Chút suy nghĩ về âm đức

Thứ Ba, 05 Tháng Ba 201911:00 SA(Xem: 4962)
Chút suy nghĩ về âm đức

Hiểu một cách đơn giản thì âm đức là những ơn huệ kín đáo ngầm để lại, không ai biết. Điển hình là những nhà hảo tâm giấu tên (chỉ ghi địa chỉ trong bản phương danh quyên góp). Săn sóc người gặp nạn, che chở kẻ bị truy đuổi hãm hại, cứu giúp kẻ khó khăn, đài thọ kinh phí xây dựng công trình công cộng v.v.. thường được coi là hành vi tích lũy âm đức.

Chút suy nghĩ về âm đức
(Ảnh: Shutterstock)

Người phương Đông quan niệm kẻ tích lũy nhiều âm đức vừa bù đắp được những điều thất đức của mình cùng các đời trước lỡ tạo ra trong quá khứ, phần còn thừa sẽ dành lại cho con cháu hưởng thụ. Kinh nghiệm cuộc sống có vẻ ứng nghiệm chân lý này tuy rất khó giải thích cặn kẽ. Ngôn ngữ dân gian cũng phát biểu nôm na: “Trồng cây đức để con ăn…”

Kẻ gây loại tai họa làm trái đạo hiếu sinh (1) (chẳng hạn buôn bán hoặc sử dụng heroin, xúi giục gây loạn lạc, bất ổn để thủ lợi, v.v..) thì dù có lọt được lưới pháp luật cũng bị “cõi âm” xử lý bằng cách truất phần âm đức của ông cha họ dành lại cho họ. Các triều đại ngắn ngủi trong lịch sử có lẽ minh chứng khá hùng hồn cho sự tác động của âm đức. Dù giới sử quan có “bẻ công ngòi bút, bóp méo sự thật” thì cứu cánh cũng rất sẵn sàng tố cáo phương tiện (đơn cử trường hợp nhà Đinh).

Nhận thức vai trò của âm đức, Tư Mã Quang (2) (1019 – 1086) đã viết trong sách gia huấn: “Dồn vàng dành cho con cháu, chưa chắc con cháu giữ nổi, dồn sách dành cho con cháu, chưa chắc con cháu đọc nổi, không bằng dồn âm đức trong cõi mờ mịt để làm kế hoạch lâu dài cho con cháu” (Tích kim dĩ tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ, tích thư dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng độc; bất như tích âm đức u minh minh chi trung dĩ vi tử trường cửu chi kế – Tư mã Ôn công gia huấn)

Quan niệm Tư Mã Quang có giá trị nhân văn khá tích cực. Dù người ta có phủ nhận “kế hoạch lâu dài” này của ông, phủ nhận sự tồn tại và tác động của âm đức đi nữa thì chỉ việc “lặng lẽ làm ơn” cũng đã đem lại niềm vui rất nhiều (Vi thiện tối lạc – Ngạn ngữ)

Kẻ làm điều thiện sẽ tự cảm thấy phẩm chất làm người của mình được nâng cao thêm, từ đó, bản năng loài vật ở giai đoạn hái lượm thời nguyên sơ đã bị đẩy lùi lại để phục tùng trí tuệ, tâm hồn của con người trong giai đoạn văn minh phát triển.

Nếu chịu khó quan sát thẳng thắn chừng vài ba thế hệ ở một gia tộc nào đó trong lịch sử hay ở quanh ta, dấu vết biểu hiện của âm đức rất khó tẩy xóa, phủ nhận.

Triết lý Phật giáo trình bày thuyết âm đức trong khuôn khổ thuyết nhân quả, luân hồi, nghiệp báo, v.v.. và có lẽ đây là điểm đồng qui cụ thể của hai luồng tư tưởng lớn Nho – Thích.

Kẻ phủ nhận thuyết âm đức thường vì những lý do thực dụng nông nổi trong khoảnh khắc hoặc do chưa tích lũy đủ kinh nghiệm sống để thừa nhận tính quy nạp, tính mặc khải rất đặc biệt của nền khoa học phương Đông.

Với đà phát triển mạnh mẽ của khoa điện tử, chắc là trong tương lai không xa, nền khoa học huyền bí của người xưa – trong đó có đối tượng âm đức – sẽ được chính xác hóa để hoàn toàn đứng vào hàng ngũ khoa học ứng dụng.

Giáo sư Ngô Văn Lại
Việt Nam, 2006

Đăng lại từ bài viết “Suy nghĩ về âm đức”
Trên trang cộng đồng trường Khải Minh Nha Trang trước 75

Chú thích:

(1) Đạo hiếu sinh: Người xưa quan niệm thượng đế hiếu sinh nên ban cho muôn loài tràn trề sức sống để phát triển khắp nơi (kẻ chấm dứt sự sống là vi phạm đức hiếu sinh của thượng đế!)

(2) Tư Mã Quang: Nhân vật vĩ đại trong lịch sử Trung Hoa. Ông tài kiêm văn võ, đỗ Tiến sĩ, làm quan đến Nhất phẩm, tước phong Ôn quốc công nên thường được người đời gọi là Tư mã Ôn công. Bộ sử Tư trị thông giám của ông được giới nghiên cứu xếp hạng chỉ đứng sau sử ký Tư Mã Thiên.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn