CEO Summit: Nỗi lo robot thay thế việc làm của con người

Thứ Hai, 13 Tháng Mười Một 20175:00 CH(Xem: 7425)
CEO Summit: Nỗi lo robot thay thế việc làm của con người

Cuộc cách mạng công nghệ đem lại những lợi ích to lớn, nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với nguồn lao động trong tương lai. Liệu robot có thay hết việc làm của con người?

CEO Summit: Nỗi lo robot thay thế việc làm của con người

Những vấn đề này đã được thảo luận tại CEO Summit trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ở Đà Nẵng.

Ông Masamichi Kono – Tổng Thư ký thường trực OECD – bày tỏ quan ngại về sự tiến bộ nhanh chóng của các phát minh công nghệ và tự động hóa sẽ mang lại những thách thức lớn cho người lao động, thay thế một số việc làm, đặc biệt là các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp.

Đại diện Tập đoàn TSB – Chủ tịch Nguyễn Đức Thuấn – chia sẻ quan điểm này. Ông nhận xét, ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm thời trang mà ông đang hoạt động là một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất của công nghệ tự động hóa.

Tuy nhiên, các diễn giả chia sẻ niềm tin lạc quan rằng nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra thay vì thất nghiệp gia tăng. Chủ tịch của JPMorgan Châu Á Thái Bình Dương – ông Nicolas Aguzin – lấy ví dụ: Việc sử dụng máy rút tiền tự động (ATM) trong ngành ngân hàng đã làm giảm số lượng công việc thu ngân song lại tạo ra rất nhiều công việc khác trong ngành này.

Các đại biểu cũng thảo luận dưới nhiều lăng kính khác nhau về các giải pháp xử lý mối quan hệ giữa tự động hóa và bảo đảm việc làm trên toàn cầu. Các đại biểu cho rằng, trước hết, đào tạo và giáo dục cần phản ánh nhu cầu của nền kinh tế.

Thứ hai, các chính phủ cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội cho người thất nghiệp.

Cuối cùng, cần khuyến khích các doanh nghiệp cải cách để bảo vệ người lao động trước sự phát triển mạnh mẽ của quá trình tự động hóa.

Tiến sĩ Aran Maree – Giám đốc Y tế Johnson & Johnson Global – khẳng định, nếu doanh nghiệp và chính phủ đầu tư vào sức khỏe thể chất và tâm lí của người lao động thì lợi tức đầu tư sẽ là tuyệt đối.

Ông Maree cũng cho rằng, quá nhiều tài nguyên sức khỏe cộng đồng đã bị lãng phí vào việc “chữa bệnh” thay vì “phòng bệnh”, dù nguồn tài nguyên này rất khan hiếm. Ông kêu gọi phổ cập giáo dục cho trẻ em về khoa học dinh dưỡng, cùng các giải pháp khả thi khác.

Theo Lao Động

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn