Trí thông minh nhân tạo: Tham vọng của nước Pháp

Thứ Bảy, 28 Tháng Tư 201812:00 CH(Xem: 6590)
Trí thông minh nhân tạo: Tham vọng của nước Pháp
mediaTổng thống Pháp Macron đến thăm bệnh viện của Viện Curie ngày 29/03/2018 để tìm hiểu ứng dụng của trí thông minh nhân tạo trong y khoa.Reuters

Ngày 29/03/2018, phát biểu tại hội thảo về đề tài « Trí thông minh nhân tạo đối với nhân loại » tại Collège de France ở Paris, tổng thống Emmanuel Macron đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo, một công nghệ đang mang lại nhiều thay đổi lớn cho nền kinh tế và xã hội.

Để chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của ông đối với công nghệ này, trước khi phát biểu tại hội thảo ở Collège de France, tổng thống Macron đã đến bệnh viện của Viện Curie để tìm hiểu về những ứng dụng của trí thông minh nhân tạo trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là khoa ung thư học.

Trí thông minh nhân tạo (tiếng Anh: Artificial intelligence - AI) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính. Như tên gọi của nó, đây là trí thông minh do con người lập trình tạo nên để giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Cụ thể, trí thông minh nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi,…

Trí thông minh nhân tạo được ứng dụng trong các công nghệ như xe hơi tự động, điều khiển bằng hiệu lệnh, dịch thuật tự động, nhận dạng gương mặt, hoặc trong việc chế tạo những robot có thể thực hiện những nhiệm vụ phức tạp…

Thu hút những tài năng sáng giá nhất

Hiện giờ, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang nắm vị thế áp đảo trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Tham vọng của tổng thống Macron là đưa Pháp trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này, qua việc thu hút các nhà nghiên cứu giỏi nhất, thành lập một trung tâm trình độ quốc tế, phát triển một chính sách về dữ liệu...

Nhưng trước hết phải làm sao thuyết phục các nhà nghiên cứu Pháp hiện là « siêu sao » ở nước ngoài chấp nhận quay trở về để giúp phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo. Trong số này phải kể đến Luc Julia, trước đây làm cho Apple, nay « đầu quân » cho Samsung. Ông sẽ nắm chức giám đốc trung tâm nghiên cứu tương lai của tập đoàn Hàn Quốc ở Paris.

Ông Macron đã thông báo là nhà nước Pháp sẽ chi ra đến 1,5 tỷ euro trong toàn bộ nhiệm kỳ 5 năm của ông để phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo. Nói cách khác, trí thông minh nhân tạo sẽ là lĩnh vực đầu tiên được phát triển trong khuôn khổ Quỹ Sáng tạo và Công nghiệp, một quỹ có ngân sách tổng cộng là 10 tỷ euro.

Mục tiêu mà tổng thống Macron đề ra là nước Pháp sẽ trở thành một nơi nghiên cứu hàng đầu thế giới về trí thông minh nhân tạo. Bối cảnh hiện nay rất thuận lợi với việc nước Anh rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ của Donald Trump đang thu mình lại, khiến cho nước Pháp trở lại thành một quốc gia có sức hấp dẫn lớn. Điều này đã được thể hiện qua thành công của hội nghị « Choose France » tại lâu đài Versailles tháng 01/2018, để thuyết phục các đại tập đoàn đầu tư vào nước Pháp.

Kế hoạch phát triển trí thông minh nhân tạo mà tổng thống Pháp vừa loan báo chính là dựa trên một báo cáo mà tác giả là dân biểu Quốc Hội, thuộc đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước và cũng là một nhà toán học xuất chúng, Cédric Villani.

Để làm báo cáo dày 200 trang này, ông Villani đã thực hiện hơn 300 cuộc tham vấn các chuyên gia trên khắp thế giới. Nhà toán học Villani hy vọng là kế hoạch phát triển trí thông minh nhân tạo mà ông đề nghị sẽ « đánh thức » nước Pháp và châu Âu trong lĩnh vực này. Nhưng theo ông Villani, nước Pháp không thể giữ được vị thế của mình nếu không có sự hỗ trợ của châu Âu.

Trong báo cáo này, dân biểu Villani đặt trọng tâm vào việc ngăn chận việc chảy máu chất xám, bằng cách tăng gấp đôi lương của các nhà nghiên cứu mới vào nghề và tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, cho họ được tự do hành động hơn. Ông đề ra mục tiêu là trong vòng 3 năm, Pháp sẽ tăng gấp ba số người được đào tạo về trí thông minh nhân tạo. Để đạt được mục tiêu này, Pháp cần thiết lập một mạng lưới các viện giảng dạy và nghiên cứu chuyên về trí thông minh nhân tạo.

Dân biểu Villani còn đề nghị nên tạo điều kiện cho các dữ liệu được lưu thông dễ dàng hơn ở Pháp và châu Âu, vì dữ liệu chính là « nguyên liệu » cần thiết cho các hệ thống trí thông minh nhân tạo.

Báo cáo Villani đề nghị nước Pháp tập trung nỗ lực phát triển trí thông minh nhân tạo trong 4 lĩnh vực : y tế, giao thông, môi trường và quốc phòng. Nhưng báo cáo này cũng đặc biệt lưu ý đến khía cạnh đạo lý của công nghệ trí thông minh nhân tạo, bởi vì công nghệ này có thể giúp chế tạo những máy móc khổng lồ với khả năng phân tích vượt xa khả năng của con người, và điều này đang gây nhiều quan ngại.

Ông Villani còn nhấn mạnh đến mặt xã hội của việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo nhân tạo, bởi vì trong tương lai, nhiều công việc mà hiện do con người thực hiện sẽ được tự động hóa hoàn toàn và điều này sẽ có tác động rất lớn lên thị trường lao động.

Các tập đoàn lớn nhập cuộc

Chưa biết là Pháp có sẽ vượt lên đứng đầu thế giới về trí thông minh nhân tạo hay không, nhưng trước mắt lĩnh vực này có vẻ thu hút nhiều tập đoàn quốc tế.

Nhân hội nghị về trí thông minh nhân tạo hôm thứ năm tuần trước, tập đoàn Microsoft của Mỹ đã thông báo sẽ đầu tư 30 triệu đôla trong 3 năm để phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo tại Pháp.

Trong một thông cáo, Microsoft thông báo thành lập một tập thể các doanh nghiệp về trí thông minh nhân tạo, mang tên Compétence IA, để hỗ trợ cho các dự án sử dụng trí thông minh nhân tạo trong nhiều lĩnh vực như y tế, giao thông hay môi trường.

Microsoft cũng sẽ tiến hành một chương trình toàn quốc đào tạo về lĩnh vực này, thông qua trường IA Microsoft. Mục tiêu của Microsoft là trong vòng 3 năm đào tạo được 400 ngàn người và tạo ra 3.000 việc làm mới. Giám đốc chi nhánh Pháp của Microsoft cho rằng nước Pháp « có đủ các lợi thế quan trọng để đóng góp một cách tích cực vào việc phát triển các công nghệ trí thông minh nhân tạo với sự tôn trọng com người và vì lợi ích của con người ».

Có lẻ cũng có cùng suy nghĩ như Microsoft, cho nên tập đoàn Samsung của Hàn Quốc sẽ đặt tại Pháp trung tâm nghiên cứu lớn hàng thứ ba thế giới của tập đoàn này ( sau hai trung tâm ở Seoul và Hoa Kỳ ). Trung tâm sẽ được đặt ở Paris hoặc ở khu Sarclay, ngoại ô phía tây nam thủ đô Pháp. Mục tiêu đề ra cho trung tâm này là thu hút khoảng 50 nhà nghiên cứu từ đây đến cuối năm 2018 và khoảng 100 người trong tương lai. Cho tới nay, Samsung chỉ có một trung tâm nghiên cứu nhỏ, sử dụng khoảng 15 người.

Còn tập đoàn Fujitsu của Nhật cũng đã quyết định chọn Pháp là nơi đặt trung tâm nghiên cứu của họ về trí thông minh nhân tạo ở châu Âu. Trung tâm này sẽ làm việc cùng với Viện Nghiên cứu tin học và tự động học quốc gia ( INRIA ) của Pháp. Tuy nhiên, Fujitsu chưa nói rõ là họ sẽ huy động bao nhiêu nhà nghiên cứu cho trung tâm ở Pháp.

Về phần Google, tập đoàn này thông báo sẽ liên kết với các trường đại học lớn của Pháp như Trường Bách Khoa để mở các khóa giảng dạy về trí thông minh nhân tạo kể từ niên học tới. Trong khi đó, công ty Anh Quốc DeepMind, chi nhánh của tập đoàn Alphabet, thông báo mở một phòng thí nghiệm ở Paris, phòng thí nghiệm về trí thông minh nhân tạo đầu tiên ở châu Âu lục địa. Phòng thí nghiệm này dự kiến sẽ làm việc với các cơ quan nghiên cứu của nhà nước, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp ( CNRS ), các trường đại học lớn và Viện Nghiên cứu tin học và tự động học quốc gia ( INRIA ).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn