Chi Lan mọc dưới núi sâu, không vì chốn vắng vẻ mà không thơm

Thứ Sáu, 08 Tháng Ba 20193:00 CH(Xem: 4181)
Chi Lan mọc dưới núi sâu, không vì chốn vắng vẻ mà không thơm

“Khổng Tử gia ngữ” có viết: “Chi lan sinh vu thâm cốc, bất dĩ vô nhân nhi bất phương. Quân tử tu đạo lập đức, bất vi bần khốn nhi biết tiết.” nghĩa là: Cây Chi Lan (thuộc họ hoa Lan) mọc ở trong núi sâu, không vì ở chốn không người mà không thơm; người quân tử tu Đạo lập đức, không vì khốn cùng mà thay đổi khí tiết. Cuộc sống đạm bạc cũng là một loại hưởng thụ, hưởng thụ sự ung dung và tĩnh tại của sinh mệnh, cũng là một loại cảnh giới, ẩn chứa trí tuệ tinh thâm.

Người thường sinh sống, là vì số mệnh mà bôn ba, vì cuộc sống mà mệt mỏi, càng truy cầu danh lợi thì càng canh cánh trong tâm, rất ít người có thể sống tịch mịch đạm bạc mà không chạy theo danh lợi. Thảng có lúc người ta dừng lại và tự hỏi: Làm sao để có được một cuộc sống ung dung tự tại? Làm sao để như cây lan kia, tĩnh tĩnh tại tại dưới núi sâu mà vẫn tỏa hương thơm ngát?

Cây chi cây lan ở dưới núi sâu, không vì chốn không người mà không thơm
(Ảnh minh họa qua chuonghung.com)

1. Nhẫn: Lùi một bước biển rộng trời cao

Người có chí lớn mới có thể nhẫn, từ bỏ những phân tranh vô vị.Người có tầm nhìn mới có thể nhẫn, biết chỉ đánh giá cao sự thoáng đãng tươi đẹp trong tinh thần. Nhẫn không phải là hèn nhát, không phải là vô dụng, mà là sức mạnh, là tư tưởng, là từ bi và là trí huệ.

Trong “Đồng thành huyền chí” có ghi rằng: Vào triều đại nhà Thanh những năm vua Khang Hy tại vị, có một vị đại học sĩ tên là Trương Anh rất công minh và hiểu biết.

Một ngày nọ, Trương Anh nhận được lá thư ở quê nhà gửi đến. Trong thư kể rằng gia đình hiện đang vì ba thước đất làm tường mà phát sinh tranh chấp với gia đình hàng xóm. Sự việc kéo dài trong thời gian lâu mà vẫn chưa giải quyết được nên muốn ông sử dụng chức quyền của mình để giải quyết mối tranh chấp này.

Vừa đọc đến đó, Trương Anh đã phá lên cười thản nhiên rồi dùng bút viết một phong thư gửi về quê nhà. Trong bức thư, ông ghi hai câu thơ:

Thiên lý tu thư chích vi tường, nhượng tha tam xích hựu hà phương?
Vạn lý trường thành kim do tại, bất kiến đương niên Tần Thủy Hoàng.

Tạm dịch nghĩa:

Ngàn dặm viết thư chỉ vì tường, nhường họ ba thước có sao đâu?
Vạn Lý Trường Thành nay còn đó, nhưng đâu còn thấy Tần Thủy Hoàng xưa.

Người nhà sau khi tiếp nhận lá thư, cảm thấy xấu hổ, hiểu được ý mà Trương Anh muốn nhắn nhủ nên đã chủ động nhường cho hàng xóm ba thước đất. Không ngờ, người hàng xóm thấy vậy cũng chủ động nhường ra ba thước đất. Cuối cùng hai bên gia đình đều xây tường lùi vào ba thước và ngõ hẻm đó rộng thành sáu thước.

Đó chẳng phải lùi một bước biển rộng trời cao hay sao?

2. Hòa: Thiên địa hòa, vạn vật sinh

Bài thơ Vọng Động Đình của Lưu Vũ Tích có viết:

Hồ quang thu nguyệt lưỡng tương hòa,
Đàm diện vô phong kính vị ma.

Có nghĩa là:

Vẻ phong quang của hồ và ánh trăng thu hòa hợp với nhau,
Mặt hồ lặng gió giống như mặt gương đồng chưa mài sáng.

Không ai có thể phủ nhận vẻ đẹp của thiên nhiên khi phong cảnh hòa thành một thể, tựa như chẳng thể tách rời, cái này tôn lên vẻ đẹp của cái kia.

Lại có câu:

Thiên cao nhậm điểu phi,
Hải khoát bằng ngư dược.

Nghĩa là:

Trời cao chim bay lượn,
Biển rộng cá tung hoành.

Hòa (dung hòa, hài hòa, hòa hợp) là một loại sức mạnh, mang đến cho người ta không chỉ là vật chất, mà còn là sự thoải mái và chỉ dẫn về mặt tinh thần. Tự hòa với bản thân, coi nhẹ danh lợi tâm an ổn. Hòa với người khác, tình cảm sẽ tự sâu sắc. Vợ chồng hòa hợp, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau thì sẽ thấy ấm áp và hạnh phúc.

3. Khổ: Người khổ tâm, trời không phụ

Nhân sinh thế thái, khó chịu nhất chính là khổ, đồ khó ăn nhất chính là đắng. Tuy nhiên, không có ai trong cuộc đời này là không phải chịu khổ. Cổ nhân từng nói “Không ai vui vẻ sung sướng quá 3 ngày liên tiếp trong cuộc đời”. Khi nhận thức rõ được điều này, biết rằng cuộc đời là bể khổ, thì sẽ vui vẻ chấp nhận không oán người trách trời, và chờ đến ngày “khổ tận cam lai”.

4. Thiện: Người thiện lương, được trường cửu

Chỉ có tâm địa thuần khiết, không có ác ý với người khác, mới có thể giữ được tâm thái thiện lương. Mà chính những lời nói và hành động thiện lành của bạn khi đối đãi với người khác, sẽ quay ngược trở lại mang đến cho bạn rất nhiều hồi báo tốt đẹp.

Do đó, hãy vui vẻ và thiện đãi cuộc sống, thiện đãi người khác, thiện đãi bản thân, dù gặp tình huống nào cũng có thể nở nụ cười, đó có thể chính là ý nghĩa chân thực của cuộc sống.

5. Ngộ: Nhìn phồn hoa, đều hư không

Sự phồn hoa trên thế gian này chỉ là biểu tượng, tĩnh lại mà nhìn sẽ thấy hết thảy đều là tĩnh lặng và hư không. Qua một thời gian trầm luân trong cuộc đời, ai rồi cũng sẽ ngộ ra điều này.

Do đó, hãy cứ bình thản đối đãi với được mất, yên lặng mà nhìn thấu tận phồn hoa, dùng tâm thái tự do tiêu sái mà đối diện với sự huyên náo của hồng trần. Sau này nhìn lại sẽ càng thấy rõ ràng hơn mọi việc, có thể nắm chắc mọi thứ trong tay, nhân sinh chắc chắn cũng sẽ có bước đột phá.

6. Tĩnh: An tĩnh tu thân, cần kiệm dưỡng đức

Sự yên tĩnh thực sự chính là đứng ở đỉnh ngọn núi này nhưng không có tâm “trông” ngọn núi khác, không theo đuổi những ảo tưởng hư vô, không tự huyễn tưởng bản thân bởi những điều phi thực tế. Dưới những cám dỗ muôn màu của cuộc sống, vẫn sẽ giữ vững được suy nghĩ của chính bản thân mình. Làm được như vậy, trong tâm sẽ luôn cảm thấy an lạc và không bị cuốn theo những “cái động” tồn tại vĩnh viễn bên ngoài.

An Hòa

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn