Chiếc giường đá đặt thi hài Chúa Jesus trước khi phục sinh

Chủ Nhật, 06 Tháng Năm 201811:00 SA(Xem: 5976)
Chiếc giường đá đặt thi hài Chúa Jesus trước khi phục sinh
Hình ảnh mới từ dự án bảo tồn tại nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem hé lộ chiếc giường đá vôi nguyên sơ, nơi đặt thi thể Chúa Jesus trước khi phục sinh.

  •  
chiec-giuong-da-dat-thi-hai-chua-jesus-truoc-khi-phuc-sinh

Một chuyên gia bảo tồn phủi sạch lớp bụi che phủ mặt đá vôi trong mộ Chúa Jesus. Ảnh: National Geographic.

Chiếc giường chôn đẽo từ đá trong mộ Chúa Jesus ở trung tâm nhà thờ Mộ Thánh, Jerusalem lộ ra khi các chuyên gia bảo tồn ở Đại học Công nghệ Quốc gia Athens thực hiện dự án tôn tạo, gia cố phòng thờ xây trùm bên trên mộ, theo Live Science. Nhóm chuyên gia còn tìm thấy một phiến đá cẩm thạch phủ bên trên giường khắc hình cây thánh giá có niên đại vào khoảng thế kỷ 11-16 cùng với tàn tích bức tường đá của ngôi mộ.

Mộ Chúa Jesus được phát hiện lần đầu tiên vào năm 326, sau khi Helena, mẹ hoàng đế La Mã đầu tiên theo Cơ Đốc giáo Constantine đi tới Jerusalem và hỏi những người dân địa phương nơi Chúa bị hành hình và chôn cất. Theo chỉ dẫn của họ, Helena tìm thấy một hang động đá vôi nằm trong khu vực chứa nhiều ngôi mộ từ thế kỷ 1-2. Theo Kinh Thánh, Helena ra lệnh khai quật và tìm thấy mộ Chúa Jesus cùng ba cây thánh giá và một số đinh sắt. Để xác định cây thánh giá Chúa Jesus bị đóng đinh, những người đứng đầu nhà thờ treo thi thể người chết lên cả ba cây thánh giá và một trong số đó khiến người chết hồi sinh.

Helena và hoàng đế Constantine ra lệnh phá sập đền thờ ngoại giáo bên trên khu vực khai quật, di dời trần hang và xây một phòng thờ mới bao trùm ngôi mộ để những người hành hương có thể cúi xuống và quan sát mộ. Cùng lúc đó, nhà thờ Mộ Thánh được xây bao quanh phòng thờ và hoàn thành sau 10 năm, theo các ghi chép lịch sử của nhà thờ Chính thống giáo Đông phương.

chiec-giuong-da-dat-thi-hai-chua-jesus-truoc-khi-phuc-sinh-1

Một thành viên nhóm bảo tồn làm sạch bề mặt chiếc giường đá vôi từng đặt xác Chúa Jesus. Ảnh: National Geographic.

Phòng thờ được đặt tên là Holy Edicule. Năm 1555, các nhà chức trách đặt một phiến đá cẩm thạch bên trên phiến đá vôi để ngăn những kẻ phá hoại xâm phạm. Phiến đá này vẫn ở nguyên vị trí cho đến khi các chuyên gia thuộc dự án bảo tồn lật mở nó để khám phá ngôi mộ bên dưới. Trong khi đó, Edicule trải qua vài lần xây lại trong nhiều thế kỷ, lần gần nhất là vào đầu những năm 1800 sau một vụ hỏa hoạn.

Các giáo hội quản lý nhà thờ Mộ Thánh mất gần 60 năm để thống nhất về đề án bảo tồn. Nhóm chuyên gia tôn tạo lật mở phiến đá cẩm thạch vào tuần trước và phát hiện một lớp bụi. Sau khi cọ sạch lớp bụi, họ bắt gặp một lớp đá cẩm thạch khác và chiếc giường đá vôi nguyên sơ.

"Chúng tôi không thể kết luận chắc chắn 100%, nhưng có bằng chứng rõ ràng cho thấy vị trí mộ không bị di dời trong suốt lịch sử, điều các nhà sử gia và khoa học vẫn băn khoăn suốt nhiều thập kỷ", Fredrik Hiebert, nhà khảo cổ học của kênh National Geographic, cho biết.

"Khảo sát bằng radar xuyên đất chỉ ra phần nhiều ngôi mộ đẽo từ đá vẫn tồn tại bên trong cấu trúc bao quanh", Ken Dark, nhà khảo cổ học ở Đại học Reading, người không tham gia nghiên cứu, chia sẻ.

chiec-giuong-da-dat-thi-hai-chua-jesus-truoc-khi-phuc-sinh-2

Phòng thờ Edicule trong quá trình tôn tạo. Ảnh: National Geographic.

Các chuyên gia đã thay phiến đá cẩm thạch, niêm phong kín chiếc giường đá vôi. Họ bơm vôi vữa xung quanh các khối đá vôi để gia cố và bảo tồn Edicule. Công tác tôn tạo sẽ kéo dài đến mùa xuân năm 2017. Sau đó, công nhân có thể di dời hàng rào sắt bao quanh Edicule để không gây cản trở tầm quan sát.

Một phần bức tường đá vôi của ngôi mộ cũng được đục thành cửa sổ để người hành hương vẫn có thể nhìn ngắm mộ. Các nhà khoa học đang ghi chép về ngôi mộ để nghiên cứu trong tương lai.

 

Phương Hoa

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn