Làm sao để trở thành tỷ phú nghìn tỷ

Thứ Hai, 07 Tháng Giêng 20195:00 SA(Xem: 5219)
Làm sao để trở thành tỷ phú nghìn tỷ
bbc.com
Tim McDonald BBC Capital

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Với 156 tỷ đô la Mỹ, Jeff Bezos là người giàu nhất thế giới - chiếm vị trí hàng đầu từ Bill Gates tháng 10 năm ngoái

Bạn có biết mình sẽ làm gì với một nghìn tỷ đô la không? Bạn sẽ mua một đội máy bay riêng hay xe địa hình vượt cát, hay ăn tối với món cánh gà mạ vàng? Hay bạn sẽ rút một đống tiền mặt khổng lồ và đốt tiền cho vui?

Đôi khi số tiền quá lớn đến mức chúng vượt xa trí tưởng tượng: một nghìn tỷ đô la là gần bằng tổng sản phẩm quốc nội của Mexico.


Để một gia đình trung bình người Mỹ có thu nhập dưới 60.000 đô la Mỹ một năm tích lũy được một tỷ đô la, họ sẽ cần đến 16.000 năm mà không chi tiêu đồng nào. Để kiếm được một nghìn tỷ đô la, họ sẽ cần 16 triệu năm.

Apple vừa trở thành công ty Hoa Kỳ đầu tiên có mặt trên thị trường chứng khoán đạt giá trị thị trường đến 1 nghìn tỷ đô. Vậy một cá nhân sẽ mất bao lâu để vượt qua cột mốc đó, và họ sẽ làm gì để trở nên cực kỳ giàu có như vậy?

Thực ra đã có rồi: có lẽ chúng ta từng có các tỷ phú nghìn tỷ.

Siêu lạm phát đã sinh ra rất nhiều tỷ phú nghìn tỷ ở Zimbabwe mười năm trước, nhưng trong một hệ thống tiền tệ vô giá trị đến mức 100 tỷ đô la Zimbabwe chỉ có thể mua được vé một chuyến xe bus thì có lẽ ta không cần phải tính đến họ.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Lạm phát phi mã khiến Zimbabwe toàn 'tỷ phú'. Siêu lạm phát dữ dội đã khiến Zimbabwe công bố đồng tiền 100 nghìn tỷ đô la Zimbabwe năm 2009, vào thời đó chỉ bằng khoảng 30 đô la Mỹ

Tuy nhiên, còn nhiều ví dụ hay hơn, với các nhà vua cổ đại, các nhà tài chính, và các chính trị gia tham nhũng. Khó mà ước tính ra tài sản của họ, nhưng một số người đã xuất hiện trong danh sách. Nhà vua Mali tên Mansa Musa sở hữu nhiều vàng đến mức sự giàu có của ông vượt xa mọi tưởng tượng.


Những nhà cai trị khác, trong thời Trung cổ và cổ đại đều giàu khủng khiếp, nhưng rất khó để đo lường chính xác họ giàu cỡ nào.

Nhà sử học từ Đại học Stanford tên Ian Morris ước tính tài sản của Hoàng đế La Mã Augustus Caesar vào khoảng 4,6 nghìn tỷ đô la Mỹ, mặc dù ông thừa nhận con số ước tính này không chắc chắn lắm.

"Ngày nay thậm chí những người như bạn và tôi có thể xem TV, sử dụng Internet hay dạo quanh cửa hàng Boots hay Walgreens và mua các loại thuốc như Viagra hay Prozac, là những thứ mà các hoàng đế La Mã sẵn sàng bỏ cả gia tài để có được. Theo cách nào đó, chúng ta giàu có hơn Augustus, nhưng theo cách khác ông lại giàu đến mức khiến Donald Trump chỉ trông như được trả lương tối thiểu," ông nói.

Thay thế con người bằng máy móc

Rất nhiều nhà tương lai học nghĩ rằng vị tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên sẽ làm giàu từ những sáng chế khiến cho công nghệ ngày nay trông như đồ cổ.


Trí tuệ nhân tạo (AI) đã tiến bộ vượt bậc trong vài năm qua, và ứng dụng tiềm năng của nó có thể chạm đến mọi ngõ ngách trong đời sống chúng ta. Các doanh nghiệp đang đầu tư mạnh tay, và ít nhất một tỷ phú nghĩ rằng đặt cược vào đây sẽ chắc chắn thắng.

"Tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên sẽ là người kiểm soát thành thạo trí tuệ nhân tạo và những gì phát sinh từ đó, và có thể ứng dụng AI theo cách ta chưa từng nghĩ tới," doanh nhân và người dẫn chương trình Shark Tank tên là Mark Cuban phát biểu trong Hội nghị SXSW năm ngoái.

Nhưng chính xác thì AI tạo ra các nhà tài phiệt bằng cách nào? Có rất nhiều cách.

"Kỹ thuật máy tính học [machine learning] đã bắt đầu được sử dụng trong khám phá và thiết kế dược phẩm. Hãy tưởng tượng một loại dược phẩm mới do AI thiết kế có tác dụng kéo dài đáng kể tuổi thọ con người, hay chữa trị bệnh Alzheimer, chắc chắn sẽ đem lại sự giàu có khủng khiếp," nhà tương lai học Martin Ford, tác giả quyển sách "Sự trỗi dậy của Robot: Công nghệ và Mối đe dọa về một tương lai không có việc làm" (Rise of the Robots: Technology and the Threat of a Jobless Future), nói.

Tuy nhiên, mối nguy là một tài sản trị giá cả nghìn tỷ đô la có thể tiêu diệt việc làm. Tại sao lại phải thuê người làm việc nếu máy móc có thể làm công việc tương tự mà không đòi trả lương, kỳ nghỉ hay đòi bảo hiểm sức khỏe? Lực lượng lao động nhỏ hơn làm được cùng lượng công việc đồng nghĩa với việc nhóm trên cao sẽ có thêm càng nhiều tiền hơn.

Công ty tư vấn McKinsey ước tính AI có thể loại bỏ tới 800 triệu công ăn việc làm.

Những sợ hãi và thách thức đó có một số đối sánh từ Thế kỷ 19.

Như quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp đã châm ngòi cho chuyển đổi cực lớn trong nền kinh tế và khiến một số người trở nên cực kỳ giàu có.

Cornelius Vanderbilt kiếm được cả một gia tài từ ngành vận tải và đường sắt, còn John D Rockefeller làm giàu từ dầu mỏ và có lẽ là tỷ phú đầu tiên của Hoa Kỳ (mặc dù điều này vẫn còn gây tranh cãi), và nhà sản xuất xe hơi Henry Ford là người thứ hai.

Điều chỉnh theo lạm phát, tất cả họ được cho là giàu có hơn nhà sáng lập và CEO của Amazon, ông Jeff Bezos ngày nay (một lần nữa, những so sánh này cần phải cẩn trọng).

Người ta vẫn đang còn tranh cãi về việc nói một cách chính xác thì sự chuyển biến kinh tế trong thế kỷ này diễn ra mạnh mẽ đến mức.

Một số người tin rằng nó đơn giản là thay đổi sự tập trung trong việc làm (khá giống cách mạng công nghiệp trước đó) và chúng ta đơn giản là sẽ làm những công việc kiểu khác.


Một số khác cảm thấy sự biến đổi có thể căn nguyên hơn, và có thể khiến một số lao động vĩnh viễn mất việc khi AI tiến bộ và làm thay họ ngày càng nhiều vị trí. Và rất khó đoán định những thay đổi này sẽ diễn ra nhanh đến mức nào.

"Rõ ràng sẽ có khả năng lớn là AI sẽ được sử dụng cho việc tự động hóa (một số việc được xem là chắc chắn sẽ xảy ra)," Martin Ford cho biết. "Mặt khác, nếu sự giàu có được sinh ra từ việc sử dụng AI trên thị trường tài chính hay trong công nghệ sinh học, thì ảnh hưởng trong thị trường lao động sẽ không xuất hiện ngay - nhưng có lẽ vẫn là không tránh khỏi một khi công nghệ mở rộng đến những ngành khác."

Tiền mã hóa cryptocurrency

Thế giới tiền mã hóa đang đầy các tay truyền giáo ba hoa và những kẻ lừa đảo bơm tiền thao túng. Nhưng nó đã tạo ra một nhóm người giàu đa dạng trong thời gian rất ngắn.

Hồi đầu tháng Hai, Forbes tập hợp một danh sách cho thấy có ít nhất vài tỷ phú tiềm năng, trong đó có anh em sinh đôi nhà Winklevoss và là nhà sáng lập của đồng tiền ảo Ripple (XRP), Chris Larsen - người trong cơn sốt đỉnh điểm của tiền ảo đã tức thời trở thành một trong những người giàu nhất thế giới, theo tờ New York Times và một số tờ báo khác ở Mỹ.

"Có rất nhiều người sáng tạo tìm ra cách kiếm tiền từ chúng, bằng rất nhiều cách chúng ta chưa từng thấy," Thomas Frey, nhà tương lai học đã viết rất nhiều về các ngành công nghiệp tạo ra triệu tỷ phú đầu tiên. "Có quá nhiều hoạt động trong lĩnh vực đó hiện thời. Và rất nhiều người liên đới, đến mức xuất hiệm tiềm năng để lan tỏa nhanh chóng."

Bitcoin xuất hiện nhiều nhất trên báo chí, với tăng trưởng 1.318% giá trị trong năm 2017, nhưng nó thậm chí vẫn chưa đuổi kịp nhóm dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng nhanh.

Các loại tiền mã hóa nổi tiếng khác như Litecoin và Ethereum tăng trưởng nhanh hơn, trong khi Ripple (XRP) tăng trưởng 36.018% giá trị trong cùng thời điểm, nghĩa là nếu đầu tư 100 đô la Mỹ vào tiền Ripple trong tháng 1/2017 sẽ đem lại số tiền đến 36.000 đô la Mỹ đầu năm 2018. Với lợi nhuận nhiều như vậy, thật dễ thấy cách các nhà đầu tư làm giàu nhanh nếu họ bán ra thành tiền thật.

Dù vậy, bất cứ chiến thắng nào cũng có thể không bền vững. Tiền mã hóa đã bốc hơi nhanh chưa từng có. Khi Forbes xây dựng danh sách đầu năm nay thì danh sách đó đã lỗi thời vì khi họ đi in báo, rất nhiều những tay giàu có nhất (gồm cả anh em nhà Winklevoss) đã trượt xuống dưới hàng một tỷ đô la trước khi báo ra sạp.

Vì thế tỷ phú nghìn tỷ có thể là nhà tài phiệt giàu có và liều lĩnh đánh cược số tiền khổng lồ vào tiền mã hóa và gặp may. Nhưng Thomas Frey nói bất cứ ai kiếm được ngưỡng số tiền trị giá lên tới 12 chữ số theo cách này có thể chỉ tồn tại trên đỉnh một hai ngày trước.

Tài phiệt đá mặt trăng

Thế giới có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên giới hạn như dầu mỏ hay kim cương, nhưng sự khao khát của con người với chúng có vẻ như chưa bao giờ cạn. Điều này đặc biệt đúng với một số kim loại có trong thành phần sản phẩm điện tử. Và nếu ta không thể tìm thấy chúng trên Trái Đất, có thể ai đó sẽ làm giàu nếu tìm ra chúng ở nơi nào đó khác.

Theo trang web Asterank, ước tính tiềm năng lợi nhuận của loại khoáng sản có trên các hành tinh đã biết tên, thì có rất nhiều người sẽ làm giàu ngoài không gian. Tiểu hành tinh giá trị nhất có thể ẩn chứa số tài sản đến 100 nghìn tỷ đô la.

"Thị trường tài nguyên vũ trụ vẫn chưa được chạm tới và chắc chắn nó sẽ là một thị trường sinh lợi, rất nhiều cơ hội cũng tồn tại, đặc biệt là với các nhà đầu tư nhanh chân," Takeshi Hakamada, sáng lập viên và CEO của công ty ispace, nói. Ông hy vọng sẽ chuyển lên Mặt Trăng sinh sống và cuối cùng kiếm lợi từ đó.

Tất nhiên, vấn đề là để thu hồi tài sản đó là cực kỳ đắt đỏ. Rất nhiều công ty đã phá sản khi muốn đào vàng ở ngay trên Trái Đất, vì vậy rủi ro tài chính khi thử làm việc này trong không gian cũng rất rõ ràng. Nhưng Hakamada nói đó là trò chơi lâu dài. Khai thác tài nguyên chỉ là bước đầu tiên để xây dựng cả ngành kinh tế không gian.

"Tận dụng tài nguyên chỉ là bước đầu tiên để mở ra các cơ hội khác cho thị trường ngoài không gian. Một khi tài nguyên được xác định - cho phép con người có thể sống và làm việc trên Mặt Trăng - các ngành công nghiệp sẽ có thể xem xét Mặt Trăng là phần mở rộng trong doanh nghiệp của họ trên Trái Đất," ông nói.

Cội nguồn bất tử

Bất tử từ lâu đã là giấc mơ của loài người, và nó đã trở thành chủ đề của rất nhiều thí nghiệm, cả chính thống và kỳ dị. Một số người đã tự đóng băng chính họ, chờ đợi tiến bộ y học.

Những tay chơi lớn đang tìm hiểu những giải pháp khác. Google đã chi một tỷ đô la nghiên cứu cho một nhóm tên Calico, nghiên cứu quá trình lão hóa và tập trung vào giải pháp kéo dài sự sống tên "moonshot".

Nhu cầu khá rõ ràng. Thomas Frey chỉ ra rằng nếu mỗi người trên Trái Đất sử dụng 10 đô la Mỹ một ngày cho một viên thuốc khiến họ sống thọ hơn, và tiếp tục sử dụng thuốc là quyết định sống chết, thì bất cứ ai làm ra loại thuốc đó cũng sẽ trở nên cực kỳ giàu có.

Nhưng khoa học này còn quá mới, và chưa được thử nghiệm gì đến mức rất khó để xác định công nghệ nào sẽ hứa hẹn và công nghệ nào không.

"Rất khó để phân loại ra tất cả những thứ rác rưởi ngoài kia, phải nói là vậy," ông nói.

Chúng ta đã biết tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên, nhưng họ vẫn chưa giàu đến mức đó.

Rất có thể tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên là nhà sáng lập của Amazon ông Jeff Bezos. Ông có tài sản hơn 150 tỷ đô la Mỹ, nghĩa là ông có nhiều hơn người giàu thứ hai Bill Gates đến 50 tỷ đô la Mỹ, và Bill Gates giờ đây đang quá bận để cho hết tiền đi thay vìkiếm thêm.

Thế giới kinh doanh luôn biến đổi, và một tuần tồi tệ trên thị trường chứng khoán có thể quét sạch rất nhiều tiền chỉ sau một đêm. Nhưng vào lúc này, Amazon có vẻ như đang ngày càng mạnh lên. Toàn bộ các ngành đang run rẩy khi Amazon tuyên bố sẽ tiến vào lĩnh vực của họ.

Cũng vậy, không có gì hiệu quả hơn tạo nên sự giàu có như chính sự giàu có. Như một ước tính cho biết Jeff Bezos có thể đã chi 28 triệu đô la Mỹ một ngày để khỏi nên giàu có hơn.

Một nghiên cứu từ Oxfarm cho thấy sự giàu có trong tay những người siêu giàu từ năm 2009 đã tăng trung bình 11% mỗi năm. Nếu các tỷ phú tiếp tục đảm bảo lợi nhuận này, chúng ta có thể thấy tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên trong 25 năm nữa.

Không phải ai cũng đồng ý với con số ước tính này, nhưng người giàu nhất thế giới vẫn là một ứng cử viên bất kỳ giá nào.

Liệu có nên có tỷ phú nghìn tỷ không?

Ý kiến ủng hộ sự siêu giàu cho rằng đó là phần thưởng cho những người sáng tạo đã thay đổi căn bản cách chúng ta sống, và thường theo hướng tốt hơn. Gia sản một nghìn tỷ đô la có thể là của một công ty khổng lồ và hiệu quả sẽ đem lại việc làm và cung cấp những sản phẩm và dịch vụ thiết yếu. Nhưng liệu mọi thứ có xảy ra theo cách đó không?

"Chắc chắn là, sự giàu có là phần thưởng cho một số tài năng và lao động chăm chỉ ở mức độ nào đó. Nhưng không hẳn là vậy," Ana Caistor Arendar, lãnh đạo chiến dịch chống bất bình đẳng của Oxfarm, nói.

Không phải sự giàu có nào cũng đến từ đổi mới. Một số người giàu có là do được hưởng thừa kết khối tài sản khổng lồ, trong khi một số khác được thừa hưởng sự khởi đầu thuận lợi hơn những người khác. Họ có phương tiện để tránh thuế dễ dàng hơn đa số chúng ta. Công ty họ đôi khi trả lương thấp cho người làm việc từ các nước đang phát triển.

Nhưng rất khó để kìm chế sự siêu giàu. Ở giữa thế kỷ trước, đỉnh mức của thuế suất biên đạt tới 90% ở Hoa Kỳ, nhưng trong thực tế rất ít người phải trả thuế này vì nó tập trung vào thu nhập hơn là đầu tư. Và người giàu thuê những công ty kế toán giỏi có thể giúp họ giữ được càng nhiều tiền càng tốt bằng cách hợp pháp.

Rất ít chính phủ muốn thực sự xem xét lại những chính sách này. Sau đó một lần nữa, sự bất bình đẳng dữ dội giữa sự giàu có trong thời đại kim tiền đã thúc đẩy các chính phủ phải hành động. Có lẽ các chính phủ sẽ cảm thấy buộc phải hành động khi những người siêu giàu ăn mất miếng bánh lớn hơn bao giờ hết.

Nhưng nếu họ không làm vậy, thì khi nào tỷ phú nghìn tỷ xuất hiện chỉ còn là vấn đề thời gian.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn