Từ xa xưa, người Hồi giáo đã khám phá ra phương pháp phẫu thuật hay thiết kế cỗ máy biết bay, tạo tiền đề cho sự phát triển của thế giới văn minh ngày nay.
1. Cỗ máy biết bay
Kỹ sư người Hồi giáo Abbas ibn Firnas là người đầu tiên thực hiện kế hoạch chế tạo một cỗ máy biết bay và thử nghiệm nó. Khoảng thế kỷ 9, ông thiết kế một bộ khung có cánh và hy vọng nó có thể bay như chim. Trong lần thử nghiệm nổi tiếng ở Cordoba, Tây Ban Nha, cỗ máy này bay lên cao vài giây trước khi rơi xuống mặt đất và khiến ông bị gãy lưng. Sản phẩm của Abbas được cho là nguồn cảm hứng của Leonardo da Vinci hàng trăm năm sau đó.
Abbas ibn Firnas (trái) và hình ảnh mô phỏng chuyến bay thử nghiệm của ông. (Ảnh: ilmfeed.com)
2. Phẫu thuật
Khoảng năm 1000, bác sĩ Al Zahrawi công bố bách khoa toàn thư về phẫu thuật dày 1.500 trang. Cuốn sách này từng được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu y khoa 500 năm sau.
Zahrawi còn là người phát hiện ra cách sử dụng chỉ ruột mèo để khâu các vết thương trong phẫu thuật. Ông cũng là bác sĩ từng thực hiện ca sinh mổ đầu tiên và phát minh dụng cụ kẹp trong phẫu thuật.
3. Cafe
Theo giáo sư Salim al-Hassani, chủ tịch Tổ chức Khoa học, Công nghệ và Nền văn minh của Anh, cafe được pha lần đầu tiên ở Yemen khoảng thế kỷ 9. Vào thời đó, đây là thức uống giúp người theo Sufi giáo thức đêm để cầu nguyện. Về sau, cafe được một nhóm sinh viên đưa đến Cairo, Ai Cập và sau đó là ở Thổ Nhĩ Kỳ khoảng thế kỷ 13. Hạt cafe bắt đầu xuất hiện ở châu Âu ba thế kỷ sau và được một thương nhân mang sang Italy.
4. Trường đại học
Năm 859, Fatima al-Firhi – con gái của một thương nhân giàu có, thành lập trường đại học cấp bằng đầu tiên trên thế giới tại Fez, Morocco. Cùng với nhà thờ Hồi giáo do người chị Miriam sáng lập, nơi này trở thành khu phức hợp trường Đại học và Nhà thờ Hồi giáo al-Qarawiyyin, hoạt động đến gần 1.200 năm. Giáo sư Hassani cho biết câu chuyện này nhấn mạnh rằng giáo dục là cốt lõi trong truyền thống của người Hồi giáo, đồng thời hy vọng nó truyền cảm hứng cho phụ nữ Hồi giáo ngày nay.
5. Quang học
Nhiều thành tựu và tiến bộ khoa học quan trọng trong nghiên cứu quang học xuất phát từ nền tảng của thế giới Hồi giáo. Ibn al-Haitham từng chứng minh rằng con người nhìn các vật thể khi ánh sáng phản chiếu và đi vào mắt, khác với lý thuyết của Euclid và Ptolemy vốn khẳng định ánh sáng được phát ra từ mắt. Nhà vật lý này cũng phát hiện hiện tượng hộp tối, giải thích cách mắt người nhìn các hình ảnh nhờ sự kết nối giữa não bộ và dây thần kinh thị giác.
6. Âm nhạc
Âm nhạc Hồi giáo có ảnh hưởng sâu rộng đến âm nhạc châu Âu. Theo các nhà nghiên cứu, đàn lute và rahab - tiền thân của violin, là hai trong số các loại nhạc cụ được mang sang châu Âu. Thang âm hay gam trong âm nhạc hiện đại được cho là xuất phát từ bảng chữ cái Arab.
7. Bàn chải đánh răng
Nhà tiên tri Mohammed được cho là người góp phần phổ biến cách sử dụng bàn chải đánh răng từ năm 600. Mohammed làm sạch răng và hơi thở bằng cách sử dụng một cành cây Meswak nhỏ. Các chất tương tự như trong cây Meswalk được sử dụng trong kem đánh răng.
Một số nước Hồi giáo và châu Phi ngày nay vẫn có thể dùng nhánh meswak nhỏ để làm sạch răng. (Ảnh: ShutterStock)
8 .Bệnh viện và hệ thống chăm sóc sức khỏe
Người Hồi giáo đã tiên phong trong việc xây dựng các bệnh viện hiện đại đầu tiên. "Các bệnh viện chúng ta biết ngày nay, với hệ thống phòng khám và trung tâm đào tạo, có nguồn gốc từ thế kỷ 9 ở Ai Cập", giáo sư Hassani cho hay. Trung tâm y tế đầu tiên trên thế giới có tên Ahmad ibn Tulun, thành lập năm 872 tại thủ đô Cairo, cung cấp dịch vụ chăm sóc miễn phí cho bệnh nhân dựa theo truyền thống của người Hồi giáo. Không chỉ cung cấp dịch vụ y tế mà còn là trung tâm nghiên cứu và giảng dạy y học. Những bệnh viện này có các khoa riêng biệt, hồ sơ bệnh án và hệ thống cấp bậc y tế, tạo tiền đề cho hệ thống y tế hiện đại.
9. Cờ vua
Sơ khởi, thời Ấn Độ cổ đại người ta đã phát minh ra một dạng cờ với 64 ô, gắn với truyền thuyết nổi tiếng về ông vua hào phóng ban thưởng cho người phát minh ra nó mỗi ô số hạt thóc gấp đôi số hạt thóc ở ô trước. Nhưng sau đó đến Ba Tư (Iran) trò này mới được phát triển thành dạng cờ vua như ngày nay và nhanh chóng phổ biến sang Tây Âu và cả các nước châu Á như Nhật Bản.
Khi trò chơi này đưa đến Ba Tư thì mới được phát triển thành dạng cờ vua như ngày nay.
10. Dầu gội đầu
Có thể do tắm gội là quy định tôn giáo bắt buộc của người Hồi giáo nên chính họ là người đã hoàn thiện công thức chế tạo xà phòng mà đến nay chúng ta vẫn đang sử dụng. Trước đó, người Ai Cập cổ đại đã dùng xà phòng, người La Mã cũng dùng xà phòng như một loại sáp thơm. Nhưng chính những người Ảrập mới biết kết hợp dầu thực vật với chất xút và hương liệu để làm ra xà phòng.
11. Đại số học (Algebra)
(Ảnh: Bayt Al Fann).
Muhammad ibn Musa al-Khwarizmi, nhà toán học, nhà thiên văn học và địa lý học người Ba Tư sống vào thế kỷ IX, được coi là "cha đẻ của đại số học". Tác phẩm của ông, "Kitab al-Mukhtasar fi Hisab al-Jabr wal-Muqabala" (Cuốn sách về Tóm tắt Tính toán bằng Hoàn thành và Cân bằng), đặt nền móng cho đại số hiện đại. Thuật ngữ "algebra" xuất phát từ từ "al-Jabr" trong tiếng Ả Rập, và từ "algorithm" (thuật toán) cũng bắt nguồn từ tên của ông.
12. Kỹ thuật chưng cất và rượu cồn
(Ảnh: 1001 Inventions)
Nhà hóa học Hồi giáo Jabir ibn Hayyan (Geber) vào thế kỷ VIII đã phát triển kỹ thuật chưng cất, cho phép tách các chất lỏng dựa trên điểm sôi khác nhau. Ông đã chưng cất thành công rượu cồn (ethanol), đặt nền móng cho ngành công nghiệp rượu và nhiều ứng dụng khác trong y học và khoa học.