Làm thế nào ngăn chặn tội ác từ mạng xã hội?

Thứ Sáu, 28 Tháng Mười Hai 20189:00 CH(Xem: 9328)
Làm thế nào ngăn chặn tội ác từ mạng xã hội?

Làm thế nào ngăn chặn tội ác từ mạng xã hội? - Ảnh 1.

Hung thủ Takahiro Shiraishi dùng Twitter tiếp xúc với các nạn nhân - Ảnh: YOUTUBE

Theo thăm dò của báo Yomiuri Shimbun (Nhật), khoảng 70% trong 100 phụ nữ được hỏi cho biết họ đã từng viết câu "tôi muốn chết" trên mạng xã hội. Phần lớn dùng tài khoản ảo để che giấu vì cho rằng gia đình, nhà trường hay bạn bè không thấu hiểu hay sẽ có ý kiến phản bác.

Từ tháng 3-2018, chúng tôi đã rà soát trên Internet để tìm người bày tỏ ý định tự tử để giới thiệu họ tiếp xúc với các nhà tư vấn. Điều chúng tôi phải làm bây giờ là tạo môi trường tương thích để giới trẻ cảm thấy an toàn và thú nhận vấn đề của họ

Bà JUN TACHIBANA (người sáng lập dự án Bond)

Trả lời tư vấn nhanh trên mạng

Trên báo Yomiuri Shimbun ngày 11-9-2018, bà Jun Tachibana, người sáng lập dự án Bond, giải thích nữ giới ở tuổi thiếu niên và lứa tuổi 20 thường gặp nhiều trục trặc trong cuộc sống. 

Nguyên nhân có thể do khó khăn về tài chính, quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt", cô đơn hay lo lắng về tương lai. Từ đó một số người muốn tìm đến cái chết dù lý do để chết hết sức tầm phào.

Mức độ nghiêm trọng của câu "tôi muốn chết" đăng trên mạng xã hội còn tùy người nhưng tất cả đều muốn được ai đó cảm thông. 

Tuy nhiên, trên thế giới ảo có nhiều kẻ xấu lợi dụng. Nhiều cô gái ngây thơ đi tìm gặp  những người trả lời họ và đã bị tấn công tình dục. Không hiếm người dùng mạng đã sử dụng tên phụ nữ nhưng lại là nam giới.

Làm thế nào ngăn chặn tội ác từ mạng xã hội? - Ảnh 3.

Bà Jun Tachibana (giữa) - người sáng lập dự án Bond chăm sóc các phụ nữ - Ảnh: fitforcharity.org

Theo bà Jun Tachibana, nhà trường và xã hội cần nỗ lực hơn nữa dđể phổ biến những nguy hiểm tiềm tàng từ mạng xã hội.

Để giúp các thanh niên tìm kiếm giúp đỡ trên mạng xã hội, không còn chọn lựa nào khác ngoài sử dụng mạng xã hội. Cần thiết phải sử dụng tin nhắn trên mạng để tư vấn cho thanh niên song song với cách thức truyền thống như dùng điện thoại.

Các nhà tư vấn cũng cần chú ý phải trả lời nhanh bởi thanh niên thường có xu hướng cho rằng người nào trả lời ngay là người dễ phù hợp. Người tư vấn tốt nhất nên cùng nhóm tuổi với thanh niên.

Thăm dò dấu hiệu tự tử

Giáo sư - tiến sĩ Masakatsu Morii ghi nhận hung thủ Takahiro Shiraishi đã lợi dụng Twitter để săn lùng con mồi, bởi thế mạng xã hội là con dao hai lưỡi. 

Ông cho rằng đừng nên lập nhóm riêng về tự tử mà cần phân biệt hai loại: Tin nhắn muốn tự tử như câu "tôi muốn chết" và tin nhắn của bọn khuyến khích người khác tự tử, tự cắt xẻo.

Theo ông, hạn chế người muốn bày tỏ tự tử trên mạng không có tác dụng phòng chống tự tử, thay vào đó nên sử dụng mạng xã hội như một công cụ để những người muốn tự tử lộ diện. Ngoài ra cần phát triển hệ thống để người muốn tự tử tiếp xúc với các chuyên gia y tế và nhà tâm lý.

Bài học từ vụ án Takahiro Shiraishi là nếu xã hội hiện đại thụ hưởng lợi ích từ mạng xã hội thì cũng phải trả giá.

Làm thế nào ngăn chặn tội ác từ mạng xã hội? - Ảnh 4.

Cảnh sát Nhật dù có báo cáo về 9 người mất tích nhưng sẽ không tìm thấy mối liên hệ dẫn đến kẻ thủ ác Shiraishi - Ảnh: AFP

Cảnh sát phải sử dụng công cụ mới

Giáo sư Masahiro Tamura nhận xét 9 nạn nhân bị sát hại đã kết nối với hung thủ Takahiro Shiraishi qua Twitter. 

Cách kết nối này không thể hiện trong đời thực, do đó dù cảnh sát có báo cáo về 9 người mất tích cũng khó tìm thấy mối liên hệ nào dẫn đến kẻ thủ ác Shiraishi.

Giả định nếu người mất tích đã từng có lời nói hay cử chỉ bao hàm ý tưởng tự tử, cảnh sát cũng không nghĩ người đó trở thành nạn nhân của kẻ xấu. 

Như vậy bài học qua vụ án Takahiro Shiraishi là cảnh sát phải sử dụng thế giới ảo trong quá trình điều tra người mất tích.

Rất khó quan sát các kết nối trên mạng xã hội. Các trao đổi trên mạng cũng không được tiết lộ cho cảnh sát trừ trường hợp khẩn cấp cao.  

Do đó, cảnh sát phải hợp tác với các doanh nghiệp mạng xã hội và viễn thông đồng thời thiết lập một hệ thống tạo điều kiện tiết lộ thông tin.

Ngoài ra còn phải cải thiện quan hệ trong cộng đồng địa phương. Trong vụ án Takahiro Shiraishi, điều lạ là hàng xóm của hung thủ không có thông tin cung cấp. Nếu họ nghe mùi lạ hay phát hiện hành vi lạ của Shiraishi, có thể tội ác đã được phát hiện sớm và hạn chế số nạn nhân.

Cần lưu ý cảnh sát tỉnh Gunma đã không nhận ra hung thủ trong camera an ninh ghi lại. Đây là hạn chế do xem nhiều hình ảnh bằng mắt thường. 

Do đó, cảnh sát phải sử dụng công nghệ tiên tiến như công nghệ phân tích hình ảnh có chức năng tự động phát hiện nghi can.

Làm thế nào ngăn chặn tội ác từ mạng xã hội? - Ảnh 5.

Hàng xóm của hung thủ Shiraishi cầu nguyện cho các nạn nhân. Nếu họ chú ý đã có thể phát hiện tội ác sớm hơn - Ảnh: Kyodo

* Bà Jun Tachibana 47 tuổi sáng lập dự án Bond năm 2009 nhằm hỗ trợ các cô gái là nạn nhân bị lạm dụng, nghèo hay gặp khó khăn. Bà là thành viên ủy ban điều tra của Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật phụ trách nghiên cứu các giải pháp giúp đỡ phụ nữ.

* Giáo sư - tiến sĩ Masakatsu Morii 59 tuổi ở Đại học Kobe là chuyên gia về ứng dụng thông tin và truyền thông.

* Giáo sư Masahiro Tamura 64 tuổi, từng là chỉ huy cảnh sát tỉnh Fukuoka. Ông giữ chức chủ tịch Học viện Cảnh sát quốc gia năm 2012. Sau khi nghỉ hưu năm 2013, hiện ông là giáo sư luật hành chính ở Đại học Tokyo Sangyo.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn