Phỏng vấn tuyển dụng kiểu hạ nhục: Cách mới để tìm nhân tài?

Thứ Năm, 07 Tháng Ba 20191:00 SA(Xem: 4391)
Phỏng vấn tuyển dụng kiểu hạ nhục: Cách mới để tìm nhân tài?
bbc.com

Phỏng vấn tuyển dụng kiểu hạ nhục: Cách mới để tìm nhân tài?

Peter Rubinstein BBC Capital

Instagram / Olivia Bland Bản quyền hình ảnh Instagram / Olivia Bland

Olivia Bland, một cô gái 22 tuổi từ Manchester, đang tìm việc trong ngành truyền thông.

Cô biết một cuộc phỏng vấn xin việc có thể diễn ra thế nào. Một cái bắt tay, vài câu hỏi về điểm mạnh và điểm yếu, một chút kiểm tra hồ sơ và lời chào từ biệt dễ chịu. "Thường là thân thiện," Bland nói, "và chắc chắn không kéo dài hai giờ."

Nhưng mới đây, một cuộc phỏng vấn của cô với công ty công nghệ tên Web Application UK đã khiến cô bật khóc.


Trong nội dung lan truyền trên Twitter, cô cáo buộc giám đốc điều hành Craig Dean hạ thấp và sỉ nhục cô về mọi mặt từ sở thích âm nhạc đến cuộc hôn nhân của cha mẹ cô.

Bland được nhận vào làm việc nhưng cô từ chối, và so sánh hành vi của Dean giống với người yêu cũ bạo hành cô.

"Ông ta đi từ việc tấn công cách viết của tôi đến tấn công tôi, công kích cả cách tôi ngồi ra sao, tôi khoanh tay thế nào," cô nói.

Nội dung trên Twitter của cô được chia sẻ hàng chục ngàn lần, và buộc Dean phải đăng tải một lời xin lỗi nói ý định của ông không phải là khiến bất cứ ai bị tổn thương. Công ty Web Applications UK đã công khai bác bỏ cáo buộc của Bland, nhưng không phản hồi khi BBC Capital đề nghị đưa ra bình luận.

Instagram/olivia_bland Bản quyền hình ảnh Instagram/olivia_bland
Image caption Olivia Bland nói trải nghiệm ban đầu đã đánh gục sự tự tin của cô, nhưng giờ đây cô cảm thấy "mạnh mẽ hơn bao giờ hết"

Phép thử độ căng thẳng

Kiểu trải nghiệm mà Bland mô tả được gọi là "phép thử độ căng thẳng" - một kỹ thuật kiểm tra cách ứng viên ứng phó với áp lực bằng cách đưa họ rời khỏi vùng an toàn so với những câu hỏi và câu trả lời đã quen thuộc.


Một ví dụ là trào lưu từng thịnh hành trong ngành công nghệ đầu thập niên này - ở đó người phỏng vấn sẽ hỏi ứng viên những câu hỏi kỳ quặc như "tại sao miệng cống lại hình tròn?" hay đề nghị họ thiết kế thứ gì đó ngay tại chỗ. Mục tiêu không phải là tìm câu trả lời chính xác, thay vào đó mục tiêu là để xem ứng viên phản ứng ra sao và kiểm tra quá trình họ tư duy.

"Tất nhiên có nhiều kiểu căng thẳng khác liên quan tới nhiều vị trí - chẳng hạn như đạt kết quả, thời hạn cuộc họp, làm việc với khách hàng khó tính," Neal Hartman, giảng viên cao cấp trong ngành truyền thông quản lý tại Học viện MIT nói. "Cuộc phỏng vấn căng thẳng có thể tạo ra các tình huống để xem ứng viên sẽ xử lý những thách thức đó thế nào."

Các cuộc phỏng vấn căng thẳng cũng có thể được sử dụng để giả lập một số tình huống nhất định, như kiểm tra nhân viên dịch vụ khách hàng, vốn là vị trí cần được chuẩn bị để ứng phó với những cuộc điện thoại thô lỗ, Kim Ruyle, chủ tịch của công ty tư vấn Inventive Talent Consulting nói. Trong những tình huống như vậy, ứng viên sẽ cần được báo trước.

Dù trong tình huống nào, thì việc hỏi một câu hỏi khó và việc hạ nhục ứng viên vẫn là hai điều cực kỳ khác nhau, Ruyle nói. Hành vi bạo hành lời nói dù ở bất cứ hoàn cảnh nào trong công sở cũng là không phù hợp và không nên có trong bất cứ phần nào của bài phỏng vấn, bà nói thêm.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Các cuộc phỏng vấn thường khiến ứng viên không đoán trước được như khi tiến hành các hình thức kiểm tra khác như khả năng làm việc trong quá khứ hay viết bài thi, và được dùng để dự đoán xem một người sẽ làm việc ra sao

"Các cuộc phỏng vấn căng thẳng không có gì mới cũng chẳng đến hồi diệt vong," Maurice Schweitzer, giáo sư quản trị thông tin và điều hành tại Đại học Pennsylvania, nói.

Dù đã phổ biến hơn ở Hoa Kỳ hơn nhiều phần khác trên thế giới, ông nói cách hành xử này liên quan đến một số kiểu sếp nhất định chứ không phải vì ngành nghề đặc thù nào.


"Chỉ cần có ba yếu tố để khiến cuộc phỏng vấn căng thẳng xảy ra," Schweitzer nói. "Các nhà quản lý làm việc trong môi trường có mức độ căng thẳng cao, các nhà quản lý từng trải qua cảnh bị đòi hỏi quá mức trong công việc, và các nhà quản lý nghĩ rằng họ có thể học cách người khác ứng xử với căng thẳng bằng cách gây căng thẳng cho ứng viên dự cuộc phỏng vấn."

Có hại hơn có lợi?

Các chuyên gia không đồng ý với nhau về hiệu quả của mô hình phỏng vấn căng thẳng truyền thống.

Một số người nói rằng có một số lợi ích trong việc giả lập sự căng thẳng trong khi vẫn có tình huống thực tế trong công việc để xác định kỹ năng xử lý vấn đề của ứng viên.

Nhưng gần như mọi người đều đồng ý rằng sử dụng bất cứ kiểu nhạo báng và sỉ nhục nào cũng đều là không chấp nhận được và đã lỗi thời.

Corinne Bendersky, giáo sư quản trị và tổ chức tại Đại học UCLA nói có "nhiều kỹ thuật phỏng vấn phù hợp hơn nhiều", như hỏi mọi người về những tình huống mà họ gặp phải và cách họ phản ứng với các nhân tố gây căng thẳng liên quan đến trải nghiệm công việc của họ.

Các cuộc phỏng vấn xin việc diễn ra theo cách nghiệt ngã là con dao hai lưỡi.

Các ứng viên phải trải qua những phéo thử cực kỳ căng thẳng cũng đồng nghĩa với việc họ phải ngồi ở vị trí phải hứng chịu những phần xấu xí nhất của công ty mà họ đang ứng tuyển.

Họ có thể truyền những trải nghiệm này cho những ứng viên tiềm năng khác, hoặc trong trường hợp của Bland là đem nói rộng rãi trên mạng xã hội, tạo ra hàng loạt phản hồi tiêu cực khiến công ty đó khó có khả năng thu hút nhân tài.

Một yếu tố then chốt ở đây là, người có thể gây tình huống cho bất cứ cuộc phỏng vấn thù địch nào, lại là người có quyền lực.

"Các nhà quản lý trong tình huống này thường ở vị trí có quyền lực rất cao," Schweitzer nói. "Khi người ta có quyền lực, họ trở nên ít có vẻ quan tâm đến quan điểm của người khác, họ nhận được ít phản hồi tiêu cực hơn… và họ có thể dung dưỡng cho quan điểm méo mó về cách họ đang hành xử." Kết quả là một loạt vấn đề do các cuộc phỏng vấn căng thẳng gây ra thường chẳng có ai kiểm tra.

"Sự tự tin khi nộp đơn xin việc của tôi ban đầu đã bị hạ gục bởi những bình luận của ông Dean về khả năng và nhân cách của tôi, nhưng giờ đây tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn bao giờ hết," Bland nói. "Tôi biết giá trị của mình và sẽ không chấp nhận kiểu hành vi này từ một công ty tiềm năng nào."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn