Trong số những kỹ năng mà người lao động phải có nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, tư duy phản biện được nhiều người đặc biệt lưu ý.
Industry 4.0. Nguồn: vietnamhoinhap |
Thế kỷ 21 đã qua gần hết một phần năm đoạn đường. Thế giới đang tiến đến công nghiệp 4.0, trong đó tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần thay thế một số công việc của con người.
Một loạt kỹ năng cứng từ kiến thức tài chính, kỹ thuật, tiếp thị, ngôn ngữ... cho đến bằng cấp chuyên môn chỉ là những thứ cần có để mô tả, tạo ấn tượng trong hồ sơ cá nhân.
Nếu thiếu kỹ năng mềm, một người khó nắm bắt được cơ hội phát triển sự nghiệp, cũng như thành công trong cuộc sống, đặc biệt là trong môi trường sống đang thay đổi với tốc độ chóng mặt như hiện nay.
Khoảng giữa năm 2018, McKinsey Global Institute đã công bố khảo sát về tương lai của lực lượng lao động, những công việc sử dụng kỹ năng của con người chịu ảnh hưởng bởi tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Trong số những kỹ năng mà người lao động phải có nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, McKinsey đặc biệt lưu ý tư duy phản biện.
Kết quả khảo sát cho thấy các nhà tuyển dụng ngày càng đòi hỏi tư duy phản biện ở người lao động. Nhu cầu này được dự báo sẽ tăng ở tốc độ hai con số đến năm 2030. Đơn cử như ở Mỹ, nhu cầu này sẽ tăng 19% từ nay đến năm 2030, trong khi ở châu Âu là 14%.
Các ông chủ đánh giá cao kỹ năng này ở người lao động trong bối cảnh các mô thức kinh doanh thay đổi quá nhanh, quy định pháp luật liên tục điều chỉnh. Hàm lượng thông tin khổng lồ bao quanh đòi hỏi người tiếp nhận phải có khả năng tư duy nhanh, chính xác, xử lý tốt các vấn đề để không ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Khác với 20 năm trước, tư duy phản biện bây giờ chẳng còn xa lạ ở Việt Nam. Tuy thế, trong môi trường giáo dục hiện nay, học sinh Việt Nam gần như không có cơ hội để luyện tập thói quen tư duy phản biện.
Trên thực tế, tư duy phản biện dường như vẫn còn là khái niệm để bàn luận chứ không phải thực hành trong các chương trình giáo dục - đào tạo, nơi mà học sinh hiếm khi được khuyến khích để thực sự bày tỏ chính kiến, không được nói trái, làm khác với những gì thầy cô hướng dẫn.
Công bằng mà nói, người ta vẫn dẫn chứng sự thay đổi trong việc dạy và học bằng những đề thi được cho là khuyến khích suy nghĩ của bản thân các thí sinh.
Nhưng hình như điều đó chỉ mới là lớp vỏ bên ngoài, còn con đường để học sinh Việt Nam thật sự học và hành với tư duy phản biện có vẻ còn rất xa, vì nó đòi hỏi phải có sự thay đổi tận gốc rễ.
Giá như trong môi trường giáo dục, thầy cô thường tổ chức những buổi thảo luận về đề tài thời sự. Học sinh sẽ học được cách thu thập thông tin, gạn lọc nguồn tin, phân tích vấn đề, đánh giá các quan điểm phát biểu, từ đó nhận ra những giá trị đích thực, phân biệt được đâu là thực, đâu là ảo... Thói quen tư duy phản biện cũng theo đó mà được hình thành.
Nhờ các buổi thảo luận như thế, người tham gia sẽ ít nhiều mở mang kiến thức sang các lĩnh vực khác, học được nhiều hơn ở thế giới xung quanh để chuẩn bị cho hành trang vào đời.
Đó là chuyện trong nhà trường. Còn ở gia đình, cha mẹ dù rất quan tâm chuyện học hành của con, lại ít dành thời gian cùng con trao đổi các vấn đề xảy ra xung quanh cuộc sống hàng ngày. Con không có cơ hội được nói ra hết những suy nghĩ của mình, nhất là khi nó ngược lại ý cha mẹ...
Trong xã hội, chuyện một bộ phận giới trẻ thường chấp nhận thông tin đơn chiều là chỉ dấu cho thấy kết quả của những gì họ học ở trường, ứng xử trong gia đình và quan sát cuộc sống chung quanh.
Tóm lại, khó nhận thấy chỗ đứng của tư duy phản biện ở họ khi vào đời. Chừng nào ta chưa biết tư duy lại tư duy, chừng đó vẫn còn bị "cầm tù" trong chính suy nghĩ một chiều của mình.
Mỗi người, dưới sự ảnh hưởng bởi nền giáo dục, nguồn gốc xuất thân, nền tảng văn hóa, kiến thức và cả kinh nghiệm bản thân, sẽ làm “khúc xạ” các luồng “ánh sáng” thông tin chiếu tới.
Vậy nên, sẽ càng nguy hại nếu ta dùng sự hiểu biết và trải nghiệm bản thân như một tấm khiên để che chắn việc tiếp nhận và phân tích những luồng thông tin đa chiều khác.
Thật ra, tư duy phản biện chỉ là một trong số những kỹ năng cần có khác - kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng thấu cảm, cũng như khả năng thích ứng, tự phục hồi nhanh - mà người lao động, nhất là các bạn trẻ cần trau dồi và rèn luyện để chuẩn bị cho tương lai của mình.
Đó là những kỹ năng mà khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh ít được hướng dẫn nhưng lại cần phải có trong hành trang vào đời.
Thục Đoan