Tuổi thọ giữa vợ chồng thường giống nhau ( Nếu không...Còn ai để nương dưạ, còn ai để cãi nhau ? )

Thứ Năm, 15 Tháng Mười Một 20186:00 SA(Xem: 5726)
Tuổi thọ giữa vợ chồng thường giống nhau ( Nếu không...Còn ai để nương dưạ, còn ai để cãi nhau ? )

Tuổi thọ giữa vợ chồng thường giống nhau - Ảnh 1.

Ăn uống tốt, thể dục có thể giúp chúng ta sống thọ hơn là nhờ di truyền từ cha mẹ - Ảnh: REUTERS

Sau khi nghiên cứu được công bố ngày 6-11 trên tạp chí khoa học về gen, Cathy Ball, đồng tác giả và là trưởng bộ phận khoa học tại Ancestry, một công ty về di truyền với dịch vụ cung cấp thông tin về lịch sử gia đình trực tuyến, cho biết:

"Chúng tôi biết những người tìm hiểu về gia đình mình rất quan tâm đến chủ đề tuổi thọ".

Theo những nghiên cứu trước, sự khác biệt về gen có thể dẫn đến sự khác biệt từ 15% đến 30% về tuổi thọ và những yếu tố không liên quan đến gen - như cách ăn uống hay tai nạn chết người - mới là những yếu tố giải thích tại sao người này sống thọ hơn người khác.

Theo CNN, các nhà khoa học của Công ty Calico Life Sciences LLC, một công ty chuyên nghiên cứu về quá trình sinh học của sự lão hóa, đã hợp tác với các nhà nghiên cứu của công ty Ancestry nói trên để nghiên cứu về ảnh hưởng của di truyền đến tuổi thọ. Họ phân tích cấu trúc cây phả hệ của các gia đình (ẩn danh) - bao gồm năm sinh, năm mất, nơi sinh và quan hệ gia đình của hơn 439 triệu người tình nguyện đăng ký với công ty Ancestry.

Nhờ độ lớn và quy mô của cơ sở dữ liệu, các nhà khoa học có thể nhìn toàn cảnh các gia đình qua nhiều thế hệ, phân tích tuổi thọ của các thành viên trong gia đình và những người phối ngẫu của họ.

Dựa trên tính toán và thống kê, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng với anh chị em ruột và người anh em họ đời thứ nhất (con cô cậu, chú-bác), khả năng di truyền tuổi thọ là tương tự như các nghiên cứu trước đây. Cụ thể, các gen này quyết định từ 20% đến 30% tuổi thọ.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện tuổi thọ giữa vợ chồng thường khá giống nhau. Cách giải thích hợp lý nhất là: vợ chồng thường sống chung nhà và do đó, họ cùng chia sẻ những yếu tố quan trọng không liên quan đến gen nhưng có ảnh hưởng đến tuổi thọ như bữa ăn và lối sống.

Ngoài ra, những người là dâu - rể (vợ hoặc chồng của những người là anh chị em ruột hoặc anh chị em họ) cũng có tuổi thọ tương tự nhau dù họ không cùng huyết thống hay cùng sinh sống. Các nhà nghiên cứu cố gắng giải thích điều này bằng giả thuyết về "giao phối lựa chọn".

J. Graham Ruby, tác giả chính của nghiên cứu và nhà nghiên cứu chính tại công ty Calico, chia sẻ qua email với CNN: "Giao phối lựa chọn là một mô hình giao phối, trong đó các cá nhân có cùng kiểu hình giao phối với nhau thường hơn so với giao phối ngẫu nhiên".

Trong trường hợp này, giao phối lựa chọn dựa trên các đặc điểm thứ cấp. Ví dụ, thu nhập - đã được chứng minh là ảnh hưởng đến tuổi thọ, vì ăn uống tốt, chăm sóc sức khỏe đều liên quan đến tiền. Những người xuất thân từ các gia đình có thu nhập ngang nhau có xu hướng lấy nhau, điều này giải thích vì sao tuổi thọ của họ tương tự nhau dù không có quan hệ huyết thống, nguyên cứu lý giải.

Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng yếu tố di truyền quyết định không quá 7% về tuổi thọ, thậm chí có thể ít hơn. Do đó, dù gia đình có gen tốt, điều này không bảo đảm rằng ai đó sẽ không chết sớm.

Ông David Melzer, giáo sư về dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Y Exeter ở Anh và đồng nghiệp Luke C. Pilling, nhà nghiên cứu về di truyền dịch tễ học tại Đại học Y Exeter từng nghiên cứu về các gen quy định việc sống thọ.

"Ước lượng gần đây của chúng tôi về khả năng di truyền tuổi thọ trực tiếp từ cha mẹ do các gen phổ biến là 8,47% (nghiên cứu với ở 75.000 người Anh)", điều này có thể hiểu là "tổng khả năng nhận được di truyền về tuổi thọ" của một cá nhân nằm trong khoảng từ 10% đến 20%. Đây là mức "cao hơn đáng kể" so ước lượng 7% hoặc thấp hơn trong nghiên cứu mới công bố, ông Melzer nói.

Theo ông Melzer, có khoảng 20 gen khác nhau quy định về tuổi thọ.

Dù sao, kết quả nghiên cứu gợi ý rằng muốn sống thọ, chúng ta nên ăn uống đúng và vận động như phát biểu của bà Cathy Ball, "dù có vai trò của nhân tố di truyền, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có tác động lớn từ nhiều nhân tố khác đến tuổi thọ".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn