Khi Tổng Thống Mỹ du hành

Thứ Hai, 04 Tháng Mười Hai 201710:00 CH(Xem: 6247)
Khi Tổng Thống Mỹ du hành

Nhân dịp Tổng Thống Mỹ Donald Trump công du Á Châu và ghé Việt Nam tham dự Hội nghị kinh tế APEC tại Đà Nẵng, chúng tôi xin gởi đến quý độc giả một số thông tin liên quan đến phương tiện di chuyển của Tổng thống Hoa Kỳ.

khi-tong-thong-my-du-hanh6
Văn phòng làm việc Tổng thống trên Air Force One – nguồn: AP

Trước hết phải kể đến chiếc máy bay chuyên cơ mang danh hiệu Air Force One, viết tắt là AF1. Đây là một chiếc phản lực cơ Boeing 747 được trang bị đầy đủ để biến thành Toà Bạch Cung trên không. Rất nhiều chi tiết về nội thất và trang thiết bị của AF1 là bí mật quốc gia, nhưng chúng ta được biết là Tổng cộng diện tích trên AF1 là khoảng 4000 sf (370m2). Khoang giữa có ba tầng cả thảy; tầng thấp nhất dành cho truyền thông báo chí và có cửa riêng.

khi-tong-thong-my-du-hanh7
Sơ đồ một chiếc Air Force One thời xưa – nguồn: Bảo Tàng Viện Quốc Gia

Trong khi các chiếc 747 dân sự chỉ bay cao khoảng 30,000ft (9,000m) thì AF1 có thể lên đến cao độ 50,000ft (15,000m). Nếu như các chuyến bay dân sự có vận tốc trung bình khoảng 300mph (500km/g) thì của AF1 là 650mph (1,000km/g) và có thể lên đến trên 1,100mph (1,800km/g). Để có thể bay với vận tốc nhanh như vậy, bình xăng của AF1 cũng phải lớn hơn bình thường—53,000 gallon (20,000 L). Với một bình xăng đầy, AF1 cân nặng khoảng 830,000 lb (375,000kg) và có thể bay nửa vòng trái đất mà không cần đáp xuống đất. Không những vậy, không lực Hoa Kỳ còn có những chiếc máy bay chuyên dụng để đổ xăng trên không cho AF1. Trong trường hợp có trục trặc dưới mặt đất, trên lý thuyết AF1 có thể ở trên không trung cho đến khi nào không còn được châm thêm xăng hoặc bản thân chiếc 747 có vấn đề kỹ thuật. Ngoài chiếc AF1 ra Không Lực Hoa Kỳ còn có một chiếc Boeing 747 khác giống y chang. Thỉnh thoảng họ còn cho chiếc đó tháp tùng để đánh lừa công chúng hoặc để dự bị.

Trên AF1 có cả một cái nhà thương nhỏ với đầy đủ dụng cụ y khoa, bác sĩ, y tá, phòng mổ, máu dự trữ (cùng loại với Tổng thống) v.v… Có đến hai nhà bếp trên AF1 để phục vụ cho Tổng thống và đoàn tháp tùng, có thể lên đến 100 người. Mỗi vị Tổng thống đều có sở thích ăn uống khác nhau, cho nên các tay đầu bếp trên AF1 cũng phải biết “liệu cơm mà gắp mắm”. Chẳng hạn như ông Bush cha từ nhỏ tới lớn không ưa ăn cải broccoli nên cụ cấm không cho ai mang broccoli lên máy bay! Trong khi đó thì Tổng thống Ford là dân thích uống bia Coors, nhưng thời đó chỉ có vài tiểu bang có bán loại bia này, thành thử lâu lâu tùy tùng phải lén mang bia Coors lậu lên máy bay cho Tổng thống uống!

khi-tong-thong-my-du-hanh5
Tướng Westmoreland và Tổng thống Lyndon Johnson tại phi trường Cam Ranh, 1967 với chiếc AF1 làm hậu cảnh – nguồn: BTV Quân Đội

Về mặt kỹ thuật, AF1 càng ngày càng được trang bị tối tân thêm. Vào thời Tổng thống Eisenhower, cơ quan tình báo CIA dưới quyền Allen Dulles cho gắn thêm máy chụp hình cực mạnh dưới lườn phi cơ, có khả năng đọc được bảng số xe từ cao độ 20,000 feet (6,000m). Trong thời chiến tranh lạnh, với mối nguy hiểm của vũ khí hạt nhân, AF1 được thiết kế thành hầm trú ẩn phóng xạ trên không, với đầy đủ phương tiện truyền tin với đất liền (Ngũ Giác Đài v.v.) mà không sợ bị nhiễu sóng hoặc nghe lén.

Ngày nay AF1 còn được kết nối với mạng internet, dĩ nhiên. Ngoài hệ thống thông tin bảo mật dành cho Tổng thống, AF1 còn có 85 chiếc điện thoại cho nhân viên và phóng viên sử dụng nếu họ không muốn dùng điện thoại cá nhân. Khác với các chuyến bay dân sự, AF1 không cấm người ta dùng điện thoại di động khi máy bay cất cánh hoặc đáp.

khi-tong-thong-my-du-hanh4
Xa đoàn Tổng thống, theo thứ tự từ trái sang – nguồn: AP

Giá thành của một chiếc AF1 được trang bị đầy đủ phải ít nhất là 650 triệu đô la, và do Không Lực Hoa Kỳ trả. Tuy nhiên, giống như ta mua nhà, họ chỉ bỏ ra khoảng $100 triệu tiền tươi, số còn lại cũng phải trả góp dần dần. Chưa kể là lâu lâu lại phải lắp thêm cái này, ráp thêm cái nọ tuỳ theo nhu cầu của Tổng thống, hay để cập nhật các phát minh kỹ thuật mới nhất. Tính bổ đồng mỗi chiếc AF1 ngốn cả tỉ bạc tiền thuế như chơi.

Ngoài chiếc Boeing 747 ra Tổng thống Mỹ còn được di chuyển bằng trực thăng (Marine One), máy bay quân đội (Army One) và xe hơi (Cadillac One) được gán cho biệt danh “The Beast” (Quái Thú). Cadillac One (C1) thật ra cũng không phải là một chiếc xe mà là cả chục chiếc giống nhau y hệt. Khi Tổng thống đi công du, tuỳ theo nhu cầu một số xe C1 sẽ được mang theo và sử dụng tuỳ trường hợp. Không ai ngoài Mật Vụ (Secret Service), tức nhóm đặc nhiệm bảo vệ Tổng thống, biết đích xác trong cái Xa đoàn có tên gọi là Presidential Motorcade này thì chiếc nào đang chở vị nguyên thủ quốc gia.

Giống như AF1, mỗi chiếc C1 cũng được trang bị để chống khủng bố, đánh bom, thậm chí cả vũ khí hạch nhân và nguyên tử. Trong xe có chứa nguồn dưỡng khí (oxygen) riêng, máy phát điện, và lúc nào cũng trữ sẵn máu cùng loại với Tổng thống. Và tất nhiên C1 cũng trang bị đầy đủ các phương tiện truyền thông bảo mật. Tài xế của C1 đều là những tay lái thiện nghệ, được huấn luyện kỹ lưỡng và phải tập luyện thường xuyên để đối phó với những tình huống bất ngờ.

khi-tong-thong-my-du-hanh3
Hai chiếc C1 được chất lên máy bay vận tải – nguồn: AP

Xa đoàn của Tổng thống gồm có mấy chục chiếc xe đủ loại, mỗi chiếc có phận sự riêng. Đi đầu bao giờ cũng là chiếc “Route Car”, chạy trước mấy phút đồng hồ để thăm dò lộ trình và chuyển thông tin về cho những chiếc gọi là “Sweepers” (sẽ nói đến sau). Kế đến là chiếc “Pilot Car” tức hoa tiêu, có phận sự tương tự như “Route Car” nhưng đi sau vài phút để kiểm điểm tình hình. Nhiều khi chiếc này còn được dẫn đầu bởi một số cảnh sát trên xe gắn máy để chặn các nút giao lộ v.v.

Tiếp theo là những chiếc “Sweeper”, thường là một nhóm xe cảnh sát (xe hơi hoặc xe gắn máy) đi dọn sạch sẽ lộ trình để cho xa đoàn của Tổng thống có thể chạy ở một vận tốc đều đặn.

Xong rồi mới đến chiếc “Lead Car”, tức chiếc xe đầu đàn. Đây là chiếc xe dùng làm trái độn giữa xe Tổng thống và nhóm xe đi trước. Chiếc này do mật vụ điều khiển, và thường là một chiếc SUV lớn, nhưng đôi khi nó cũng có thể là một chiếc nhỏ gọn hơn nếu xa đoàn phải đi ngang những khu phố nhỏ hẹp.

khi-tong-thong-my-du-hanh2
Xa đoàn Tổng Thống viếng thăm Jordan – nguồn: AP

Chiếc Cadillac chở Tổng thống nằm khoảng giữa xa đoàn, còn được gọi bằng ký hiệu “Stagecoach” hay là “Spare”. Như đã nói ở trên, không ai biết Tổng thống đang ngồi trong chiếc “Stagecoach” hay một trong những chiếc “Spare”. Trong lúc xa đoàn đang di chuyển, các tài xế mật vụ phải thường xuyên thay đổi vị trí của chiếc “Stagecoach” với những chiếc “Spare” kia để đánh lạc hướng người ngoài. Thậm chí, tất cả các chiếc xe này đều có cùng một biển số và mẫu mã giống nhau y hệt.

Ngay sau lưng nhóm xe của “Stagecoach” là “Halfback”, chiếc xe chở đội biệt kích bảo vệ Tổng thống. Đây là nhóm thiện xạ được huấn luyện như trong phim hành động. Họ có thể làm cho xe lật, hay cướp người giữa phố như trở bàn tay. Họ là hàng phòng thủ thứ nhất của Tổng thống.

Theo sau xe “Halfback” là xe “Watchtower”, với các dụng cụ phá sóng và truyền tin, có khả năng làm tê liệt các công cụ vô tuyến đánh bom. Ngoài ra “Watchtower” còn có thể dùng laser để tấn công những mục tiêu địch, hoặc tung khói infrared để bảo vệ xa đoàn nếu bị đột kích bởi vũ khí laser.

khi-tong-thong-my-du-hanh1
Đội biệt kích “Hawkeye Renegade” đi sau phòng thủ – nguồn: AP

Kế đến là hai chiếc “Control” và “Support”. Chiếc “Control” chở các nhân viên chuyên lo việc điều khiển xa đoàn, thường do một sĩ quan quân đội đứng đầu. “Support” chở một số những nhân vật quan trọng trong chính phủ đi theo tháp tùng Tổng thống như bộ trưởng, tuỳ viên v.v…

Theo sau là đội phòng thủ thứ nhì gọi là “Hawkeye Renegade”, gồm những tay súng chuyên nghiệp được lựa chọn rất kỹ. Họ có thể sử dụng nhiều loại vũ khí, kể cả lựu đạn và bom. Họ ngồi trong những chiếc xe SUV với cửa kiếng luôn mở ra phía sau để có thể nhào xuống hoặc bắn từ trong ra bất cứ lúc nào. Nếu xa đoàn bị tấn công, họ sẽ là nhóm cảm tử chặn đường và phản công để xa đoàn chở Tổng thống có thì giờ thoát hiểm.

Cùng đi trong nhóm này là một chiếc xe phòng chống khí độc và các hoá chất nguy hiểm. Ngoài ra còn có chiếc “ID Car” chuyên phụ trách việc tình báo, với nhiệm vụ theo dõi tất cả mọi diễn biến xung quanh, trong khu vực cũng như khắp nơi trên thế giới để báo động cho xa đoàn kịp thời nếu cần.

khi-tong-thong-my-du-hanh
Một trong 6 chiếc C1 được đem sang Việt Nam trong chuyến công du của TT Trump – nguồn: BBC

Tiếp theo đó là các xe van chở phóng viên báo chí. Ngoài ra Bạch Cung cũng có một xe riêng chở các nhân viên và dụng cụ truyền thông của mình, gọi là “Roadrunner”. Cuối cùng mới tới xe cứu thương và đoàn xe cảnh sát hộ tống đi sau chót.

Đó là những gì xảy ra dưới đất. Còn trên không nhiều khi còn có thêm một chiếc trực thăng bay theo xa đoàn để theo dõi mọi chuyện. Thành thử ra mỗi khi Tổng thống Mỹ đi đến đâu là phải có các chiếc máy bay vận tải lớn để chở theo một đoàn xe khổng lồ với vô số thiết bị lỉnh kỉnh. Tốn kém đã đành, mà còn làm gián đoạn sinh hoạt của người dân trong vùng—từ chuyện đi đứng dưới đất liền đến chuyện đi máy bay trên trời, vì tất cả các phương tiện hàng không đều bị ngưng lại cả mấy tiếng đồng hồ mỗi khi có AF1 thăm viếng.

Tổng thống Mỹ công du nội địa đã tốn, đi ra nước ngoài còn tốn gấp bội. Nhưng đó là cái giá người dân Mỹ sẵn sàng chấp nhận chi trả cho vị nguyên thủ quốc gia của mình. Được sống ở một cường quốc bậc nhất thế giới thì xem ra cái giá đó cũng không đến nỗi nào.

IB

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn