Vua Trần Anh Tông: Thiện, ác đều có thể làm gương dạy dỗ hậu nhân

Thứ Hai, 04 Tháng Hai 20195:00 SA(Xem: 4904)
Vua Trần Anh Tông: Thiện, ác đều có thể làm gương dạy dỗ hậu nhân

Trong lịch sử nước ta, triều đại nhà Trần nổi tiếng với nhiều vị vua anh minh có tài trị nước. Từ Trần Thái Tông, cho tới Trần Thánh Tông, rồi Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông đều là những minh quân. Có được sự truyền thừa tốt đẹp như vậy, không thể không kể đến công phu dạy dỗ cho người kế vị.

Năm 1314, Hoàng đế Trần Anh Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Mạnh (tức Trần Minh Tông), rồi tự xưng là Thái thượng hoàng, tiếp tục giúp Minh Tông trông coi chính sự. Triều đại nhà Trần dưới thời Minh Tông vẫn duy trì sự thịnh vượng dưới đời Anh Tông, sử sách gọi là “Anh Minh thịnh thế”, kéo dài hơn 60 năm.

Sách Đại Việt Sử ký toàn thư có chép:

“Thượng hoàng thường hay bàn đến các nhân vật của bản triều. Thái bảo Uy Túc Văn Bích nói:

“Xét bàn nhân vật để dạy hoàng tử, chỉ nên nhắc tới người thiện, còn kẻ ác hãy bỏ chớ bàn đến, sợ các hoàng tử nghe được, có thể sẽ có người bắt chước”.

Thượng hoàng nói:

“Thiện ác đều phải nêu để đối chiếu, không thể bỏ một bên nào. Nếu con ta quả là hiền, thì nghe điều thiện tất phải theo mà học tập, nghe điều ác tất phải ghét mà tránh xa; thiện, ác đều có thể làm gương được cả. Nếu (con ta) không hiền, thì đợi gì thấy kẻ ác rồi mới làm điều ác? Như Thái Khang thất đức, là bởi các vua trước chơi bời mà bắt chước hay sao? Tùy Dưỡng Đế luôn mồm nói đến Nghiêu Thuấn, nhưng mọi việc làm của ông ta thì lại như Kiệt, Trụ, có phải là ông ta thấy điều thiện mà bắt chước hay sao”.

Uy Túc cúi đầu nhận là phải”.

Thái Khang là vua nhà Hạ, con của vua Hạ Khải, chơi bời vô độ, sau bị chư hầu họ Hữu Cùng là Hậu Nghệ đuổi đi. Ông chính thức làm vua có 2 năm, thời gian còn lại ông phải lưu vong ở nước ngoài cho đến hết đời. Sách Thượng Thư còn ghi lại khúc hát “Ngũ Tử Chi Ca” sáng tác bởi mẹ và 5 người em trai của ông; bài ca tưởng nhớ đến công đức của ông nội và cha Thái Khang, chê trách Thái Khang không tuân theo lời dạy của cha ông bỏ bê chính sự, khiến dòng họ phải khổ sở bi ai.

Tùy Dưỡng Đế Dương Quảng được miêu tả là người có dung mạo đẹp đẽ, thông minh xuất chúng, do đó rất được vua cha Tuỳ Văn Đế yêu quý. Trước mặt cha mẹ, Dương Quảng tỏ ra tiết kiệm và cung kính, được nhiều người xưng tụng là có hiếu đạo. Thế nhưng sau này, Dương Quảng lại giết cha để cướp ngôi vua, cực kỳ xa hoa, tàn bạo, cuối cùng bị giết.

Thượng hoàng Trần Anh Tông nói “Thiện ác đều phải nêu để đối chiếu, không thể bỏ một bên nào” thật chí lý thay! Thấy điều thiện mà bắt chước, thấy điều ác mà tránh xa, mấy lời giản đơn ấy mà làm nên Đạo lớn. Trong xã hội hiện đại ngày nay, cái xấu ác nhan nhản khắp nơi, bậc làm cha mẹ cũng đừng quá lo lắng. Chỉ cần dạy con biết phân biệt thiện ác, bỏ ác theo thiện, thì sẽ như Trần Anh Tông dạy được đứa con hiền minh như Trần Minh Tông vậy.               

Ngân Hà

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn