Thời gian trôi qua nhanh hơn khi ta già đi: Điều này có thực sự đúng?

Thứ Ba, 18 Tháng Mười Hai 20183:00 SA(Xem: 4898)
Thời gian trôi qua nhanh hơn khi ta già đi: Điều này có thực sự đúng?

Mới ngày nào khi ta còn là đứa trẻ 5 tuổi, thời gian chờ đợi tới mỗi dịp lễ Tết để được lì xì dường như kéo dài đến vô tận. Vậy mà giờ đây mỗi tuần, mỗi tháng hay thậm chỉ là cả một năm đều như trôi qua với vận tốc ánh sáng, chẳng mấy chốc mà bạn đã "bị" những đứa trẻ hàng xóm chào bằng cô/chú ngọt xớt mất rồi!

Thời gian của bạn trôi qua nhanh hơn do cuộc sống này ngày càng được lấp đầy với những bộn bề lo toan của một người trưởng thành hay sao? Cũng không hẳn! Các nghiên cứu khoa học mới đây đã chỉ ra rằng thủ phạm lại nằm ở chính sự thay đổi trong nhận thức của chúng ta về thời gian, chứ một ngày vẫn chỉ có 24 giờ như bao ngày khác mà thôi!

Tại sao nhận thức về thời gian của chúng ta thay đổi khi lớn lên?

Có một số giả thuyết khoa học đã từng lí giải hiện tượng này. Một trong số đó cho rằng khi chúng ta già đi, quá trình trao đổi chất trong cơ thể thường diễn ra chậm hơn, dẫn đến nhịp tim và hơi thở cũng chậm lại theo. Trong khi đó, nhịp sinh học của trẻ con lại nhanh hơn khiến nhịp tim, hơi thở của chúng cũng nhanh hơn trong một khoảng thời gian nào đó, tạo nên cảm giác rằng khoảng thời gian này dài hơn bình thường một chút so với người lớn. Vì thế nên khi còn là trẻ con, cảm giác như bạn đã phải chờ dài cả cổ mới đến dịp sinh nhật mỗi năm của mình vậy; còn với người lớn thì thời gian chờ đợi lại ngắn ngủi hơn rất nhiều.

Thời gian trôi qua nhanh hơn khi ta già đi: Điều này có thực sự đúng? - Ảnh 1.

Giả thuyết khác lại cho rằng nhận thức về sự trôi qua của một khoảng thời gian xác định nào đó phụ thuộc phần nhiều vào lượng thông tin mới mà chúng ta tiếp nhận được trong khoảng thời gian ấy. Khi có nhiều điều mới mẻ xảy ra, não bộ sẽ mất nhiều thời gian để xử lí các thông tin hơn, đồng nghĩa với cảm giác rằng thời gian đang trôi chậm hơn bình thường. 

Điều này là hoàn toàn hợp lí khi áp dụng với trường hợp của trẻ con, vì thế giới của chúng luôn trần ngập màu sắc và những trải nghiệm mới lạ. Trong khi đó, người lớn lại quá quen thuộc với mọi thứ xung quanh, từ nhà ở đến nơi làm việc, khiến cho bộ não của chúng ta không cần mất nhiều thời gian để phân tích thông tin nữa, dẫn đến cảm giác thời gian trôi qua nhanh hơn rất nhiều.

Nói theo cách thì khi chúng ta càng quen thuộc với những sự kiện hàng ngày, ta sẽ càng thấy thời gian trôi đi nhanh hơn. Và tuổi tác cũng sẽ tỉ lệ thuận với tốc độ trôi của thời gian. Cơ chế sinh học đằng sau giả thuyết này được giải thích là do các dopamine đã tiết ra dẫn truyền lên hệ thần kinh của con người, làm kích thích nhận thức về thời gian. Từ tuổi 20 trở đi, các dopamine này sẽ tiết ra nhiều hơn khiến con người càng cảm thấy thời gian trôi qua nhanh hơn trước.

Tuy nhiên, giả thuyết này lại chưa hề có mối liên hệ chặt chẽ nào về mặt toán học cả. Ta vẫn chưa thể giải thích được chính xác mức độ trôi qua nhanh chậm của thời gian. Có một điều khá rõ ràng rằng thời gian thực sự dịch chuyển nhanh hơn khi con người già đi, nhưng ta vẫn không cụ thể hóa hay đo lường được sự dịch chuyển đó như đo mức độ động đất hay tốc độ âm thanh.

Vậy thời gian sẽ được đo lường như thế nào?

Đối với một đứa trẻ mới 2 tuổi, một năm có giá trị như cả nửa cuộc đời với chúng. Tương tự như vậy, đứa trẻ 5 tuổi nhìn nhận một năm trôi qua như 20% vòng đời của nó. Vì thế nên việc chờ đợi đến mỗi lần sinh nhật dường như kéo dài vô tận. Nhưng khi đứa bé tròn 10 tuổi, một năm chỉ bằng 10% cuộc đời chúng, tuy đứa bé vẫn phải chờ đợi đến mỗi lần sinh nhật nhưng sự chờ đợi nay đã ngắn hơn kha khá nhiều rồi.

Chưa kể là đến khi 20 tuổi, một năm chỉ còn giá trị bằng 5% cuộc đời của chúng ta. Vì vậy nếu so sánh về mặt số học, để một thanh niên 20 tuổi cảm nhận được sự chờ đợi dài đằng đẵng của một đứa trẻ 2 tuổi đến lần sinh nhật sắp tới của nó, chàng thanh niên này phải chờ tới tận năm...30 tuổi cơ. Bảo sao có nhiều người đột nhiên thốt lên rằng: "Mới ngày nào còn có 20 cái xuân xanh, nay đã bước sang đầu 3 từ khi nào mất rồi!" 

Chúng ta thường hay nhắc đến các giai đoạn của cuộc đời theo từng thập kỉ: khi bạn 20, 30, rồi đến 40, 50,... với ý chỉ rằng các khoảng thời gian là tương đương nhau. Nhưng sự tương đương này chỉ đúng về mặt số học mà thôi. Theo thang tính logarit, chúng ta sẽ có nhận thức của từng thời kỳ khác nhau với cùng một độ dài thời gian giống nhau. Vì thế, về mặt nhận thức thì sự khác biệt giữa các độ tuổi từ 5-10, 10-20, 20-40 và 40-80 sẽ là như nhau.

Phải làm gì để "níu giữ" thời gian?

Có thể khi đọc xong bài viết này, tâm trạng bạn sẽ trùng xuống đôi chút khi biết rằng khoảng thời gian bạn sống từ năm 40 đến 80 tuổi, dường như chỉ dài bằng quãng thời gian từ 5 lên 10 tuổi mà thôi. Song theo như thiên tài người Ý Leonardo da Vinci đã từng nói: "Thời gian sẽ ở lại đủ lâu cho những người biết sử dụng nó", bạn hãy cứ sống hết mình, trải nghiệm càng nhiều điều mới lạ càng tốt để bộ não có thêm nhiều "thông tin mới" để xử lí. 

Thời gian ắt hẳn sẽ không bao giờ là đủ, nhưng nếu sử dụng nó đúng cách, bạn sẽ không cần phải hối tiếc khi nhìn lại những gì mình đạt được trong suốt quãng đời đã qua đâu nhé!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn