Người hay cãi lý thông minh hơn?

Chủ Nhật, 14 Tháng Mười 20189:00 CH(Xem: 6093)
Người hay cãi lý thông minh hơn?
bbc.com
Timandra Harkness BBC Capital

Khi ý tưởng đã khác biệt là người ta phải bất đồng với nhau. Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Khi ý tưởng đã khác biệt là người ta phải bất đồng với nhau.

Đây là lý do tại sao tránh xung đột tại nơi làm việc là một sai lầm tệ hại.

Chắc bạn sẽ đồng ý với tôi nếu tôi nói rằng con người nói chung muốn tránh xung đột.

"Trong hầu hết trường hợp ta cố gắng giữ hòa thuận với mọi người," giáo sư phân tích hội thoại tại Đại học Loughborough, Liz Stokoe, nói. Ngay cả khi ta không đồng ý, ta cũng cố gắng thể hiện là ta muốn sự hữu hảo qua lời nói, qua cử chỉ, và thậm chí cả tốc độ nói.

"Chúng ta đang cố gắng nhượng bộ," Stokoe nói. "Ta luôn kiểm soát sự bàn luận và cố gắng để người ta ở trạng thái dễ dàng đồng ý với mình."

Chúng ta đặc biệt có xu hướng tránh va chạm trong làm việc. Ai lại muốn gây ra tranh chấp với người ngồi cạnh mình 8 tiếng một ngày? Nếu người đồng nghiệp lại là sếp của mình thì càng ít lý do để bất đồng ý kiến. Nhưng quan điểm này có thể hoàn toàn là sai lầm, theo Amy E. Gallo, tác giả của bài 'Hướng dẫn xử lý tranh chấp khi làm việc' của tạp chí The Harvard Business Review.

"Ai cũng nghĩ rằng mình muốn làm việc ở nơi yên bính lý tưởng mà mọi người đều hòa thuận," bà nói, "nhưng nếu chúng ta không bất đồng với nhau thì sẽ không tạo ra được công việc tốt, không thể không có bất đồng,"

Khi ý tưởng đã khác biệt là người ta phải bất đồng với nhau.

"Tôi luôn luôn thấy nhiều tổ chức nói về việc muốn có nhiều quan điểm đa dạng, kể cả trong môi trường làm việc," Gallo nói, "và nếu họ chặn sự bất đồng, là họ nói rằng 'chúng tôi không muốn nghe các ý kiến khác nhau.' Việc đưa ra các quan điểm khác nhau là một cách làm quan trọng để tạo ra sự thành công hơn trong công việc

Thí dụ, trong khoa học, các lý thuyết mới không chỉ được thử nghiệm bằng thí nghiệm, mà còn được các nhà nghiên cứu đặt vấn đề nghi ngờ. Giáo sư Stuart Firestein thuộc Đại học Columbia cho rằng việc phản đối này là hết sức quan trọng- ngay cả khi ông phải hứng chịu việc phản đối này.


Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Khi ý tưởng đã khác biệt là người ta phải bất đồng với nhau.

"Đã nhiều lần phòng thí nghiệm của tôi trình một bản thảo để đem xuất bản, và một người kiểm duyệt đã phát hiện ra một lỗi lớn trong đó," ông nói. "Tôi rất biết ơn vì điều đó, bởi vì tôi có thể đã tiến hành công bố điều này, và bị mất mặt nơi công chúng. Lúc này chỉ có tôi với người kiểm duyệt là người biết tôi là thằng ngốc.

Bạn có thể gọi khoa học là một hệ thống để kiểm soát quá trình thử nghiệm này.

"Khoa học là một cấu trúc được thiết kế để cho phép sự bất đồng," Firestein nói. "Tôi còn nhớ đi đến các buổi họp mà người ta la hét om xòm với nhau, nhưng sau đó họ lại đến quán rượu và uống với nhau, và đó là cách ta nên làm việc. Có một mối quan hệ tôn trọng mặc dù biết bao điều mình không đồng ý với người ta."

Có thể bạn nghĩ rằng mình không đủ dạn dày để chịu đựng được văn hóa luôn phải chống chọi này. Tuy nhiên, cam kết của chúng ta dù sâu sắc đến đâu đối với một mục tiêu cùng chia sẻ, cho dù đó là những ý tưởng sáng tạo hơn, hay cách giải quyết vấn đề tốt hơn, hay theo đuổi khoa học tìm chân lý, không ai thích mình bị sai.

Hãy để tôi tìm cách thuyết phục bạn rằng sự bất đồng đó đáng để ta chịu khổ.

Đầu tiên, nó kiểm tra ý tưởng của bạn so với các ý tưởng cạnh tranh khác. Đó là một điều tốt, Claire Fox của Học Viện Ý Tưởng nói.

"Nó sẽ giúp ta nâng cao về tranh luận, bởi vì bạn sẽ phải cố gắng và tham gia ở cấp độ cao nhất để đối phó với những lý lẽ tốt nhất từ phía đối lập, vì vậy bạn sẽ phải giỏi hơn trong lập luận của mình," Fox nói. "Hoặc, biết đâu, bạn có thể sẽ thay đổi suy nghĩ của mình."


Thứ hai là, bạn có thể chế ngự được bản ngã cá nhân của mình thay vì cố phủ nhận nó.

"Sự thiên vị, sự giáo điều và sự ngoan cường" là nguồn năng lượng để tạo ra những ý tưởng tốt hơn, tác giả Jonathan Rauch nói. "Bạn không muốn người ta bước vàophòng mà không cảm thấy hoàn toàn chắc chắn. Tất cả điều bạn muốn là họ nêu quan điểm để người khác kiểm tra. Sau đó, bạn lợi dụng năng lượng của sự chắc chắn của họ, và định kiến của họ, và những bất đồng của họ."

Thứ ba là, sự kỳ quặc trong suy nghĩ con người tưởng như là nhược điểm nhưng có thể hóa ra lại là lợi thế. Hãy thiên vị trong việc xác nhận, tức xu hướng của ta để tìm bằng được các bằng chứng xác nhận ý kiến sẵn có của mình.

"Nếu bạn chỉ có một mình, hoặc nếu bạn chỉ bàn bạc với những người cùng quan điểm với mình, thì nhiều khả năng bạn chỉ tích tụ các lý lẽ về phía mình," nhà khoa học về nhận thức Hugo Mercier nói, "và điều đó có thể dẫn đến quá tự tin và phân cực." Cùng với giáo sư Dan Sperber, Mercier đã viết cuốn 'Điều bí ẩn của lý lẽ'. Họ lập luận rằng những điểm yếu kém rõ rệt trong lập luận của con người sẽ trở thành điểm mạnh khi người ta tranh luận đối đầu với người khác. Người ta giỏi đánh giá các lập luận của người khác hơn là của chính mình.

"Nếu bạn tranh luận hết lòng với những người có quan điểm đối nghich," Mercier nói, "thì họ sẽ bẻ ngãy ngay những lập luận nào yếu kém của bạn, và họ sẽ cho ta biết các lý lẽ của phía bên kia, và mọi thứ sẽ kết thúc ổn thỏa." Lý lẽ, theo Mercier và Sperber, là nơi trú ngụ tự nhiên cho lý trí con người.

Khi chỉ một mình, ta dễ dàng suy nghĩ lười biếng và tập hợp các lý lẽ để củng cố các giả định của mình. Chỉ bằng cách tự đặt mình vào thử thách phải thuyết phục người khác, tìm ra những điểm yếu trong lập luận của họ, và để họ tìm ra những sơ hở trong lập luận của mình, thì ta mới có thể thử nghiệm các ý tưởng của mình.

Đó là lý do tại sao tôi cứ lập luận sự cần thiết, cho bạn, cho những người cùng làm việc với bạn, cho xã hội nói chung, phải có sự tranh luận 'thực sự' ít nhất một lần một ngày. Và 'thực sự' có nghĩa là vừa căng thẳng vừa tôn trọng. Như Gallo nói, "Sự bất đồng không phải là không tốt. Không phải là xấu. Bạn có thể thể hiện bất đồng với sự đồng cảm, từ bi và với lòng tốt."

Bài tiếng Anh trên BBC Capital

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn