Nhật Bản và 'nghệ thuật kiên nhẫn'

Thứ Bảy, 06 Tháng Tư 20193:00 SA(Xem: 4479)
Nhật Bản và 'nghệ thuật kiên nhẫn'
bbc.com

Nhật Bản và 'nghệ thuật kiên nhẫn'

Julian Littler BBC Capital

'Gaman' có thể là sự khó khăn và ít cơ hội hơn cho những phụ nữ làm việc, đặc biệt với những người quay trở lại làm việc sau khi sinh con hoặc ly hôn Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption 'Gaman' có thể là sự khó khăn và ít cơ hội hơn cho những phụ nữ làm việc, đặc biệt với những người quay trở lại làm việc sau khi sinh con hoặc ly hôn

Mọi đứa trẻ ở Nhật Bản được dạy dỗ 'gaman', tức là kiên trì nhẫn nại ở các thời điểm khó khăn. Đó có phải một cách để tạo ra một xã hội trật tự, hay 'gaman' có một mặt tối của nó?

Ngày làm việc ở Tokyo thường bắt đầu bằng một chuyến đi qua hệ thống tàu điện ngầm nhộn nhịp nhất thế giới. Khoảng 20 triệu người đi tàu ở thủ đô Nhật Bản mỗi ngày.

Đó là một quá trình căng thẳng vì các chuyến tàu chật ních lao theo mọi hướng. Trên sân ga, mọi người chen chúc thành đội hình chặt chẽ bên cạnh cửa tàu để tránh cản trở hành khách đi ra, sau đó lao vào, mặc dù chuyển động chậm vì đông người phải chen chúc.

Những người bị ép chặt trong toa không thể cử động được; đôi khi chân không chạm sàn tàu. Thế nhưng, ngay cả trong tàu chật cứng này, sự im lặng cam chịu vẫn ngự trị.

Hành vi bình tĩnh và có trật tự thường là đặc trưng của ngay cả những đám đông lớn nhất ở Nhật. Du khách từ nước ngoài thường ngạc nhiên bởi sự sẵn sàng kiên nhẫn của quần chúng để chờ đợi giao thông, ra mắt mặt hàng mới và, ví dụ như sự viện trợ sau trận động đất và sóng thần tàn khốc ở Fukushima xảy ra tròn tám năm trước tính đến tuấn trước.

Nhưng để duy trì trật tự bên ngoài này cần sự nỗ lực to lớn: ở Nhật, sự nỗ lực này được gọi là 'gaman'.

Kiên nhẫn trong thời gian khó khăn

Nói đơn giản, nó là ý tưởng rằng các cá nhân nên thể hiện sự kiên trì nhẫn nại khi phải đối mặt với những tình huống bất ngờ hoặc khó khăn, và bằng cách đó, duy trì được các mối quan hệ xã hội hài hòa. Khái niệm này bao hàm một mức độ tự kiềm chế cảm xúc của mình để tránh sự đối đầu. Đó là nhiệm vụ phải làm và là dấu hiệu của sự trưởng thành.


David Slater, giáo sư nhân chủng học và là giám đốc của Viện Văn Hóa So Sánh của đại học Sophia ở Tokyo, mô tả 'gaman' như một bộ các chiến lược để đối phó với các sự kiện ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. "Các cá nhân phát triển trong bản thân một khả năng kiên trì và chịu đựng những điều bất ngờ hoặc tồi tệ, khó vượt qua," ông nói.

Theo Noriko Odagiri, giáo sư tâm lý học lâm sàng tại Đại Học Quốc Tế Tokyo, nền tảng của nó là người Nhật coi trọng việc không nói quá nhiều và kìm nén cảm xúc tiêu cực đối với người khác.

Việc rèn luyện bắt đầu sớm; trẻ em học theo gương cha mẹ. Sự nhẫn nại và kiên trì cũng là một phần của giáo dục, bắt đầu từ tiểu học. "Đặc biệt là đối với phụ nữ, chúng tôi được giáo dục nhẫn nại nhiều nhất có thể," bà Odagiri nói.

'Gaman' có thể biểu hiện dài hạn, như ở lại làm một công việc khó chịu hoặc chịu đựng một đồng nghiệp khó tính, hoặc ngắn hạn, như phớt lờ một hành khách ồn ào hoặc một người cao tuổi chen hàng.

Yoshie Takabayashi, 33 tuổi, là một thợ làm đồ bằng bạc ở Tokyo trước khi cô kết hôn, đã chuyển đến ở Kanazawa và có con. Khi được hỏi là khi nào cô sử dụng 'gaman', cô nói đó là cuộc sống sau khi sinh con và thực tế cô không còn được làm các việc trước đây cô từng thích. Cô cũng nhớ lại một kẻ bắt nạt tại nơi làm việc mà cô phải nịnh để được đào tạo, tránh rắc rối và giữ được việc làm.

"Khi tôi nhìn lại quãng thời gian đó, ông chủ của tôi đã không làm bất cứ điều gì để giúp đỡ. Đáng lẽ tôi đã bỏ việc. Nhưng bố mẹ và tất cả những người xung quanh tôi, những người cũng mới bắt đầu vào làm việc, luôn khuyến khích tôi để thành công. Tôi không biết đã phải nhẫn nại biết chừng nào," cô nói.

Ca ngợi 'gaman'

'Gaman' bắt nguồn từ những lời dạy của Phật giáo về việc tu dưỡng bản thân trước khi dần dần được định hình thành một cơ chế kiên trì nhẫn nại đối với cá nhân là thành viên của các nhóm xã hội. Nó được hoàn thiện trong thời kỳ bùng nổ kinh tế sau chiến tranh ở Nhật Bản khi mà công việc là gánh vác việc xây dựng quốc gia - nghĩa là hy sinh thời gian với gia đình để làm việc nhiều thời gian hơn cho cơ quan.


Một số người coi sự kiên trì theo kiểu 'gaman' là nét đặc trưng mang tính Nhật Bản. "Đó là một đặc điểm tiêu biểu của người Nhật, nhưng nó có những điểm tốt và xấu," Nobuo Komiya, một nhà tội phạm học tại Đại học Rissho, Tokyo, nói,

Komiya tin rằng sự giám sát lẫn nhau, tự giám sát và kỳ vọng của công chúng liên quan đến 'gaman' là một yếu tố đóng góp cho tỷ lệ tội phạm thấp ở Nhật Bản. Ở đâu mà người ta đề phòng lẫn nhau và tránh xung đột, thì mọi người sẽ phải thận trọng hơn về hành vi của mình.

Nhưng nó không chỉ về động lực nhóm. "Điều quan trọng là nhớ rằng 'gaman' mang lại lợi ích cho cá nhân," Komiya nói. "Nghĩa là người ta sẽ không bị đuổi việc hoặc có lợi do giữ được quan hệ lâu dài với những người xung quanh."

Nhưng 'gaman' gây áp lực lên cá nhân. "Chúng ta ca ngợi 'gaman'," Odagiri nói. Nhiều người ở Nhật mong đợi người khác đoán cảm giác của họ, thay vì biểu lộ trực tiếp và đôi khi tạo ra áp lực.

"Quá nhiều 'gaman' có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của chúng ta," bà nói. "Đôi khi, nếu bị tác động nhiều quá, 'gaman' có thể chuyển thành bệnh tâm lý."

Hỏi giúp đỡ vì sức khỏe tâm thần thì thường bị coi là thất bại, Odagiri nói. Người ta nên được tự mình xử lý thì tốt hơn. Nhưng đôi khi việc này không diễn ra theo ý muón và dẫn đến tức giận, và có thể đi tới bạo lực gia đình hoặc ở nơi làm việc.

'Gaman' cũng có thể khiến phụ nữ bị mắc kẹt trong những cuộc hôn nhân không hạnh phúc. "Xã hội của chúng ta mong muốn phụ nữ phải nhún nhường hoặc ít nói. Vì vậy, đôi khi phụ nữ không nên cố gắng thể hiện cảm xúc tiêu cực, chỉ nhẫn nại chịu đựng," Odagiri nói. Và khi họ quyết định ly hôn, nhiều người thấy rằng họ không thể vì họ đã từ bỏ nghề nghiệp vì gia đình và không còn độc lập về tài chính.

Komiya thấy có mối quan hệ giữa sự gia tăng gần đây của những quấy rối tình dục và bắt nạt với sự phá vỡ các cấu trúc xã hội ưu tiên cho nhóm hơn là cho cá nhân. "Người Nhật nói rằng 'gaman' là một đức hạnh quốc gia, nhưng thực sự đó là một cách thức để duy trì nhóm," ông nói. Nhưng bây giờ người ta cảm thấy ít có khả năng bị loại trừ nếu họ lên tiếng.

Và xã hội đang thực sự thay đổi. Ba mươi năm trước, việc làm ở Nhật Bản là cho suốt đời. Theo truyền thống, đàn ông làm việc cần mẫn để có thâm niên trong công ty, nơi họ dành toàn bộ sự nghiệp của mình, trong khi phụ nữ thường được bố trí vào các công việc không được thăng chức để rồi rời bỏ về nuôi con.

Nhưng ngày nay hệ thống việc làm trọn đời đang bị phá vỡ, người ta kết hôn muộn hơn, nhiều phụ nữ đi làm và tỷ lệ sinh ở mức thấp nhất trong lịch sử. Nhiều người trẻ làm việc theo hợp đồng tạm thời hoặc trong các công việc bán thời gian mà 'gaman' chẳng có nghĩa lý gì.

"Người ta không coi bạn là một thành viên nội tại của nhóm. Bạn được thuê và bị sa thải, bạn ký hợp đồng, bạn được trả tiền theo giờ," Slater nói. "Toàn bộ ý tưởng nhẫn nại chịu đựng ở đây là hoàn toàn không thích ứng. Bạn sẽ giữ được việc làm bằng cách im lặng, nhưng tất cả các giá trị được dạy bảo về 'gaman' mà nó là đúng đối với quan hệ xã hội cô kết và bền lâu thì nay không còn đúng nữa.

Và một số người trẻ không lựa chọn 'gaman', không đi theo con đường của các thế hệ trước. Mami Matsunaga, 39 tuổi, làm việc trong ngành truyền thông thời trang trước khi hoán đổi Tokyo lấy bãi biển. Bây giờ cô ấy ngày nào cũng lướt ván và dạy về chánh niệm/thiền, dạy thở và yoga tại các khóa tu và hội thảo ở khắp nước Nhật.

"Trong văn hóa Nhật Bản, kỳ vọng dành cho 'gaman' gây áp lực cho mọi người làm điều giống nhau và không còn chỗ cho sự khác biệt," Matsunaga nói. Khi được hỏi có bao giờ cô nhẫn nại trong công việc không, cô trả lời: "Không, tôi không nhẫn nại. Tôi sẽ bỏ việc nếu việc đó đòi hỏi phải nhẫn nại."

Bài tiếng Anh trên BBC Capital

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn