Nỗi sợ phải đối diện đám đông

Thứ Bảy, 02 Tháng Mười Hai 20179:00 CH(Xem: 6188)
Nỗi sợ phải đối diện đám đông
bbc.com
Tim Smedley BBCCapital

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Glen Savage chuẩn bị lên sân khấu với một đôi cánh và quầng hào quang. Cậu thấy hoảng sợ.

Đó là năm 1961, khi đó Savage mới 5 tuổi và đang đóng vai Thiên thần Gabriel trong vở kịch Giáng Sinh ở Trường St James tại Brisbane, Úc. Khi đó, cậu bé chỉ cần nói một câu thoại: "Hãy lại đây, các thiên thần nhỏ".

Dù khi đó chưa biết gì, nhưng sự sợ hãi và lo lắng vào khoảnh khắc đó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ sự nghiệp của ông sau này. "Tôi chỉ nhớ là đã luôn nghĩ rằng tôi không thể làm được. Tôi không thể nói trước tất cả mọi người," Savage nhớ lại. "Tôi đã hoàn toàn lập cập ngay trước khi tấm màn được kéo lên. Giọng tôi run rẩy và tôi chúi mắt xuống sàn... ngay sau đó tôi tránh bất cứ tình huống nào phải nói trước công chúng."


Sau khi rời trường, ông trở thành một dược sĩ vì cảm thấy được an toàn sau cửa kính ngăn cách ông khỏi những vị khách mua thuốc.

Năm 2000, ông được yêu cầu thực hiện một số huấn luyện cho hệ thống nhà thuốc mở rộng. "Thay vì chỉ làm việc với mọi người trong nhà thuốc của mình, giờ tôi có cơ hội để giúp phát triển người ở 400 nhà thuốc. Và tôi nghĩ 'điều này thật tuyệt'... cho đến khi tôi nhớ lại lần va vấp trước."

Câu nói "hãy lại đây, các thiên thần nhỏ" cứ lặp đi lặp lại, ám ảnh trong đầu. Ông không biết liệu mình có làm nổi việc đó không.

Nỗi sợ không thể kiểm soát

Rất nhiều người trong chúng ta cảm thấy sợ phải nói trước công chúng. Một khảo sát năm 2014 do Đại học Chapman cho thấy nỗi sợ phải nói trước đám đông là ám ảnh lớn nhất trong những người tham gia trả lời - 25,3% thừa nhận họ sợ phải nói trước một đám đông người.

Tuy nhiên, nỗi sợ này có thể giới hạn các cơ hội của chúng ta trong sự nghiệp.

Một khảo sát với hơn 600 công ty năm 2014 cho thấy trong số những kỹ năng được nhà tuyển dụng tìm kiếm nhiều nhất, đó là "giao tiếp bằng ngôn ngữ nói" xếp vị trí số một, và sau đó "kỹ năng thuyết trình" đứng ở vị trí số bốn, các kỹ năng quản lý truyền thống như "quản lý các hoạt động hành chính" xếp gần cuối bảng.


Nhưng một khảo sát trên mạng năm 2014 với 2.031 người Mỹ tham dự cho thấy 12% trong số đó sẵn sàng lùi lại để nhường cho ai đó khác lên thuyết trình, thậm chí dù điều đó khiến họ ít được coi trọng hơn trong công việc.

Với những người chấp nhận thuyết trình, gần 70% thừa nhận đây là kỹ năng quan trọng cho thành công của họ trong công việc.

Rõ ràng là những người sợ nói trước công chúng cho rằng việc này ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy sự lo lắng tại công sở có thể trực tiếp dẫn tới kết quả công việc thấp hơn.

Như kể lại, người viết bình luận cho tờ Financial Times tên Lucy Kellaway từng mô tả nỗi sợ nói trước công chúng là "giới hạn sự nghiệp" của bà. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet thậm chí từng ghi nhận một khóa học dạy nói trước công chúng là nhân tố trực tiếp đóng góp vào thành công của ông.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Các cuộc họp qua video có tác dụng tích cực cho những ai làm việc từ nhà và muốn nâng cao kỹ năng thuyết trình

Gặp mặt nhiều hơn

Mặc dù thế giới công việc ngày càng diễn ra nhiều hơn phía sau màn hình máy tính, sự phát triển nghề nghiệp vẫn phải dựa trên việc được lắng nghe và được nhìn thấy.

Một báo cáo của IBM khuyên các lãnh đạo nữ về cách tiến tới vị trí điều hành đã đề xuất họ nên xung phong phát biểu trong các buổi họp thảo luận và trao đổi qua trò chuyện, bên cạnh đó là viết blog hoặc dùng Twitter, để khiến công việc của bạn được cả công ty biết đến.


Harvey Coleman, nhà tư vấn doanh nghiệp và là tác giả nổi tiếng của quyển "Tăng cường sự tự định danh" (Empowering Yourselfidentifies) chỉ ra ba yếu tố căn bản dẫn tới thành công trong sự nghiệp, bao gồm "khả năng", "hình ảnh" và "sự thể hiện". Tuy nhiên, các yếu tố này không phân chia đồng đều nhau, ông nói, với sự thể hiện chiếm đến 60%, theo sau đó là hình ảnh (30%) và khả năng (10%).

"Nói trước trong công chúng không còn là lựa chọn trong sự nghiệp của bạn nữa," nhà huấn luyện hùng biện Steve Bustin đồng ý với điều này. Ông là tác giả của quyển "Hướng dẫn khả năng thuyết trình và nói trước công chúng" (The Authority Guide to Presenting and Public Speaking).

"Đó là một kỹ năng công việc cần thiết buộc phải học và thực hành như bất kỳ kỹ năng nào khác," ông nói. "Rất nhiều cuộc phỏng vấn tuyển dụng, đặc biệt với các công việc ở vị trí cao, giờ đây đòi hỏi phải thuyết trình cho những người trong ban phỏng vấn xem."

Vì hội thảo qua video đang thay thế dần điện thoại, rất nhiều nhân viên nhận thấy họ có nhiều thời gian gặp mặt hơn với nhiều đồng nghiệp. "Ý tưởng giao tiếp "một người với nhiều người" đang rất thời thượng hiện giờ," Bustin nói. "Một số cuộc hội thảo giờ không cho các diễn giả bay đến nơi nữa, họ lập ra một đường dẫn video và bạn phải thuyết trình trong văn phòng của bạn."

Mong đợi tăng cao

Sự phổ biến và ảnh hưởng của các bài thuyết trình của TED cũng đã thay đổi mong đợi của khán giả. Thời gian đầu, các cuộc thuyết trình này xuất hiện tại hội thảo hàng năm về công nghệ và thiết kế ở Vancouver, Canada năm 1984, và sau đó bắt đầu xuất hiện trên mạng từ năm 2006 với khẩu hiệu "Ý tưởng xứng đáng được lan truyền", các cuộc thuyết trình này đã trở thành hiện tượng văn hóa. Chương trình đem đến hàng loạt các chuyên gia và họ chỉ nói trong 20 phút, và đã có hơn 1 tỷ lượt xem và được dịch ra hơn 100 ngôn ngữ.

Bustin nói rằng kỹ năng của các nhà hùng biện này đã nâng chuẩn kỳ vọng của mọi người lên. "Giờ đây bạn có thể xem những diễn giả tuyệt vời trên YouTube, và khi mọi người đến dự các hội thảo hoặc sự kiện ở công ty, họ cũng kỳ vọng người thuyết trình nói hay như vậy... giới hạn đã được nâng lên."

Với những người sợ nói trước công chúng, đây không phải tin tốt lành. Với những người chỉ thuyết trình cho các đồng nghiệp vài lần mỗi năm thì điều này khiến họ sẽ cảm thấy khó mà tiến bộ được, nhà tư vấn kinh doanh và tâm lý học nghề nghiệp Gary Luffman ở Brighton, Anh Quốc cho biết.

"Một vài người tôi làm việc chung có thể cần phải thuyết trình một lần mỗi năm hoặc một lần mỗi quý, và trong những tình huống đó rất dễ để lờ đi và không nghĩ gì về chúng."

Chiến đấu hay bỏ chạy?

Lý do vì sao chúng ta sợ hãi, là một lý do rất tự nhiên và sâu kín. Não bộ ta thường nhìn thấy mối đe dọa nhiều hơn phần thưởng gấp ba đến bốn lần, Luffman nói. "Vì thế khi đối mặt với một đám người mà bạn không biết... ta chuyển qua trạng thái bị đe dọa."

Não chúng ta sẽ trượt vào trạng thái "chiến đấu hay cao chạy xa bay". Khi tình huống này xảy ra, chất adrenaline được phóng thích vào cơ thể và nhịp tim bị tăng lên - sẽ rất tốt nếu bạn muốn bỏ chạy hay chiến đấu, nhưng nếu đứng yên thì liều năng lượng tăng cường này có thể làm cổ họng bạn co thắt và dẫn đến sự đỏ mặt và đổ mồ hôi.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Việc quá tập trung vào bản thân khiến nhiều người quên mất rằng nói chuyện trước công chúng là hoạt động nhằm tạo sự giao tiếp, mối liên hệ qua lại giữa người nói và người nghe

Chuẩn bị trước là bí mật thành công khi diễn thuyết, cả Bustin và Luffman đều nói vậy. Thay vì học thuộc lòng từng từ trong kịch bản của bạn, họ đề xuất bạn chỉ ghi nhớ hai ba câu mở đầu, hoặc vài phút đầu tiên, để bạn có thể bắt đầu suôn sẻ. Sau đó, hãy sử dụng đến bảng nhắc chữ hoặc các trang trên tập tin trình diễn để thực hiện các phần sau của bài thuyết trình.

Luffman cũng đề xuất bạn tưởng tượng ra cấu trúc của buổi diễn thuyết trước khi bắt đầu, căn phòng trông thế nào và bạn đứng ở đâu. "Bộ não phản ứng tương tự để thực hiện việc nó làm như suy nghĩ."

"Vì thế, nếu trước đó, bạn vẽ ra một bức tranh chi tiết, rõ ràng trong đầu, bạn bắt đầu giảm được sự căng thẳng."

Tuy nhiên, không có cách nào thay thế để thực tập nói trước đám đông. Rất nhiều người tham gia các tổ chức quốc tế về thuyết trình trước công chúng như Toastmasters để thực hành kỹ năng này, bao gồm cả Glen Savage.

Năm 2000, khi được chọn lựa giữa việc tiếp tục đứng sau quầy bán thuốc hay xuất hiện và thhuyết trình huấn luyện, ông đã chọn đối diện với nỗi sợ của mình.

Với sự hỗ trợ từ chương trình huấn luyện NLP - hay còn gọi là Chương trình Ngôn ngữ Thần kinh, tập trung vào cấu trúc ngôn ngữ và thói quen hành vi của các cá nhân, ông bắt đầu vượt qua "sự căng thẳng và tự ti về giới hạn".

Sự chuyển biến là chủ chốt cho lời khuyên này: "Vấn để ở đây không phải là về bạn. Mà là về khán giả. Với hầu hết mọi người đang đối mặt với nỗi sợ nói trước công chúng, nó dựa vào sự tự tập trung, 'Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi là một thảm họa? Nếu tôi thất bại thì sao'.... thực ra, điều quan trọng là đưa được thông điệp đến với khán giả. Nếu họ thích bạn, thì đó chỉ là thêm chút điểm cộng thôi."

Hơn 50 năm sau cơn ác mộng vở kịch Giáng Sinh, Savage bước lên sân khấu và thuyết trình bài diễn văn chính tại Hội thảo Chuyên môn ngành Dược Úc APP - một hội thảo bốn ngày với hơn 4.000 đại biểu tham dự.

"Tôi đã nghĩ, đây là điều tuyệt vời và là một đặc ân khi có cơ hội nói trước mọi người và chia sẻ vài ý tưởng... thay vì nghĩ "Ồ, chuyện này thật đau đớn.'" Giờ đây, ông là một diễn giả hội nghị khá thường xuyên, và cũng huấn luyện nhiều người khác vượt qua nỗi sợ.

Liệu ông có bao giờ tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu ông không quyết định tiến bộ hơn? "Điều đó chắn chắn sẽ cản trở sự nghiệp của tôi. Tôi nghĩ tôi đã trở nên trì trệ rồi."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn