỉ việc ít nhất 1.500 lần.

Nhưng hai người sống ở Tokyo này không rời vị trí làm việc. Họ là đồng sáng lập một công ty khởi nghiệp cung cấp một dịch vụ đặc thù cho những nhân viên quá muốn nghỉ việc nhưng cần một chút giúp đỡ.


"Hầu hết họ đều sợ sếp," Okazaki cho biết. "Họ biết sếp họ sẽ nói: 'Không, bạn không thể nghỉ việc.' Tôi nghĩ đó là vì trong văn hóa Nhật Bản, nghỉ việc gì đó là điều không hay. Khi muốn nghỉ việc, họ cảm thấy bản thân là người xấu."

Đó là nơi Senshi S và dịch vụ xin nghỉ làm có tên Exit xuất hiện. Với khoản phí 50.000 yên Nhật (tương đương 457 đô la Mỹ), dịch vụ Exit sẽ gọi cho sếp của khách hàng và chuyển đơn xin nghỉ việc mà họ được ủy quyền. Đôi khi họ tốn vài cuộc gọi. Một số lần các công ty không muốn giải quyết qua Exit và nói nhân viên phải tự đến công ty gửi đơn.

Nhưng khi mọi việc xong, thì khách hàng sẽ có được cảm giác nhẹ cả người. "Có một khách hàng nói với chúng tôi, 'Các bạn là vị cứu tinh'," Okazaki nói. Người này đã muốn nghỉ việc 10 năm và 'thực sự khổ sở vì công việc đó'.

Ông ước tính rằng có khoảng 30 công ty đang cung cấp dịch vụ tương tự ở Nhật. Nhân viên ở Nhật thường có truyền thống làm việc cho một công ty cả đời, nhưng trong vài năm gần đây đã có nhiều người chuyển việc hơn và vấn đề lực lượng lao động sụt giảm cũng có nghĩa đây là thị trường cho người tìm việc.

"Mọi người đang thay đổi nhưng văn hóa vẫn chưa thay đổi và các công ty cũng chưa thay đổi… và vì vậy đó là lý do mọi người cần chúng tôi," Okazaki nói.


Tất nhiên, nhờ người khác chuyển đơn xin nghỉ việc là cách bất thường để xin nghỉ việc. Nhưng làm sao có thể nghỉ việc là thế tiến thoái lưỡng nan mà hầu hết mọi người phải đối mặt. Và trong khi nói chuyện với sếp có lẽ vẫn là lựa chọn phổ biến nhất, thì nhiều thứ còn lệ thuộc vào hoàn cảnh nghỉ việc của bạn.


Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn muốn nghỉ việc nhanh hoặc tìm ra công việc thực sự không như bạn nghĩ - hay thậm chí phát hiện ra bạn không thể làm công việc đó? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn, thay vì phải bắt đầu một cuộc nói chuyện kỳ quặc, bạn chỉ biến mất?

Không để lại dấu vết

Kiểu thái độ này tại nơi làm việc được gọi là cắt đứt (ghosting) - một từ từng được sử dụng trong chuyện hẹn hò, chỉ hành động thình lình cắt đứt liên lạc mà không lời giải thích.

Giờ đây, có vẻ như hành vi này bắt đầu lan đến công sở. Cuối năm ngoái, Sách Xám của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (US Federal Reserve Bank Beige Book) - một báo cáo về điều kiện kinh tế Hoa Kỳ xuất bản tám lần mỗi năm - thậm chí cũng ghi nhận hiện tượng này.

Chris Yoko, người vận hành một công ty thiết kế website ở bang Virginia ở Hoa Kỳ, có trải nghiệm kỳ quặc với một đối tác vốn sẽ hoàn thành một dự án kỹ thuật số từ nhà.

"Người này chỉ mới bắt đầu công việc với chúng tôi - anh ta có vẻ phù hợp, có vẻ là một người tốt thành thật. Chúng tôi cho anh ta bắt đầu với một dự án khá đơn giản theo chuẩn của chúng tôi. Anh đồng ý nhận, [nhưng] Thứ Năm tới - mà vẫn chẳng có gì."

Nhiều email và điện thoại không nhận được phản hồi gì. Người này cũng không tham dự một cuộc họp khác trong dự án. Cuối cùng, vì sự im lặng hoàn toàn từ đối tác đó, họ phải chuyển giao công việc cho người khác.

Một thời gian sau, một người dường như là bạn của đối tác đó đã liên lạc với công ty qua email. Ông nói người đối tác kia đã qua đời trong tai nạn giao thông và đề nghị được nhận một số tập tin thuế mà gia đình cần đến. Nhưng có gì đó không ổn, nên Yoko kiểm tra tài khoản Twitter của đối tác kia.

Trên mạng xã hội, người này có vẻ như vẫn còn sống. Trong thực tế, anh ta vừa phản hồi một trạng thái trên Twitter với người họ hàng về chuyện họp mặt gia đình.

"Anh ta trả lời người này với một bức ảnh chụp anh ta cầm chai whiskey trong tay và nói: 'Tôi không chỉ tham dự, mà còn mang theo chai này'," Yoko kể lại. "Tôi chụp ảnh màn hình lại và gửi cho người kia và nói: "Hey, có tin tốt này, có vẻ như anh ta vẫn ổn!"

Giả chết để tránh phải thực hiện một công việc rõ ràng là một ví dụ cực đoan. Nhưng bỏ đi và cắt đứt liên lạc với công ty có vẻ như ngày càng phổ biến.

Một viên quản lý cấp trung được thuê trong mảng bán lẻ ở Anh (người này muốn ẩn danh) cho biết cô đã bỏ đi khỏi công ty vì mặc dù cô có hợp đồng thời hạn ba tháng - nhưng cô lại tìm được công việc mới mà họ cần cô ngay lập tức. Vì vậy cô bỏ đi.

Chuyện này xảy ra vào thời đầu của sự nghiệp cô, vào giai đoạn đỉnh cao của suy thoái kinh tế. Cô nói chuyện bỏ việc của cô một phần liên quan đến việc cô nhận ra mối quan hệ của cô với công ty có thể "bất an và dễ thay đổi" đến mức nào.

"Tôi có đồng nghiệp từng tham dự buổi tổng kết cuối năm và không bao giờ quay lại vì họ bị cắt giảm khỏi nhóm. Bạn thấy một công ty có thể tàn bạo đến mức nào, vì vậy khi là nhân viên, bạn nghĩ: 'Tôi không thực sự phải quay lại vào ngày mai.'."

Và có lẽ cô có điểm đúng. Đây không chỉ là vấn đề nhân viên biến mất không nói một lời. Hầu hết mọi người đều từng nộp đơn xin việc mà không hề được đáp lời từ công ty họ ứng tuyển. Một số người khác chẳng nhận được tin gì sau khi tham dự cuộc phỏng vấn trực tiếp. Một người đàn ông nói với BBC ông bị nhà tuyển dụng tương lai cắt đứt sau khi viết tài liệu chiến lược, làm bài kiểm tra và thậm chí qua ba vòng phỏng vấn.

Chris Gray, giám đốc quản trị của công ty tuyển dụng Manpower UK cho biết thực tế là người lao động đang đảo ngược tình hình là một phần của hiện tượng bùng nổ thị trường lao động ở các quốc gia phát triển.

Tỷ lệ thất nghiệp thấp ở Mỹ và Anh nghĩa là "rất dễ để họ nhảy khỏi quy trình và nhảy lên lưng con ngựa khác, như trước đây đã từng thế," ông cho biết.

Và ông thừa nhận rằng người ta chẳng thể làm được gì nhiều khi một người không thể liên lạc gì nữa.

Giải pháp cho cả hai bên

"Một khi trong vai trò nhà tuyển dụng hay công ty, bạn đã tốn thời gian với người nào đó vừa biến mất, thì bạn không muốn tốn thêm thời gian cố gắng tìm hiểu tại sao họ biến mất," ông cho biết.

"Tôi nghĩ tất cả những gì ta có thể làm để giảm nhẹ phần nào việc này là trở nên chủ động hơn trong việc xây dựng nhóm quan hệ nhân tài; xây dựng quan hệ này càng sớm càng tốt. Hãy tìm hiểu về mọi người trước khi bạn cần họ."

Là nhân viên, dù việc bỏ đi có thể phù hợp với nhu cầu tức thời của họ, họ cũng nên xem xét tác động lâu dài khi cắt đứt quan hệ với công ty. Vì, cũng giống như trong thế giới hẹn hò, không ai nghĩ mình sẽ thích một người chẳng bao giờ nói lời chia tay.

"Đó là hành động rất không chuyên nghiệp," Dawn Fay, chủ tịch khu vực của công ty tư vấn tuyển dụng Hoa Kỳ Robert Half. "Tôi không đề nghị bất cứ ai, dù bạn là nhà tuyển dụng hay nhân viên nên cắt đứt."

Bà cho rằng lý do đằng sau - một số người không thích xung đột hay làm người khác thất vọng, trong khi một số khác có thể đã mất hứng thú, ví dụ như trong quy trình tuyển dụng kéo dài quá mức cần thiết. Bà cho biết, các công ty có thể thực hiện phần việc của họ là "đưa người qua quy trình nhanh chóng" và trao đổi rõ ràng.

Nhưng bà cho biết hành động cắt đứt quan hệ có thể quay trở lại ám ảnh bạn.

"Đó là điều có thể thực sự quay lại gây bất lợi cho bạn sau này trong sự nghiệp. Bạn không bao giờ biết mọi người sẽ trở thành người như thế nào, vì vậy bạn muốn chắc chắn rằng bạn hành xử chuyên nghiệp, cho dù có bất kỳ điều gì xảy ra."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn