Cổ nhân vô công bất thụ lộc

Thứ Tư, 03 Tháng Mười 20181:00 SA(Xem: 5247)
Cổ nhân vô công bất thụ lộc

Người xưa đều tuân thủ nguyên tắc làm người vô công bất thụ lộc. Đối với người hiện đại ngày nay mà nói, không ít người cho rằng chuẩn tắc đạo đức của người xưa là cổ hủ, lạc hậu. Nhưng kỳ thực, đây mới là tiêu chuẩn chân chính của làm người. 

Cổ nhân vô công bất thụ lộc
(Tranh minh họa: Qua read01.com)

Câu chuyện của người làm nghề giết dê

Khi nước Ngô bị xâm chiếm, Sở Chiêu Vương bị mất nước phải chạy sang nước khác. Sau này trở về nước, quyết định thưởng cho những người đi theo mình. Cuốn “Uyên giám nội hàm” có kể lại một câu chuyện đặc biệt xung quanh việc này:

Trong số những người đó, có một người tên Đồ Dương Thuyết. Đồ Dương Thuyết trước đó cũng chạy đi theo Sở Chiêu Vương.

Sở Chiêu Vương phái người tìm đến đúng lúc Đồ Dương Thuyết đang giết dê. Khi người được phái đến chuẩn bị ban thưởng thì lại nghe Đồ Dương Thuyết nói: “Đại Vương bị mất nước, tiện dân cũng mất công việc giết dê. Nay Đại Vương trở lại nước, tiện dân cũng lấy lại được công việc giết dê. Vậy là tước lộc của tiện dân đã được khôi phục rồi, có gì mà đáng được thưởng đâu?”

Sở Chiêu Vương sau khi biết chuyện liền nói với thuộc hạ: “Nhất định phải thưởng bằng được cho Đồ Dương Thuyết”.

Nhưng Đồ Dương Thuyết kiên quyết không nhận, nói: “Việc Đại Vương mất giang sơn không phải do lỗi của tiện dân, vì thế tiện dân không phải chịu phạt. Đại Vương lấy lại được giang sơn cũng không nhờ công lao của tiện dân, vì thế tiện dân không đáng nhận thưởng”.

Câu chuyện về Đồ Dương Thuyết khiến Sở Chiêu Vương nóng lòng muốn gặp mặt. Ông bèn truyền lệnh mời Đồ Dương Thuyết triệu kiến.

Sau khi nghe lệnh, Đồ Dương Thuyết từ chối nói:

“Theo luật lệ của nước Sở, nhất định phải là người nào lập công lớn được trọng thưởng mới có vinh hạnh gặp Đại Vương. Còn tiện dân, tài trí không thể bảo vệ được đất nước, lòng dũng cảm không đủ để có thể tiêu diệt kẻ thù.

Khi nước Ngô đến xâm lược, tiện dân vì sợ hãi, sợ gặp bất trắc mới phải tháo chạy chứ không phải có ý muốn theo Đại Vương. Hiện giờ Đại Vương muốn làm ngược lại quốc pháp, muốn tiện dân triệu kiến. Việc này chẳng phải sẽ khiến người trong thiên hạ đồn thổi hay sao? Đây không phải ý nguyện của tiện dân.”

Sở Chiêu Vương liền nói với Đại tướng nước Sở là Tư Mã Tử Kỳ: “Địa vị của Đồ Dương Thuyết hèn mọn nhưng đạo nghĩa của hắn lại rất cao. Ta muốn mời hắn đảm nhận chức Tam công”

Sau khi Đồ Dương Thuyết nghe lệnh liền thưa: “Tiện dân biết địa vị của Tam công tôn quý hơn nhiều so với địa vị của một kẻ giết dê. Bổng lộc vô cùng lớn, thu nhập cao hơn nhiều so với làm nghề giết dê. Nhưng tiện dân không tham địa vị cao, thu nhập lớn, khiến Đại vương chịu tiếng không hay là ban chức tùy tiện! Tiện dân quyết không thể nhận, xin hãy cho tiện dân tiếp tục làm nghề giết dê như cũ.”

Cuối cùng, Đồ Dương Thuyết nhất định không chịu nhận khen thưởng cũng như chức vị mà Sở Chiêu Vương muốn ban cho mình.

Khổng Tử không tùy tiện nhận lộc

Một lần, sau khi Khổng Tử bái kiến Tề Cảnh Công, Tề Cảnh Công ban cho Khổng Tử vùng đất Lẫm Khâu làm thực ấp. Khổng Tử ngay lập tức khéo léo khước từ, không chịu nhận.

Sau khi trở về, ông nói với các học trò: “Ta nghe nói, người quân tử có công cho nên mới nhận bổng lộc. Hiện tại ta khuyên Tề Cảnh Công nghe theo chủ trương của ta, nhưng Tề Cảnh Công không thực hành theo. Tề Cảnh Công lại muốn ban thưởng cho ta vùng Lẫm Khâu, ông ấy thật sự không hiểu ta rồi.”

Cổ nhân vô công bất thụ lộc
(Tranh minh họa qua Kknews.cc)

Người xưa đều tin tưởng và tuân thủ nguyên tắc làm người vô công bất thụ lộc và Khổng Tử là một tấm gương sáng về điều này. Có rất nhiều người có thể dễ dàng trở thành những người giàu có, địa vị cao sang nhưng họ chấp nhận sống nghèo khó, thanh sạch chỉ bởi vì không muốn từ bỏ nguyên tắc làm người này.

Vô công nhận lộc: Không sợ người biết, chỉ sợ mình biết

Vào những năm vua Càn Long đời nhà Thanh, ở Hà Nam có vị tuần phủ Diệp Tồn Nhân. Ông làm quan trong mấy thập kỷ đều giữ được đức tính thanh liêm.

Thời điểm ông cáo lão lên thuyền về quê sinh sống, quan lại đã mang tài vật đến tặng ông nhưng lại đến trễ. Mãi tới lúc trăng đã sáng, ông đột nhiên phát hiện một chiếc thuyền nhỏ đi tới. Hóa ra là đám thuộc hạ đem lễ vật của những vị quan lại kia tới tặng ông làm quà cáo biệt. Vì sợ mọi người biết nên họ đã đi vào ban đêm.

Cổ nhân vô công bất thụ lộc
(Tranh minh họa qua Kknews.cc)

Diệp Tồn Nhân bèn lấy giấy bút ra và viết mấy câu thơ:

“Nguyệt bạch phong thanh dạ bán thì
Biển chu tương tống cố trì trì
Cảm quân tình trọng hoàn quân tặng
Bất úy nhân tri úy kỷ tri.”

Tạm dịch nghĩa:

“Trăng thanh, gió mát lúc nửa đêm
Thuyền nhỏ tiễn đưa cố đến chậm
 Mang theo tình nặng và quà biếu
Không sợ người biết, sợ mình biết.”

Viết xong mấy câu này, ông liền gửi họ và trả lại toàn bộ lễ vật không lấy một món nào.

Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện kể về việc vô công bất thụ lộc của các bậc quan lại, tướng lĩnh ngày xưa. Họ đều dùng nhiều cách khác nhau để khéo léo khước từ những lễ vật đó. Phương pháp của họ vừa bảo trì được nhân cách cao quý lại vừa làm hài lòng những người ban tặng. Sở dĩ họ có thể làm được điều này là nhờ có tầm nhìn xa trông rộng, thấu hiểu đạo lý làm người cũng như lẽ “được, mất” trong cuộc đời.

An Hòa (dịch và t/h)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn