Giải mã thành công cấu trúc bộ gene lúa mỳ

Thứ Năm, 21 Tháng Sáu 20188:00 SA(Xem: 6705)
Giải mã thành công cấu trúc bộ gene lúa mỳ

Một nhóm nhà khoa học quốc tế đã lần đầu tiên giải mã thành công bộ gene lúa mỳ, mở đường cho việc nghiên cứu các biện pháp cải thiện giống cây trồng, nâng cao sản lượng và khả năng kháng bệnh của loại cây lương thực này.

Theo công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí Science (Khoa học) của Mỹ số ra ngày 17/7, hơn 400 nhà khoa học đến từ 57 quốc gia trên thế giới đã tiến hành phân tích cấu trúc gene của giống lúa mỳ "Chinese Spring" (Mùa Xuân Trung Quốc). Đây là loại lúa mỳ được trồng trong phòng thí nghiệm để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học.

Lần đầu tiên giải mã thành công cấu trúc bộ gene lúa mỳ
Nông dân thu hoạch lúa mỳ tại một trang trại gần Nantes, Pháp. (Nguồn: AFP)

Loại lúa mỳ này có tổng cộng 124.000 gene, phần lớn số gene có liên quan tới chất lượng giống cây, khả năng kháng bệnh và chống chọi các điều kiện nuôi trồng khắc nghiệt...

Giáo sư Eduard Akhunov, chuyên gia nông nghiệp thuộc Đại học bang Kansas, cho biết bộ gene lúa mỳ lớn gấp 5 lần bộ gene người. Do đó giải mã gene lúa mỳ thực sự là thách thức lớn với giới khoa học.

Việc các nhà khoa học giải mã thành công cấu trúc gene của giống lúa mỳ "Chinese Spring" được coi là bước tiến quan trọng, giúp tìm ra các biện pháp hữu ích cho ngành nông nghiệp trong tương lai, góp phần giảm nhẹ thách thức về an ninh lương thực trên toàn cầu do dân số thế giới tăng và biến đổi khí hậu.

Lúa mỳ, còn gọi là tiểu mạch, là loại cây lương thực quan trọng, chiếm 30% sản lượng ngũ cốc toàn cầu, sau ngô và lúa. Hạt lúa mỳ được sử dụng để làm bột mỳ trong sản xuất các loại bánh mỳ, mỳ sợi... hoặc được lên men để sản xuất bia, rượu...

Tuy nhiên, sản lượng lúa mỳ trên toàn thế giới đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, chủ yếu do điều kiện thời tiết khô nóng. Giới chuyên môn cho rằng cần phải tăng 70% sản lượng lúa mỳ mới có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hiện nay.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn