5 điều cần biết khi bạn lên mạng bị chặn ( BBC có bài này hay hơn những cuộc hội thảo nhăng cuội thiên Cộng )

Thứ Ba, 12 Tháng Sáu 20186:18 SA(Xem: 8591)
5 điều cần biết khi bạn lên mạng bị chặn ( BBC có bài này hay hơn những cuộc hội thảo nhăng cuội thiên Cộng )
bbc.com

5 điều cần biết khi bạn lên mạng bị chặn


Đại Liên Bản quyền hình ảnh Xinhua
Image caption Triển lãm công nghệ 5G ở Đại Liên, Trung Quốc - hình chỉ có tính minh họa

Làm sao để đảm bảo an toàn cho cá nhân khi bạn lên mạng và giao lưu trên mạng xã hội trong môi trường thù địch với tự do Internet?


BBC giới thiệu 5 cách giúp người dùng Internet và mạng xã hội:

1. Cẩn thận để giữ thông tin cá nhân được an toàn

Paul Myers, chuyên gia về Internet của BBC giải thích rằng mỗi lần vào một trang web mới là bạn đã gửi metadata cho chủ sở hữu trang web đó.

Họ sẽ có thể biết thông tin về kết nối của bạn, loại máy tính, điện thoại thông minh và trình duyệt bạn đang dùng.

Địa chỉ IP chỉ ra vị trí bạn đang vào mạng cũng được báo cho chủ trang. Thậm chí các từ khóa tìm kiếm mà bạn đã gõ vào cũng được chuyển đi.

Nếu bạn vào mạng xã hội như Facebook bằng cách nhấp chuột vào đường dẫn, chủ trang đó sẽ được thông báo địa chỉ của trang có chứa đường dẫn.

Ý thức được quá trình trao đổi megadata, tức thông tin về cách dùng mạng của bạn, là việc làm đầu tiên để bạn tìm cách bảo mật.

Chính phủ một số nước coi bấm Like trên Facebook, chia sẻ ý kiến trên các ứng dụng để giao lưu xã hội, là 'bằng chứng' cho việc lập ra vụ án chống lại bạn.

Các hành vi trên mạng xã hội của bạn đều được lưu lại nếu bạn không đặt chế độ riêng để xóa đi.

Email gửi đi cũng làm lộ danh tính của bạn, địa chỉ của người nhận, địa chỉ IP của máy gửi đi, cùng với nội dung viết trong email.

Chọn cách gửi mail bảo mật ít ra sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ bị đọc, thu email.

Thường xuyên đổi mật khẩu (password) và tránh mở các file lạ cũng là bảo đảm an toàn cho bạn.

Cần chú ý có những malware chuyên đánh cắp thông tin trong danh bạ liên lạc rồi mạo danh bạn gửi đi các email tới những người trong danh bạ.

Và bạn cần học cách xóa bỏ tài liệu dạng kỹ thuật số (digital).

Sau khi bạn xóa tài liệu trên máy, rồi xóa nốt "thùng rác", thông tin vẫn được lưu trữ trong máy và có thể phục hồi bằng chương trình như Encase hay FRED.

Vì thế cần dùng software chuyên xóa tài liệu digital để hủy dữ liệu và thay chúng bằng các dãy số 1 và 0 ngẫu nhiên. Cách này cũng dùng cho các thiết bị di động.

Điều quan trọng nhất là bạn phải có ý thức mình đang làm gì.

2. Bảo mật khi trao đổi thông tin trên mạng xã hội

Dữ liệu trên mạng Bản quyền hình ảnh KAREN BLEIER/Getty Images
Image caption Công nghệ và dịch vụ thông tin ngày nay dùng ngày càng nhiều dữ liệu

Cần học cách mã hóa thông tin lưu trong máy tính hoặc điện thoại, thiết bị di động vốn rất dễ rơi vào tay người khác.

Quy trình mã hóa được thực hiện dựa trên các số nguyên tố (tức những con số chỉ chia hết cho chính nó và chia hết cho một).

Việc mã hóa tài liệu cần dùng đến hai số nguyên tố - một do chương trình mã hóa tự chọn và một do bạn chọn.

Chương trình mã hóa sẽ nhân hai số này với nhau rồi dựa vào đó tạo ra cho bạn một mã khóa chung.

Những người được bạn trao cho mã khóa chung này sẽ dùng nó để gửi thông tin cho bạn giải mã.

Chương trình cũng cung cấp cho bạn một mã khóa riêng, chỉ để dành riêng cho bạn và có chứa mật khẩu của bạn.

Nhưng bạn cần ý thức là luật một số nơi buộc bạn trao mật khẩu, hoặc cấm mã hóa.

Trong môi trường thù nghịch về mạng, mã hóa tài liệu sẽ khiến cho các tin nhắn của bạn bị để ý.

Các cơ quan an ninh thường để ý tới các tin nhắn được mã hóa.

Cách khôn ngoan hơn là "giấu cái kim trong đống rơm", khiến cho tin nhắn của bạn trộn vào dòng thông tin Internet khác.

3. Lưu trữ hồ sơ bài viết và số liệu ngoài mạng

Lưu vào thẻ nhớ SD, hoặc ổ rời chứ không để trong máy tính, laptop. Thẻ hoặc hard drive rất dễ cất giấu, nhưng lại khá dễ hỏng hoặc thất lạc.

Dùng 'kho dữ liệu đám mây' (cloud storage) lưu trữ trực tuyến tập trung, như Box và Dropbox. Cách này vẫn cần mã hóa và đảm bảo người bạn chia sẻ tiếp cận được tài liệu chung.

4. Dùng các ứng dụng mới và tìm cách vượt Tường Lửa

Tùy vào quốc gia bạn đang sinh sống, các ứng dụng khác nhau có độ bảo mật khác nhau.


Tại Nga, Iran, người dùng trao đổi về các chủ đề mà nhà cầm quyền coi là cấm kỵ dùng Telegram, WhatsApp, Signal hoặc Blackberry Messenger (BBM).

Ở Trung Quốc, người có tài khoản Facebook và dùng Facebook Messenger thì đặt thêm VPN để vào mạng.

Trang BBC giới thiệu một số ứng dụng cho các thị trường bị chặn web như Bắc Hàn:

Psiphon miễn phí cho Windows PC, máy dùng Android devices. Psiphon có thể nhận từ Google Play Store, hoặc bạn chỉ cần gửi email tới download@psiphon3.com.

Psiphon Inc. cung cấp phương tiện vượt tường lửa cho BBC World Service Group.

Tor Browser: dùng cho Firefox browser trên Windows, Apple, Linux/GNU.

Nếu trang Tor Project bị chặn, bạn có thể gửi email khống cho gettor@torproject.org.

Opera Mini cho Android, iPhone và Windows. Dùng Opera Mini bạn có thể không xem được video và nghe âm thanh của BBC News.

Ngoài ra còn Opera Max; FreeBrowser, Hola và Lantern nếu bạn muốn thử.

Các cách vượt tường lửa cũng có khá nhiều, tùy vào các nhóm vận động và công ty cung cấp miễn phí hoặc mất tiền và được cập nhật đều.

5. Vận động để thúc đẩy thay đổi chính sách về Internet

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là bạn phải đấu tranh để thay đổi chính sách kiểm soát mạng hoặc đánh cắp dữ liệu tại nơi mình sống.

Vì về lâu dài, các giải pháp kỹ thuật cũng chỉ mang tính cục bộ mà không giúp thay đổi hoàn toàn và nuôi dưỡng một môi trường mạng lành mạnh, tự do.

An toàn mạng và việc bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư đang là vấn đề toàn cầu.

Có khả năng một số máy tính, điện thoại bạn mua đã cài đặt sẵn các ứng dụng nghe lén, thu thập thông tin.

Có nhà cung cấp dịch vụ mạng, điện thoại hoặc công ty viễn thông địa phương hoặc quốc tế đã và đang trao thông tin cá nhân của bạn cho nhà chức trách.

Máy chủ Bản quyền hình ảnh JONATHAN NACKSTRAND
Image caption Vấn đề kiểm soát máy chủ, an ninh mạng và quyền lợi kinh doanh của các đại tập đoàn công nghệ thông tin đang là chủ đề nóng trên toàn thế giới

Họ cũng có thể bán thông tin về bạn cho đối tác thương mại, các công ty số liệu để dùng vào việc khuynh đảo bầu cử, marketing chính trị.

Vấn đề kiểm soát máy chủ, an ninh mạng và quyền lợi kinh doanh của các đại tập đoàn công nghệ thông tin đang là chủ đề nóng trên toàn thế giới.

Các hoạt động này đang bị lên án và ngày càng chịu sức ép của dư luận quốc tế nên tiếng nói của bạn không hề đơn lẻ.

Quyền được thông tin không bị chặn, bóp méo vào giao lưu an toàn trên mạng không chỉ là một phần của nhân quyền đã được Hiến chương LHQ bảo vệ, mà còn là phần không thể thiếu cho xã hội dân sự, các hoạt động kinh tế.

Cách tham gia vận động trên mạng, qua gửi thư, ký kiến nghị cần được thực hiện tùy vào môi trường thực tế nơi bạn sống và bạn cần hiểu rủi ro của việc mình làm.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn