CHỦ NGHĨA TƯ BẢN ĐEM LẠI SỰ TỬ TẾ

Thứ Ba, 28 Tháng Mười Một 20171:30 SA(Xem: 6294)
CHỦ NGHĨA TƯ BẢN ĐEM LẠI SỰ TỬ TẾ
Tôi xin bắt đầu với một nhận xét, Chủ Nghĩa Tư Bản là cơ chế tốt và vĩ đại nhất để phát triển nhân loại. Không có một cơ chế hay mô hình nào có thể đem lại kết quả tốt hơn. Không những vậy, Chủ Nghĩa Tư Bản là cơ chế đạo đức nhất vì nó đem lại sự văn minh và tử tế đến cho xã hội. Ở những nơi không có nó, đất nước đó sẽ trở nên nghèo đói và hỗn loạn.
 
Một trong những hiểu lầm phổ biến nhất là Chủ Nghĩa Tư Bản là điều tự nhiên và hiển nhiên. Nhưng tôi đính chính rằng, không hề. Từ thời xa xưa cho đến nay, con người chỉ có hai cách để phát triển và làm giàu. Một là xâm chiếm hoặc cướp từ người khác, còn hai là cai trị và nô lệ hóa người khác. Đó là quy luật sống còn của con người từ đó đến giờ. Tất cả các quốc gia và đế chế trong lịch sử đều phát triển dựa trên nguyên lý này. Từ Ba Tư cho đến Hy Lạp, từ La Mã cho đến Byzantine, hay từ Đế Chế Pháp cho đến Đế Chế Anh. Tất cả đều làm giàu bằng cách lấy đi của cải và sinh mạng của người khác.
 
Nhưng vào thế kỷ 18 lại bắt đầu xuất hiện một khái niệm mới, một mô hình mới cho nhân loại. Đó là thay vì đi xâm chiếm hoặc lấy từ người khác, thì con người nên làm giàu bằng cách trao đổi với nhau. Tôi làm ra một kg gạo, tôi đổi để lấy một kg đường của người khác. Hay tôi có một cái áo và tôi sẽ đổi nó để lấy một bữa ăn. Thay vì mất một giọt máu để đổi lấy một giọt máu, tôi sẽ đổ một giọt mồ hôi để nhận lại một giọt mồ hôi. Công lao của tôi cho công lao của anh, sự sáng tạo của tôi để lấy sự sáng tạo của anh.
 
Trong lịch sử, không có một ý tưởng hay khái niệm nào mang tính chất đột phát đến như vậy. Con người, từ những con thú giết nhau để sống, thì bây giờ trở thành những thương gia giúp đỡ nhau và cùng nhau phát triển. Từ đó, con người trở nên tử tế hơn, vì thay vì coi nhau là kẻ thù, chúng ta coi nhau là đối tác. Những cá nhân dù không thích nhau lại vô tình ép buộc phải hợp tác với nhau. Những quốc gia, dù không ưa nhau, lại phải hợp tác và trao đổi hàng hóa với nhau.
 
Không những phải hợp tác với nhau, Chủ Nghĩa Tư Bản ép họ phải tin tưởng và trở nên thật thà với nhau. Nếu bạn muốn làm ăn lâu dài với ai đó, thì bạn phải trung thực. Vì nếu không, bạn sẽ không tồn tại lâu. Lần đầu tiên trong quá hình phát triển, con người có động cơ để trở nên thật thà.
 
Như lời của Adam Smith, họ được thúc đẩy bởi bàn tay vô hình để phục vụ nhau mặc dù đó không phải là mục đích ban đầu của mình. Đó là vì sao Chủ Nghĩa Tư Bản vĩ đại, vì nó biến đổi tư duy và quan niệm của con người về chính con người. Nó đem lại sự tử tế vào mỗi con người.
 
Và ở những nơi thiếu vắng bàn tay vô hình của Chủ Nghĩa Tư Bản, chúng ta thấy điều ngược lại. Không có ví dụ nào rõ ràng hơn để chứng minh điều đó bằng những xã hội của những quốc gia theo đuổi mô hình kinh tế tập trung của CNXH, sự trái nghịch của Chủ Nghĩa Tư Bản. Thay vì tử tế, con người lại ác độc với nhau. Thay vì giúp đỡ, con người lại đâm chém nhau. Và thay vì thật thà, con người lại lừa dối nhau. CNXH không những đã lấy đi động cơ để họ thật thà, mà nó còn cướp đi tâm hồn trung thực của con người.
 
Tôi xin kết thúc với vài nhận xét. Chủ Nghĩa Tư Bản làm con người tử tế. Chủ Nghĩa Tư Bản khiến con người thật thà. Chủ Nghĩa Tư Bản đem lại đạo đức. Đó là vì sao Chủ Nghĩa Tư Bản vĩ đại vì không còn mô hình nào tốt hơn.
 
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn