Tại sao hành trình quay trở lại Mặt trăng lại khó đến như vậy?

Thứ Năm, 10 Tháng Năm 20184:00 CH(Xem: 7467)
Tại sao hành trình quay trở lại Mặt trăng lại khó đến như vậy?

Đáng lẽ đến thời điểm này, những chiếc xe tự hành của các doanh nghiệp tư nhân đã phải chu du trên Mặt trăng để thực hiện sứ mệnh của mình tại đây. 

Thế nhưng, mọi thứ vẫn không hề thay đổi trên thiên thể này, trong khi hạn chót để đạt được giải thưởng Google Lunar X Prize đã qua vào cuối tháng 3/2018.

 Tại sao hành trình quay trở lại Mặt trăng lại khó đến như vậy? - Ảnh 1.

Nhà du hành vũ trụ người Mỹ Buzz Aldrin trên Mặt trăng

Trong suốt 10 năm, Google và X Prize đã treo giải thưởng trị giá 20 triệu USD cho tổ chức phi chính phủ đầu tiên hoàn thành sứ mệnh Mặt trăng theo đúng yêu cầu của mình. 

Sau nhiều lần lùi thời hạn, cuộc đua chính thức bị ‘khai tử' khi kết quả đã quá rõ ràng: không một công ty tư nhân nào có thể đặt chân lên Mặt trăng trước thời hạn cuối cùng 31/3/2018.

Để giành được giải thưởng, một nhóm cá nhân hoặc tổ chức tư nhân phải hoàn thành ba nhiệm vụ:

- Đưa được tàu vũ trụ lên bề mặt Mặt trăng

- Di chuyển ít nhất 500 mét trên bề mặt Mặt trăng

- Gửi những hình ảnh, video có độ phân giải cao về Trái đất

Kể từ khi cuộc đua được công bố ngày 13/9/2007, chỉ có ba lần các phương tiện của loài người đến được Mặt trăng, nhưng đều là những dự án do chính phủ tài trợ. Trong đó, duy nhất tàu thám hiểm Chang'e 3 của Trung Quốc có khả năng di chuyển trên bề mặt Mặt trăng.

Lần đầu tiên loài người đặt chân lên Mặt trăng là vào năm 1969, có nghĩa đây là một mục tiêu không phải là bất khả thi. Vậy tại sao chúng ta vẫn chưa thể lặp lại thành công đó một lần nữa, khi 49 năm đã trôi qua với sự ra đời của rất nhiều công nghệ tân tiến.

"Phải có niềm tin ghê gớm lắm thì người ta mới tin được rằng bạn có thể kinh doanh trên Mặt trăng"  - John Thornton, CEO Công ty công nghệ robot vũ trụ Astrobotic.

Để Mỹ có thể đặt chân lên Mặt trăng lần đầu tiên năm 1969, NASA đã tìm cách đi con đường ngắn nhất có thể. Mục tiêu ưu tiên khi đó là đánh bại Nga chứ không phải nhằm xây dựng một lộ trình rõ ràng cho những chuyến bay vào không gian tiếp theo. Blair DeWitt, CEO startup về dữ liệu Mặt trăng Lunar Station (LSC), cho biết: 

"Thay vì bước những bước đi hợp lý để tạo dựng một mô hình bền vững, giúp việc tiếp cận và các hoạt động trên Mặt trăng có thể được tiếp nối trong tương lai, thì nước Mỹ lại giống như thực hiện cú nhảy một bước lên Mặt trăng vậy".

"Mục đích bất thường đó khiến chúng ta bỏ lỡ cơ hội xây dựng chuỗi cung ứng cần thiết cho việc vận chuyển liên tục các phương tiện, nguyên vật liệu và con người lên Mặt trăng", DeWitt chia sẻ thêm.

Ngày nay, cấu trúc đó cần được xây dựng lại trong bối cảnh không có sự thúc đẩy của chiến tranh lạnh. Động cơ đến Mặt trăng lần này là khát khao được khám phá, không phải khát khao giành chiến thắng.

Mặc dù chi phí cho những chuyến du hành vũ trụ đang ngày càng giảm, số tiền bỏ ra để đến được Mặt trăng vẫn không hề nhỏ. Nếu tính theo tỉ giá hiện thời, giá trị tên lửa Saturn V của chương trình Apollo sẽ là khoảng 1,16 tỉ USD. (Không có việc nào đốt tiền nhanh hơn việc đầu tư cho một động cơ tên lửa).

 Tại sao hành trình quay trở lại Mặt trăng lại khó đến như vậy? - Ảnh 2.

Xe tự hành Red Rover của Astrobotic chạy thử nghiệm trên Trái đất (ảnh: X Prize)

Ngay bây giờ, chúng ta không có sẵn tên lửa với hỏa lực đủ cho Saturn V, khiến cho những chuyến đi nặng hàng hóa đến Mặt trăng thực sự là một thử thách. 

Tên lửa Falcon Heavy của SpaceX tỏ ra là phương án đầy hứa hẹn cho những chuyến đi tới Mặt trăng với mức giá tương đối mềm, khoảng 90 triệu USD, mặc dù sức đẩy mới chỉ bằng 2/3 sức đẩy 3.400 tấn của Saturn V. 

Trước đó nhà sáng lập Elon Musk của SpaceX tuyên bố sẽ đưa du khách bay vòng quanh Mặt trăng vào năm nay, nhưng có vẻ như dự án này đã bị xếp vào ngăn tủ. Về phía NASA, cơ quan này vẫn đang hoàn thiện SLS - Hệ thống Phóng Không gian được cho là dễ dàng đánh bại Saturn V về sức đẩy. 

Với chi phí phát triển lên đến hàng tỉ USD, khi được hoàn thiện SLS sẽ là một trong những phương tiện đắt đỏ nhất, và có vẻ sẽ phải mất thêm vài năm nữa mới có lần phóng thử nghiệm đầu tiên.

Như vậy có thể thấy, những thứ cần thiết đều đang được chuẩn bị, nhưng với một tốc độ chậm chạp. Giải thưởng Lunar X Prize thực sự đã có đóng góp trong việc lôi kéo các công ty tư nhân tham gia vào công cuộc chinh phục Mặt trăng. 

Nhiều startup vũ trụ được thành lập, một số vẫn đang ấp ủ kế hoạch thực hiện các chuyến du hành tới Mặt trăng. Sự cạnh tranh giúp đặt nền móng cho những lần đặt chân tới thiên thể này của các công ty tư nhân trong vòng năm năm tới, thu hút sự chú ý của cộng đồng tới mảng du hành vũ trụ tư nhân, đồng thời thúc đẩy trào lưu gây quỹ của các startup.

300 triệu USD

Là số tiền do các công ty cạnh tranh giải thưởng Lunar X Prize huy động được.

Thực tế, dù không công ty nào hoàn thành sứ mệnh đúng thời hạn, cuộc cạnh tranh đã đóng vai trò là động lực để những startup này kiếm được nhiều hơn 20 triệu USD. Đó là số tiền khá nhỏ: để có cơ hội giành chiến thắng, các đội đều biết họ cần hơn thế rất nhiều. 

Ở thời điểm hiện tại, hơn 300 triệu USD đã được huy động bởi các bên tham gia. Chanda Gonzales-Mowrer, Giám đốc cấp cao của Google Lunar X Prize, cho biết: "Thực tế việc lên Mặt trăng tốn rất nhiều tiền".

Vì vậy, các đội buộc phải sáng tạo. Một số công ty như Moon Express và Team Indus đã ký hợp đồng và liên kết với các chương trình không gian quốc gia tại Mỹ và Ấn Độ. SpaceIL và một số khác tìm đến các quỹ đầu tư mạo hiểm. 

Tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác kinh doanh cũng là một cách. Takeshi Hakamada, nhà sáng lập kiêm CEO của Ispace cho biết: "Chúng tôi đã sáng tạo ra một hình thức hợp tác chưa từng có tiền lệ, đặc biệt cho những công ty vốn dĩ không liên quan đến lĩnh vực không gian". 

Đó chính là quảng cáo trên các phi thuyền (tương tự trên những chiếc xe đua), cùng các dịch vụ tiềm năng cho phép phát quảng cáo trên các xe tự hành trên Mặt trăng.

"Chúng ta coi Mặt trăng là một tài nguyên, một bước đệm, và là một tài sản" - John Thornton, CEO Công ty công nghệ robot vũ trụ Astrobotic

Tất cả những điều này giúp tạo nên những doanh nghiệp tồn tại ngay cả khi cuộc chạy đua đã kết thúc. Rất nhiều các đối thủ cạnh tranh như Astrobotic, SpaceIL và Moon Express đã vạch ra những mục tiêu thật sự, dù phải vài năm nữa mới thực hiện được. 

Đó có thể là sứ mệnh khai thác nguồn tài nguyên trên Mặt trăng của Moon Express, hay cung cấp dịch vụ chuyên chở hàng hóa của Astrobotic. Gonzales-Mowrer nhận định, việc mỗi đối thủ đều có những mục tiêu riêng "lí giải vì sao lĩnh vực khám phá Mặt trăng của các đơn vị tư nhân sẽ thành công". 

Astrobotic, công ty duy nhất giành được tất cả các giải thưởng phụ dành cho những đội đạt được một số dấu mốc nhất định, đã thỏa thuận với 11 khách hàng cho chuyến du hành đầu tiên của mình vào năm 2020, trong khi còn hơn 100 khách hàng nữa đang chờ để xác nhận.

Bên cạnh những thách thức về kỹ thuật và tài chính, suy nghĩ của cộng đồng là một thử thách đối với các công ty không gian tư nhân. "Nếu bạn nói với mọi người mình đang thành lập một công ty để chở đồ lên Mặt trăng, cái mà bạn nhận được có thể là cái nhìn giễu cợt. 

Phải có niềm tin ghê gớm lắm thì người ta mới tin được rằng bạn có thể kinh doanh trên Mặt trăng", John Thornton, CEO của Astrobotic cho biết. "Tất cả những hoạt động trên Mặt trăng trước đó đều do các siêu cường quốc thực hiện. Vậy làm sao có thể tin rằng một công ty tư nhân có thể đến và kiếm tiền trên đó?"

 Tại sao hành trình quay trở lại Mặt trăng lại khó đến như vậy? - Ảnh 3.

Robot của Part-Time Scientists, một ‘thí sinh' cạnh tranh giải thưởng Lunar X Prize (ảnh: X Prize)

Musk cũng không thể giúp cho những khó khăn của các doanh nhân đang cố gắng chứng minh lợi nhuận ở mảng này. Vị tỉ phú này từng đăng trên Twitter: "Dựng lên một công ty tên lửa là cách kiếm tiền ngu xuẩn nhất và cũng khó khăn nhất. Nếu chỉ vì tiền, tôi đã thành lập một công ty Internet rồi".

Thornton cho rằng công thức tốt nhất để vượt qua nghi ngờ từ cộng đồng là thời gian, là sự tham gia của các đối tác, nhà đầu tư cùng những tiến bộ về công nghệ phục vụ cho mục tiêu đã đề ra. Và có vẻ như các nhà đầu tư đã bắt đầu ‘cắn câu'. 

Theo CB Insights, năm 2016 chứng kiến mức đầu tư mạo hiểm kỷ lục 2,8 tỉ USD cho các startup hoạt động trong lĩnh vực không gian. Mới cuối tháng Ba vừa qua, Relativity Space – công ty in 3D động cơ tên lửa có trụ sở tại Los Angeles – đã chốt thành công khoản đầu tư 35 triệu USD.

Dù không tìm ra đội giành giải thưởng, Lunar X Prize vẫn được coi là thành công. Khoản tiền thưởng 5,25 triệu USD cho những dấu mốc nhỏ hơn giúp đưa tên những công ty du hành Mặt trăng tư nhân lên bản đồ chung, khiến mọi người có ý niệm rằng việc đặt chân lên Mặt trăng không phải là sứ mệnh chỉ những siêu cường quốc mới có thể làm được.

Các doanh nghiệp được thành lập để cạnh tranh giải thưởng Lunar X Prize chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh. Bên cạnh những công ty này, các chính phủ cùng các tổ chức khác cũng đang cố gắng xây dựng chuỗi cung ứng mà Mỹ đã không làm được vào những năm 1960. 

Các công ty như Relativity Space đang phát triển máy in 3D có khả năng in các phương tiện phóng, trong khi startup LSC lại tập trung vào việc thu thập dữ liệu về Mặt trăng để cung cấp cho các công ty không gian khác. 

"Phân khúc thị trường du hành Mặt trăng cùng các doanh nghiệp với những dịch vụ đặc biệt chính là mầm mống của một hệ sinh thái có khả năng phát triển và duy trì chuỗi cung ứng cần thiết cho những sứ mệnh tới Mặt trăng trong năm tới cũng như trong tương lai", CEO DeWitt của LSC nhận định.

Với những chính phủ tham gia vào chuỗi cung ứng, mục tiêu dài hạn dường như to lớn hơn việc đặt chân lên Mặt trăng chỉ để hoàn thành sứ mệnh đã được thực hiện từ cách đây cả một thế hệ. Mục tiêu thực sự là sao Hỏa, và Mặt trăng giống một thao trường diễn tập cho chuyến đi vĩ đại đó. "Chúng ta đang coi Mặt trăng là một tài nguyên, một bước đệm, và là một tài sản", Thornton nói.

Cuối năm 2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ủng hộ kế hoạch đưa các nhà du hành quay trở lại Mặt trăng và sao Hỏa. Dự toán ngân sách năm 2019 của ông cũng bao gồm cả khoản đầu tư cho sứ mệnh này. 

Không lâu sau đó, Vladimir Putin lên tiếng về kế hoạch người Nga du hành đến Mặt trăng và sao Hỏa. Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đều đang có những dự án liên quan đến Mặt trăng. Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đưa xe tự hành lên Mặt trăng trong năm nay, riêng Trung Quốc năm 2019 sẽ thí nghiệm chuyến-đi-khứ-hồi đến Mặt trăng.

Cuối cùng, chúng ta cũng có được nền móng cho một tương lai khi chính phủ và tư nhân hợp tác trong lĩnh vực du hành vũ trụ. Nhờ vào sự kết hợp này, cùng khát khao giải mã những bí ẩn khoa học, khát khao khám phá, Mặt trăng có thể sắp được ghé thăm lần thứ hai. 

Nhưng lần này, kết quả sẽ là sự kết nối bền vững. "Vài năm tới chắc chắn sẽ rất sôi động", Dewitt nhận định. Ông kỳ vọng "hàng chục tổ chức sẽ thực hiện sứ mệnh Mặt trăng và mang về những kiến thức mới, tiếp nhiệt cho làn sóng các chuyến đi tiếp theo lên Mặt trăng, kích hoạt chu kỳ hoạt động bền vững trên thiên thể này, mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta".

Theo Technology Review

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn