Trái đất có trở nên quá nóng để con người tồn tại?

Thứ Bảy, 29 Tháng Sáu 20249:00 SA(Xem: 615)
Trái đất có trở nên quá nóng để con người tồn tại?

Để đánh giá nguy cơ từ nắng nóng, các nhà khoa học dựa vào nhiệt độ bầu ướt, tức điểm mà tại đó cơ thể con người không thể hạ nhiệt.

Nhiều nước trải qua thời tiết nắng nóng cực hạn gần đây, nhưng tại phần lớn nơi ở được trên thế giới, nhiệt độ không bao giờ quá nóng để mọi người có thể sinh sống, đặc biệt ở vùng khí hậu tương đối khô. Khi ngoài trời nóng nực ở những nơi khô ráo, hầu hết thời gian cơ thể người có thể hạ nhiệt bằng cách bay hơi nước và nhiệt lượng từ da thông qua mồ hôi. Tuy nhiên, có vài nơi đôi khi nóng ẩm ở mức nguy hiểm, nhất là sa mạc nóng nằm cạnh đại dương ấm. Khi không khí ẩm ướt, mồ hôi không bay hơi nhanh chóng, vì vậy việc toát mồ hôi không giúp làm mát cơ thể như ở môi trường khô hơn, theo Live Science.

 Amritsar, Ấn Độ, là một trong những nơi có nhiệt độ và độ ẩm cao.
Amritsar, Ấn Độ, là một trong những nơi có nhiệt độ và độ ẩm cao. (Ảnh: Hindustan Times)

Tại một số nơi ở Trung Đông, Pakistan và Ấn Độ, sóng nhiệt mùa hè có thể kết hợp với không khí ẩm thổi từ biển. Sự kết hợp này thực sự nguy hiểm. Hàng trăm triệu người sống ở những khu vực đó, đa số không có điều hòa nhiệt độ trong nhà.

Các nhà khoa học sử dụng "nhiệt kế bầu ướt" để giúp hình dung rõ hơn nguy cơ này. Nhiệt kế bầu ướt cho phép nước bay hơi bằng cách thổi không khí trong môi trường xung quanh qua khăn ẩm. Nếu nhiệt độ bầu ướt ở mức trên 35 độ C hoặc thấp hơn, cơ thể người không thể hạ nhiệt đầy đủ. Tiếp xúc thời gian dài với sự kết hợp nhiệt độ và độ ẩm như vậy có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Trong một đợt nắng nóng nghiêm trọng năm 2023, nhiệt độ bầu ướt rất cao ở thung lũng Mississippi, dù chưa đến mức chết người. Ở Delhi, Ấn Độ, nơi nhiệt độ không khí cao hơn 49 độ C trong vài ngày vào tháng 5/2024, nhiệt độ bầu ướt ở mức gần như nguy hiểm. Một số người chết do đột quỵ trong thời tiết nóng ẩm. Trong điều kiện như vậy, mỗi người phải chú ý đề phòng.

Khi con người đốt carbon, dù là than đá ở nhà máy điện hay xăng xe, hoạt động đó đều tạo ra carbon dioxide (CO2). Loại khí vô hình này tích tụ trong khí quyển và giữ lại hơi ấm của Mặt Trời gần bề mặt Trái đất, dẫn tới biến đổi khí hậu. Mỗi lượng than đá, dầu mỏ hay khí tự nhiên bị đốt đều góp phần tăng nhiệt độ. Khi nhiệt độ gia tăng, thời tiết nóng ẩm nguy hiểm bắt đầu lan rộng ra nhiều nơi khác. Các khu vực ở vùng vịnh của Mỹ tại Louisiana và Texas ngày càng có nguy cơ trải qua điều kiện nóng ấm vào mùa hè, do nước tưới tiêu trên những cánh đồng trang trại tăng cường độ ẩm trong không khí.

Biến đổi khí hậu gây ra nhiều vấn đề hơn thời tiết nóng bức. Không khí nóng làm nước bay hơi nhiều hơn, vì vậy hoa màu, rừng rậm và đất đai ở một số vùng khô hạn, dễ xảy ra nguy cơ cháy rừng hơn. Mỗi độ C nhiệt độ tăng lên có thể làm nguy cơ cháy rừng tăng gấp 6 lần ở miền tây nước Mỹ. Hiện tượng ấm lên cũng khiến nước đại dương dâng cao, đe dọa làm ngập khu vực ven biển. Mực nước biển tăng lên có thể làm 2 tỷ người mất chỗ ở vào năm 2100.

Tất cả tác động trên có nghĩa biến đổi khí hậu đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Việc tiếp tục đốt than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên có thể làm thu nhập toàn cầu giảm 25% vào cuối thế kỷ. Tuy nhiên, chúng ta có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời và điện gió. Con người đã đạt những bước tiến lớn trong 15 năm qua để biến năng lượng sạch trở nên rẻ và đáng tin cậy hơn. Hiện nay, hầu như mọi nước trên Trái đất đều đồng ý chung tay ngăn chặn biến đổi khí hậu trước khi quá muộn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo