Các ông bố Nhật thay đổi cách nuôi dạy con cái

Thứ Hai, 07 Tháng Giêng 20191:00 SA(Xem: 5568)
Các ông bố Nhật thay đổi cách nuôi dạy con cái
bbc.com
David Robson BBC Future

Dự án Ikumen đã vẽ người cha như một người hùng Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Dự án Ikumen đã vẽ người cha như một người hùng

Một chương trình của chính phủ đã cố gắng để việc làm cha được thành công.

Nhìn vào một tờ báo, một tạp chí thời trang hoặc truyện tranh Nhật Bản và bạn có thể tìm thấy một loại 'siêu anh hùng' mới.

Họ đang cười, đẹp trai và chơi trò đấu kiếm khi ăn sáng hoặc cùng đạp xe trong công viên. Cha và con thậm chí có thể mặc bộ đồ cùng kiểu. Họ thông cảm và hiểu nhau, và họ sẽ vui vẻ cùng nấu ăn và làm việc nhà.

Đây là ikumen: sự kết hợp của từ ikuji (chăm sóc trẻ em) và ikemen (người cường tráng) - một sự tương phản rõ rệt với các khuôn mẫu cũ về người bố xa cách và tham việc. Thuật ngữ này lần đầu tiên được sáng tác bởi một người bán hàng vào những năm 2000, và vào năm 2010, Bộ trưởng Y Tế, Lao Động và Phúc Lợi đã đưa ra Dự Án Quốc Gia 'Ikumen' để truyền bá ý tưởng này như một cách để khuyến khích sự tham gia của người bố vào cuộc sống gia đình.

Ý tưởng này vào cuộc ngay và ngày nay ikumen có thể được thấy ở khắp văn hóa đại chúng Nhật Bản. Nhưng xu hướng này có thực sự thể hiện sự tiến bộ đáng kể trong bình đẳng giới? Hay những bức ảnh bóng loáng này chỉ đơn giản là thêm sự hào nhoáng cho sự thay đổi bề ngoài về thái độ, trong khi phụ nữ vẫn phải gánh vác hầu hết trách nhiệm gia đình?

'Hảo ngọt' lợi hại cho sức khỏe ra sao

Kỹ năng số học giúp ta biết 'đánh cược thông minh'

Trong quá khứ các ông bố Nhật được xem là khó gần nhưng 'ikumen' mới lại tích cực chăm con hơn. Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Trong quá khứ các ông bố Nhật được xem là khó gần nhưng 'ikumen' mới lại tích cực chăm con hơn.

Trong nhiều năm qua, vai trò chính của người cha Nhật Bản được coi là vai trò người kiếm cơm. Những người làm công ăn lương này hết lòng vì công ty họ, làm việc suốt ngày để được thăng tiến và đảm bảo an toàn tài chính cho gia đình. Sự cam kết tuyệt đối cho công việc của mình là đại diện cho sự tôn sùng của phái mạnh", Hannah Vassallo, người gần đây đã xuất bản một nghiên cứu nhân học về những người cha Nhật Bản trong cuốn sách 'Những Đàn Ông Nhật Tuyệt Vời', nói.

Tất nhiên, không phải chỉ Nhật Bản có quan điểm như vậy. Nhưng ngay cả trong những năm 1980, người đàn ông trung bình cũng dành dưới 40 phút để tương tác với con cái vào ngày làm việc bình thường - và thường vào bữa ăn gia đình. Theo một nghiên cứu quan sát, một số người đàn ông thậm chí không thể tự pha trà hoặc tự tìm quần áo mình mà không có vợ giúp. Khi người cha tương tác với con cái, ông thường là xa cách và yêu cầu tôn trọng, thậm chí gây sợ hãi - một thực tế được phản ánh trong câu tục ngữ phổ biến là "jishin, kaminari, kaji, oyaji" tức "động đất, sấm sét, hỏa hoạn và bố".


Khỏi phải nói, những thái độ này đã có một số hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn, nó khiến phụ nữ khó mà duy trì việc làm sau khi sinh con, khiến nhiều phụ nữ ngày càng hết hứng thú với khái niệm hôn nhân. Kết quả là họ bắt đầu kết hôn muộn, hoặc bỏ hoàn toàn - góp phần vào tỷ lệ sinh thấp tệ hại hiện nay của Nhật. Những năm 1980 cũng chứng kiến sự gia tăng các vụ tự tử ở trẻ em, mà một số có liên quan đến việc thiếu sự hỗ trợ của người cha.

Mặc dù vậy, sự thay đổi là chậm. Thí dụ năm 2002, chỉ có 0,33% số đàn ông nghỉ phép sau khi sinh con. Một cuộc khảo sát, từ năm 2008, cho hay chỉ 1/3 nam giới là thích dành chút thời gian với con cái - nhưng họ lo lắng các ông chủ sẽ không chấp nhận thời gian phải ngừng việc.

Dự án Ikumen của chính phủ nhằm khắc phục tình trạng này, tạo ra một "phong trào xã hội, theo đó đàn ông có thể chủ động tham gia vào việc chăm sóc trẻ em". Có các hội nghị chuyên đề và hội thảo, và các ông bố cũng đã được trao "Sổ Tay Cân Bằng Cuộc Sống Và Công Việc" để giúp họ cân đối yêu cầu cạnh tranh giữa văn phòng và gia đình.

Không giống như các chiến dịch trước đây để tăng cường sự tham gia của người cha, Dự án Ikumen đã vẽ người cha như một nhân vật anh hùng, nhấn mạnh chất đàn ông và sự quyến rũ; một trong những áp phích đã mô tả một người đàn ông xé rách áo vét và sơ mi, như Siêu nhân, để lộ logo dự án trên áo phông bên dưới, với khẩu hiệu "Sức Mạnh Của Ikumen Cho Xã Hội". Hàm ý là những 'anh hùng này không chỉ bảo vệ gia đình mình; bằng cách nuôi dưỡng thế hệ lao động tiếp theo, họ còn đang cứu giúp đất nước.

Nhờ ý nghĩa của củ thuật ngữ này, nhìn chung nó được mọi người hoan nghênh. "Mọi người ở Nhật thấy quen thuộc với từ ikemen (người cường tráng)," Vassallo nói. "Tôi nghĩ rằng, nó được sinh ra như thế và có sức lôi cuốn ngay -nghe nó hay hơn nhiều so với từ 'người cha biết chăm con' đã tồn tại ở Nhật trước thời điểm đó.

Gần đây bạn có thể tìm thấy các tạp chí như FQ ('Người Cha', hàng Qúy) ở Nhật Bản quảng cáo trang phục cùng mốt cho bố và con và các buổi chụp ảnh gia đình cùng các cuộc phỏng vấn người nổi tiếng; có cả cuộc thi Mr Ikumen. Các ikumen gây nhiều nhiều xúc động đóng vai chính trong các phim hài trên truyền hình và thậm chí còn có các truyện tranh nhiều tập - 'Ikumen!' - kể về những thử thách và nối gian truân của anh Midorikawa Hiroya, 21 tuổi, làm nội trợ và nuôi con gái trong khi vợ đi làm.

Trái ngược hoàn toàn với người làm công ăn lương kiểu cũ, ý thức về trách nhiệm và tự tôn của Hiroya bắt nguồn từ mối quan hệ của anh với con gái - và tình trạng ikumen đã giúp anh bảo vệ bản thân khỏi sự kỳ thị điển hình gắn liền với những người đàn ông thất nghiệp. Trong một số chuỗi tranh, những phụ nữ sống gần Hiroya và bạn bè anh đỏ mặt vì ham muốn khi họ nhìn thấy những người cha ikumen đang chơi đùa với con cái họ.

Là một chiến dịch tiếp thị, vì vậy Dự Án Ikumen đã thành công rực rỡ, làm dấy lên một số cuộc thảo luận quan trọng về cách mà các ông bố được miêu tả. "Việc nhận thức là tốt rồi," Vassallo nói. Tuy nhiên, nó cũng nhận được khá nhiều lời phê phán. Thí dụ nhiều phụ nữ, cảm thấy bực bội vì đàn ông được coi như anh hùng khi đảm đương một công việc rất thường ngày. Vì vậy, mặc dù các phụ nữ có thể lặp lại cụm từ "ikumen thay cho ikemen - và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các người cha chu đáo mà họ gặp - nhưng họ cũng tự hỏi tại sao những nỗ lực của phụ nữ lại không được công nhận ở cùng mức độ như vậy.


"Tôi nghĩ rằng mọi người trước tiên đều lao theo trào lưu có lợi," Vassallo nói. "Sau đó, một số người, đặc biệt là phụ nữ Nhật Bản, đã nghĩ rằng 'hãy chậm lại một chút và xem chúng ta nên giữ những người cha này trên bệ đến mức độ nào.'" Nói cho cùng, một số đàn ông có thể cho rằng mình là ikumen mặc dù chỉ làm một phần nhỏ bé của công việc nội trợ. Ngay cả 'Cẩm Nang Dự Án Ikum' - tuy có ý định tốt - vẫn nói rằng người mẹ chịu trách nhiệm chính về con cái; đối với đàn ông, chăm sóc trẻ em vẫn là một phần thưởng.

Trong khi đó, một số người đàn ông đã phàn nàn về "chứng bệnh ikumen" - là sự kiệt sức để đáp ứng được cả những kỳ vọng cao trong công việc và ở nhà - và ngay cả khi cá nhân họ có quan điểm tiến bộ, thì vẫn có nỗi sợ rằng một người cha tận tụy lấy mất thời gian của văn phòng có thể bị phạt bởi những ông chủ lỗi thời không hiểu chính sách mới này.

Dự án Ikum cũng không nên che giấu nhiều vấn đề cơ cấu rộng lớn hơn có thể kìm hãm bình đẳng giới. Chẳng hạn, Brigitte Steger ở Đại học Cambridge, chỉ ra rằng luật pháp Nhật Bản vẫn không công nhận vị thế bình đẳng của người bố và người mẹ trong trường hợp ly hôn. Bà nói rằng nhiều người cha không bắt buộc phải trả tiền chu cấp cho người mẹ, và ngược lại, họ không được đảm bảo có quyền gặp con cái của họ "ngay cả khi họ có mối quan hệ tốt với con cái". Nhìn chung, Nhật Bản vẫn còn rất thấp trong bảng xếp hạng của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế về bình đẳng giới ở nơi làm việc.

Mặc dù vậy, có một số dấu hiệu cho thấy những thay đổi tích cực hữu hình đang diễn ra. Thí dụ tỷ lệ nghỉ phép của người bố, dù còn thấp, đã tăng đáng kể kể từ khi Dự Án Ikum lần đầu tiên được khởi xướng - tăng từ 1,9% năm 2012 lên 7% vào năm 2017. Và tỷ lệ người dân ủng hộ ý tưởng rằng đàn ông nên làm việc, phụ nữ nên ở nhà hiện nhỏ hơn 45%, giảm 15% từ năm 1992, khi mà 60% ủng hộ các chuẩn mực truyền thống về giới.

Và theo quan sát, những người cha tận tụy giờ đây dễ thấy hơn trong cuộc sống hàng ngày. "Bạn có thể thấy nhiều người cha đi cùng con cái, đặc biệt vào cuối tuần và ở thành thị, và nhiều người cha có quan hệ rất nồng ấm với con cái, ông Steger, người đã biên soạn cuốn sách 'Những Người Đàn Ông Nhật Bản Tuyệt Vời', nói.

Vassallo đồng ý rằng thay đổi thực sự về hành vi là chậm, nhưng bà đã phát hiện ra rằng những người cha mà bà phỏng vấn đang bắt đầu vạch ra con đường cho riêng mình. Họ có thể không đáp ứng hình ảnh anh hùng nguyên mẫu về ikumen - và một số người thậm chí cảm thấy ngượng khi sử dụng thuật ngữ này - nhưng họ rất vui khi nuôi dưỡng con cái, chia sẻ lời khuyên với các cha mẹ khác trên Facebook và thường xuyên tham dự các cuộc họp hội giáo viên và phụ huynh. Bà nói "Tôi cảm thấy họ đang điều hướng một mối quan hệ lành mạnh với thái độ của họ đối với công việc và gia đình. Điều đó làm tôi thấy lạc quan hơn."

Bài tiếng Anh trên BBC Future

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn