Bí ẩn của sự sống, càng nghiên cứu các nhà khoa học càng tin chắc rằng: ‘Thượng Đế có tồn tại’

Thứ Bảy, 05 Tháng Năm 20181:00 SA(Xem: 9725)
Bí ẩn của sự sống, càng nghiên cứu các nhà khoa học càng tin chắc rằng: ‘Thượng Đế có tồn tại’

636598427121385870bian

“Sự phát triển của khoa học từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai gây ấn tượng mạnh, khiến nhân loại nghĩ rằng khoa học có một khả năng vô tận trong việc nhận thức thế giới và giải quyết các vấn đề của nhân loại. Sự thực không phải như vậy: khoa học có những giới hạn và những giới hạn đó là từ bản chất bên trong của nó… Càng đi sâu nghiên cứu, nhiều nhà khoa học càng đi đến kết luận không thể tránh được: Thượng đế có tồn tại”. 

Đó là Lời Giới thiệu cuốn BÊN NGOÀI KHOA HỌC của nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, do NXB Khoa học & Kỹ thuật Hà-nội xuất bản năm 2004.

ben-ngoai-khoa-hoc-2

Tôi có cuốn sách này ngay từ khi nó vừa ra mắt. Nhưng vì nhiều lý do, tôi đã bỏ quên nó trong một góc khuất của tủ sách hơn 12 năm nay. Gần đây tình cờ “phát hiện” ra, tôi giật mình nhận ra đây là một cuốn sách triết học khoa học vô cùng quý giá. Không hề cường điệu, tôi muốn nói rằng nếu không nắm được những tư tưởng trong cuốn sách này, cách nhìn về thế giới của chúng ta sẽ bị khiếm khuyết đáng kể, bởi chính khoa học hiện đại đã phát triển tới chỗ cho thấy thế giới quan thuần túy duy vật đã trở thành bất lực trước hàng loạt hiện thực diễn ra trước mắt khoa học.

Gấp cuốn sách lại, tôi có cảm giác ân hận vì đọc nó quá muộn. Nhưng “muộn còn hơn không bao giờ”, tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này đến đông đảo bạn đọc, với hai thông điệp chủ yếu mà cuốn sách muốn gửi tới nhân loại thế kỷ 21:

  1. Khoa học có giới hạn, và giới hạn đó là hệ quả tất yếu của nhận thức logic dựa trên nền tảng duy vật chủ nghĩa.
  2. Vì khoa học bị giới hạn, cần phải có một sự thay đổi mang tính cách mạng về thế giới quan để chắp cánh cho sự nhận thức vượt khỏi tầng hiện thực vật chất chật hẹp, vươn tới những tầng hiện thực bên ngoài khoa học ─ tầng hiện thực phi vật chất và tâm linh.

Hai thông điệp đó được chuyển tải thông qua những bài báo hoặc những cuốn sách nhỏ sau đây:

  • Bài báo “Những điều giả định trước và những giới hạn của khoa học” củaPeter Hodgson , Trưởng nhóm vật lý lý thuyết của Viện Vật lý Hạt nhân ở Oxford, tác giả cuốn “Nuclear Reactions and Nuclear Structure” (Phản ứng hạt nhân và Cấu trúc hạt nhân), do NXB Clarendon Press xuất bản tại Oxford, 1971.
  • Bài báo “Các giới hạn của khoa học” của Jean Fourastié , nhà kinh tế học, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Đạo đức và Chính trị của Pháp.
  • Bài báo “Các giới hạn của khoa học” của Eugene Wigner , nhà vật lý Mỹ gốc Hungary, đoạt Giải Nobel vật lý năm 1963.
  • Bài báo “Các giới hạn của khoa học” của Peter Medawar , nhà sinh học Anh, đoạt Giải Nobel về sinh lý học và y học năm 1960, từng là chủ tịch Hội nghị quốc tế ở Viện Wistar, Philadelphia, 1966, một hội nghị lớn thảo luận về Học thuyết Tân-Darwin, đã đi tới kết luận học thuyết này không thể bảo vệ được về mặt toán học.
  • Cuốn sách “Thượng đế và khoa học” của các tác giả: Jean Guitton, viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp, một trong những nhà triết học xuất sắc nhất cuối thế kỷ 20, người thừa kế cuối cùng của nhà triết học lớn Henri Bergson, và hai anh em Grichka Bogdanov và Igor Bogdanov, cả hai đều là tiến sĩ vật lý thiên văn và vật lý lý thuyết.
  • Bài báo “Thượng đế và Big Bang” của Dominique Lambert , giáo sư Đại học Notre-Dame de la Paix ở Namur.

Một trong các dịch giả đồng thời là người biên tập chính: GS Đặng Mộng Lân, một nhà vật lý uy tín của Việt Nam, tác giả cuốn “Bẩy hằng số vũ trụ”, một cuốn sách “bán chạy” cách đây khoảng 30 năm.

Tất cả các tác giả nói trên, bằng ngôn ngữ riêng của mình, thông qua lĩnh vực hoạt động cụ thể của mình, đều khẳng định rằng khoa học bị giới hạn, nó không trả lời được rất nhiều câu hỏi do chính khoa học đặt ra hoặc do thực tiễn thách thức. Đó là điều mọi người cần biết, không chỉ để học lấy sự khiêm tốn, mà quan trọng hơn, để suy nghĩ về việc làm thế nào mở rộng sự nhận thức lên những tầng cao hơn khoa học, rộng hơn khoa học.

GIỚI HẠN CỦA KHOA HỌC VÀ KHOA HỌC VỀ GIỚI HẠN

Nếu bạn có cuốn sách này trong tay, hãy đọc ngay lời giới thiệu trên trang bìa cuối:

“Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học có thể gây ấn tượng là khoa học có một khả năng vô tận trong việc nhận thức thế giới và giải quyết các vấn đề của nhân loại. Nhưng sự thực không phải như vậy: khoa học có những giới hạn từ bản chất bên trong của nó. BÊN NGOÀI KHOA HỌC  được tập hợp từ nhiều bài viết của các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, những người đã được Giải thưởng Nobel về các ngành khoa học. Họ là những nguồi đi tìm câu trả lời cho các vấn đề: ‘Đâu là giới hạn của khoa học? Đâu là cầu nối giữa khoa học và tôn giáo? Thượng đế có tồn tại hay không?’. Cuốn sách này chắc chắn sẽ mang lại hứng thú cho đông đảo bạn đọc, những người muốn tìm hiểu về khoa học cũng như các vấn đề ở bên ngoài khoa học”.

Peter Hodgson cũng nhấn mạnh điều tương tự ngay từ lời mở đầu bài báo của ông :

“Các thành tựu của khoa học và công nghệ thật ấn tượng và có ảnh hưởng khiến người ta có xu hướng nghĩ rằng mọi vấn đề đều có thể giải quyết bằng phương pháp khoa học, và bất kỳ vấn đề gì mà không thể giải quyết được như vậy thì đều là những vấn đề giả, vô nghĩa. Một sự tin tưởng ngây thơ như vậy vào sức mạnh toàn năng của khoa học ngày nay đã ít được để ý, vì rõ ràng xã hội đang phải đương đầu với hàng loạt vấn đề nan giải không thể giải quyết được chỉ bằng các phương pháp khoa học, và cũng có những vấn đề thực sự về con người mà chúng mãi mãi vượt ra ngoài khả năng tìm kiếm của khoa học”. (trang 7)

Đọc đến đó, một đầu óc lành mạnh sẽ lập tức bật ra câu hỏi: “Vấn đề thực sự nào về con người có thể mãi mãi vượt ra ngoài khả năng của khoa học?”.

Theo Peter Hodgson, đó là khả năng tồn tại của thế giới tâm linh ─ một thế giới phi vật chất không thể kiểm chứng bằng giác quan và công cụ vật lý nhưng có nhiều dấu hiệu khách quan cho thấy nó tồn tại.

Thật vậy, Peter Hodgson đã dẫn một câu chuyện của Alexis Carrel, một nhà sinh lý học người Pháp từng đoạt Giải Nobel 1912 về sinh lý học và y học năm 1912. Trong một cuốn sách của mình, Alexis Carrel đã kể lại một câu chuyện dị thường mà chính ông đã theo dõi: cô Marie Bailly, một bệnh nhân bị lao phúc mạc sắp chết, đã hành hương tới Lourdes để cầu xin Đức Mẹ chữa bệnh cho cô. Kết quả cô đã tự nhiên khỏi bệnh.Carrel chính là người theo dõi bệnh tình của cô và ông đã kể lại tường tận sự việc. Ông xác nhận đây là một phép lạ mà ông chứng kiến.

Mọi người Công giáo đều biết Lourdes (Lộ Đức), một thị trấn nằm ở phía tây-nam nước Pháp, dưới chân dãy núi Pyrénées, là một vùng đất thánh, nổi tiếng thiêng liêng vì Đức Mẹ từng hiện ra ở đó. Người công giáo từ khắp nơi trên thế giới đều ao ước một lần trong đời được đặt chân tới đó. Họ tin tuyệt đối vào những hiện tượng lành bệnh như của cô Marie Bailly, nhưng các nhà khoa học vô thần thì không tin. Peter Hodgson cho biết những ghi chép của Alexis Carrel về trường hợp lành bệnh của cô Marie Bailly hoàn toàn nằm trong sự quan sát của một nhà khoa học. Theo ông, hiện tượng Marie Bailly tự nhiên khỏi bệnh khi hành hương đến Lourdes là một hiện tượng có thật, nhưng nằm bên ngoài khoa học, vượt quá tầm với của khoa học.

Trong phần phụ lục ở trang 25, GS Đặng Mộng Lân cho đăng lại một bài báo của ông trên tạp chí Vật lý Ngày nay, số Tháng 10/2003, trong đó cho biết từ cuối thế kỷ 19, khoa học đã tiến hành nhiều thí nghiệm chặt chẽ để nghiên cứu hiện tượng tâm linh, nhưng cho đến nay, những nghiên cứu này vẫn chưa được coi là khoa học. Nói cách khác, hiện tượng tâm linh vẫn nằm bên ngoài khoa họcMột trong những lý do cụ thể là ở chỗ những hiện tượng này không mang tính chất lặp đi lặp lại để có thể áp dụng phương pháp quy nạp ─ phương pháp chủ yếu của nghiên cứu khoa học cho phép tổng quát hóa các sự kiện riêng lẻ thành định luật khoa học.

Đứng trước sự thật này (hiện tượng tâm linh nằm ngoài khoa học), có hai thái độ ứng xử: người vô thần theo chủ nghĩa duy khoa học (scientism) lập tức bác bỏ các hiện tượng tâm linh, quy kết đó là ảo ảnh, dối trá, nhưng những người có tư duy mở có thể suy đoán rằng tồn tại một “thế giới tâm linh”, hoặc một tầng “hiện thực tâm linh” (psychic reality / spiritual reality) nằm ngoài tầng hiện thực vật chất thông thường, và do đó khoa học bất lực trong việc nghiên cứu nó. Đó chính là điều Peter Hodgson muốn gợi ý để chúng ta suy ngẫm.

Trong thực tế, những ai từng chứng kiến những phép lạ chữa bệnh của cụ Nguyễn Đức Cần ở Việt Nam những năm đầu thập kỷ 1970 hoặc được biết những phép lạ chữa bệnh của nhà chữa bệnh tâm linh Bruno Groening đều dễ dàng tin trường hợp của cô Marie Bailly là một sự thật. [1] Chỉ có những người thờ phụng chủ nghĩa duy vật như một tín điều mới không tin.

BÍ ẨN CỦA SỰ SỐNG

Có một sự thật rất đáng ngạc nhiên mà bất kỳ ai quan tâm tới thuyết tiến hóa cũng nên biết: một số môn đệ của thuyết tiến hóa Darwin, trong khi bảo vệ niềm tin của mình, đã tuyên bố rằng vấn đề nguồn gốc sự sống không nằm trong thuyết tiến hóa. Sự thiếu hiểu biết này thực ra không đáng tranh luận, vì cuốn BÊN NGOÀI KHOA HỌC từ lâu đã trình bày một cách rõ ràng những vấn đề liên quan đến nguồn gốc sự sống, qua đó chúng ta có thể thấy tính chất phi lý và phi khoa học của thuyết tiến hóa.

Thật vậy, tại trang 138, các tác giả viết :

“Nhưng sự sống, nó là cái gì vậy? Câu hỏi mà tôi muốn đặt ra ở đây, câu hỏi mà tôi không thể tránh được, là biết rõ sự sống xuất hiện bằng “phép lạ” nào… Sự sống xuất hiện ngẫu nhiên, hay hoàn toàn ngược lại, nó là kết quả của một tính tất yếu huyền bí?”

Hỏi tức là đã trả lời. Đọc câu hỏi đó chúng ta đã có thể đoán người hỏi muốn trả lời như thế nào.

Cụ thể. Theo cuốn BÊN NGOÀI KHOA HỌC, có hai quan điểm đối lập về nguồn gốc sự sống: 

1/ Sự sống hình thành một cách ngẫu nhiên từ vật chất không sống; 

2/ Sự sống hình thành do một tác động siêu nhiên, một chủ ý có trước của Đấng Sáng tạo.

Quan điểm thứ nhất là quan điểm của thuyết tiến hóa, và cũng là quan điểm của “học thuyết sự sống hình thành tự phát” (doctrine of spontaneous generation) có từ thời Hy lạp cổ đại.

Quan điểm thứ hai là quan điểm của Lý thuyết Thiết kế Thông minh (Theory of Intelligent Design) và của Thuyết Sáng tạo (Creationism).

Quan điểm thứ nhất, học thuyết sự sống hình thành tự phát, đã bị đập tan bởi Định luật Tạo sinh (Law of Biogenesis) do Louis Pasteur khám phá năm 1862, với thí nghiệm bình cổ cong thiên nga nổi tiếng. Nhưng Darwin đã sáng tác ra học thuyết về “cái ao ấm áp”, sau này được các đệ tử chế biến thành lý thuyết về “nồi súp nguyên thủy” (primordial soup) hoặc “nồi súp tiền sinh thái” (prebiotic soup), thậm chí được các môn đệ tôn lên thành “thuyết tiến hóa hóa học” (chemical evolution), trong đó cho rằng vật chất vô cơ vào một dịp may mắn nào đó ngẫu nhiên kết hợp lại thành phân tử sống đầu tiên, rồi phân tử này tiến hóa dần dần thành mọi sinh vật ngày nay. Đây thực chất là học thuyết sự sống hình thành tự phát đã bị bác bỏ. Cơ sở duy nhất của thuyết tiến hóa hóa học là thời gian và cơ may ─ với thời gian gần như vô hạn, ít nhất sẽ có một dịp may xảy ra, và như thế là đủ để sự sống sinh sôi nẩy nở. “Thời gian tự nó sẽ làm các phép lạ” (Time itself performs miracles), George Wald tuyên bố (!!!). Vậy hãy xem các nhà khoa học trong cuốn BÊN NGOÀI KHOA HỌC nói gì về khả năng xảy ra “phép lạ” như George Wald nói.

Sau khi so sánh một con bướm (sự sống) với một hòn sỏi (cái không sống), Jean Guitton nhận xét “sự sống chứa đựng một lượng thông tin phong phú gấp bội so với cái không sống”, rồi ông hỏi: “Nếu sự sống chỉ là vật chất chứa nhiều thông tin hơn thì thông tin ấy từ đâu mà ra?” (trang 138).

Nếu thuyết tiến hóa bảo vật chất vô cơ NGẪU NHIÊN tập hợp lại để tạo thành vật chất sống thì, Guitton chất vấn, “Bằng “ngẫu nhiên” nào mà một số nguyên tử lại xích lại gần nhau để tạo thành những phân tử acid amin đầu tiên? Và bằng “ngẫu nhiên” nào mà những phân tử ấy được tập hợp lại để đi tới tòa nhà phức tạp ghê gớm là ADN ấy?… ai đã vạch ra các đề án của phân tử ADN đầu tiên mang theo thông điệp đầu tiên cho phép tế bào sống đầu tiên tự sinh sản?” (trang 139)

Rồi Guitton cho biết: “Những nhà nghiên cứu hàng đầu không còn bằng lòng với việc đọc thuộc lòng các quy luật của Darwin mà không suy nghĩ; họ dựng lên những lý luận mới, thường rất đáng kinh ngạc. Đó là những giả thuyết rõ ràng dựa vào sự can thiệp của một nguyên lý tổ chức siêu việt vào vật chất” (trang 139) [2]

Có nghĩa là những nhà nghiên cứu đi tiên phong trong sinh học không còn tin vào thuyết tiến hóa của Darwin nữa. Họ xây dựng những lý thuyết mới, trong đó nêu lên vai trò thiết yếu của Nhà Tổ chức Siêu việt ─ người ban hành những nguyên lý tổ chức buộc vật chất trong vũ trụ phải tuân thủ sao cho chúng kết hợp lại với nhau theo một tổ chức xác định chính là sự sống.

Guitton kết luận: “Cuộc phiêu lưu của sự sống đã được một nguyên lý tổ chức sắp xếp” (trang 140). Có nghĩa là ông bác bỏ khái niệm sự sống hình thành ngẫu nhiên hoặc tự phát, và hơn thế nữa, chỉ ra vai trò không thể thiếu của Nhà Thiết kế, tác giả của “nguyên lý tổ chức” đó.

Đáp lại ý kiến của Guitton, nhà vật lý Grichka Bogdanov nhắc đến một hiện tượng đáng kinh ngạc của sự sống do Ilya Prigorine, nhà hóa học đoạt Giải Nobel năm 1977, khám phá ra. Đó là hiện tượng các phân tử sống có khả năng giao tiếp với nhau như thế nào. Đây, hãy nghe chính Prigorine nói:

“Điều gây kinh ngạc là một phân tử BIẾT các phân tử khác làm gì đồng thời với nó ở những khoảng cách rất lớn. Những thí nghiệm của chúng tôi cho thấy các phân tử giao tiếp với nhau như thế nào. Tất cả mọi người đều chấp nhận thuộc tính ấy trong những hệ sống, nhưng chính thuộc tình ấy lại ít được chờ đợi nhất trong các hệ không sống” (trang 142).

Chữ “BIẾT” trong câu nói trên đã được tôi, PVHg, viết to để nhấn mạnh, bởi đây là hiện tượng quá kỳ lạ, kỳ lạ đến mức khó tin, nhưng buộc phải tin, vì đó là một kết quả thực nghiệm có thể nhìn thấy tận mắt. Sự thật này làm tôi liên tưởng ngay đến một tư tưởng rất quan trọng của Phật giáo mà Đức Đạt Lai Lạt Ma trình bày trong cuốn sách của ngài: “Vũ trụ trong một nguyên tử”, do Công ty Truyền thông Nhã Nam và NXB Thế giới vừa xuất bản tại Việt Nam năm 2016. Trong cuốn này, Đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định rằng ranh giới phân biệt sự sống với cái không sống là ở Ý THỨC chứ không phải ở cấp độ phức tạp của cấu tạo vật chất ─ cái gì có ý thức thì cái đó là một thực thể sống; cái gì không có ý thức thì cái đó là cái không sống, bất kể cấu tạo vật chất ra sao. Nếu thừa nhận quan điểm này thì lập tức suy ra rằng thuyết tiến hóa hoàn toàn bất lực trước việc giải thích nguồn gốc và bản chất sự sống, bởi nó hoàn toàn bất lực trước khái niệm ý thức. Toàn bộ học thuyết Darwin tảng lờ vấn đề ý thức, vì mọi cơ chế tiến hóa mà nó nêu lên đều là những cơ chế vật chất thuần túy.

Trở lại với hiện tượng các phân tử của sự sống BIẾT lẫn nhau, nếu khái niệm BIẾT ở đây được ví như “trí thông minh” của một phân tử thì, theo Ilya Prigorine, “trí thông minh” của phân tử cũng là ranh giới để phân biệt sự sống với cái không sống !

Vậy “trí thông minh” của phân tử sống từ đâu mà ra? Nếu không thừa nhận một lực lượng bí ẩn nào đó đã cung cấp “trí thông minh” ấy cho phân tử sống thì làm thế nào để giải thích hiện tượng này? Nhà vật lý Bogdanov cho rằng đó là “lối ứng xử thông minh lạ thường” (trang 142) của các phân tử sống mà khoa học không thể giải thích được ─ khoa học dựa trên logic thuần túy vật chất trở nên quá nghèo nàn để có thể hiểu được bản chất sự sống.

Đến lượt Guitton, ông cho rằng hiện tượng đó nói lên rằng vũ trụ có một định hướng, và“cái hướng sâu xa ấy nằm ở bên trong bản thân nó, dưới hình thức một nguyên nhân siêu việt” (trang 142).

Nguyên nhân siêu việt là cái gì, nếu không phải là Nhà Tổ chức Vĩ đại như đã nói ở trên, hay Nhà Thiết kế Vĩ đại, Nhà Lập trình Vĩ đại, Đấng Sáng tạo, Thượng đế, Chúa,…?

Các nhà khoa học thời này rất đáng thương. Họ phủ nhận Thượng đế nhưng chính khoa học đưa họ đến chỗ buộc lòng phải thừa nhận vai trò nhất thiết phải có của Đấng Sáng tạo để giải thích những hiện tượng vượt khỏi tầm với của khoa học. Trong tình huống lưỡng nan như thế, họ né tránh việc sử dụng những từ ngữ quen thuộc như Thượng đế, Chúa, Đấng Sáng tạo,… Họ phải tạo ra những tên gọi mới, thuật ngữ mới, có lẽ vì họ quá nhạy cảm với sự chống đối từ phía các nhà khoa học vô thần. Những từ ngữ mới đó giúp họ tránh được việc đối đầu mất thì giờ với những cái đầu khoa học thô thiển trình độ thấp. Nhưng rốt cuộc họ vẫn phải quay lại điểm ban đầu, rằng Thượng Đế sáng tạo ra tất cả ! Đó là điều cuốn BÊN NGOÀI KHOA HỌC nói một cách tế nhị với chúng ta.

ben-ngoai-khoa-hoc-1

Và đúng như tôi đã từng trình bày trong nhiều bài viết phê phán thuyết tiến hóa rằng toán học xác suất bác bỏ mọi cơ may để sự sống có thể hình thành ngẫu nhiên từ vật chất không sống, nhà vật lý G. Bogdanov cũng nhấn mạnh:

“Không một thao tác nào đã nhắc tới trên đây có thể được thực hiện ngẫu nhiên cả. Hãy lấy một trong nhiều ví dụ: để cho việc ghép các nucleotid “ngẫu nhiên” dẫn tới chỗ tạo ra ARN dùng được, Tự Nhiên cần phải mò mẫm thử đi thử lại nhiều lần, ít ra trong 10^15 năm, tức là một trăm nghìn lần nhiều hơn toàn bộ tuổi của vũ trụ chúng ta. Một ví dụ khác: nếu đại dương nguyên thủy đã đẻ ra tất cả các biến thể (tức là các đồng phân) có thể được tạo ra theo lối “ngẫu nhiên” từ chỉ một phân tử chứa đựng vài trăm nguyên tử, thì điều đó phải đưa chúng ta tới chỗ tạo dựng được hơn 10^80 đồng phân có thể có. Thế nhưng, cả vũ trụ có lẽ hiện chỉ có dưới 10^80 đồng phân”. (trang 145)

Đọc những phân tích nói trên, tôi muốn chuyển một thông điệp đến ngài George Wald, tác giả câu nói bất hủ “Thời gian tự nó sẽ tạo ra các phép lạ”, và ông Richard Dawkins, cái loa lớn tiếng nhất của thuyết tiến hóa hiện nay, rằng “Thưa các ông, các ông có hiểu những phân tích của G. Bogdanov ở trên không? Nếu không hiểu thì làm sao các ông có thể thấy được tính chất hoang đường của thuyết tiến hóa? Ngược lại, nếu hiểu thì các ông còn ôm lấy cái thuyết tiến hóa dựa trên may rủi như cờ bạc làm gì nữa?”.

Không ngờ những suy nghĩ đó hoàn toàn khớp với những gì Jean Guitton nói tiếp sau đó:

“Do đó, khi quan sát tính phức tạp đáng kinh ngạc của sự sống, tôi đi tới kết luận rằng bản thân vũ trụ thật “thông minh”: một trí tuệ siêu việt tồn tại trên bình diện hiện thực (tồn tại ở khoảnh khắc ban đầu mà chúng ta gọi là Sáng Tạo) đã ra lệnh cho vật chất đẻ ra sự sống” (trang 145).

Đến đây thì chúng ta thấy rõ ràng rằng các nhà khoa học trong cuốn BÊN NGOÀI KHOA HỌC không còn úp mở gì nữa, mà khẳng định rằng Đấng Sáng Tạo là tác giả của sự sống!

Chú thích:

[1] Xem:[2] Trong khi trích dẫn, tôi có sữa chữa một chút về từ ngữ cho thích hợp và dễ hiểu hơn (PVHg)
?ui=2&ik=bdf05e56c6&view=fimg&th=162e42030d5af553&attid=0.2&disp=emb&realattid=66a91fbe1ce85150_0

Tác giả: Phạm Việt Hưng

Thông tin về tác giả: Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.

Cụ Nguyễn Đức Cần, vị lương y siêu phàm vượt trên mọi giới hạn của khoa học

?ui=2&ik=bdf05e56c6&view=fimg&th=162e42030d5af553&attid=0.1&disp=emb&realattid=66a91fbe1ce85150_0

Khoa học rất tốt trong việc giải thích hàng loạt hiện tượng trong đời sống hàng ngày. Nhưng khoa học sẽ không tốt nếu bạn coi nó là phương tiện duy nhất để giải thích thế giới. Khi ấy bạn sẽ phủ nhận bất kỳ sự thật nào mà khoa học không giải thích được. Thực ra khoa học có giới hạn. Tồn tại nhiều sự thật rất khó tin nhưng vẫn xảy ra. Để hiểu những sự thật đó, trước hết chúng ta phải có một thái độ khiêm tốn học hỏi…

Trong câu chuyện hôm nay tôi sẽ đề cập đến những hiện tượng lạ lùng rất khó tin – những sự kiện không tuân thủ những định luật khoa học. Trước những hiện tương ấy, thường có 2 thái độ ứng xử trái ngược: một là bác bỏ ngay tức khắc, hai là thận trọng xem xét, cân nhắc suy nghĩ.

Thái độ thứ nhất thường rơi vào những người có thói tự phụ về khoa học, nhưng thực ra là thiếu tinh thần khoa học – tinh thần khiêm tốn cầu thị và tôn trọng hiện thực khách quan. Những người này thường đánh đồng hiện tượng siêu nhiên với hiện tượng mê tín dị đoan. Sự nhầm lẫn ấy thể hiện một trình độ nhận thức ấu trĩ, một cách nhìn lệch lạc về thế giới.

Lệch lạc trong nhận thức về thế giới

Một lệch lạc phổ biến là tâm lý đề cao khoa học, coi khoa học là chúa tể của nhận thức. Thậm chí trong thế giới khoa học, nhiều người lại đề cao toán học như “ông hoàng của các khoa học”. Mọi sự đề cao ấy đều lệch lạc. Sự lệch lạc này có nguồn gốc lịch sử: cuộc cách mạng khoa học và công nghệ diễn ra liên tiếp trong những thế kỷ vừa qua và hiện nay đã đưa khoa học và công nghệ lên ngôi vương. Xã hội thế tục coi thắng lợi vật chất là thước đo của văn minh và tiến bộ. Trong bối cảnh ấy, khoa học và công nghệ trở thành cứu cánh, trong khi các giá trị văn hóa và tinh thần ngày càng bị coi nhẹ, nền văn minh ngày càng phát triển theo hướng lệch lạc, xa rời các mục tiêu nhân bản.

Sự lệch lạc ấy đã được báo động từ lâu, nhưng cơn lốc sinh tồn cuốn mọi người theo nó – con người ngày càng vội vã đến mức không có lúc nào dừng lại để suy ngẫm. Không phải bây giờ con người mới thế, từ xa xưa con người đã như thế rồi. Bằng chứng là Socrates, ngay từ 2400 năm trước đã nhắc nhở học trò “Băn khoăn là sự khởi đầu của trí khôn” (Wonder is the beginning of wisdom). Từ đó đến nay, nhất là hiện nay, liệu có bao nhiêu người biết băn khoăn suy ngẫm?

Vì không băn khoăn suy ngẫm nên nhiều người ngộ nhận khoa học là trí khôn, từ đó đề cao khoa học đến mức bất chấp đạo lý. Có lẽ xu hướng này đã manh nha ngay từ thế kỷ 16 nên François Rabelais, nhà văn Pháp nổi tiếng thời Phục Hưng, đã phải sớm cảnh báo:

“Khoa học vô lương chỉ là sự hư nát của linh hồn” (Science sans conscience n’est que ruine de l’âme!).

Cảnh báo ấy mang dáng dấp của một tiên tri, vì trong hai thế kỷ vừa qua và hiện nay, chúng ta đã và đang chứng kiến nhiều loại khoa học vô lương ở nhiều cấp độ khác nhau diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Không ai có thể phủ nhận những thành tựu rực rỡ của khoa học mang lại lợi ích cho loài người, nhưng cũng không ai có thể phủ nhận một sự thật là nhiều khám phá khoa học đã đưa nền văn minh loài người tới bờ vực của sự tự hủy diệt, như chúng ta đang thấy. Tình trạng này là hệ quả của một nền văn minh thiên về vật chất, đề cao khoa học như chúa. Đó là một sai lầm lớn về nhận thức.

Ngày nay, một nhà khoa học đoạt Giải Nobel hay một nhà toán học đoạt Giải Field được trọng vọng như những đại diện của chân lý. Trong khi Blaise Pascal, ngay từ thế kỷ 17 đã cho rằng : “…toán học có thể xem như một bài thể dục cao nhất cho tinh thần; nhưng đồng thời nó cũng thật vô dụng đến nỗi tôi thấy ít có sự khác biệt giữa một người chỉ có toán học với một anh thợ thủ công nói chung” [1]. Điều đó có nghĩa là con người ngày nay “ngây thơ” hơn con người của thế kỷ 17 – cái đầu khoa học thì to lên nhưng trí khôn thực sự thì teo lại.

Sự sùng bái khoa học trong xã hội hiện đại có lẽ đã trở nên quá chướng, quá lố, đến nỗi Albert Einstein phải lên tiếng nhắc nhở :

“Chúng ta nên chú ý đừng tôn tri thức lên thành chúa; tất nhiên nó có sức mạnh cơ bắp, nhưng phi nhân tính” (We should take care not to make the intellect our god; it has, of course, powerful muscles, but no personality). Trong một số trường hợp khác, Einstein không ngần ngại nói những lời nặng nề gần như mắng vào mặt đám khoa học hợm hĩnh. Chẳng hạn ông tuyên bố: “Tôi không tin vào toán học” (I don’t believe in mathematics). Thật nghịch lý! Nhà khoa học được coi là vĩ đại nhất thế kỷ 20, người đã dùng toán học làm ngôn ngữ nền tảng để trình bày tư tưởng vật lý của mình, nay lại tuyên bố gần như phủ nhận toán học! Không, Einstein không phủ nhận toán học. Ông chỉ phủ nhận toán học của những kẻ muốn đề cao toán học như những chân lý tuyệt đối. Đó là chủ nghĩa toán học hình thức, vốn rất thịnh hành trong thời của Einstein. Trong con mắt của Einstein, đám đông chạy theo chủ nghĩa này dường như là đám khoa học “nửa mùa”, và tuyên bố của ông là một lời mắng mỏ dành cho họ.

Nhưng phản ứng rõ ràng nhất đối với sự lệch lạc của nền văn minh hiện đại có lẽ là ý kiến của nhà toán học lỗi lạc nhất thế kỷ 20, Kurt Gödel, tác giả của Định lý Bất toàn nổi tiếng. Ông nói:

“Chiến tranh nguyên tử sẽ không đáng lo ngại nếu các khoa học lịch sử, triết học, tâm lý học, văn học. v.v. cũng đạt được sự tiến bộ to lớn như vật lý học. Nhưng thay vì đạt được những tiến bộ như thế, người ta không khỏi ngạc nhiên trước sự thoái hóa đáng kể trong nhiều lĩnh vực khoa học tinh thần”

Đó là lời kết tội chủ nghĩa vật chất, mà cơ sở triết học của nó là chủ nghĩa duy vật. Trong bối cảnh của một xã hội trọng vọng vật chất và đề cao chủ nghĩa duy vật, các khoa học vật chất đương nhiên thả sức phát triển trong khi các khoa học tinh thần và tâm linh đương nhiên phải chịu lép vế, không có chỗ đứng hoặc thiếu chỗ đứng. Vì thế có thể hiểu được vì sao Gödel đã mạnh mẽ bày tỏ quan điểm của ông về thế giới siêu tự nhiên, nhằm thức tỉnh con người. Ông tuyên bố:

  • “Tồn tại những thế giới khác và những sinh mệnh có lý trí ở dạng khác và cao hơn” (There are other worlds and rational beings of a different and higher kind).
  • “Thế giới chúng ta đang sống không phải là duy nhất mà trong đó chúng ta đã sống và sẽ sống” (The world in which we live is not the only one in which we shall live or have lived).
  • “Có một triết học và thần học rất khoa học (chính xác), chuyên xử lý các khái niệm có tính trừu tượng cao nhất; và nó cũng mang lại nhiều thành quả nhất cho khoa học” (There is a scientific (exact) philosophy and theology, which deals with concepts of the highest abstractness; and this is also most highly fruitful for science).

Gödel, với niềm tin tâm linh như trên, là một hiện thân cho thấy một chân lý, rằng khoa học và tôn giáo không phải là hai phạm trù tư tưởng đối lập loại trừ lẫn nhau như giới khoa học vô thần thường rêu rao, mà trái lại, chúng bổ sung cho nhau để làm nên bức tranh hiện thực đầy đủ nhất, phong phú nhất.

Thật thú vị để nhận xét thêm rằng Gödel và Einstein, mặc dù rất thân thiết với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng Gödel có chiều sâu tâm linh vượt xa Einstein. Nếu Einstein dừng lại ở đức tin vào Đấng Sáng tạo, không tin vào thế giới tâm linh, thì Gödel, giống Nicola Tesla, tin chắc vào sự hiện hữu của thế giới tâm linh – thế giới của những thực thể khác với chúng ta và cao hơn chúng ta, thế giới của con người trước khi sinh ra và sau cái chết. Nếu Tesla muốn tiếp cận với thế giới ấy bằng các phương tiện vật lý thì Gödel tìm cách tiếp cận bằng con đường triết học và thần học khoa học, tức triết học và thần học dựa trên những phương pháp suy luận chặt chẽ và chính xác bằng toán học. Mặc dù cả hai ông, Tesla và Gödel, đều chưa đạt được mong muốn trong phạm vi nghiên cứu này, nhưng các ông là minh chứng cho thấy niềm tin vào hiện tượng siêu nhiên không phải là niềm tin mù quáng, mà là một niềm tin khách quan.

Trở lại với việc phê phán mặt trái của khoa học, tôi cho rằng mặt trái lớn nhất của nó là sự kích thích và nuôi dưỡng thói tự phụ của con người, một bản năng vốn có trong “cái tôi” (ego) vô thức.

Xây được những tòa nhà chọc trời, bắc được những cây cầu vượt biển, chế ra những máy bay phản lực siêu thanh, đưa người vào không gian vũ trụ, đặt chân lên mặt trăng, với tới Sao Hỏa, đi ngược vào bên trong vật chất tới tầng sâu thẳm của thế giới hạ nguyên tử, thâm nhập vào phần cốt lõi của sự sống, đọc được mã DNA, chế tạo ra những cỗ máy xử lý thông tin, thiết lập mạng thông tin không dây toàn cầu, thâu tóm toàn bộ tri thức của nhân loại vào những con chip nhỏ xíu, và bao nhiêu thành tựu kỳ diệu khác mà một thế kỷ trước đây tưởng như chỉ có Thượng Đế mới làm nổi… Quả thật thành tựu khoa học rất vĩ đại. Nhưng những thành tựu ấy vĩ đại bao nhiêu thì cũng đồng thời kích thích thói tự phụ bấy nhiêu. Kinh Thánh dạy: “Kiêu ngạo đến, ô nhục cũng đến; còn khôn ngoan ở với những người khiêm tốn” (When pride comes, then comes disgrace, but with humility comes wisdom) (Châm ngôn 11:2).

Tôi nhớ trong cuốn “Hành trình về Phương Đông” của Baird Spalding, thương gia Lawrence Keymakers cũng đưa ra một lời khuyên với các nhà khoa học của Hội Hoàng gia Anh trước khi các vị này bước vào nghiên cứu thế giới huyền bí, rằng: “…điều đầu tiên tôi học được là sự khiêm tốn… chỉ khi ta khiêm tốn gạt bỏ những thành kiến có sẵn ta mới tiếp nhận thêm được những điều mới lạ”.

Vậy trước hết, hãy khiêm tốn để tiếp nhận thêm những điều mới lạ. Thứ hai, học trải nghiệm. Bởi vì chỉ có sự trải nghiệm mới mang lại tri thức thật.

Học trải nghiệm

Tôi biết và thậm chí chứng kiến khá nhiều chuyện kỳ lạ có thật, vượt xa tầm với của khoa học logic và thực chứng. Có những chuyện xảy ra với chính bản thân tôi. Nhưng những chuyện này sẽ được kể sau. Bây giờ tôi xin kể một số hiện tượng siêu nhiên được ghi chép trong những sách báo đã được xuất bản chính thức, nhưng có thể nhiều người vẫn chưa biết, hoặc biết thoáng qua mà không thấy hết được ý nghĩa mầu nhiệm của nó.

Dẫu thế nào thì những sự thật được kể dưới đây, đối với nhiều người, vẫn rất khó tin. Có nhiều lý do để khó tin, nhưng lý do phổ biến nhất là sự trải nghiệm cá nhân.

Einstein nói: “Nguồn tri thức duy nhất là sự trải nghiệm” (The only source of knowledge is experience). Thậm chí, ông cho rằng: “Ví dụ không phải là một cách khác để dạy học, mà là cách duy nhất để dạy”. Có nghĩa là để giúp ai đó nhận thức một sự vật hay một sự việc, cách tốt nhất làm cho người ấy trông thấy, sờ thấy, hoặc trải nghiệm thấy sự vật hay sự việc đó.

Quả thật, không có trái nghiệm về thế giới tâm linh thì làm sao nhận thức được thế giới tâm linh?

Nhưng không ai có đủ mọi trải nghiệm. Không ai có thể trải qua tất cả mọi kinh nghiệm của nhân loại. Vì thế nhận thức của mỗi người phải được bổ sung bởi kinh nghiệm của người khác. Sách vở, nhà trường phải làm công việc đó. Tự học cũng là một cách học trải nghiệm rất tốt. Kinh nghiệm của người khác nếu chưa trở thành nhận thức của chính bạn thì ít nhất nó cũng trở thành dữ liệu nằm trong bộ nhớ của bạn. Bộ não của bạn sẽ xử lý nó khi cần thiết. Với thời gian, bạn sẽ có nhiều trải nghiệm hơn. Một ngày nào đó những dữ liệu ấy sẽ trở thành những thông tin có ý nghĩa. Vì thế tôi hy vọng những câu chuyện dưới đây ít nhất cũng sẽ trở thành những dữ liệu bổ ích cho bất kỳ ai muốn mở cánh cửa nhìn ra thế giới.

Nhà văn hóa tâm linh Nguyễn Đức Cần

Super-Natural (2)

Như tôi đã thông báo trong một bài viết mang tên Cái gì vượt quá tầm với hạn chế của lý lẽ và khoa học hiện đại?, cuốn sách “Nguyễn Đức Cần, nhà văn hóa tâm linh” của Nguyễn Phúc Giác Hải và Nguyễn Tài Đức, do NXB Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2013, là một sự kiện rất đặc biệt. Đây là một cuốn sách RẤT QUÝ, vì lần đầu tiên một tài liệu ghi chép những hiện tượng siêu nhiên xảy ra gần chúng ta nhất, cả về không gian lẫn thời gian, đã chính thức được công nhận. Đó là một bằng chứng vô giá về lịch sử, khoa học, văn hóa và tâm linh trong xã hội Việt Nam hiện đại. Trong mấy thập niên vừa qua, có một số hiện tượng kỳ lạ khác xảy ta tại Việt Nam, nhưng không có trường hợp nào phi thường như trường hợp của cụ Nguyễn Đức Cần.

Điều đặc biệt cần nhấn mạnh là ở chỗ sự nghiệp của cụ Nguyễn Đức Cần là minh chứng rõ ràng cho thấy phép lạ ĐÃ và ĐANG xảy ra ngay trong thời đại của chúng ta, thời đại trong đó khoa học kỹ thuật đã phát triển đến trình độ rất cao. Trong thời đại này, phép lạ do khoa học kỹ thuật tạo ra và phép lạ siêu tự nhiên vẫn song song tồn tại, không loại trừ lẫn nhau, không mâu thuẫn với nhau. Mỗi phép lạ đều có sứ mạng riêng của nó.

Bản thân các nhà khoa học tham gia nghiên cứu trường hợp cụ Nguyễn Đức Cần đều là những nhà khoa học có trình độ cao, như GS Nguyễn Hoàng Phương, GS Nguyễn Phúc Giác Hải,… Những người ủng hộ chương trình nghiên cứu này là những nhà khoa học có uy tín của Việt Nam, như GS Nguyễn Văn Hiệu, Viện trưởng Viên Khoa học VN, GS Đào Vọng Đức, Viện trưởng Viện Vật lý,…

Super-Natural (3)

Vì thế đến hôm nay nếu ai còn cho rằng hiện tượng chữa bệnh không dùng thuốc của cụ Nguyễn Đức Cần là chuyện mê tín dị đoan thì người ấy hoặc trí tuệ thấp, hoặc lười biếng không chịu nghiên cứu, hoặc mắc bệnh tự phụ khoa học lố bịch.

Cụ Cần là một bậc thánh làm nhiều phép lạ, nhưng chủ yếu là các phép lạ chữa bệnh. Bản thân cụ được thụ giáo bởi hai ông thầy. Hai vị này ắt cũng phải là những bậc thánh trong thế kỷ 20. Rất tiếc là thông tin về hai vị thánh đó quá ít, không đủ để cho chúng ta lý giải được vì sao cụ Cần có thế có được những phép lạ như vậy.

Trong cuốn sách dày 487 trang này, có quá nhiều phép lạ. Tôi muốn chọn một chuyện tiêu biểu nhất để kể ra ở đây, nhưng rất khó, vì chuyện nào cũng rất ấn tượng. Cuối cùng tôi đành chọn ngẫu nhiên vài chuyện sau đây.

  • Ông Nguyễn Hữu Thái ở Sơn Tây, Thiếu tá, Trung đoàn phó Trung đoàn 151, Quân Khu III, kể rằng ông mắc bệnh quá hiểm nghèo: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốt miên man một tháng rưỡi, bệnh viện quân đội điều trị không khỏi, miên man bất tỉnh và hôn mê hoàn toàn. Đơn vị và gia đình ông đã chuẩn bị tang lễ cho ông vào ngày 25/12/1982. Nhưng thật phúc đức, nhờ bà dì ruột của ông dẫn ông tới trình cụ Cần, xin cụ chữa giúp và được cụ nhận lời. Từ đó ông Thái đã tỉnh lại, khỏi bệnh, ăn ngủ được, đi lại được.
  • Ông Nguyễn Quang Chiểu, giám đốc nhà máy cơ khí nông nghiệp, tháng 02/1982 lâm bệnh nặng phải đưa vào Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ chẩn đoán viêm gan siêu vi trùng và chuyển xuống khoa A5. Tại đó các bác sĩ lại nói không phải bệnh gan, mà bị tắc mật không rõ nguyên nhân. Các bác sĩ nói mật đã sưng to hơn bình thường 250 lần. Sau đó lại được chuyển sang khoa B2, chẩn đoán ung thư gan và đến ngày 04/02/1982 thì mổ mật. Sau khi mổ, tình trạng rất nguy ngập. Các bác sĩ nói bệnh đã di căn lên não, chẳng còn một phần nào hy vọng sống nữa, chỉ đợi chết mà thôi. Ngày 07/02/1982, ông Dụ, một bệnh nhân cũ của cụ Cần, bỗng thấy nóng ruột, đến chơi nhà ông Chiểu. Nghe tin ông Chiểu bệnh nặng, ông Dụ vào ngay bệnh viện để thăm. Chứng kiến cảnh gia đình mang quần áo vào bệnh viện chuẩn bị khâm liệm cho ông Chiểu, ông Dụ không cầm được nước mắt, vợ ông Chiểu thì ngất liên tục không còn hay biết gì nữa. Thấy tình thế khẩn cấp như vậy, ông Dụ liền cùng con trai thứ hai của ông Chiểu tới cầu xin cụ Cần cứu chữa cho ông Chiểu. Cụ Cần cho một tờ giấy có chữ ký của cụ mang về. Gia đình ông Chiểu đã hóa tờ giấy đó ngay trước phòng hồi sức. Vừa hóa xong thì ông Chiểu hé mở được mắt và cơ thể ấm dần lên. Nhờ ơn cụ Cần, ông Chiều từ chỗ chẳng còn hy vọng nào sống được, nay đã bình phục. Bây giờ đã ăn được cơm, đi lại được. Gia đình đã chụp một tấm ảnh bên linh cữu chuẩn bị cho ông Chiểu để dâng tặng cụ Cần.
  • Anh Nguyễn Hữu Tráng ở 106 Linh Quang, Đống đa, Hanoi, bị bệnh thận, mặt sưng to như cái thớt, nước cháo cũng không uống được, chỉ còn 32 cân và chỉ còn chờ chết. Cụ Cần đã nhận lời chữa cho anh Tráng. Chỉ sau một tháng mặt đã hết sưng, mỗi bữa anh Tráng ăn được 7 bát cơm, ngày ăn 3 bữa không biết no. Từ 32 cân, nay đã lên 60 cân. Anh Tráng đã khỏe mạnh và đã đi làm.
  • Đại tá Lưu Huy Chao, sinh năm 1933, phi công lái máy bay Mic17, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Năm 1979 ông bị bệnh mất ngủ liên tục. Ông đã nằm điều trị tại nhiều bệnh viện quân đội như Bệnh viện 7 ở Đà Nẵng, Bệnh viện Saigon, Bệnh viên quân y 108. Có giai đoạn ông nằm bệnh viện 4 tháng liền không khỏi. Ông muốn chữa dứt bệnh vì vẫn còn đang bay. Có người mách ông đến xin cụ Cần chữa giúp. Gặp cụ, ông thưa với cụ mỗi đêm ông chỉ ngủ được từ 1 đến 2 giờ, tình trạng ấy kéo dài đã hơn 2 năm. Cụ Cần lấy một tờ giấy nhỏ như bao thuốc lá, viết chữ vào đấy, rồi đưa cho bệnh nhân. Cụ dặn khi ngủ thì đặt tờ giấy lên trán. Sau một tuần lễ, ông Chao đã ngủ được từ 3 đến 4 giờ. Khoảng 15 ngày sau ông đã ngủ được bình thường, sức khỏe hồi phục.
  • Vẫn đại tá Lưu Huy Chao nói trên. Lần này ông bị đâm xe ngã, bị rạn xương vai. Nằm viện 108 một tuần mà vẫn đau quá, ông Chao nhớ đến cụ Cần. Ông lại đến xin cụ chữa. Cụ lại viết vào một tờ giấy rồi đưa cho bệnh nhân, dặn để vào chỗ đau. Sau độ 7 ngày, ông Chao đỡ đau, đứng dạy đi lại được. Sau 10 ngày thì tình trạng trở lại hoàn toàn bình thường, trở lại công việc, tiếp tục bay. Trong một hội nghị của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, ông Chao đã báo cáo lại cho hội nghị biết tường tận trường hợp ông được cụ Cần chữa bệnh như thế nào, trước sự chứng kiến của các nhà khoa học, trong đó có Giáo sư Tiến sĩ Đào Vọng Đức, Viện trưởng Viện Vật lý thuộc Viện Khoa học Việt Nam.

Phương pháp chữa bệnh của cụ Cần là những hiện tượng siêu tự nhiên, vì cụ không dùng thuốc, thậm chí không tiếp xúc với bệnh nhân (chữa bệnh thông qua người nhà đến gặp cụ kể bệnh của bệnh nhân, hoặc chữa bệnh cho những bệnh nhân không quen biết ở nước ngoài, thông qua người giới thiệu). Theo các tác giả cuốn sách nói trên, cụ Cần áp dụng 3 phương pháp chủ yếu sau đây:

–  Lời nói (còn gọi là chú, mật chú, mật ngữ, Dharani).

–  Tờ đạo (còn gọi là phù, linh thần phù, Mandhara)

–  Chữa bệnh bằng tay (trong Mật tông gọi là ấn quyết, Mudra).

Bình luận của tác giả

Super-Natural (3)a

Tài chữa bệnh của cụ Cần, không nghi ngờ gì nữa, là phép lạ siêu tự nhiên, vì nó vượt ra khỏi cái khung tiêu chuẩn của khoa học:

Tiêu chuẩn 1: Logic. Mọi suy luận của khoa học phải dựa trên những tiên đề được thừa nhận. Trong trường hợp này, việc chữa bệnh của cụ Cần không dựa trên bất kỳ một tiên đề nào của khoa học. Ngược lại, mọi tiên đề của khoa học đều không thể áp dụng vào trường hợp chữa bệnh của cụ Cần.

Tiêu chuẩn 2: Thực chứng khách quan. Hiện tượng quan sát có thể lặp đi lặp lại bằng thí nghiệm để kiểm tra. Nhưng không ai có khả năng lặp lại những việc cụ Cần đã làm. Chỉ có chính bản thân cụ mới có thể lặp lại những gì cụ đã làm.

Tóm lại, việc chữa bệnh của cụ Cần giúp chúng ta thấm thía lời Socrates 2400 năm trước: “Điều duy nhất tôi biết là tôi chẳng biết gì cả”.

Khao khát hiểu biết nằm trong bản năng của con người. Einstein lúc sinh thời thường thốt lên “Tôi muốn hiểu được ý Chúa”. Nhưng “ý Chúa” trong tư tưởng của Einstein chỉ bó hẹp trong tầng thế giới vật chất. Ý Chúa thực ra rộng lớn hơn rất nhiều. Gödel tỏ ra sâu sắc hơn Einstein khi ông nói có những thế giới khác, cao hơn thế giới của chúng ta.

Đẩy tư tưởng của Gödel đi xa hơn một chút, tôi muốn nói rằng các thế giới có thể có một quan hệ tương tác liên thông nào đó với nhau mà chúng ta không biết. Đúng hơn, khoa học không biết và không thể biết, vì khoa học tôn sùng chủ nghĩa duy vật, khoa học tự giam hãm mình trong cái lồng chật hẹp của chủ nghĩa duy vật. Để thoát ra khỏi cái lồng đó, phải bổ sung vào nhận thức những khái niệm của Lý thuyết Thông tin.

Thế kỷ 20 là thế kỷ của những cuộc cách mạng về nhận thức, với sự ra đời của hàng loạt lý thuyết khoa học làm đảo lộn nhận thức: Thuyết Lượng tử; Thuyết Tương đối; Nguyên lý Bất định; Lý thuyết Hỗn độn; Định lý Bất toàn… Nhưng tất cả những cuộc cách mạng ấy chưa đủ để làm cho con người thoát ra khỏi cái lồng của chủ nghĩa duy vật, mặc dù Định lý Bất toàn là tín hiệu báo cho nhân loại biết rằng cái lồng đó quá chật hẹp. Tuy nhiên, từ nửa cuối thể kỷ 20 đến nay, nhân loại đang chứng kiến một cuộc cách mạng thực sự giải phóng con người khỏi cái lồng của chủ nghĩa duy vật, đó là SỰ RA ĐỜI CỦA LÝ THUYẾT THÔNG TIN, trong đó những THỰC TẠI PHI VẬT CHẤT lần đầu tiên đã trở thành đối tượng nghiên cứu của khoa học. Đó là THÔNG TIN!

Thật vậy, Lý thuyết Thông tin đã tự động bác bỏ chủ nghĩa duy vật bởi 2 Tiên đề cơ bản sau đây:

Tiên đề 1: “Thông tin là thông tin, thông tin không phải là vật chất và năng lượng” (Information is information, not matter or energy).

Đó là tuyên bố của Norbert Weiner, cha đẻ cybernetics (điều khiển học). Tuyên bố ấy đã trở thành một tiên đề nền tảng của Lý thuyết Thông tin. Nói cách khác, thông tin là một thực tại khách quan, tồn tại độc lập với vật chất, mặc dù nó thường biểu lộ qua vật chất hoặc được chuyển tải bởi vật chất. Vật chất có thể biến mất (chuyển từ dạng này sang dạng khác), nhưng thông tin luôn luôn tồn tại. Trước đây tôi quan niệm linh hồn là một dạng sóng, nhưng giờ đây tôi cho rằng linh hồn của con người là một dạng thông tin, và do đó thông tin ấy sẽ tồn tại mãi mãi, kể cả sau cái chết. Tư tưởng này sẽ giúp ta giải thích được rất nhiều hiện tượng tâm linh.

Tiên đề 2: Mọi thông tin đều có nguồn; nguồn thông tin ắt phải là một TRÍ TUỆ THÔNG MINH.

Khoa học chứng minh rằng vũ trụ tuân thủ những định luật vật lý xác định. Nói cách khác, tồn tại những thông tin điều khiển sự vận hành của vũ trụ. Thông tin ấy từ đâu mà ra? Không thể có câu trả lời nào khác: Đấng Thiết kế vũ trụ, tức Đấng Sáng tạo. DNA chứa thông tin về sự sống. Thông tin ấy từ đâu mà ra? Câu trả lời tương tự: Đấng Thiết kế sự sống, tức Đấng Sáng tạo.

Nếu linh hồn của con người là một dạng thông tin, thì thông tin ấy từ đâu mà ra? Kinh Thánh đã trả lời: “Thiên Chúa lấy đất nặn một hình người, và thổi sinh khí vào mũi nó, tức thì hình nặn ấy thành một thực thể sống động” (Sáng thế ký 2:7). Cái sinh khí Chúa thổi vào mỗi chúng ta chính là những thông tin làm cho chúng ta trở nên người! Nếu không, chúng ta chỉ là đất, là cát bụi. Sự chết là sự trở về cát bụi của thể xác, nhưng linh hồn vẫn tồn tại, vì thông tin không bao giờ mất.

Nữ thánh Mary Mackillop của Úc nói : “Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta chỉ là những lữ khách trên đời này mà thôi” (Remember we are all but travelers here). Ý Ngài nhắc chúng ta rằng cuộc sống giống như một chuyến lữ hành, rồi ta sẽ phải về nhà.

Super-Natural (4)

Làm sao để cụ Cần có thể làm được công việc phi thường đó?

Hãy hỏi 2 sư phụ của cụ. Nhưng các sư phụ của cụ chỉ hé lộ cho cụ Cần biết, không cho chúng ta biết. Đó là cơ Trời, mà chỉ có những người có sứ mạng đặc biệt mới được biết.

Những người không có tôn giáo thường không tin vào cơ Trời, không tin vào những sứ mệnh đặc biệt. Nhất là những người theo chủ nghĩa duy khoa học (scientism), thường cho rằng với khoa học, mọi người đều có thể nắm bắt được mọi bí mật của vũ trụ, miễn là anh ta chịu khó học hỏi. Điều này đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Có nhiều sự thật chỉ có những nhân vật mang một sứ mạng đặc biệt mới được biết. Tùy theo sứ mạng được giao lớn hay nhỏ mà người ấy được biết những bí mật lớn hay nhỏ.

Einstein là một người có sứ mạng vĩ đại, tôi nghĩ vậy. Vì thế ông mới có thể có bộ óc phi thường đến như thế. Nhưng Einstein, có lẽ, chỉ có sứ mạng vén tỏ bức màn bí mật của vũ trụ về mặt vật chất mà thôi. Ông [có lẽ] không được mặc khải về tâm linh.

Tôi tin cụ Cần cũng là một trong những người có sứ mạng đặc biệt, và chính cụ ý thức rõ điều đó. Đó là lý do cụ chữa bệnh không lấy tiền, thậm chí một đồng quà tấm bánh của bệnh nhân để tỏ lòng biết ơn cụ cũng không nhận. Cụ sống đạm bạc, hy sinh đến mức tuyệt đối, nêu cao một tấm gương đạo đức sáng ngời, luôn miệng dạy bảo bệnh nhân phải sống đạo đức, từ bỏ điều xấu. Một con người như thế chỉ có thể là một bậc thánh, nhận một sứ mệnh cao cả từ những bề trên thiêng liêng trao cho. Cụ báo động cho chúng ta biết rằng chúng ta đang sống trong một thời đại vô cùng khó khăn, đầy tai kiếp, nhưng chính vì thế càng phải tu dưỡng đạo đức. Thông điệp cụ gửi gắm tới chúng ta thông qua các bệnh nhân, theo tôi, không chỉ là thông điệp của cá nhân cụ, mà của những thế giới khác, cao hơn thế giới của chúng ta. Bản thông điệp này cực kỳ quan trọng, hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa ấy vượt lên trên việc chữa bệnh thể xác, mà gợi ý cho chúng ta suy ngẫm về việc chữa bệnh linh hồn. Nếu không tập trung tư tưởng để suy ngẫm thì chúng ta không thể lĩnh hội bản thông điệp ấy được.

pham viet hung

Tác giả: Phạm Việt Hưng  Toan Trinh chuyen

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn